Ông Jay Inslee, thống đốc tiểu bang Washington, kêu gọi các nhà lập pháp thông qua một dự luật cho phép kết tội những viên chức bầu cử hoặc ứng cử viên cố tình nói dối về kết quả bầu cử và dẫn đến bạo động, theo AP hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Giêng.
Ông Inslee đề nghị dự luật này từ hồi đầu tháng, đưa ví dụ là cuộc tấn công ngày 6 Tháng Giêng, 2021 vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ.
Ông Inslee phát biểu với Thượng Viện và Ủy Ban Bầu Cử Washington: “Lời nói dối rằng chúng ta không thể tin tưởng kết quả bỏ phiếu đã trở thành một võ khí. Võ khí này được dùng để chống lại người Mỹ, bao gồm tiểu bang của chúng ta, và nó sẽ lại kích động bạo lực.”
Theo dự luật này, việc cố tình nói dối về kết quả bầu cử dẫn đến bạo lực được xem là tội nhẹ, phạt tù tối đa một năm và phạt tiền $5,000. Ngoài bị xử phạt, các viên chức bầu cử còn bị cách chức.
Bên cạnh nói dối về kết quả dẫn đến bạo lực, dự luật còn cấm những hành động tuyên bố trúng cử vào những vị trí mà bản thân không thắng cử và những tuyên bố sai lệch làm ảnh hưởng quá trình hoặc kết quả bầu cử.
Những người phản đối cho rằng dự luật không hợp hiến. Tuy nhiên ông Inslee tuyên bố phụ tá của ông từng làm việc với các chuyên gia pháp lý khi chuẩn bị dự luật, giúp dự luật không trái với quyền tự do ngôn luận theo Tu Chính Án Thứ Nhất.
Thượng Nghị Sĩ David Frockt (Dân Chủ – Địa Hạt 46), người bảo trợ dự luật, nói rằng dự luật phù hợp với những luật lệ chính, bao gồm tiêu chuẩn được Tối Cao Pháp Viện Mỹ đưa ra năm 1969, trong đó quy định chính quyền có thể ngăn chặn các lời nói được đưa ra nhằm hành động phi pháp hoặc có nguy cơ phi pháp.
Bà Catherine J. Ross, giáo sư luật hiến pháp tại đại học George Washington University Law School, người soạn thảo ngôn ngữ cho dự luật, nói về tính hợp hiến của dự luật là “một cánh cửa rất hẹp, có rất nhiều rào cản.” Bà cho rằng dự luật đề cập đến nhiều lãnh vực mới, tuy nhiên dự luật được soạn thảo kỹ lưỡng và có cơ hội được thông qua.
Dự luật có điều khoản hiệu lực từng phần. Tức là nếu một hoặc nhiều phần của dự luật bị coi là vi hiến, thì những phần còn lại vẫn có hiệu lực theo luật tiểu bang.
Bà Laurie Buhler, giáo viên và chủ một doanh nghiệp nhỏ ở East Wenatchee, phản đối dự luật, cho rằng mọi người có quyền phát biểu về bầu cử mà không cần lo sợ nguy cơ đối mặt với tội danh.
Còn ông Frockt cho rằng các nước Mỹ đã đầy ắp thông tin sai lệch về kết quả bầu cử năm 2020. Theo ông, bầu cử nên là cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Kết quả cuộc bầu cử nên được tôn trọng bởi pháp quyền, chứ không phải bị đè bẹp dưới chân đám đông cuồng loạn. (V.Giang)
Nguồn: nguoi-viet.com