Trích Nhật Ký
Phạm Quốc Bảo
Lời ngỏ:
Sức sống của dân tộc Việt Nam đã được minh chứng trong lịch sử, qua yếu tố quật cường trải dài trên một ngàn năm bị Bắc thuộc để lấy lại tự chủ – độc lập bằng một loạt nỗ lực thử nghiệm ở các nhà Đinh – Ngô – Lê – Lý – Trần…
Nhưng tới nay, ngoái lại thì ít nhất chúng ta thấy rằng từ giữa thế kỷ 19, với sự kiện đô đốc Mathew C. Perry sang Viễn Đông giúp Nhật cơ hội cởi mở và bắn đại bác vào cửa Thuận An của nước ta, giới trí thức Việt Nam đã vốn đánh mất vai trò chủ động của mình khi không còn đủ khả năng vạch ra viễn kiến và cụ thể hướng dẫn dân tộc tiến bộ trên bước đường trường tồn.
Và cũng từ đấy, chúng ta liên tiếp dấn sâu vào vũng lầy nô lệ, chưa có thể rứt đi được; mặc dù đã có khá nhiều dịp như mới nhất là sự kiện ba mươi tháng tư năm 1975.
Đầu năm nay, 2022, tôi bắt đầu duyệt lại quá khứ qua độ năm cốt truyện. Tuần qua, mới viết tạm xong được hai phần, thì hôm nay, thứ tư 16 tháng 3, sau khi nghe qua bài diễn văn của tổng thống Ukraine, ông Volodimyr Zelensky, đọc trực tuyến với Quốc Hội Mỹ, tôi cảm nhận thật sâu sắc nỗi quằn quại trong chiến tranh mà dân Ukraine đang phải chịu đựng, nhờ vào kinh nghiệm của chính cuộc đời mình. Đồng thời, tôi kính phục sức quật cường của họ mà vừa tủi hổ trong lòng…
Tôi quyết định cho tạm phổ biến hai phần truyện ký mà tôi vừa mới điều chỉnh xong, trong lúc vẫn tiếp tục viết tiếp.
Mong có sự góp ý của tất cả bạn đọc.
Trân trọng.
Phạm Quốc Bảo.
“Nửa đêm nhớ bạn, nhớ người thân
nhấp ly trà lạnh, dạ phân vân
Ai còn, ai mất, ai đâu nhỉ?
miệng niệm Di Đà Quán Thế Âm”.
[ ảnh & thơ do Nguyễn Bá Trạc gửi.]
Tái định cư tại Mỹ đến nay được trên 40 năm, tôi đã cho in ra trên 20 cuốn sách, đồng thời nhờ sinh hoạt thường xuyên trong giới văn nghệ hải ngoại nên cũng đã có bài viết tham gia độ trên 10 ấn phẩm đủ loại khác; trong khi ấy hiện còn tồn đọng trong bản thảo ít nhất một cuốn thơ dịch, 2 tập thơ riêng và 4 cuốn sách nữa gồm những bài viết của trên 5 năm nay chưa muốn in ra.
Hầu hết những tác phẩm này đều được thể hiện qua nhu cầu từ cuộc sống hằng ngày liên tục diễn ra đã trực tiếp thôi thúc tôi phải viết xuống. Ngoài ra, hiện giờ vẫn luôn lưu luyến trong tâm tư tới bốn năm nội dung truyện ký nữa mà tôi đã nung nấu từ trên nửa thế kỷ nay…
Trước hết có lẽ cũng cần phải thổ lộ rằng vì sao tôi lại đặt tên là truyện ký.
Diễn tả một cách nôm na đơn giản thì truyện ký là cuốn sách được thể hiện ra bằng hình thức văn chương một câu chuyện đã được nghe kể lại hoặc chính tác giả trực tiếp kinh nghiệm qua và được chọn lọc từ những chi tiết còn lưu lại ở ký ức, trộn lẫn với nhau, trong cái khung sườn mà tác giả chủ động sắp xếp theo ý muốn.
Còn tại sao đã được nung nấu từ mấy chục năm rồi mà chưa có thể thực hiện đến mức hình thành?
Vốn sẵn những truyện này tôi đã nhiều lần bắt đầu viết vào rồi, nhưng vì:
– Đang viết thì lại bị chi phối từ những sự kiện mới ập tới, thôi thúc tôi viết ra những chủ đề khác, nên những truyện ươm mãi ấy cứ thế liên tục bị bỏ dở, từ ngày này sang tháng nọ, từ năm này sang đến thập niên kia, đến một lúc chính tác giả mất dần đi cảm hứng, rồi tự mình khất lần khất lữa , cho tới bây giờ, tuổi đã bước vào chặng cuối đời rồi…
– Hoặc có những truyện mà chính bản thân tôi trước đây đã cho rằng đà sống đang hướng tới vào lúc ấy chưa đủ nhu cầu cần phải viết ra vội, hoặc tôi cảm thấy mình nung nấu các chi tiết chưa đủ chín mùi, còn vướng một vài khúc mắc mà chính mình chưa tự giải tỏa minh bạch.. Cuối cùng, bối cảnh mình sống thòi gian ấy nói chung cho thấy rằng chưa cần thiết phải tiết lộ ra …
Thế đấy.
Vậy thì tại sao bây giờ còn muốn thuật lại?
Mấy năm nay hiện trạng cuộc sống của chúng ta trên trái đất này ngày một bị thôi thúc bởi những hiện tượng mới, đến độ mỗi lúc một ngột ngạt – có vẻ cứ thế mà bị đen tối thêm; và hiện trạng này đang tác động vào tâm tư khiến bản thân tôi bắt buộc phải nẩy ra ý định là nên bắt đầu chú tâm đề cập tới những đề tài này:
– Ảnh hưởng trực tiếp vào cuộc sống con người trên trái đất của nạn biến đổi khí hậu mỗi năm một tồi tệ hơn lên, khiến con người và vạn vật càng sống một cách vật vã hơn.
– Đại dịch covid-19 (coronavirus) với những biến thể của nó liên tục đe dọa lây lan đạt mức tới hằng 445 triệu người, đưa đến tử vong 6 triệu sinh mạng ở khắp nơi ( thống kê vào ngày 05 tháng 3- 2022). Nó đã xáo trộn mọi mặt đời sống hằng ngày của dân cư trên toàn thế giới, đặc biệt nhất là về mặt tâm thần – khiến xuất hiện mỗi lúc thêm nhiều yếu tố tiêu cực đang thể hiện qua những hành vi, nhẹ thì như nhất thời hành động một cách bất thường – nặng thì bộc lộ ra chất vô nhân càng ngày càng tàn bạo hơn.
Tuy nhiên, nỗ lực giải tỏa của giới chuyên gia dịch tễ trong 2 năm nay đang trực tiếp đẩy đại dịch này dần đến giai đoạn để nó trở thành một thứ dịch như cúm hằng năm.
– Diễn tiến thực thi nếp tự do – dân chủ – nhân đạo trong bước trường tồn của loài người đang ở giai đọan thử thách gay gắt, khiến nỗ lực điều chỉnh hết sức là bấp bênh và tích cực liên tiếp báo động tới ý thức của riêng cá nhân tôi…
– Cạnh đây, độ bốn chục năm qua, khi mạng lưới điện toán internet bắt đầu được ứng dụng phổ biến vào đời sống con người thì mỗi lúc mạng lưới này mỗi triển khai rộng khắp toàn cầu theo nhịp độ cấp số nhân. Như một cuộc cách mạng văn hóa mới đang xuất hiện: Internet đang thay đổi hẳn đi nếp sống – sinh hoạt của dân cư trong xã hội loài người, dần dần nó tạo nên những yếu tố chi phối thành một nếp sống khác cho con người ở bất cứ quốc gia nào trên trái đất.
Chẳng hạn như mọi sự kiện, lớn nhỏ – cá nhân hay tập thể, diễn ra ở bất cứ nơi nào cũng được loan truyền trong chớp mắt cho dân cư thế giới đều biết đến. Chẳng hạn như mỗi lúc thông tin – chữ (đọc), nói (nghe) và hình (xem) – một nhiều lên vô số kể và với vô cùng số lượng người tiếp nhận từ những phương tiện truyền thông trên ‘đám mây’ (clouds) ,từ video – liveshow – youtube – Blog … sang đến các thông tin công cộng như những websites – Instagram – Facebook – Twitter…
Chẳng hạn như chỉ trong hai thập niên nay, smartphone (cellphones ) đã phổ biến qua nhiều mẫu mã – ứng dụng biến cải tối tân và thay thế nhau nhanh theo cấp số nhân. Đây là một thứ phụ tùng đa năng gắn liền 24 tiếng đồng hồ với từng cá nhân dân cư sống, đáp ứng những ứng dụng không những chỉ điện thoại mà còn voicemail-text-facetime-zoom.. , thay thế những khí cụ truyền thông khác như máy truyền hình, radio, sách báo…; đến cả máy điện toán, laptop… cũng dần dần giảm hẳn đi mức cần thiết trong ứng dụng cho sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Và quan trọng nhất là trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta xem ra bắt đầu bị nô lê hóa vào cái điện thoại cầm tay này!
Như vậy, cùng với những lợi ích mới ấy, mạng lưới tân tiến này lại phát sinh ra nhiều tác dụng tiêu cực khác; trong ấy đặc biệt là chiến tranh trên mạng, tấn công mạng, tung tin thất thiệt đã ngày một lừa bịp được chúng ta đến một tỷ lệ đáng ngại… Trong khi ấy thì các phương tiện trao đổi kiến thức cũ như cụ thể là thói quen mua và đọc sách – báo giấy đang giảm nhu cầu mà thui chột dần đi.
Tóm lại, vấn đề chính yếu hiện nay là sinh hoạt hằng ngày của cá nhân mỗi cư dân trên trái đất càng lúc càng bị du vào thế hướng ngoại nhiều hơn, chúng ta mỗi lúc bị tha hóa: Đời sống con người hiện mỗi lúc một gặp quá nhiều điều kiện và thời giờ bị lôi kéo ra khỏi tình trạng chủ động nhiều hơn, và đồng thời khiến giảm dần khả năng tạo sáng kiến trong mỗi dân cư trên thế giới … Hiện tượng tha hóa như thế mỗi lúc một tràn ngập cuộc sống chúng ta. Từ đấy, tự thân khả năng nhận biết của mỗi một cá nhân chúng ta càng lúc càng bị du vào thế thử thách – nên chúng ta nếu còn muốn tự chủ trong sáng tạo để sống còn thì phải luôn tập luyện cho quen dần với sức điều chỉnh tích cực một cách đúng đắn hơn bao giờ hết!
Thêm nữa, trên diễn trình tiến bộ của đời sống con người, hiện nay phương thức sống theo chỉ tiêu tự do – dân chủ đang bị tranh chấp gay gắt một cách vô nhân như chưa bao giờ như vậy, ngay ở cuộc sống tại xã hội Hoa Kỳ, trên các quốc gia khác và nhất là tại Việt Nam hiện nay. Mới nhất là sự kiện Nga bắn phá và tiến quân vào Ukraine, cuộc chiến này đang gây cấn xẩy ra; mà cụ thể nhất là hành động lẫn thái độ của cấp lãnh đạo hai nước này mỗi lúc mỗi trực tiếp tác động vào tâm tư tôi…
Cọ sát hằng ngày với những thách thức đại loại như trên, cá nhân tôi cảm nhận rằng cần phải tái xét lại ý định làm việc của chính mình…
Muốn đề cập một cách chính xác lý do và nguyên nhân tại sao tôi thấy nên thuật lại những cốt truyện ký này, theo tôi, thì chẳng cách nào khác hơn là mời quí vị thực sự trực tiếp xem xét vào trong khung sườn của từng truyện ký được diễn đạt sơ lược như sau đây.
Ba mốc điểm sống ở đời
Độ giữa năm 1971, từ một hội nghị quốc tế vừa đáp máy bay về đến Tân Sơn Nhất, Sài Gòn thì ông bác họ của tôi bị đột quỵ liệt người; cho đến 2 năm sau – 1973 – ông qua đời.
Thời kỳ ấy tôi đã phục vụ trong quân ngũ. Trung bình cứ vài tuần lễ, bất cứ khi nào có điều kiện rảnh một chút là tôi lại chịu khó lên thăm bác tại nhà. Tôi thường ngồi trên ghế cạnh giường , hai bác cháu có dịp tha hồ tự do tâm tình với nhau, nhiều lúc lan man ra đủ thứ chuyện. Chuyện cá nhân – chuyện gia đình – chuyện liên hệ họ hàng – đến cả những chuyện liên quan đến thời cuộc. Phải nói rằng, đấy là thời gian hai bác cháu tôi thấy gần gũi với nhau, như chưa bao giờ được như vậy.
Chẳng hạn ban đầu nhờ bác thổ lộ, tôi mới biết rõ về liên hệ anh em thân mật giữa bác và bố tôi: Bác với bố tôi vốn là hai anh em con bác – con chú. Từ hồi còn nhỏ ở nhà quê, họ đã thân thiết học hành- chơi đùa với nhau. Rồi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thuộc địa, họ đã từng cùng nhau phục vụ tại Thanh Hóa. 4 năm sau, khi biết được đảng Cộng Sản Việt Nam có sẵn chủ trương lần lượt thanh toán ngầm các cấp trưởng kháng chiến quân thuộc những đảng phái quốc gia khác, họ lần lượt kiếm đường “dinh Tê” về Hà Nội. Rồi gia đình bác tôi vào Sàigòn trước mấy năm; trong khi ấy, đến cuối 1954, gia đình tôi mới có cơ hội di cư được vào sau. Do đó, hai người trong thâm tâm họ, cũng như nhờ vào diễn biến của cuộc đời riêng mỗi người lẫn biến động di cư mà họ đã tự động coi nhau thân thiết như anh em ruột.
Đến năm 1961, lúc tôi còn đang học ở cấp trung học thì anh Phạm Quốc Anh ( con trai duy nhất mà cũng là út của bác tôi đang theo học ngành quản trị ngân hàng ở Thụy Sĩ ) qua đời vì bệnh. Lo chôn cất con xong ở nghĩa trang Bắc Việt, cạnh phi trường Tân Sơn Nhật và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, bác xuống gặp và chính thức ngỏ lời với bố tôi để xin một đứa con thừa tự.
Gia đình tôi có tất cả mười người con, sáu trai – bốn gái; đến lúc bấy giờ chỉ còn hai gái – năm trai. Về thứ tự, theo như thông lệ người Bắc thì tôi thứ năm, với người miền Nam thì tôi thứ sáu. Như bác tôi kể lại, vì đinh ninh trong bụng là bác sẽ xin nhận một ai khác nên bố tôi đã lộ vẻ vui hẳn trên nét mặt. Nhưng khi nghe bác nói là xin tôi thì ông cụ thân sinh ra tôi đã chợt nghiêm mặt một cách hết sức không hài lòng.
Nguyên văn bác tôi nhắc rằng, “sao bác lại chọn thằng ấy. Nó chỉ ham vui: bao nhiêu kỳ thi, từ tiểu – trung học đệ nhất cấp lẫn tú tài, mặc dù vẫn đậu ngay khóa đầu nhưng chỉ hạng thứ ( tức là đủ điểm đậu mà thôi) rồi hai tháng hè là nó vui chơi mất mặt luôn!”
Bác tôi đã cười một cách hòa hoãn, nói ‘trớ’ ra rằng ” trong sáu anh em, chỉ có tôi được đặt tên có chữ lót là Quốc. Tôi chọn nó để luôn nhớ đến thằng Quốc Anh nhà tôi ấy mà”. Thế là dù tỏ ra phải gượng gạo chấp nhận, bố tôi vẫn có vẻ e dè nói một câu” Bác chọn nó thì tùy bác; nhưng tôi vẫn thấy không được yên lòng chút nào.” Nghe kể lại như vậy, tôi buột miệng hỏi ngay: ” Đúng rồi. Tại sao bác lại chọn cháu vậy?” Thay vì trả lời trực tiếp vào thắc mắc ấy, ông bác tôi tỏ ra hóm hỉnh đáp: ” Tại cháu là đứa hay thích hỏi gặng lại những gì không hiểu rõ.” Biết bác tôi chỉ tránh không muốn bộc lộ thẳng vào ý định thực của ông về mình, tôi cũng lờ đi luôn.
Nhưng sau đó, không biết nghĩ sao, bác tôi để ra cả một buổi dài kể lại rằng ông đã để ý đến tôi từ lâu rồi, từ hồi tôi mới độ 7 tuổi:
Khi được tin bố tôi lẳng lặng bỏ trốn trước vào Tề ( tức về Hà Nội), bác tôi trên đường đi công tác đã ghé qua nhà gia đình tôi lúc ấy ở vùng Núi Nhồi (Thanh Hóa). Mẹ tôi tiếp ông ở phòng ngoài, tôi bưng nước ra mời khách rồi nép vào sau cánh cửa trong buồng nghe lén chuyện người lớn. Ông bác tôi người tướng ngũ đoản, đặc biệt lưỡi cũng ngắn nên nói ngọng, ông gọi mẹ tôi là thím mà phát âm cứ ‘khím’ .. ‘khím’. Vốn là đứa ngây ngô – rắn đầu từ nhỏ, tôi bên trong ngạch cửa thông ra nhà ngoài cũng ngứa miệng buột ra phát âm ngọng như ông. Chẳng may mẹ tôi nghe được, mặt bà sạm lại. Và khi bác tôi vừa bước ra cửa, bà đã quất cho tôi ba roi. Thấy động, bác tôi quay vào, xin tha cho tôi. Mẹ tôi lúc ấy còn cầm chiếc roi, nước mắt lưng tròng…Đấy là lần đầu tiên mà cũng là lần duy nhất bà đã tự tay đánh đòn tôi thật đau, tôi nhớ lại như vậy.
*
Nhân đề cập tới mẹ tôi, bác tôi cũng đã bầy tỏ niềm nuối tiếc mà từ khi xẩy ra chuyện rồi thì phải ân hận cho tới lúc cuối đời ông vẫn còn vương vấn khôn nguôi: – Đầu tiên là trường hợp mẹ tôi mất.
Cả gia đình tôi di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, mỗi người chỉ nhiều lắm là hai bộ quần áo thay đổi, bao nhiêu sự sản đều chẳng đem theo được gì.., tóm lại là trắng tay! Một nách hai vợ chồng với 7 đứa con. Đứa út mới sinh được vài tháng. Và chỉ trong trên một tháng sau là mẹ tôi bị ốm liệt, nôm na người ta thường gọi là bệnh hậu sản. Bác tôi đã vận động cho mẹ tôi được đặc cách vào nằm chữa trị tại bênh viện Grall (sau được đổi tên thành bệnh viện Đồn Đất), một nhà thương tân tiến nhất Sài Gòn thời ấy. Thế mà mẹ tôi cứ ngày một cơ thể yếu lụi dần đi, sáu tháng sau thì qua đời.
– Thứ hai là ông anh thứ ba (người Nam gọi là thứ tư) của tôi:
Ông anh này có một lai lịch khá là ly kỳ. Từ đầu năm 1947, thủa gia đình tôi theo bố vào sinh sống ở vùng kháng chiến thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đến độ cuối năm 1951, theo lời bố tôi nhắn, mẹ tôi chuẩn bị lén đưa chúng tôi về Hà Nội, thì ông anh này đã bị kẹt lại vì anh vốn học khá nên được chọn vào trường ưu hạng ở xa nhà.
Tới những tháng cuối 54, nhất định di cư, bố tôi vội sai một anh người làm đi gấp ra Thanh Hóa tìm cho được ông anh đó của tôi mà trao mảnh giấy do chính tay ông viết: ” Con theo anh Sửu về ngay. Bố.”
Đến Thanh Hóa, dò đến nơi trường học, anh Sử mới hay là ông anh tôi được chọn trong nhóm 5 học sinh đặc biệt, họ đã đi theo đường bộ lén sang Trung Hoa – ba người sẽ học ở Trung Hoa – còn hai người kia – trong ấy có anh tôi – phải lên xe lửa sang học bên Liên Xô. Đoàn vừa khởi hành ngày hôm trước rồi! Nghe vậy, anh Sửu – người bản chất thật thà như đếm, vốn gốc quê được cho lên Hà Nội phụ việc ở gia đình tôi – liền năn nỉ xin chỉ lối đuổi theo bằng được. Mấy ngày căng thẳng đi miết, cuối cùng anh Sửu bắt kịp đoàn và lén trao cho ông anh tôi mảnh thư của bố tôi. Nhận rõ nét chữ của cha, anh tôi liền bỏ đoàn mà theo anh Sửu quay ngang từ Việt Trì về lại Hà Nội, kịp lúc cả nhà sắp lên máy bay di cư vào Sài Gòn.
Vào Nam, ông anh tôi đi học lại, đậu Trung học đệ nhất cấp, thi vào Quốc Gia Sư Phạm, ra trường và được bổ ra dạy rồi làm hiệu trường trường tiểu học thị xã Tam Kỳ, Quảng Tín. Tôi còn nhớ là mình cũng đã có dịp đến ở trong ngôi trường dễ thương này gần hai tuần thăm anh ấy.
Nhưng vì cố gắng dài lâu đâm đầu vào học trong khi luôn luôn ôm nỗi bất mãn ủ ê là mình đã phải bỏ lỡ một cơ hội hiếm có đầy hứa hẹn một tương lai sáng lạn kia, anh tôi bị lao phổi hồi nào không rõ. Năm 1962, anh được cho nghỉ việc chữa bệnh ở bệnh viện Hùng Vương bên Chợ Lớn. Bao nhiêu thuốc chữa lao phổi mới nhập từ Đức sang là bác tôi liền dùng để chữa trị ngay; thế mà chẳng may đến năm 1965 anh tôi kiệt sức qua đời.
Nói về ông anh này thì có một sự kiện ăn sâu vào ký ức, đến nay tôi vẫn còn nhớ mồn một: Trung bình mỗi tuần hai buổi trưa, tôi đi học về – chưa kịp ăn uống gì, chị cả tôi đã sắp sẵn cái cặp lồng trong đó đựng thịt bò bít tết với rau sống trộn dầu giấm – bắt tôi phải đưa ngay lên bệnh viện Hồng Bàng cho ông anh tôi tẩm bổ.
Từ nhà ở Phú Nhuận, đi xe đạp lên tới bệnh viện, tôi bao giờ cũng bị mồ hôi túa ra khắp người, vừa đói vừa mệt. Có một bữa, chắc vì buồn bực lâu ngày bộc phát ra đến độ tâm tính trở nên bất thường – mắt long lên sòng sọc, ông anh tôi đã vứt cái cặp lòng xuống sàn nhà, miệng lẩm bẩm: ” Tao không thèm ăn thứ của đế quốc!”
Tôi lao đao đứng nhìn mấy miếng thịt bò lúc lắc đổ ra vung vãi lăn lóc ở góc phòng bệnh, mắt tôi hoa lên, miệng tôi thèm đến phải nuốt nước miếng khan…
*
Thuật đến đây, suốt những lần đến thăm trong vòng hai năm cuối đời ông bác, tôi vẫn còn những thắc mắc khác nữa về ông mà từ lâu rồi chưa có dịp bộc lộ. Đúng dịp này, đặc biệt rảnh rang, chỉ có ông bác nằm liệt đấy đang rì rầm trao đổi lan man đủ thứ chuyện với mình, tôi đã gặng hỏi về nhiều khúc quanh trong cuộc đời ông.
Chẳng hạn như khi nghe kể là ông tốt nghiệp ở Paris về thì đã được chỉ định làm ngay chức giám đốc bệnh viện Bạch Mai, tôi buột miệng hỏi liền: ” Vốn chỉ là một cậu bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp, lý lịch thì cá nhân đã bất hợp pháp chủ động trốn sang Pháp học ngành y rồi lại vốn có nhiều anh em trong họ tham gia vào lực lượng chống đối chính quyền Pháp bảo hộ, thế mà bác vẫn được hưởng cái ưu đãi đặc biệt như vậy, xem ra quả là lạ lắm chứ ?”
Chẳng hạn ở giai đoạn do nhu cầu tình thế Trung Cộng chiếm trọn lục địa (1949), đảng Cộng Sản Đông Dương đã họp để tự biến đổi thành đảng Lao Động Việt Nam (1950). Đang là viên chức y tế cấp liên khu vùng kháng chiến, bác tôi đã bỏ về Thành một cách bí mật mà rất êm thắm và chỉ ở lại Hà Nội vài tuần lễ để rồi vội vã đi máy bay vào Sài Gòn, nhận ngay chức giám đốc bệnh viện Sùng Chính, vốn của dân gốc người Hoa bên Chợ Lớn; đồng thời cũng trở thành bác sĩ chính thức ngay cho bệnh viện Grall và là thành viên của ban điều hành cuộc di cư từ Bắc vào năm 1954. Rồi năm 1957 đang làm bộ trưởng xã hội VNCH, bác tôi công tác vào Tây ninh và đã bị giữ lại ở đấy, đến gần một tháng sau mới đột ngột được thả về lại Sài Gòn. Từ đấy, bác tôi không còn muốn dính đến cái gì thuộc về công chức nữa…
Tôi đã nêu ra những thắc mắc đại loại như trên: Trong vòng mấy năm ấy, cuộc đời bác tôi đã có những biến động lớn lao, liên tục lao đao thế mà vẫn sống sót được an lành, thì xem ra ông quá may mắn một cách không sao tưởng tượng nổi! Ông cười cười, lại nói lảng sang chuyện khác…
Nhưng rồi cuối cùng, giữa năm 1973, sức khỏe xem ra đã yếu lắm rồi, ông bác tôi tự động rỉ rả kể cho tôi nghe giai đoạn đời ông thủa trai trẻ:
Thi vào học ở Cao đẳng y khoa đông dương ở Hà Nội được trên một năm, bác tôi đã nuôi ý định trốn sang Pháp. Ông tìm đủ mọi cách để làm quen được một ông bếp dưới tầu khách ở Hải Phòng, ông này thương và đã cho bác tôi thành phụ bếp với ông ấy dưới tầu. Và bác tôi đi thoát. Đến Marseille, ông lại được gửi gấm lén lên Paris, rồi được nhóm việt kiều ở đây giúp cho việc làm và nỗ lực thi đậu vào học Y khoa của Sorbonne.Mấy năm đầu tắt mặt tối, vừa làm đủ mọi việc bấp bênh sáng – trưa – chiều – tối để sống vất vưởng mà cố theo học trường Y, cuối cùng ông mầy mò xin được chân giữ nhà khi chủ tạm vắng.
Một tối, công ty môi giới kêu ông tới giữ chân gác nhà ở một căn chung cư. Buồn tiểu, ông rón rén vào phòng vệ sinh, thấy nơi đây nhỏ hẹp nhưng ngăn nắp, ánh đèn điện dìu dịu mát mắt mà đặc biệt là rất ư sạch sẽ. Nghĩ thầm, ở đây học là tiện lợi nhất. Thế là ông nằm lăn ra giở sách đọc miết, rồi cứ thế mà ngủ quên luôn. Nửa khuya ăn uống – xem nhạc kịch đã đời, bà già về đến nhà – vào buồng tắm thì chợt thấy một tên nằm lăn lóc giữa sàn. Bà hoảng la toáng lên. Thế là cảnh sát bắt bác tôi về bót thẩm vấn. Chứng kiến và nghe lời khai, bà già mới vỡ lẽ hiểu chuyện thì đâm ra thương tình, xin bãi nại.
Sau khi biết được tình cảnh của cậu con trai an nam mít này, bà già mềm lòng nên tiến thêm bước nữa bằng giải pháp là quyết định nuôi bác tôi thành người làm ở trong nhà và cho tiếp tục học, đến khi ra trường bà lại cầy cục kiếm cho nội trú rồi tập sự ở một phòng mạch tư nữa!
Nhưng tới đoạn kể này, bác tôi đặc biệt tiết lộ rằng vốn là thành viên bí mật của Hội Tam Điểm [ Franc-maconnerie, Freemasonry] chi nhánh ở Pháp, bà già ấy đã giới thiệu đứa con nuôi là bác tôi vào hội luôn. Tuy nhiên vì nặng lòng với gia quyến, bác tôi nhất quyết đòi về nước; đồng thời ông cũng bầy tỏ chí hướng là chỉ muốn phục vụ ngành nghề ở trong nước mình mà thôi.
*
Tôi hỏi: ” Bác nghĩ gì về Tam Điểm?” Trầm ngâm một lát, ông nhẹ nhàng nói: ” Cháu ạ. Từ kinh nghiệm sống ở đời, bác thấy rằng con người ta vừa sinh ra đời thì nhận biết bắt đầu từ mình với cha-mẹ, rồi mới dần dà suy diễn ra đến cá nhân – gia đình – xã hội và rộng nữa là đến trời – đất – người; cuối cùng thì tiến tới mức hiểu thấu đáo được nguyên lý biến chuyển không ngừng của vũ trụ- vạn vật, trong đấy gồm cả loài người: từ giao tiếp – cọ sát( giao dịch) sang đến tự biến đổi ( biến dịch) , cứ thế mà cùng với tất cả hiện hữu mọi loài lẫn vũ trụ nói chung đều biến đổi mãi để rồi phải nắm vững được nguyên tắc ‘dịch’ ( bất dịch) này. Còn cách sống ở đời thì cứ giữa đường mà đi ( Trung Dung) , và thái độ đối đãi với đời thì làm sao sống thì phải phối hợp được ba chữ tâm – trí – thân làm một…Rút ra từ kinh nghiệm sống ở đời, ta lại thấy có ba mốc điểm: được sinh ra, tự mình bước đi vào đời và lúc phải đi ra khỏi cõi đời.”
Bác tôi đã kể đại khái như trên mà không hề hé lộ ra một chi tiết nào về sự kiện ông có được kết nạp vào Hội Tam Điểm ấy hay không.
Và tự chính tôi đi tìm hiểu thì cũng biết rằng hội này mấy trăm năm trước đã được thành lập gốc gác từ giới xây cất lâu đài cho giới vương giả – quí tộc quyền quí Âu châu; và sau đó chiều hướng tham vọng thúc ép mà những nhóm thành viên của hội này đã phát triển mỗi ngày một rộng lớn, bao trùm khắp thế giới bằng mạng lưới hoạt động bí ẩn và kỷ luật khắt khe qua các chi nhánh chằng chịt đủ mọi ngõ ngách sinh hoạt của xã hội loài người, mãi cho đến tận bây giờ.
Xưa nay vốn không hề hứng thú gì với những sinh hoạt kiểu ấy, tôi thủy chung luôn tôn trọng những gì mà bác tôi thổ lộ lấp lửng giữa chừng vào giai đoạn cuối đời ông.
Ơn được sống.
” Sống đời giữa lúc cực cùng
trong đêm đen chẳng thấy đường tương lai
ung dung mà cứ vươn vai
vừa trải vừa nghiệm – hình hài nhân gia:
Thứ nhất là được sinh ra
thứ nhì, tự bước cho ta vào đời
thứ ba, phải bỏ xa người
Ba giai đoạn ấy sáng ngời nhân gian.
Sống còn hẳn biết ơn chung
ơn đời sống – ơn người dưng sống cùng
dù đời lúc đục lúc trong
dù người có hợp hay không – cũng là.
Ở đời có lá có hoa
có hương có sắc chan hòa – người ơi:
Khổ đau mới nẩy mầm tươi
có ngụp lặn mới đâm chồi thanh cao.”
20:00 thứ sáu 28/02/22.
Phạm Quốc Bảo.
Xin bấm vào đây xem tiếp phần 2