Tối 7 Tháng Ba, Bộ Y Tế Việt Nam công bố thêm 147,358 ca nhiễm tại 63 tỉnh thành và là ngày thứ sáu liên tiếp ghi nhận trên 100,000 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở Việt Nam lên 4,574,560 ca, trong đó có 40,891 ca tử vong.
Theo báo Zing, đồ thị số ca nhiễm mới tại Việt Nam vẫn trên đà tăng mạnh. Trong đó, các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc và Sài Gòn “có tốc độ gia tăng ca nhiễm rất nhanh.”
Nói với báo Thanh Niên, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Văn Dũng, trưởng Khoa Y Tế Công Cộng Trường Đại Học Y Dược TP.HCM, cho rằng Sài Gòn đang trong làn sóng dịch thật sự thứ hai, lần này do biến chủng Omicron và dự đoán ít nhất có một đến hai làn sóng dịch nữa, bởi hiện nay số ca nhiễm báo cáo chưa phải là số thật sự, vì nhiều người nhiễm nhưng ít người khai báo nên dự báo khó chính xác. Song, số ca nhiễm COVID-19 thật hay giả thì ít nhất cũng có một làn sóng dịch mới nữa trong vòng sáu tháng tới.
Chiều 7 Tháng Ba, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh Văn Phòng Sở Y Tế thành phố, thừa nhận hiện nay ca nhiễm COVID-19 chuyển nặng ở thành phố “có dấu hiệu tăng nhẹ sau một thời gian giảm dần, song số ca tử vong vẫn giảm sâu.”
Trong khi đó, theo quy của Bộ Y Tế thì hiện nay chưa có hướng dẫn F1 được đi học và đi làm bình thường, nên thành phố vẫn đang tiếp tục thực hiện cách ly, quản lý nhằm để giảm số ca nhiễm bệnh tăng và hạn chế người mắc bệnh.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở Sài Gòn cho rằng cách ly F1 là “tàn dư” của tư duy “Zero COVID-19” mà Việt Nam [học theo Trung Quốc] đã bỏ từ cuối năm 2021. Với tỷ lệ chích ngừa cao như hiện nay, F1 cần được đi làm bình thường.
“Nếu F1 nghỉ hết thì ai làm việc?,” bà Nhan Húc Quân, tổng giám đốc điều hành công ty New Toyo, bất bình nói.
Theo bà Quân cho biết việc cách ly F0, F1 ảnh hưởng không nhỏ đến công ty bởi hầu hết vị trí phải đào tạo từ .1-2 năm mới “ra thợ.”
Cùng quan điểm, đai diện công ty PouYuen Việt Nam ở khu công nghiệp Bình Tân, cho biết đơn vị đang thiếu lượng lớn lao động do phải yêu cầu công nhân là F0, F1 tự cách ly theo quy định.
“Nếu nhà nước cho phép F0, F1 làm việc thì chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện, không gặp khó khăn gì,” vị này nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Vietravel Holdings, thì cho rằng nên dứt khoát bỏ luôn khái niệm F1. Việc cách ly F1 ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt sau khi Việt Nam mở cửa du lịch vào 15 Tháng Ba tới.
“Suy nghĩ cách ly F1 chỉ phù hợp với năm 2020, khi chưa ai chích mũi nào hết. Nhưng nay là 2022 rồi và nhiều người đã chích mũi ba, thậm chí mũi bốn. Cách ly F1 gì nữa! Suy nghĩ đó rất thiển cận và lạc hậu. Nó khiến toàn bộ cố gắng của chính phủ trong tiêm vaccine đổ xuống sông xuống biển hết”, ông Kỳ mạnh mẽ nêu quan điểm,” ông Kỳ nói. (Tr.N)
Nguồn: nguoi-viet.com