Trích Nhật Ký
Phạm Quốc Bảo
Giữa cơn bão tố
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Geneve đình chiến ở Đông Dương được ký kết ; trong đấy, riêng nước Việt Nam bị chia đôi, vĩ tuyến 17 trở ra Bắc thuộc Việt Minh ( danh từ này được gọi tắt của Việt Nam Cách Mạng Độc Lập Đồng Minh Hội, tức Lực lượng Liên Hiệp các đảng phái và tôn giáo Việt Kháng Chiến Chống Pháp; tuy nhiên trong thời gian 1945- 1950, Cộng Sản Việt Nam đã dùng đủ mọi thủ đoạn chụp mũ – thủ tiêu … nhằm trù diệt các thành phần đảng phái khác, cướp công kháng chiến, mạo danh Việt Minh để rảnh tay chủ động trực tiếp điều đình với Pháp) và từ ranh giới ấy vào Nam thuộc Quốc gia Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Pháp.
Trên giấy tờ thì hiệp định này nhằm chấm dứt chiến tranh Việt-Pháp, nhưng trên thực tế của hiện trạng lúc ấy, hiệp định này đã lại mở ra một cuộc chiến tranh khác trong lòng dân tộc Việt, bắt đầu bằng hiện tượng xáo trộn dân cư giữa những vùng lãnh thổ:
Độ cuối tháng 9 năm ấy, nghe tin bố tôi đang gấp rút chuẩn bị đưa cả gia đình di cư vào Sàigòn, bác tôi đang làm cai thợ mỏ than ở Hòn Gai vội về Hà Nội để trực tiếp gặp bố tôi.
Tôi lúc ấy 11 tuổi, đã được mẹ cắt việc, cùng người nhà, thay phiên bưng cơm nước ra phòng khách cho bố và bác chuyên tâm ngồi bàn chuyện của người lớn. Từ những đoạn hai người trao đổi với nhau mà tôi lõm bõm nghe được để cho đến tận bây giờ vẫn còn lưu trong ký ức, tôi có thể nối kết lại đại khái thành những mảnh rời sau đây:
Ngã ba đường
– Đình chiến rồi, chú còn muốn đi đâu?
– Đình chiến chỉ có trên giấy tờ, và đối với ngoại bang mà thôi. Chứ đối với chúng ta thì hiệp định này chính thức là chia cắt đất nước Việt Nam đấy, bác ạ.
– Chia cắt là vì tình thế, chúng ta tạm thời nhượng bộ để rồi vài năm nữa mình sẽ tính việc thống nhất mà chú.
– Ai thống nhất đất nước?
– Thì Việt Minh ta.
– Việt Minh thực sự bây giờ là những ai, bác có biết rõ không?
– Ơ hay! Chú lạ nhỉ. Việt Minh là chúng ta, là kháng chiến. Đã thua ở Điện Biên Phủ, Pháp rõ rệt phải chịu rút lui xuống dưới vĩ tuyến 17 rồi mà chú!
– Việt Minh bây giờ là do đảng Cộng Sản Việt Nam nắm trọn…Từ lần gặp lại nhau lần đầu hồi giữa năm 1951, em đã trình bầy về lý do tại sao em đã phải quyết định ‘dinh Tê’ [1] rồi. Đến nay mà bác vẫn chưa thấy rõ ra nữa là làm sao!
– Chú cứ cái tật quá khích để rồi cứ lầm lạc mãi …
– Bác nói vậy thì bắt buột em phải nhắc lại cho rõ – hai mặt một nhời (lời): Hồi giữa 51, nghe em về Hà Nội, anh từ Hòn Gai xuống thăm. Em đã phải kể rõ ra trường hợp của em là đang lúc bố trí đánh nhau với quân Pháp ở Thanh Hóa thì được lệnh tập trung lớp tiểu đoàn trưởng – đại đội trưởng, rồi trên bảo lên đường gấp để cấp thời dự đại hội quan trọng . Nhóm em 5 người lúc cuốc bộ – lúc đèo nhau xe đạp – lúc đáp nhờ xe hàng, lên đến Việt Trì thì em trở cơn sốt rét mê man nên phải nằm lại trên khúc cây đẽo thành băng ghế của một quán nước chè cạnh gốc đa cổ thụ bên đường, bốn người kia vẫn tiếp tục đi. Chiều hôm ấy, có người bạn học cũ của em thủa ở Hà Nội, bấy giờ anh ta trở thành thương nhân vào Tề mua thuốc tây và đang trên đường ra khu, anh ta ghé vào quán uống bát nước chè nóng – ăn vài cái bánh gai dằn bụng. Chợt nhận ra em, anh bạn hỏi, chủ quán cho biết sự tình. Động lòng trắc ẩn, anh ta liền gửi tiền cùng 5 viên ký ninh và năn nỉ chủ quán: ” Đây là bạn học cũ thân thiết với tôi. Nhờ ông nấu cháo mà phải tán cho kỹ đến không còn một hột gạo nào, cho hắn ăn rồi uống mỗi lần chỉ một viên ký ninh thôi nhá!” Chiều hôm sau em tỉnh, ông chủ quán kể lại. Em bảo ông ấy nấu ngay cho một xoong cháo nữa rồi uống luôn một lúc 3 viên ký ninh còn lại . Mồ hôi toát ra toàn cơ thể, em bất tỉnh luôn. Lát sau tỉnh lại mà khỏe như chưa bao giờ được vậy! Thế là em lên đường tiếp. Đến một bờ ruộng, đột nhiên thấy xác một đồng chí. Tới bờ sông lại thêm xác đồng chí khác. Em chợt động tâm trí: Người kia gốc Duy Dân, người này gốc Việt Quốc, 2 người còn sống đều là thành viên đảng Cộng Sản! Thế là thay vì đi tiếp tới nơi chỉ định họp đại hội, em quyết định quay ngang về Thành![1]
– Tôi cũng đã góp ý là chú phải nên tìm hiểu cặn kẽ, truy nguyên…
– Truy nguyên gì nữa, anh. Chính mắt em chứng kiến mà!
– Vì vậy chú mới cứ lầm lạc…
– Bác ạ. Lúc về được Hà Nội, em cũng đã cho bác biết là nhóm bạn của em đã lo cho em thay tên – đổi ngày sinh tháng đẻ. Thế mà mấy tháng sau họ lại cho em biết, bọn cộng sản hoạt động nội thành đã truy ra tung tích của em rồi, họ bảo bắt buộc phải tìm cách để em có thể sống còn, nghĩa là bất đắc dĩ phải chịu thi vào làm trung sĩ truyền tin cho quân đội Pháp. Bác thời gian ấy lại từ Hòn Gai về thăm em lần nữa, bác đã bảo em nên lên làm thợ mỏ than trên ấy mới yên. Bạn em liền can, “cậu đã thoát rồi mà nay lại còn muốn chui vào rọ lần nữa sao!”. Còn bác thì đã im lặng bỏ về lại trên ấy…
– Quả thật chú quá bảo thủ, không nghe tôi…
– Bác bảo em bảo thủ!… Bác ạ. Bác cứ thử xét lại cả một quá trình trên hai chục năm nay đi. Này nhé: Năm 1930, ông Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, bác và mấy đồng chí khác lãnh án chung thân ra Côn Đảo. Năm 1935, Mặt Trận Bình Dân lên nắm quyền bên chính quốc – ra lệnh cho Pháp thuộc địa phải thả hết các tù chính trị phạm. Nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa chấp hành thả nhưng chỉ định cư trú bác về làm phu mỏ ở Hòn Gai. Từ đó bao lần về họp mặt với Tổ Cồn – cụ Tố Liên – Lý Đông A – Trương Tử Anh [2]…ở chùa Quán Sứ, bác đã không thể giấu được cái chí hướng thay đổi từ Việt Quốc sang Cộng Sản mà bác đã nhiễm từ thủa 30-35 ngoài Côn Đảo…Đúng không?
– Chú lại nhắc chuyện cũ…
– Bác ạ. Em bất đắc dĩ phải nhắc lại quá khứ này. Bác biết không. Bác cứ tưởng là các vị ấy không hiểu thấu đáo là bác đã thay đổi chí hướng hay sao. Bác có biết rằng hồi ấy đã có nhiều đồng chí đòi phải loại trừ bác, nhưng chính các vị ấy hết sức cản ngăn. Họ bảo rằng mình chẳng thể hành động bất nhân với người có chí hướng thiện như vậy được, cứ phải để rồi sẽ có ngày tự động bác nhận chân ra sự thật mà thay đổi ý định: Trên đường dài đấu tranh cho một đất nước độc lập – một dân tộc tự chủ, người quốc gia dù đang là thành viên của bất cứ đảng phái- tôn giáo nào đi nữa cũng chẳng hề chủ trương trừ diệt lẫn nhau, như là cách cần phải thi hành theo chỉ tiêu ‘ cứu cánh biện minh cho phương tiện’ được !
– Mọi phương tiện đều có thể áp dụng, nếu thấy cần, miễn đạt cho được mục đích sau cùng.
– Đấy là khác biệt quan trọng giữa bác và em.
– Thế chú không thấy rằng vì gấp gáp, ông Nguyễn Thái Học đã bắt chước chủ trương và lý thuyết Trung Hoa Quốc Dân đảng của Tôn Dật Tiên bên Tàu mà thành lập ra Việt Nam Quốc Dân đảng, rồi nóng vội mà khởi nghĩa nên mới sớm thất bại vào năm 1930 …
– Có phải quan niệm thế mà bác đã theo họ, cái đảng Cộng Sản Việt Nam nguyện làm tay sai cho Quốc Tế Cộng Sản, còn hiện tại là trực tiếp tùy thuộc Trung Cộng?
– Túng thế thì phải tùng quyền chứ…
– Xét ngay trong chiến thuật ngắn hạn đi nữa, thì tòng quyền như vậy có khác chi cũng vá chắp một cách sai lạc . Bác à!
– Khác chứ chú! Cái nước Tàu từ giữa thế kỷ 19 trở đi đã phải ngụp lặn trong bùn lầy chậm tiến, để đến nỗi bị “bát quốc liên minh” chèn ép nhục nhã. Như vậy thì làm sao so sánh với thế lực quốc tế hiện nay của khối Cộng Sản được hở chú!
– Bác chọn khối Cộng Sản quốc tế có thật chỉ vì mục đích chiến thuật không thôi chăng?.. Thêm nữa, nếu căn bản vẫn phải là hành động theo lòng dân trên đường tiến bộ của nhân loại nói chung. Bác cũng đã biết rồi đó: Tư tưởng tự do- dân chủ bắt đầu xuất hiện ứng dụng vào xã hội loài người từ mấy thập niên cuối của thế kỷ thứ 18 , thế mà cuộc tranh đấu cứ thế phải kéo dài ra để xã hội luôn luôn có cơ hội được điều chỉnh trên nền tảng nhân bản…
– Chú có thể nói rõ ra nữa không?
– Chắc bác cũng đã đọc cuốn ” Tự Phán” của cụ Phan Bội Châu chứ?
– Phải. Sao?
– Ở tiểu mục ” Cụ Tây Hồ Xuất Dương” (trang 86 – 89) của sách này, cụ có viết rõ là gặp nhau bên Nhật Bản, cụ Phan Châu Trinh (năm 1906) đã bộc lộ rằng cụ Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật để đánh đuổi Pháp, thực dân Pháp đi thì thực dân Nhật lại thay thế, có khác chi đâu! Chi bằng vốn đã trót bị là thuộc địa của Pháp từ mấy thập niên của nửa sau thế kỷ 19 thì hãy cứ dồn sức vào việc nuôi dưỡng lòng dân, nỗ lực thực hiện’ khai mở dân trí’, khuếch trương kinh tế, ‘ kết tập đoàn thể’, lấy dân làm hậu thuẫn thì tự động xã hội sẽ dần tiến bộ một cách đề huề, những mặt dân sinh- dân trí cứ thế mà đổi một cách vững tiến. Rồi chính người Pháp thuộc địa cũng phải bó buộc từ từ nhượng bộ. Nếu không thì trường hợp đến khi cần thiết, chín mùi lòng dân, mình vùng lên đoạt lại nền độc lập. Nghĩa là chủ trương tự chủ, tự lập trước rồi độc lập sau.
– Chủ trương thế thì quá chậm mà không chắc gì chủ động được…
– Em cũng đã từng băn khoăn như vậy. Chính vì thế nên tháng 12 năm 1946 toàn quốc kháng chiến, em gia nhập ngay Trung đoàn Bảo Vệ Thủ Đô, trực tiếp đi chiến đấu. Thế mà trong vòng 4 năm toàn dân kháng chiến, phe Cộng Sản đã chủ trương liên tục ngầm phản bội bằng đủ mọi cách, dần dần thủ tiêu bao nhiêu thành phần của các đảng phái khác nếu họ không chịu ‘đầu hàng’ dưới trướng họ. Và đến giờ thì rõ rệt đảng Cộng Sản Việt Nam đã mê muội ma giáo chỉ để nhằm chiếm độc quyền kháng chiến, núp dưới chiêu bài Việt Minh…
– Phải vậy! Phải triệt để chủ động chứ! Chủ thuyết Cộng Sản hiện đang là con đường vươn lên sống còn mới nhất trên bước tiến hóa của loài người bây giờ. Chú có biết như vậy hay không?
– Đồng ý. Sau khi lập ngược chủ thuyết duy lý thành duy vật, rồi lập nên chủ nghĩa cộng sản, nhóm họ trở thành mới mẻ nhất trên bước đường tiến hóa tư tưởng. Thật vậy… Nhưng cứ áp dụng thực thi lý thuyết ấy trên căn bản vô nhân, bằng những trò trù giập lật lọng hủy diệt lẫn nhau như thế, hành động mãi riết rồi căn tính con người sống của họ biến đổi hẳn, tự họ biến con người họ thành một thứ ‘ chỉ có khuôn mặt người’. Thì mục tiêu họ vạch ra cũng chỉ là không tưởng, vì chính họ đã không còn là người nữa khi ứng dụng một cách cực đoan chủ nghĩa ấy. Chẳng những thế, nếu như họ có thành tựu đi nữa thì họ thuần túy chỉ xây dựng ra một xã hội của “loài giả trá đóng vai người”, vì chính họ đã tự diệt nhân tính trong họ … Như vậy mà dám cưỡng từ đoạt lý bảo là chỉ chính họ mới làm ‘cách mạng’ . Em không thể chấp nhận được! Xin lỗi, bác ạ, bởi em bị ép quá mà phải bộc bạch trực tiếp rõ ra như vậy…
Chú thích:
[1]”Dinh Tê”: ” Về Tề”, ” Vào Thành”. Đây là nhóm từ ngữ để chỉ ra thái độ và hành động mà những người theo kháng chiến chống Pháp trong lực lượng liên hiệp các đảng phái- tôn giáo gọi tắt là Việt Minh phải bắt buộc bỏ hàng ngũ trốn về thành phố ( nơi chính là Hà Nội) nếu không thì sớm muộn cũng bị thủ tiêu hoặc sáp nhập vào thành phần của đảng Cộng Sản Việt Nam.
[2] Tổ Cồn và Thượng tọa Tố Liên là hai vị sư có thời gian trụ trì ở chùa Quán Sứ-Hà Nội; ông Lý Đông A sáng lập đảng phái Duy Dân; ông Trương Tử Anh sáng lập ra Đại Việt Quốc Dân đảng lúc ông còn là sinh viên trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội.
” Cùng tắc biến” [Kinh Dịch]
Giữa năm 1978, tôi đang ở trại giam Quảng Ninh (gồm 2 tỉnh hồi trước 1954 là Quảng Yên và Hải Ninh. Trại nằm trong vùng núi mà từ ranh giới thị xã Hòn Gai đi về phía tây, qua một con phà, đâm sâu vào độ 20 cây số). Vì nhu cầu cần gấp giang- nứa, đem về để mấy đội già bệnh ở trại xẻ ra – đan thành những cái sọt lớn nhỏ đủ loại, cung cấp cho các nhà rẫy của tù trồng tỉa rau quả tươi đang được thu hoạch vào mùa hè – rồi đem bán ra ngoài công chúng.
Chúng tôi đang thuộc đội khai thác đá thì được chuyển gấp sang một đội gồm mỗi toán 5 tù nhân một vào rừng đốn bương – giang – nứa ( các loại này vốn cùng họ tre – nứa hoang, mọc tự nhiên trên rừng, cao trung bình từ 5 đến 10 thước, to cỡ 2 gang tay trở lên, dầy độ 1cm, rỗng ruột; dân thiểu số Nùng ở đấy đi rừng thường chặt lấy nước uống và cho gạo lẫn gà vào từng dóng rồi vùi bếp than thành cơm lam, ăn đặc biệt rất thơm ngon).
Rừng bương – giang – nứa bạt ngàn trong sâu, xa cách trại độ 5-7 cây số. Loại cây rừng này dưới gốc dầy đặc toàn gai là gai, nên công việc của chúng tôi là cứ một toán 5 tù thì 2 người leo lên thiếp lập một cái dàn đan cao độ 2 thước để cầm mác chặt xéo ngang thân cây. Cây đổ xuống, ngọn đâm ra phía ngoài thì ba người còn lại của toán sẽ nắm ngọn lôi ra, roóc cho bớt cành nhánh và gai góc, cột lại từng bó 5 – 7 cây một. Chỉ tiêu đặt ra là ít nhất 50 cây/mỗi người; chặt đến chiều thì gom lại làm thành bè thả xuống suối trôi xuôi về gần rồi thì mới chỉ phải khiêng vài trăm thước – nửa cây số vào trại là xong việc. Cách thức chặt giang – nứa đại khái như thế nhưng rất nguy hiểm: Nếu mệt mỏi, hoa mắt mà sơ sẩy một chút dễ trượt chân, rời khỏi dàn rơi xuống; may thì chỉ bị sây sát, phần lớn là dễ bị những ngọn sắc cũ của giang – nứa xóc vào, vào chân tay thì còn đỡ chứ xóc phải vào bụng thì toi đời!
Do đó đội chặt giang – nứa bao giờ cũng được hưởng hai đặc biệt: Thứ nhất là thông tầm ( nghĩa là sáng rời trại vào rừng thì phải mang theo phần ăn trưa, giữa ngày được ngưng làm tại chỗ để ăn-uống và nghỉ độ một giờ ) và thứ hai là đi làm theo qui chế tự giác (nghĩa là không cần hay chỉ cần một hoặc hai võ trang đi theo gác, chứ theo thông thường thì luôn phải 2 cán bộ coi đội với 2 võ trang kèm theo canh chừng).
Một hôm, thuộc một trong hai tù được phân công leo lên dàn, tôi đang chặt cây thì nghe văng vẳng từ sườn núi bên kia băng qua một thung lũng vẳng vọng tiếng nói gọi nhau ơ ớ, đặc toàn giọng Hà Nôi cũ trước 54. Ngạc nhiên đến ngẩn ngơ, tôi gào lên:
– Ê. Bên kia núi có dân Hà Nội!
Đúng lúc ấy, anh bạn tù cùng leo lên dàn chặt cây với tôi cũng rú lên:
– Ờ. Ờ..Lạ nhỉ…
Hai tên võ trang đi theo gác chúng tôi vốn họ vừa được hưởng một dịp may mắn bất ngờ : Đầu 1978 có giấy phép về quê ăn Tết cả hai tháng trời, vì sau những 5 năm trời cứ phải du dú chết dí ở trại trại giam khỉ ho cò gáy này với bọn tù chúng tôi! Thêm nữa, họ lại có cơ hội được đi vào Sài Gòn thăm thân nhân làm việc trong ấy. Một tháng rưỡi sau về lại trại, họ mỗi người cưỡi một chiếc xe đạp mini khung dura, trên ghi đông đeo lủng lẳng chiếc radio chỉ nhỏ bằng bàn tay – bao bọc bằng mảnh vải hoa mỏng dính mà sặc sỡ, rồi được luôn vặn to lên hết cỡ! Và…từ đấy, họ không còn giữ cái thái độ khinh khỉnh cố hữu với bọn tù chính trị chúng tôi từ trong Nam ra nữa!
Một trong 2 tên võ trang này đột nhiên lên tiếng gợi ý:
– Sang đấy xem họ là ai …
‘Được lời như cởi tấm lòng’, tôi vội leo xuống khỏi dàn chặt cây, chạy băng qua thung lũng rồi leo sang sườn núi bên kia: Đường sang đấy tưởng dễ , ai ngờ đầy những bụi cây rậm rạp với suối – rạch ngoằn ngoèo cản lối. Phải gần một giờ sau tôi mới bò sang được tới nơi có tiếng người.
Nghe tôi lên tiếng hỏi thăm, họ cũng ngẩn người ra. Nhờ họ nhận xét, tôi mới biết, giọng tôi nói quả gốc Hànội nhưng âm đã trầm và nhịp nói đã lơi hẳn đi.
Họ cho biết, hồi cuối năm 1954 gia đình mười mấy người ở Hà Nội đã thuê mướn kẻ dẫn đường lén xuống Hải Phòng để xuống tàu vào Nam; ai ngờ tên dẫn đường đã lừa đem họ lên bỏ ở vùng rừng núi này. Được bản người Nùng địa phương thương tình cưu mang, họ cứ thế mà lập nghiệp sống luôn tại đây từ dạo ấy. Trên hai mươi năm sống còn, nhóm họ bây giờ đã nở rộng ra đến trên năm chục nhân số, bẩy gia đình riêng và tự lập thành một xóm riêng.
Biết chúng tôi là tù chính trị từ miền Nam bị chuyển ra, họ suýt soa thương tiếc, rồi gom một gánh hai thúng nào cơm lam gà rừng- trái cây…cho tôi đem về bên kia sườn núi.
Thế là bữa thông tầm ấy đặc biệt chúng tôi vừa vui vì nhờ cơ duyên may mắn gặp được người cùng quê hànội, lại vừa thỏa thuê ăn uống no nê ngon miệng cả đến ngày sau nữa!
*
Rồi độ đầu tháng 5 – 1979, lá thư từ gia đình trong Nam được chuyển ra đến tay tôi…
Mấy năm sau, khi được thả về lại Sàigòn, tôi mới biết rằng đấy là lần đầu tiên gia đình tù chính trị ở trong Nam mới được cho biết là tù chúng tôi đã bị bí mật chuyển ra các trại ở ngoài Bắc từ lâu rồi, mặc dù chưa được rõ là thuộc trại nào và chính xác ở tại đâu của miền Bắc, nơi mà mỗi tỉnh có trung bình ba trại giam trung ương thuộc tổng cục trại giam – bộ nội vụ. Gia đình vội viết lá thư đầu tiên, theo lệnh thì lá thư này chỉ to bằng một phần tư khổ vở học trò, không quá 60 chữ và chỉ được đề cập tới việc thăm nuôi mà thôi. Nếu vi phạm những ngăn cấm này, thư sẽ không tới tay tù!Nội dung của lá thư ấy viết rằng gia đình hiện đâu đủ tiền bạc gì để có thể gửi quà 5 ký nên đề nghị, sẽ nhờ nhà bác cả ở Hòn Gai vào thăm tôi.
Trước năm 1975, nhờ vào mấy gia đình họ hàng sống bên Paris (Pháp) làm trung gian, gia đình chúng tôi ở Sàigòn nhiều lắm thì mỗi năm một lần mới được tin sơ sài về gia đình ông bác cả, anh ruột bố tôi. Vài tin hiếm hoi mà tôi còn nhớ là thời kỳ máy bay Mỹ bỏ bom xuống miền Bắc thì ở Hải Phòng- Hòn Gai, gia đình con trai cả của bác tôi bị sạt mất một trái nhà, chết một đứa con và vợ anh thì bị gẫy hai cái xương sườn.
Với ký ức ấy, tôi vội viết trả lời gia đình trong Nam là hiện còn khỏe, chả cần thăm nuôi – quà cáp gì!
*
Sau đấy thì cá nhân lẫn gia quyến của tất cả những người trong họ chúng tôi, ai cũng đều tơi tả – quay quắt – mất còn theo những dòng cuồng lưu biến thiên riêng.
Bẵng đi tới độ giữa thập niên 1980, nhờ cuộc sống nói chung đã tạm ổn cũng như thư từ liên lạc từ trong nước gửi ra mỗi lúc một thường xuyên dần, các gia đình ở ngoại quốc đồng ý với nhau rằng cần phải bắt đầu hằng năm gửi quà thăm hỏi về, cho các họ hàng từ thân đến sơ, và góp quỹ đều đặn để tu bổ nhà thờ họ lẫn nghĩa trang ông bà – chú bác – cô dì – anh chị em nội ngoại ở trong Nam lẫn tại nguyên quán.
” Biến tắc thông”[ Kinh Dịch]
Rồi bẵng đi gần 2 thập niên, bao nhiêu biến đổi quay quắt trong sống chết bất ngờ, cho tất cả chúng tôi. Tới năm 2003, một cuốn video từ Sài Gòn gửi ra, trong ấy ông anh họ đang làm trưởng chi tộc ở miền Nam xuất hiện. Mái tóc đã bạc trắng, anh nhắn lời rằng cả trên hai chục năm nay, mỗi khi giỗ – Tết có dịp gặp mặt thì nhóm anh chị trên dưới bẩy mươi thường than với nhau rằng chỉ thấy hình mà chẳng được gặp mặt, nhớ quá! Cho đến giờ thì các anh các chị ấy đã lần lượt qua đời hết, chỉ còn lại mỗi mình anh thì cũng đang trong tình trạng bệnh hoạn và yếu dần, chả còn biết dịp nào gặp mặt nhau được một lần nữa chăng.
Nghe giọng trầm trầm tâm sự thê thiết ấy, tôi đau lòng quá, liền cất công trực tiếp đi thổ lộ với các anh chị nội ngoại ở ngoài này. Cuối cùng tôi tự đáy lòng nhận ra rằng chính mình phải về một chuyến mới an tâm được.
Về đến Sài Gòn, anh em chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nước mắt tuôn rơi đến cả mươi – mười lăm phút rồi mà không chưa ai thốt được nên lời. Ông anh trưởng chi tộc trong Nam hướng dẫn tôi đi thăm viếng mấy nhà họ hàng thân quen… rồi tới ngó vào căn nhà cũ mà thoạt nhìn tôi cũng không thể nhận ra được nữa: Nó chỉ tàn tạ đi chứ mặc dù cả vẻ bề ngoài lẫn ở bên trong nhà chưa có sửa sang lại gì bao nhiêu. Còn tất cả từ đường xá đến bối cảnh chốn cũ thì đổi khác hoàn toàn, đến độ như tôi đang lạc vào một chốn xa lạ nào chưa từng biết qua…
Do đó, tôi thành thật ngỏ lời với ông anh ấy rằng thôi, đừng nghĩ tới việc phải dẫn tôi đi thăm thú bất cứ thứ gì nữa, thậm chí cả vụ đi ăn hàng hay đến quán uống cà phê đâu đó cũng không luôn! Chỉ mỗi sáng ra dạo ngoài công viên độ trên dưới một giờ đồng hồ cho khuây khỏa là đủ rồi.
Theo gợi ý của ông anh trưởng chi tộc trong Nam, tôi gọi điện thoại ra Hà Nội thăm hỏi ông anh trưởng tộc ngoài Bắc. Tuổi cũng gần tám mươi , anh này chính là con trai cả của ông bác ruột tôi. Mừng quá, anh ấy tâm sự, bấy lâu nay anh đã dự tính rằng đã đến lúc cần chính thức trao quyền trưởng tộc lại cho đứa con trai cả của anh. Lan man vui miệng, anh ấy còn nhắc lại chuyện cũ:
Hồi cuối năm 1951, mẹ tôi dẫn cả gia đình từ Thanh Hóa về, có ghé lại nhà anh ấy ở thị xã Nam Định, thằng cu con trai cả của anh ấy đang ngồi nhún nhẩy trên một con ngựa gỗ. Thấy tôi từ vùng kháng chiến về lớ ngớ như mán rừng đang tần ngần vì lần đầu tiên thấy được con ngựa gỗ ngộ quá; thuận miệng, anh lên tiếng bảo “con nhường cho chú ngồi với.” Cha nói như ra lệnh, thằng con bắt buộc phải tụt xuống nhường. Đến lúc mọi người lớn bước vào nhà, thì thằng bé liền đẩy tôi ngã ngửa xuống sân rồi nó vênh váo chiếm ngụ lại con ngựa gỗ!
” Nó sinh cùng năm với chú đấy!” Qua phôn, ông anh trưởng tộc nói tiếp.
Cuối lời, ông anh trưởng tộc chợt thổ lộ: ” Nếu chú mà ra đây được một chuyến thì tôi nhất định sẽ làm mâm cơm mời các cụ về chính thức chứng kiến tôi trao quyền trưởng tộc họ nhà ta cho nó. Được vậy thì hay biết mấy!”
Ai ngờ chính câu gợi ý này đã khiến ông anh trưởng chi tộc trong Nam cũng hừng chí, khuyến khích tôi:
” Phải đấy! Chú tính lại đi. Nếu chú chịu ra Bắc thì tôi sẵn sàng đi với!”
” Anh đang yếu mà…”
” Chú về được đây, tôi vui lắm. Cả tuần nay tự nhiên tôi thấy khỏe hẳn.. Thì ra cái bệnh là do tâm tư tôi lâu nay cứ ủ ê miết, lại thêm đã lớn tuổi nữa…”
” Phải đấy! Được theo chú ra Bắc kỳ này thì ông nhà tôi ắt toại nguyện… Gớm. Ông ấy ao ước bao nhiêu lâu nay rồi, chú ạ.” Bà chị dâu họ của tôi được thể đốc thêm vào.
*
Thế là vài ngày sau hai anh em tôi vui vẻ hào hứng đáp máy bay ra Hà Nội.
Vợ chồng đứa con cả của ông anh trưởng tộc ra đón tại phi trường Gia Lâm, đem chúng tôi về nhà nó.
Tôi cứ thế mà ngạc nhiên đến liên tiếp ngớ ngẩn cả người: Nhà nó hai tầng lầu, xây lên độ năm năm nay, vẫn còn mùi sơn mới – vườn trước vườn sau – khang trang … nằm ngay trong khuôn viên của trường đại học tổng hợp Hà Nội! Hai con nó đã trưởng thành, đầy đủ công ăn việc làm và lập gia đình ở cũng gần đấy; cho nên vợ chồng nó đã đón bố mẹ về ở chung mấy năm nay rồi… Nói tóm lại là tôi không ngờ cơ ngơi của họ lại được như vậy!
Từ bữa cơm chiều mới tới cho đến đêm hôm sau, tôi lặng người mà nghe thằng cháu tôi rỉ rả kể về quá khứ của nó lẫn cả gia đình ông bác anh ruột bố tôi:
Chỉ chưa đầy một tháng, ông bác trưởng tộc họ tôi đã bắt đầu không còn được họp chi bộ đảng – đoàn công nhân mỏ than Hòn Gai nữa. Bắn tiếng hỏi khéo thì được cho biết là “Đợi. Sẽ có thư chính thức xác nhận sau.” Nhưng rồi chẳng bao giờ thư này đến, mà chính cá nhân ông còn bị cắt lương tháng – khi bị mời xuống làm nhân viên bàn giấy, chỉ coi sổ sách tài chính cho quỹ hưu bổng công nhân, như một cách gián tiếp bảo rằng hãy chính thức đệ đơn xin về hưu đi!
Các anh chị con ông bác trưởng tộc họ nhà tôi từ ấy trở đi phải lưu lạc mỗi người một nơi để càng ít cơ hội phải nhắc đến lý lịch giòng họ càng cảm thấy yên thân hơn, và mỗi người một nghề nghiệp kiếm ăn qua ngày. Bắt đầu là tất cả phải bỏ Hòn Gai mà đi, đều phải trải qua một thời gian đi thanh niên xung phong. Rồi có người lên miền ngược lập nghiệp trên ấy, có người đi buôn lậu, có người gia nhập hợp tác xã học nghề để có dịp thì banh ra buôn bán lẻ tẻ. Chỉ có anh con Út của ông là may mắn nhập ngũ vào quân vận rồi khi giải ngũ thành tài xế lái xe hàng, chỉ phải di chuyển thường xuyên nhưng lại kiếm ăn khá nhất để mười năm cuối đời mua được căn nhà cho con cháu có mái ấm quần tụ; còn cá nhân anh thì sáu mươi tuổi đầu mà còn khỏe nên cứ làm tài xế lái xe ôm, ngày ngày tà tà thảnh thơi.
Riêng thằng con lớn nhất của anh họ cả của tôi thì từ nhỏ nó đã học giỏi toán, năm nào nó cũng đứng nhất lớp; nhưng mỗi đầu niên học thì giấy chứng nhận từ quê gửi lên bao giờ cũng chỉ một lời phê: ‘Con cháu địa chủ – cường hào – ác bá’, nên nó còn được cho đi học vì toán ưu hạng chứ không bao giờ được thu nhập vào đảng – đoàn. Nó đặc biệt được học tiếp lên đại học vì lúc nào nó cũng phụ thầy dạy trong lớp của mình, đồng thời nó luôn sẵn sàng xung phong dạy các lớp bổ túc cho toàn những cán bộ đảng – đoàn địa phương vào mỗi tối. Suốt mấy chục năm trời chịu đựng như thế.
Tốt nghiệp cao học( trong nước gọi là thạc sĩ), nó lại vẫn gặp may nhờ những bạn học của nó gốc gác đảng – đoàn, con ông cháu cha, đặc biệt ngầm đỡ đầu nên nó được giữ ở lại trường dạy môn toán mà ăn lương giờ miết.
Bẩy năm sống quầy quặt bằng số lương chết đói, nó lại gặp may một lần nữa: Một vị giáo sư thực thụ ( full-proffesor, proffeseur titulaire) ngành toán chuyên biệt của đại học Mạc Tư Khoa sang dạy ba tháng tại đại học Tổng Hợp Hà Nội. Vào lớp bao giờ cũng phải có một giáo sư toán người Việt phụ giảng kèm theo, vị giáo sư người Nga này cứ một hai tuần giảng lại đòi đổi phụ tá người Việt khác. Hỏi lý do, ông ta bất đắc dĩ thú thật là phụ tá dốt quá! Đối đế, cuối cùng hội đồng khoa bất đắc dĩ đã phải cho thằng cháu tôi thế.
Hết hạn ba tháng, viên giáo sư toán người Nga kia về nước. Trong một buổi họp mặt thân hữu, ông này than rằng chuyến đi dạy xa ở Viễn Đông lần này đặc biệt rất vui vì đã gặp được một nhân tài toán người Việt giỏi. Người bạn đang làm viện trưởng viện Toán học tò mò hỏi tới, ông ta nhân dịp nhờ xin đích danh thằng cháu tôi sang Mạc Tư Khoa để nó có cơ may tiến thân, ” chứ không thì uổng lắm!”.
Bỗng nhiên nhận được giấy mời trực tiếp, thằng cháu tôi được cả nhóm bạn cùng dạy ủng hộ mà xuất ngoại sang Nga. Chỉ một năm rưỡi nó đoạt được bằng tiến sĩ chuyên biệt toán – kinh tế, trở về tiếp tục dạy toán cho cấp cao học trở lên mà lương vẫn ba cọc ba đồng.
Nhưng được cái nhóm học trò ‘ con ông-cháu cha’ của nó bắt đầu tốt nghiệp cao học trở lên và đương nhiên dạy lại ở trường. Hầu hết đang nắm các chứ sắc uy tín của trường, chúng nó bàn nhau, “thầy mình nghèo khổ túng bấn quá. Nhưng không đảng- đoàn thì làm sao được cất nhắc vào chức sắc. Không đảng-đoàn thì đâu có được hưởng qui chế thường xuyên đi dạy đại học khác để mà có ngoại bổng thêm…”. Cuối cùng chúng nó đồng lòng nhường hết những chuyến đi dạy khỏi Hà Nội để cho thầy chúng nó trực tiếp hưởng vậy! Rồi cuối thập niên 1990, thấy về hưu, chúng nó đã đủ thế lực để đặc cấp một mảnh đất nhỏ mà khuất nẻo trong khuôn viên trường để thầy cất nhà mà hưu dưỡng…
Nó rỉ rả kể đến đâu thì bố mẹ nó, tức là vợ chồng ông anh cả đang làm trưởng tộc họ nhà tôi, ngồi nghe cùng với hai anh em từ Nam ra chơi. Tất cả đều bị cuốn hút theo những tình tiết trôi dạt éo le đại khái như trên, mà thỉnh thoảng tự nhiên nước mắt chảy ra lúc nào không hay…
*
Theo gợi ý và chỉ dẫn, tôi nhờ nhắn về nhà họ ở quê là chúng tôi sẽ về thăm, nhân tiện gửi kèm chút chi phí để họ tổ chức bữa cơm trưa đón tiếp cho đỡ phiền phức thêm. Cũng lại nhờ thằng cháu đầu con ông anh cả trưởng tộc thuê chiếc xe khách 7 chỗ của ban quản trị trường nó dạy cho tiện, rẻ mà an toàn.
Thế là sau một tuần lễ ở Hà Nội, phái đoàn gồm hai anh em tôi từ trong Nam ra – ông anh trưởng tộc – vợ chồng thằng cháu con cả của anh ấy – kèm theo thằng cháu con út nhỏ 10 tuổi gọi tôi bằng ông, chúng tôi lên đường về thăm quê từ sáng sớm.
Đây là lần đầu tiên tôi mới được trực tiếp tận mặt thấy và biết đến quê hương bản quán, nguyên quán của tổ tiên – ông bà – cha mẹ tôi!
Phái đoàn chúng tôi từ Hà Nội vừa đến nơi liền được hướng dẫn ra thăm ngoài nghĩa trang họ tộc rồi về thắp hương làm lễ tại nhà thờ Tổ. Ông coi sóc nhà thờ họ là một ông lão bạc phơ râu tóc, từ một cái lều cất cạnh vườn sau nhà thờ tổ chầm chậm bước tới vái chào. Ông anh trưởng tộc của tôi lên tiếng giới thiệu. Tôi mở lời trước:
– Cụ năm nay được bao nhiêu rồi?
– Ối giời ơi! Bác lại gọi con bằng cụ sao! Bố con vai vế còn là em họ của bác…Dạ thưa bác, con năm nay nhờ Giời – Phật đã được năm mươi bẩy tuổi rồi ạ!…
Ông chủ từ dẫn chúng tôi đi vòng quanh khu nhà thờ tổ. Đây vốn đã là nhà ở cũ của ông bà nội tôi, lúc ông tôi làm tiên chỉ của làng: Căn nhà ba gian, gian giữa vẫn chỉ để thờ tự, hai gian buồng hai bên vẫn còn nguyên hai tấm dát giường nan tre… tất cả ngụ trên một mảnh đất gồ cao độ gần một thước; vườn sau được ngăn cách với phía sau của đình làng bằng một hành rào tre đã um tùm dầy trên cả thước tây; sân trước thoai thoải nhìn ra ao làng đầy bèo rồi tới văn miếu, thấp thoáng hàng cau già cỗi là mái miếu xanh đậm toàn rêu bám dầy cả tấc…
Những người lớn tuổi trong họ vẫn còn sống tại làng kéo đến mỗi lúc một đông, họ khúm núm vái chào từ xa. Rồi ông chủ từ chính thức mời chúng tôi đi bộ vài phút một quãng đường làng sang tới một căn nhà khá lớn của người nào đó ( đã được giới thiệu nhưng tôi không còn nhớ nữa).
Trước tiên, tôi đòi được ra giếng múc gầu rửa mặt; giòng nước mát lạnh khiến tôi thấy sảng khoái trở lại.
Giữa căn nhà ấy là một dọc đồ ăn thức uống đã được bầy la liệt dài cũng phải tới gần năm thước. Vào tiệc, tôi được mời ngồi cạnh một anh tuổi độ trên dưới ba mươi đặc biệt vận complê – thắt cà vạt đàng hoàng. Khi mọi người ổn định chỗ ngồi, cái anh ngồi cạnh ấy trịnh trọng đứng dậy, nghiêm chỉnh lớn tiếng nói:
“Thưa quí vị trưởng thượng ( và quay sang tôi, anh ta nghiêng người) Thưa ông tây ở mỹ về. Theo vai vế, con phải gọi ông bằng ông chú ạ. Thưa tất cả bà con nội ngoại họ nhà ta. Được lệnh trên, nhân bữa tiệc đặc biệt hân hạnh đón ông ta ở mỹ về thăm quê quán, tôi bí thư xã nhà ta chính thức thông báo cho quí liệt vị biết được rằng, đảng và nhà nước ta mới đây đã xóa bỏ đi tội ‘ phản động cấp quốc gia’ cho toàn con cháu của họ nhà ta rồi. Cái vinh hạnh này con mong ông tây ở mỹ về cùng tất cả đại diện họ nhà ta, chúng ta ăn mừng nhá!”
Đồng loạt mọi người trong bàn tiệc đều lốp bốp vỗ tay . Thấy lùng bùng lỗ tai, tôi nghiêng sang hỏi nhỏ thằng cháu con ông anh trưởng tộc : ” Cái gì mà ‘ông tây ở mỹ’ với lại ‘phản động cấp quốc gia’ là sao?”
” Thư thả cháu sẽ giải thích cho chú hiểu.” Nó vội thì thầm.
” Nào! quí vị nâng ly mừng ông tây ở mỹ về thăm quê ta” Cái anh bí thư xã lại xướng lên gợi ý tiếp.
Trong không khí ồn ào toàn những tiếng nói cười tràn trề vang ra đến tận ngoài ngõ, tôi ngớ ngần cầm ly bia lên…Rồi thì trước mặt quá nhiều thức ăn mà rồi tôi chỉ chăm chú ‘chiếu cố’ được món chân giò nấu giả cầy với bún và…nước mắm pha chanh ớt!
Uống bia vào thì phải đi tiểu, tôi được cho biết là không có phòng vệ sinh. Phải ra sau rào cạnh chuồng lợn: Nửa mảnh vỡ của lu sành nằm lăn lóc với cặn nước tiểu đóng bợn trắng vàng chung quanh đang bốc mùi nồng nặc. Tôi chợt bật cười mà liên tưởng nhớ ngay về quá khứ cách đây trên hai mươi năm – thủa còn tù ở ngoài này – bị cắt vào đội gánh phân tươi đi tưới vào những luống rau do chính tay mình chăm bón…Không biết có phải nhờ vậy mà nước tiểu trong người tôi lại tự nhiên dễ dàng tuôn ra một cách thoải mái hẳn…
Chiều đến, từ giã mọi người trong họ, chúng tôi trên đường thảnh thơi ra về. Thằng cháu con ông anh trưởng tộc nhỏ giọng giải thích cho tôi nghe rằng: ” ông tây ở mỹ ” vốn dĩ suy ra từ thói quen người ta ở đây vẫn gọi nam việt kiều là ‘ông tây’ mà ông tây ở mỹ hiện được coi trọng nhất! Còn ” phản động cấp quốc gia” là do họ nhà ta trong quá khứ đã có nhiều nhân vật gốc là thành viên các đảng phái quốc gia, như Việt Nam Quốc Dân đảng chẳng hạn, và những gia đình di cư vào Nam năm 54 còn có ngườ làm lớn trong chính quyền nữa…
Nhân dịp xe về tới thị xã Nam Định, chúng tôi nẩy ra ý muốn ghé thăm căn nhà cũ mà ông anh trưởng tộc đã nhường lại một gia đình người họ xa để theo con lên cư trú ở Hà Nội: Căn nhà này bấy giờ cũng đã cũ lắm rồi, ở trong một khu dân cư mà gần đây cũng đầy những biến cải ngang dọc…Thế mà tôi và thằng cháu con ông anh trưởng tộc vẫn còn nhận ra được cái sân lót gạch Bát tràng đầy rêu bám, nơi đấy cách đây cả trên nửa thế kỷ trước tôi được may mắn mới khé né thử ngồi lên con ngựa gỗ thì đã bị thằng cháu này nó đẩy cho ngã lăn quay ra trên mặt chiếc sân này…
Trước mắt chứng kiến của cả phái đoàn gồm bốn thế hệ của một giòng họ nhà tôi, hai chú cháu tôi ôm nhau cười ngất… mà nước mắt cũng ràn rụa theo…
*
Sống đờiTrải qua gần một thế kỷ đêm đen
trùm kín bao nhiêu dòng họ Việt Nam
cả bốn thế hệ cứ quầy quật mãi
để đến bây giờ còn vẫn lênh đênh…
Thế mới biết trong hoàn cảnh chông chênh
cứ an nhiên sinh động bước tiến lên
xông xáo – uyển chuyển – vững bền tâm trí
bão tố riết rồi cũng phải bình yên
Sống đời chỉ những ưu phiền
mà vượt qua khỏi – thân liền khinh an.
16:05 thứ hai, 07-03-2022.
Phạm Quốc Bảo.