Tại sao hai người tốt lại không có hôn nhân tốt đẹp? Có lẽ vấn đề này khiến nhiều người khó lý giải. Vậy điều gì duy trì hôn nhân? Điều gì khiến hôn nhân không hạnh phúc, thậm chí đổ vỡ?
Mẹ và cha
Mẹ tôi là một người rất tốt, từ nhỏ tôi đã thấy bà nỗ lực gìn giữ gia đình như thế nào.
Bà dậy từ sáng sớm, nấu một nồi cháo nóng hổi đem cho cha tôi ăn. Bởi vì cha tôi có bệnh dạ dày nên bữa sáng chỉ ăn được cháo. Mẹ còn nấu một nồi cơm cho các con ăn, vì các con đang tuổi phát triển, cần ăn cơm, thì cả ngày đi học mới không bị đói.
Buổi chiều, mẹ luôn khom lưng cọ rửa xoong nồi. Những chiếc nồi nhà chúng tôi, cái nào cái ấy đều sáng choang có thể soi gương được, hoàn toàn không có vết bẩn nào.
Buổi tối, mẹ nỗ lực ngồi xổm lau sàn nhà, từng ly từng tí một. Sàn nhà tôi còn sạch hơn cả đầu giường nhà khác, đi trân trần cũng không bám một hạt bụi nào.
Mỗi tuần, mẹ đều đem giường chiếu ra phơi nắng, khiến giường chiếu luôn thơm mùi nắng.
Mẹ tôi là một phụ nữ cần cù và nghiêm túc. Nhưng trong mắt cha tôi, mẹ không giống như một người bạn đời. Trong quá trình tôi trưởng thành, cha tôi đã mấy lần bày tỏ sự cô đơn trong hôn nhân, không được mẹ thấu hiểu.
Cha tôi là một người đàn ông có trách nhiệm, ông không hút thuốc, không uống rượu, làm việc nghiêm túc, cẩn thận, hằng ngày đi làm và trở về đúng giờ. Nghỉ hè, cha còn đặt thời khóa biểu hè cho chúng tôi, sắp xếp thời gian học hành, lao động và nghỉ ngơi. Ông là người cha làm hết chức trách của mình, đôn đốc con cái học tập.
Cha thích chơi cờ, viết thư pháp, đắm chìm trong thế giới của thư tịch cổ.
Cha tôi là người đàn ông tốt, nhưng cha cũng không phải là người bạn đời tốt. Trong quá trình tôi trưởng thành, tôi thường thấy mẹ thu mình ở góc sân, len lén khóc thầm.
Cha dùng lời nói, mẹ dùng hành động, đều bày tỏ sự không vui trong hôn nhân.
Trong quá trình trưởng thành, tôi thấy sự bất lực của cha mẹ trong hôn nhân. Tôi cũng thấy, và cảm nhận được họ là người đàn ông, là người phụ nữ tốt như thế này, họ xứng đáng có một cuộc hôn nhân tốt đẹp.
Đáng tiếc là, trong những tháng ngày cha tại thế, cuộc sống hôn nhân của cha mẹ đều trải qua trong trắc trở, và tôi cũng trưởng thành trong sự nghi hoặc khó hiểu.
Tôi tử hỏi: “Hai người tốt, tại sao không có hôn nhân tốt đẹp?”
Sau khi trưởng thành, tôi bước vào hôn nhân, dần dần hiểu được câu trả lời cho câu hỏi này.
Tôi và chồng
Thời kỳ đầu hôn nhân, tôi giống y như mẹ tôi, nỗ lực chăm lo việc nhà, nỗ lực cọ rửa xoong nồi, dao thớt, nghiêm túc dốc hết sức cho cuộc hôn nhân của mình.
Thật lạ là, tôi không vui vẻ. Nhìn chồng tôi, dường như cũng không vui vẻ.
Trong tâm tôi thầm nghĩ, có lẽ là sàn nhà chưa đủ sạch, các món ăn chưa đủ ngon… Thế là, tôi lại càng cố gắng lau sàn nhà, dụng tâm làm cơm… Nhưng chúng tôi vẫn không hạnh phúc.
Một hôm, tôi đang bận rộn lau sàn nhà thì chồng tôi nói: “Em à, đến đây nghe nhạc cùng anh”.
Tôi nói không vui: “Không thấy còn quá nửa sàn nhà chưa lau đó sao?”
Câu nói này vừa thốt ra, tôi ngây người ra. Một câu nói quá đỗi quen thuộc. Trong cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi, mẹ cũng thường xuyên nói với cha câu này.
Tôi đang lặp lại cuộc hôn nhân của cha mẹ, cũng đang lặp lại sự không hạnh phúc trong hôn nhân của cha mẹ. Một số lĩnh ngộ đột nhiên xuất hiện trong đầu tôi, tôi nghĩ đến cha, ông luôn cảm thấy không có được người bầu bạn mà ông mong muốn trong hôn nhân. Thời gian mẹ cọ rửa nồi niêu xoong chảo nhiều hơn thời gian bầu bạn với cha rất nhiều. Không ngơi tay làm việc nhà là cách mà mẹ tôi gìn giữ hôn nhân. Mẹ đem lại một ngôi nhà sạch tinh cho cha, nhưng lại không bầu bạn cùng cha. Mẹ bận rộn việc nhà cả ngày, mẹ dùng phương pháp của mẹ để yêu thương cha, phương pháp đó là làm việc nhà.
Còn tôi, tôi cũng đang dùng phương pháp của tôi để yêu thương chồng tôi, phương pháp của tôi cũng chính là phương pháp của mẹ tôi, hôn nhân của tôi dường như cũng đã đi theo hướng “hai người tốt nhưng lại không có hôn nhân tốt đẹp”.
Lĩnh ngộ của tôi khiến tôi đưa ra một sự lựa chọn khác thường: Tôi dùng tay làm việc, ngồi xuống bên chồng, cùng anh nghe nhạc. Nhìn mảnh vải lau sàn nằm xa xa trên sàn nhà, dường như tôi đang nhìn vận mệnh của mẹ tôi.
Tôi nhẹ nhàng hỏi chồng: “Anh cần thứ gì?”
Chồng tôi nói: “Anh muốn em cùng anh nghe nhạc, nhà bẩn một chút cũng không vấn đề. Sau này anh sẽ thuê người giúp việc để giúp đỡ em, em có thể ở bên anh nhiều hơn”.
Tôi nói tiếp: “Em cứ nghĩ anh cần nhà sạch sẽ, có người cơm nước cho anh, có người giặt giũ cho anh…”
Chồng tôi nói: “Đó đều là thứ yếu. Anh muốn em ở bên anh”.
Những lời này của anh khiến tôi giật mình, thì ra mình đã làm bao nhiêu việc vô ích.
Thấu hiểu và thay đổi
Chúng tôi tiếp tục chia sẻ những nhu cầu của nhau, và phát hiện ra rằng, anh cũng đã làm rất nhiều việc vô ích. Chúng tôi đều dùng phương thức của mình để yêu thương người kia, mà không phải là phương thức mà người kia mong muốn.
Từ đó trở đi, tôi lập một bảng liệt kê những nhu cầu của chồng, đặt trước bàn. Chồng tôi cũng làm một bảng các nhu cầu của tôi, để trước bàn của anh. Hơn chục nhu cầu, như rảnh rỗi cùng anh nghe nhạc, có cơ hội thì ôm nhau, buổi sáng trước khi đi làm thì hôn tạm biệt…
Có những mục rất dễ làm, có những mục khá khó, như “nghe anh nói, không cần đề xuất nên làm gì”. Đó là nhu cầu của chồng. Nếu tôi đề xuất nên làm gì với chồng, anh sẽ cảm thấy mình ngốc nghếch. Tôi nghĩ, đây là vấn đề thể diện của đàn ông.
Đây quả thực là một con đường không dễ học đối với tôi, nhưng lại nhẹ nhàng hơn lau sàn nhà rất nhiều. Trong khi các nhu cầu của chúng tôi được thỏa mãn, hôn nhân cũng càng ngày càng tràn đầy sức sống.
Khi tôi mệt, tôi bèn lựa chọn những mục dễ làm, như “mở một bản nhạc thư giãn”. Khi không mệt, tôi liền lập kế hoạch cho những việc như “đi du lịch xa một lần”.
Thú vị là, “đến vườn bách thảo dạo chơi” là mục chung, nhu cầu chung của hai chúng tôi. Mỗi khi hôn nhân có tranh cãi, chúng tôi đi đến vườn bách thảo, và luôn thấy tâm hồn được an ủi.
Thực ra điều này nghĩ là có thể thấy được, chúng tôi vốn yêu thích vườn cây mà biết nhau và yêu nhau, rồi đến với hôn nhân. Trở lại vườn cây là trở lại với tâm tình yêu thương nhau bao nhiêu năm trước.
Hãy làm những điều mà người kia cần chứ không phải là mình muốn trao
Hỏi người kia: “Anh/ em cần thứ gì?”
Câu hỏi này mở ra một con đường hạnh phúc khác của hôn nhân, cuối cùng, hai người tốt cùng bước lên một con đường hạnh phúc.
Hiện nay, tôi cũng đã biết hôn nhân của cha mẹ tôi tại sao không thể nào có được hạnh phúc. Họ đều khăng khăng nắm giữ phương thức của mình để yêu thương người kia, mà không phải dùng phương thức của người kia để yêu thương một nửa của mình.
Như vậy khiến bản thân mệt muốn chết mà người kia vẫn không cảm nhận được. Cuối cùng, trước kỳ vọng về hôn nhân, cả hai dần tâm ý nguội lạnh như tro tàn.
Chỉ cần phương pháp sử dụng đúng, thì mỗi người đều sẽ có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Hãy làm những thứ mà người kia cần chứ đừng làm những thứ mà mình muốn trao đi. Hôn nhân mỹ mãn không phải là điều gì quá xa vời không với tới được.
Thanh Hà
Theo Visiontimes
Nguồn: NTDVN