Melatonin là một loại hormone sản sinh ra ở tuyến tùng khi cơ thể phản ứng với điều kiện thiếu sáng. Nó giúp xác định thời gian nhịp sinh học của con người (sinh học trong 24 giờ) và giúp điều hòa giấc ngủ. Tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể ngăn cơ thể tự tổng hợp melatonin.
Tác dụng của Melatonin
Melatonin thường được chỉ định để điều trị rối loạn giấc ngủ, nhưng không giống như các loại thuốc ngủ khác, người sử dụng sẽ không bị lệ thuộc vào melatonin.
Bổ sung melatonin đúng liều lượng có thể cải thiện một số trạng thái, như mệt mỏi do thay đổi múi giờ, rối loạn giai đoạn ngủ-thức, cải thiện chất lượng giấc ngủ và làm giảm sự lo lắng trước và sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên melatonin không phải là thuốc ngủ.
Một nghiên cứu cho thấy rằng ngoài tác động đến giấc ngủ, melatonin đóng những vai trò quan trọng khác trong cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu về tác dụng của melatonin hiện vẫn còn hạn chế.
Thực phẩm chức năng melatonin có thể được làm từ động vật hoặc vi sinh vật, nhưng hầu hết chúng thường được sản xuất tổng hợp. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sản phẩm melatonin, trong đó chia thành 2 dạng là dạng viên và dạng nước. Dưới đây là thông tin bổ sung về việc sử dụng sản phẩm melatonin.
Melatonin có hữu ích để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh Covid-19 không?
Nghiên cứu hiện tại về tác động của melatonin đối với COVID-19 mới chỉ ở giai đoạn đầu. Một số thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (nghiên cứu đánh giá melatonin ở người) đang được tiến hành. Tại thời điểm này, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về việc liệu melatonin có hữu ích cho việc điều trị COVID-19 hay không.
Melatonin có giúp điều trị các triệu chứng ung thư không?
Các nghiên cứu về tác dụng và tác dụng phụ của melatonin đối với bệnh nhân ung thư hiện còn giới hạn và cho kết quả khác nhau.
Không nên sử dụng các sản phẩm chưa được kiểm chứng để thay thế hoặc trì hoãn việc điều trị y tế thông thường đối với bệnh ung thư. Thêm vào đó, một số sản phẩm có thể gây trở ngại cho các phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn hoặc dẫn đến những rủi ro đặc biệt đối với người đã được chẩn đoán ung thư.
Trước khi sử dụng bất kỳ liệu pháp bổ sung nào, bao gồm melatonin, bệnh nhân ung thư nên trao đổi với các bên có chuyên môn để đảm bảo rằng tất cả đều phối hợp cùng nhau một cách tốt nhất.
Melatonin có thể giúp chữa mất ngủ?
Những người mắc chứng mất ngủ thường khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc cả hai. Khi các triệu chứng kéo dài một tháng hoặc lâu hơn, nó được gọi là chứng mất ngủ mãn tính.
Theo hướng dẫn của Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (2017) và Đại học Y khoa Hoa Kỳ (2016), không có đủ bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả hoặc độ an toàn của melatonin đối với chứng mất ngủ mãn tính để khuyến nghị sử dụng.
Có nên sử dụng melatonin cho nhân viên làm ca không?
Làm việc theo ca liên quan đến ca đêm có thể khiến mọi người cảm thấy buồn ngủ khi làm việc và khó ngủ vào ban ngày sau khi kết thúc ca làm.
Theo nhiều nghiên cứu, việc bổ sung melatonin giúp những người làm việc theo ca không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí không mang lại kết quả khả quan.
Sử dụng melatonin có an toàn?
Sử dụng bổ sung melatonin trong thời gian ngắn dường như an toàn cho hầu hết mọi người. (Ảnh minh họa: Pixabay)
Đối với thực phẩm bổ sung melatonin, đặc biệt là ở liều cao, nói chung hiện vẫn chưa có đủ thông tin về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Bổ sung melatonin trong thời gian ngắn được xem là an toàn, tuy nhiên về lâu dài, vẫn chưa có đầy đủ thông tin về tính an toàn của nó.
Theo trang WebMD, một trong những trang thông tin sức khỏe hàng đầu tại Mỹ, melatonin có thể được sử dụng với liều 8 mg hàng ngày trong vòng 6 tháng.
Tác dụng phụ của Melatonin
Một số tác dụng phụ nhẹ và phổ biến nhất của melatonin đã được báo cáo trong các nghiên cứu bao gồm: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ.
Ngoài ra còn một số tác dụng phụ ít phổ biến, bao gồm run nhẹ, trầm cảm, hạ huyết áp, mất phương hướng.
Quang Minh
Theo The Epoch Times
Nguồn: NTDVN