Ngày nay khi sắm hoa đào chơi Tết, hầu như chúng ta chỉ quan tâm tới thế của cây. Nào là tam đa, ngũ phúc hay long giáng, bạt phong đầu hồi v.v… Kỳ thực người xưa trưng Đào ngày Tết còn có nhiều ẩn ý sâu xa. Cây Đào có khả năng trừ khử âm khí, sinh dương khí rất tốt. Không những vậy, mà bộ phận nào cũng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Vậy nên, người Á Đông hay trồng cây Đào trước nhà. Họ cho rằng cành đào có khả năng trừ ma quỷ và những thứ khí độc, mang tới sinh khí và may mắn cho gia đình. Cũng chính vì tính chất khu trừ tà khí và sinh ra dương khí, nên hạt đào được xem là một vị thuốc tốt chính trong bài thuốc “Phục Tà Khu Tán (隐邪驅散), có tác dụng trừ khử khí độc ẩn phục bên trong thân thể gây ra bệnh trúng phong (Tai biến mạch máu não), xoay xẩm (chóng mặt), đau tê, ngứa thũng, vv.
Vì vậy, ngày Tết rất nên có cành đào trong nhà, đem lại sinh khí và những điều tốt lành cho một năm. Sau khi sử dụng cành đào xong, có thể trồng ngay trước nhà. Nếu cây lên tươi tốt, chứng tỏ nhà có nhiều khí tốt. Nếu nó èo ọt chết đi, e rằng nên có chút cải tạo môi trường để có được trường khí tốt hơn. Có thể nhà cửa đang mang quá nhiều âm khí, không tốt cho sức khỏe và tài lộc. Cũng có thể cơ thể con người đang phát ra năng lượng tiêu cực, cần thay đổi lối sống, suy nghĩ để thu hút những điều tốt lành tới.
Đào nhân: Thuốc phòng và trị đột quỵ
Nói về phương diện công dụng dưỡng sinh trị bệnh, người xưa thấy toàn bộ cây Đào, đâu đâu cũng là vị thuốc.
Vị thuốc Đào nhân là nhân hạt chín già khô của cây Đào, có vị đắng ngọt, tính bình; vào kinh Tâm và Can. Đào nhân có tác dụng hoạt huyết trừ ứ, nhuận tràng thông tiện. Chữa đau kinh, kinh bế, đau bụng sau sinh, trưng hà tích tụ, chấn thương ngã đau, phế ung, trường ung, đại tiện táo bón…
Nhiều thầy thuốc dùng đào nhân làm vị chính trong bài thuốc Phục Tà Khu Tán, công hiệu rất tốt đối với các trường hợp tai biến mạch máu não – một chứng bệnh đang ngày càng phổ biến.
Có người hỏi, Phục tà Khu tán nghĩa là gì? Theo lương y Trần Phước, chữ Phục Tà có nghĩa là Tà Khí Ẩn phục. Ẩn phục nghĩa là nấp kín và chờ đợi. Đây là Khí, chẳng phải không khí hay vật chất thông thường.
Trong tự nhiên cũng như thân thể người, có hai thành phần chính gọi là Khí và Chất. Khí là loại năng lượng có thể cảm thụ được, cũng có thể quan sát được bằng phương tiện truy vết, nhưng có tính chất nhanh, mạnh. Tuy là năng lượng, mà lại có thể tác động tới vật chất dễ dàng. Ví như nam châm có thể hút được sắt vậy. Như từ trường của trái đất, dù có thể dùng kim chỉ nam để xác định hướng, mà để nhìn thấy nó thì không thấy, và nếu chỉ thiếu đi một chút, lệch đi một chút, nhiều hơn một chút thì toàn bộ vật chất trên trái đất sẽ bị ảnh hưởng. Cái gọi là Khí của con người cũng như thế.
Nếu có thứ khí độc được thêm vào thì sẽ là điều kiện để những vật chất độc hại được hấp thu, lưu giữ, lưu hành trong thân thể. Nó có tính tương ứng như vậy. Như phong khí thì tự hấp dẫn, hút lại và lưu hành các chất độc hại gây ngộ độc, choáng váng, co giật…
Thấp khí tự hấp dẫn, giữ lại và lưu hành chất nhờn nhớt, uế trọc, bế tắc, ủng trệ, sinh ra phù thũng, vv. Hàn Khí tự hấp dẫn, giữ lại và lưu hành chất gây lạnh, làm đau, cứng. Nhiệt khí tự hấp dẫn, lưu giữ và lưu hành chất và vi sinh vật gây ra viêm, nóng, sưng, tấy…. Nếu như đang viêm nhiễm, sưng tấy, mà biết khử trừ loại tà khí nhiệt tà thì tự nhiên các loại vi khuẩn, hay chất gây ung thối, viêm nhiễm đó sẽ mất điều kiện tồn tại, sẽ bị đào thải khỏi thân thể. Đây là lý do giải thích vì sao châm cứu có thể trị được bệnh viêm nhiễm.
Thuốc Phục Tà Khu Tán dùng đắp vào huyệt Dũng Tuyền, là huyệt sâu nhất của thân thể, là huyệt cực âm, giúp loại bỏ bớt những rủi ro, nỗi lo về đột quỵ. Ngoài ra thuốc có thể giải quyết nhiều loại bệnh khác như đau đầu, hôi chân, đau vai gáy, đau khớp nữa.
Hoa đào: Bổ thận, dưỡng nhan
Nếu như ở Trung Quốc, quả đào là bộ phận được chú ý nhiều nhất thì ở nước ta, hoa đào lại được biết đến nhiều hơn.
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS.Đỗ Tất Lợi, hoa đào có tính tẩy và có tác dụng làm thông tiểu tiện, nên được dùng điều trị phù thũng, bí đại tiện.
Hoa đào phơi khô, ngày dùng từ 3 – 5g, hãm trà hoặc nấu lấy nước uống trong ngày. Lưu ý rằng hoa đào sau khi phơi xong thì chỉ dùng trong thời hạn 1 năm, để lâu thì hoa sẽ mất tác dụng.
Nhiều sách thuốc cổ như Thiên kim phương, Ngoại đài, Thánh tễ tổng lục, Thánh huệ phương… nói: Hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc, vào 3 đường kinh tâm, can và vị, có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa chứng rụng tóc, hói đầu. Người ta dùng bột hoa đào trộn với dầu vừng rồi bôi lên nơi tổn thương.
Vậy còn các bộ phận khác của cây đào thì sao?
Lá đào: Trong dân gian, lá đào tươi vò nát, thêm nước để tắm cho khỏi lên rôm sẩy trong mùa hè.
Rễ đào: Rễ đào rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống, giúp trị chứng vàng da, chảy máu cam, nôn ra máu, kinh nguyệt không thông hoặc rễ đào, rễ ngưu bàng, mã tiền thảo, mỗi vị 6g; ngưu tất 12g. Sắc uống. Ngày một thang, dùng trước bữa ăn.
(Lưu ý: Quý vị nên tham vấn thầy thuốc khi có vấn đề sức khỏe.)
Cây Đào: Biểu tượng trường sinh, tinh hoa trong ngũ hành
Hoa đào không chỉ là sắc hoa để tô điểm cho không khí ngày Xuân Tết, mà phía sau sắc hương của hoa là tầng tầng ý nghĩa được gửi gắm từ bao đời nay.
Chính sắc độ nhẹ nhàng, tươi thắm của hoa đào đã được xem như tinh hoa ngũ hành, có thể xua đuổi bách quỷ, điều không may và mang lại cho mọi nhà một năm mới an yên, hạnh phúc. Sự tinh tế và cùng sự sinh sôi, khoe sắc cho một năm mới thổi thêm hy vọng về một cuộc sống tốt lành, sẽ gặp được may mắn, mở ra một chặng đường đầy thuận lợi.
Sắc hồng được xem là màu sắc may mắn, luôn mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp, mang đến những điều thịnh vượng, hạnh phúc, sự an yên, ấm áp trong một năm mới.
Hoa đào còn gợi người ta nhớ tới tình nghĩa gắn kết và chung thủy bởi Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi trong vườn đào đã cùng kết nghĩa huynh đệ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, để rồi chữ NGHĨA của họ được lưu truyền cho muôn đời sau.
Lương y Trần Phước – Cao Phong
Nguồn: ETViet