Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)
LOS ANGELES, California (NV) – Trên mặt trận truyền thông, Trung Quốc thành công trong việc tận dụng tối đa kẽ hở quyền “Tự Do Ngôn Luận” để xâm nhập vào Mỹ và các quốc gia dân chủ phương Tây. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hoàn toàn bất tương xứng, theo trang tin The Hill.
Với một lý do đơn giản mà ai cũng biết, đó là không hề có khái niệm “Tự Do Ngôn Luận” ở đất nước hơn 1.3 tỷ người này và hệ thống truyền thông ở Trung Quốc hoàn toàn do đảng Cộng Sản kiểm soát.
Đầu tư toàn cầu, tuyên truyền, kiểm soát thông tin có lợi cho đảng Cộng Sản
“Bất cứ nơi nào có độc giả, có khán giả, thính giả, các cơ quan truyền thông phải vươn vòi mở rộng tuyên truyền tới đó,” huấn lệnh của ông Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng Sản và chủ tịch Trung Quốc, được đưa ra tại một hội nghị truyền thông nhà nước cách đây vài năm.
Đáp ứng đúng chỉ thị, China Radio International (CRI), đài phát thanh nhà nước Trung Quốc duy nhất, kiểm soát ít nhất 33 đài phát thanh ở 14 quốc gia, bao gồm cả đài WCRW, hoạt động ở Washington, DC và Baltimore, phát tin tức có lợi cho Bắc Kinh qua các phương tiện truyền thông khác nhau như radio và trực tuyến online, theo điều tra của Reuters.
Các đài này chủ yếu phát nội dung từ CRI hoặc các công ty truyền thông mà CRI kiểm soát ở Mỹ, Úc và Châu Âu tạo ra hoặc cung cấp.
Những Hoa kiều, là đối tác ở nước sở tại của CRI, điều hành công ty và trong một số trường hợp, họ có sở hữu cổ phần nhà đài địa phương.
Mạng lưới truyền thanh này của CRI kết nối từ Phần Lan qua Nepal đến Úc, và tại nước Mỹ từ Philadelphia ở miền Đông đến San Francisco, miền Tây.
Bắc Kinh giữ lợi ích tài chính trực tiếp đối với các chương trình phát sóng của đài WCRW tại Washington, DC.
Theo hồ sơ các công ty ở Mỹ và Trung Quốc cho thấy một công ty con của CRI, có trụ sở tại Bắc Kinh, sở hữu 60% cổ phần của một công ty quốc tịch Mỹ, thuê gần như toàn bộ thời lượng phát sóng của đài WCRW.
Trong báo cáo công bố năm 2019, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders, viết tắt RSF) cho biết Bắc Kinh đầu tư mỗi năm $1.3 tỷ vào hệ thống truyền thông trên toàn thế giới. Với nguồn vốn to lớn này, các đài truyền hình và truyền thanh nhà nước càng lúc càng mở rộng ảnh hưởng tại nhiều quốc gia khắp năm châu.
Hệ thống China Global Television Network phát hình trên 140 quốc gia và China Radio International phát sóng trên 65 ngôn ngữ khác nhau, theo RSF.
Bắc Kinh luồn lách kẻ hở luật pháp Mỹ
Luật về truyền thông ở Mỹ do Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang (FCC) kiểm soát nghiêm cấm các chính phủ ngoại quốc hoặc đại diện có giấy phép phát sóng cho một đài truyền thông ở Mỹ.
Trang tin The Hill trích dẫn Đạo Luật Truyền Thông (Communication Act) cho thấy các cá nhân, chính phủ và công ty ngoại quốc được phép trực tiếp nắm giữ quyền sở hữu tối đa 20% đối với một đài và tối đa 25% trong công ty mẹ của một đài ở phát sóng ở Mỹ.
Đài phát thanh nhà nước CRI của Trung Quốc không nắm giữ cổ phần tại các đài ở Mỹ, nhưng lại có đa số cổ phần qua một công ty con thuê hầu hết các giờ phát sóng tại Washington DC và Philadelphia của WCRW.
Luật pháp Mỹ cũng đòi hỏi bất kỳ ai đại diện cho một chính phủ ngoại quốc để làm những việc có tác động đến chính sách hoặc dư luận Mỹ phải trình báo với Bộ Tư Pháp.
Reuters khám phá từ dữ liệu công khai cho thấy rằng đối tác kinh doanh người Mỹ gốc Hoa của CRI và các công ty của họ chưa trình báo để làm đại diện cho ngoại quốc theo luật, được gọi là Đạo Luật Trình Báo Đại Diện Ngoại Quốc (Foreign Agents Registration Act, viết tắt FARA).
Ông Reed Hundt, cựu chủ tịch FCC, nói với phóng viên Reuters rằng: “Nếu có những cáo buộc được đưa ra về quyền sở hữu ‘trên thực tế’ của chính phủ Bắc Kinh đối với các đài phát thanh, thì tôi chắc chắn rằng FCC sẽ điều tra nội vụ.”
Trên thực tế, giới chức tại FCC cho biết có quá nhiều đơn xin cấp giấy phép phát sóng đến mức cơ quan chỉ điều tra nếu có khiếu nại hay tố cáo mà thôi.
Những người quen thuộc với vấn đề cho biết không có khiếu nại hay tố cáo nào về sự hậu thuẫn của đài phát thanh nhà nước Trung Quốc, CRI, gửi cho FCC trong thời gian qua.
Công thức “núp bóng” người Mỹ gốc Hoa của Bắc Kinh
Qua điều tra hồ sơ của các công ty ở từng quốc gia, Reuters khám phá ra rằng trên toàn thế giới những người đại diện của CRI sử dụng cùng một cấu trúc kinh doanh.
Có ba doanh nhân gốc Trung Quốc nhưng có quốc tịch ngoại quốc, đều thành lập một công ty truyền thông tại Hoa Lục, ba công ty này đều do một tập đoàn có trụ sở tại Bắc Kinh là Guoguang Century Media Consultancy sở hữu 60%.
Theo hồ sơ công ty ở Trung Quốc, công ty Guoguang lại thuộc sở hữu hoàn toàn của một công ty con của đài phát thanh CRI.
Ba công ty của các doanh nhân “ngoại quốc” gốc Trung Quốc trải dài trên toàn cầu, gồm.
-Tại Châu Âu, công GBTimes trụ sở ở Tampere, Phần Lan, có cổ phần sở hữu hoặc cung cấp nội dung cho ít nhất chín đài, theo các cuộc phỏng vấn và kiểm tra hồ sơ công ty.
-Tại Châu Á-Thái Bình Dương, Global CAMG Media Group trụ sở ở Melbourne, Úc, có cổ phần sở hữu hoặc cung cấp chương trình cho ít nhất tám đài, theo hồ sơ của công ty.
-Và ở Bắc Mỹ, G&E Studio Inc, gần Los Angeles, California, phát nội dung gần như toàn thời gian trên ít nhất 15 đài của Hoa Kỳ. Một đài ở Vancouver cũng phát nội dung G&E. Ngoài việc phân phối chương trình CRI, G&E còn sản xuất và phân phối các chương trình gốc thân thiện với Bắc Kinh từ các chi nhánh ở California.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters nhiều năm trước đây, ông James Su, chủ tịch và giám đốc điều hành G&E, xác nhận rằng công ty con của CRI là Guoguang Century Media nắm giữ phần lớn cổ phần trong công ty G&E và có hợp đồng với đài truyền hình Trung Quốc.
Ông Su từ chối trả lời một số câu hỏi của phóng viên nại lý do ràng buộc bởi các điều khoản trong hợp đồng, tuy nhiên, ông Su nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ.
“G&E không sở hữu các đài mà cho thuê thời lượng phát sóng của các đài đó,” Giám Đốc Su so sánh: “G&E giống như một công ty quản lý chung cư.”
“Tôi là một doanh nhân, không phải là một đại diện cho Trung Quốc. Khán giả ở Mỹ của chúng tôi và người dân Mỹ đều có quyền lựa chọn, nghe hoặc không nghe chương trình của G&E,” ông Su nhấn mạnh. “Tôi nghĩ đây là một giá trị của người Mỹ.”
Còn ông Zhao Yinong, tổng giám đốc GBTimes, người đứng đầu chi nhánh Châu Âu, xác nhận rằng ông nhận được vài triệu euro mỗi năm từ CRI và trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh. Ông Zhao cho biết “không quan tâm đến việc tạo ra một hình ảnh Trung Quốc ‘giả tạo’ vì “không có gì phải che giấu.”
Mỹ cần đặt điều kiện đòi “mở cửa truyền thông” với Trung Quốc
Trong khi Trung Quốc tận dụng tối đa các cơ hội của thị trường tự do và các công ty Trung Quốc mua lại các phương tiện truyền thông của Mỹ, các công ty ngoại quốc lại bị từ chối hoạt động theo phương thức tương tự ở Hoa Lục.
Các cơ quan nhà nước hoàn toàn kiểm soát và khóa chặt truyền thông Trung Quốc, hầu như không để cơ hội nào cho một thực thể ngoại quốc nào được quyền sở hữu và tham gia lãnh vực truyền thông tại Hoa Lục.
Sự bất bình đẳng giữa hai hệ thống như nêu trên, đặt trước mắt các nhà lãnh đạo Mỹ một thách thức là phải đặt điều kiện tương ứng cho đôi bên. Đó là, nếu Trung Quốc không mở cửa hoạt động truyền thông để cho các công ty ngoại quốc được đầu tư và sở hữu, thì các công ty của họ phải rút cổ phần tại Mỹ.