Tùy bút của Hoàng Chính.
(Nhân chuyện nước Nga hôm nay, gửi bạn một câu chuyện về Liên Bang Xô Viết năm xưa.)
Trong giờ ăn trưa, một người làm chung chỗ – tạm coi như bạn khá thân – nói thẳng vào mặt bạn rằng bạn là kẻ sát nhân. Những đồng nghiệp của bạn ngồi quanh bàn ăn, trố mắt nhìn, người yếu bóng vía khe khẽ đẩy cái ghế ra xa hơn chỗ bạn ngồi một tí. Vài người khác lặng lẽ liếc về phía góc tường, chỗ gắn cái điện thoại công cộng, mỗi lần gọi phải bỏ vào cái khe của máy đồng hai mươi lăm xu.
Tim bạn ngưng đập mất vài giây. Bạn tròn mắt nhìn anh chàng đồng nghiệp. Và cả phút đồng hồ sau bạn mới bình tĩnh trở lại, và bạn lên giọng, yếu ớt: “Murderer, Me?”
Có bao giờ bạn lâm cảnh ấy chưa?
Tôi đã từng lâm vào cái cảnh đứng tim ấy. Để thong thả, tôi kể lại cho bạn nghe từ đầu.
Trong số những người làm chung với tôi trong hãng làm cây cọ sơn – những tháng năm đầu đời của tôi ở Xứ Tuyết – có một anh chàng trông giống hệt tài tử Richard Pryor. Giống tới mức nhiều người làm chung xúi anh qua Hollywood nộp đơn – trong thời kỳ chưa nổi tiếng thì – xin đóng thế cho Richard Pryor những lúc cần. Chúng tôi dám chắc anh mà mò đến một phim trường nơi Richard Pryor đóng phim, chắc chắn người ta sẽ nghĩ anh là Richard Pryor thật. Cả hãng chúng tôi đặt cho anh cái tên Richard-Pryor-Hãng-Cọ. Anh chàng Richard của chúng tôi làm công việc chạy máy. Anh rất siêng năng. Giờ nghỉ giải lao hoặc giờ ăn trưa anh với tôi thường đem lunch-box ra sân, ngồi dưới bóng cây, vừa ăn vừa tán dóc.
Anh chàng Richard này và tôi gần gũi nhau bởi cả hai cùng là di dân. Tôi là thuyền nhân. Xuống thuyền ở Rạch Giá, được tàu giàn khoan cứu ngoài hải phận quốc tế và đem vào Pulau Bidong. Con đường của anh chàng Richard-Pryor-Hãng-Cọ vòng vo hơn nhiều. Từ quê nhà, anh vượt biên giới bằng đường bộ, băng qua sa mạc, băng qua những vùng hoang vu, dạt vào những ốc đảo, kết bạn với dân du mục, nương nhờ bóng mát dưới bụng những con lạc đà. Cứ vậy, từ nước này qua nước khác. Bị tạm giam giữ, bị trục xuất, lại “ngựa quen đường cũ”. Cứ như vậy cho đến khi anh được Canada công nhận quy chế tị nạn.
Không như tôi, chỉ một lèo từ Việt Nam qua đến Mã Lai và thẳng đường sang Xứ Tuyết, con đường tìm đến nơi chốn bình yên của anh qua nhiều giai đoạn quá nên tôi không nhớ nổi, và tôi chỉ nhớ được cái tên quê hương anh: Djibouti.
Bạn đã bao giờ nghe đến cái tên quốc gia ấy chưa? Djibouti. Quốc gia nhỏ bé ở vùng Sừng Phi Châu. Với dân số chưa đầy một triệu và sử dụng ba ngôn ngữ chính thức: Pháp, Ả Rập và Somali (Trong khi Canada của tôi dùng Anh và Pháp như hai ngôn ngữ chính thức.)
Giờ ăn trưa, chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện cố hương của mình. Chuyện của tôi từ đời vua Hùng, đến 1975 thì ngừng lại; chuyện của anh lại bắt đầu từ 1977, năm mà xứ sở anh Djibouti được Pháp trả độc lập. Anh thích thú nhắc đi nhắc lại con số cử tri bầu chọn việc giành độc lập cho quê hương anh Djibouti: tới 98.8%.
Anh thắc mắc sao tôi không kể tiếp về đất nước mình sau 1975 trong khi anh hãnh diện nói về một đất nước non trẻ nơi người dân thẳng thắn phát biểu ý muốn của họ về một quốc gia độc lập: nước Cộng Hòa Djibouti.Anh khoe phương châm của nước anh là Thống Nhất – Bình Đẳng – Hòa Bình mà tiếng Pháp là Unité – Égalité – Paix. Tôi thích thú lắng nghe. Tôi bảo phương châm của nước anh chắc cũng có họ hàng xa gần với phương châm của nước Pháp: Liberté – Egalité – Fraternité. Anh bảo chắc vậy bởi Pháp đã từng là “mẫu quốc” của quê hương anh Djibouti, hệt như Pháp đã từng làm “mẫu quốc” của Việt Nam.
Tôi tỉ mẩn hỏi anh về đất nước Djibouti. Anh cần mẫn trả lời, rồi bỗng dưng anh hỏi tôi: phương châm nước Việt Nam là gì? Tôi lúng túng. Chẳng lẽ phun ra cái điều gian dối đại khái như: Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc; những thứ mà ở nước VN bây giờ đố ai tìm cho ra.
Rồi chúng tôi chuyện trò về bài quốc ca. Anh rì rầm hát bằng tiếng Ả Rập và dịch ra tiếng Anh bài quốc ca của nước mình đại khái như thế này: “Hãy vươn lên cùng sức mạnh! Vì ta đã kéo cao lá cờ. Lá cờ bồi đắp bởi muôn vàn gian khổ. Với cơn khát và nỗi đau cùng cực. Quốc kỳ chúng ta, màu xanh lục vĩnh cửu của đất đai, xanh dương của bầu trời, và trắng, màu của hòa bình. Trung tâm là ngôi sao màu máu đỏ. Ơi lá cờ của chúng ta, hình ảnh hào hùng biết bao!”
Rồi anh bảo tôi hát và dịch lời bài quốc ca Việt Nam cho anh nghe thử.Tôi lảng tránh. Nhưng anh cứ đốc thúc mãi, tôi đành gian dối. Tôi hát: Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành nôi… Anh khen bài quốc ca Việt Nam có ý nghĩa và sâu sắc. Tôi xấu hổ, lặng im. Anh cứ nói đi nói lại về chuyện quốc ca. Anh than phiền rằng quốc ca nước anh đơn giản quá, rằng nhạc quả có hùng nhưng lời thì thiếu sâu sắc. Nghe anh than thở hoài, tôi đành thú thật là bài Việt Nam, Việt Nam mà tôi vừa hát và dịch lời cho anh nghe chỉ là bài quốc ca trong lòng người Việt, còn bài chính thức của nhà nước thì khác. Anh hỏi thế bài quốc ca hiện tại như thế nào. Tôi bảo tôi không thuộc.
Chúng tôi làm chung hãng một thời gian dài. Và chúng tôi trở thành đôi bạn thân từ lúc nào không hay. Giờ ăn trưa, hai đứa đem đồ ăn mang theo ra ăn chung. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Từ chuyện thuở nhỏ đi học đến những chuyện lẩm cẩm mà hai đứa đã trải qua ở cái thời làm con trai mới lớn. Chúng tôi giúp đỡ nhau, nhường nhịn nhau như hai anh em. Cho đến khi một biến cố lớn lao xảy ra, làm chúng tôi đối mặt với nhau một cách phi lý.
Chuyện như thế này. Ngày 01 tháng Chín năm 1983, phản lực cơ chiến đấu Sukhoi Su-15 của Liên Xô dùng hỏa tiễn không-đối-không bắn rơi chiếc Boeing dân sự của Korean Air Lines, chuyến bay 007 trên không phận vùng biển Nhật Bản, phía tây đảo Sakhalin, làm thiệt mạng 269 hành khách cùng phi hành đoàn. Cuộc tàn sát gây chấn động ấy bị mọi người lên án. Tin tức tiết lộ sau này cho thấy tư lệnh lực lượng phòng không khu vực Viễn Đông Của Xô Viết, tướng Valery Kamensky đã cương quyết ra lệnh tiêu diệt chiếc KAL 007 cho dù nó đang bay trên vùng hải phận quốc tế nếu như xác định được là đó không phải máy bay chở hành khách.
Thuộc cấp của ông ta, tướng Anatoly Kornukov nhất quyết cho rằng không cần nhận diện nữa bởi “kẻ xâm nhập” đã bay trên không phận bán đảo Kamchatka của Liên Xô.
Bản tin chấn động ấy lan vào hãng cọ. Công nhân viên lao xao bàn tán ngay cả trong lúc đang chải lông cọ. Và ngậm ngùi thương cho số phận những hành khách vô tội trên chuyến bay.
Giờ ăn trưa, trời mưa tầm tã, chúng tôi rút vào ngồi trong phòng ăn với mọi người. Anh bạn Richard-Pryor-Hãng-Cọ của tôi lầm lì nhai bánh mì. Mọi người lặng lẽ với phần ăn trưa của mình. Không ai nói gì với ai. Không khí keo đặc.
Rồi anh Richard-Pryor-Hãng-Cọ bỗng buột miệng, như không thể nén thêm được phút giây nào nữa: “Tụi Cộng Sản Liên Xô tàn bạo không tưởng tượng được. Biết là máy bay dân sự mà vẫn bắn rơi. Đúng là bọn sát nhân!”
Thấy anh yên lặng biết bao lâu, bỗng dưng lớn tiếng phát biểu như thế, tôi tán đồng, “Đúng là bọn sát nhân!”“Cả thế giới đều lên án,” anh tiếp. “Đúng, làm sao mà không lên án cho được,” tôi phụ họa. Anh tiếp, “Cả thế giới chỉ có ba đứa vỗ tay reo mừng.”Tôi ngẩn người ra, nhìn Richard-Pryor-Hãng-Cọ, chờ anh nói thêm cho rõ.
Anh nhìn những khuôn mặt đồng nghiệp – đủ mọi sắc dân – quanh bàn ăn, rồi tia nhìn ấy dừng lại ở tôi. Anh chậm rãi nói, “Thằng Cuba, thằng Tàu và tụi Việt Nam chúng mày.”
Sựng lại mất một giây, tôi phản đối yếu ớt, “Chỉ có bọn Cộng Sản Việt Nam vỗ tay thôi, ông ạ.”
Anh bạn tôi vắn tắt một câu làm tôi chết đứng, “Thì cũng là Việt Nam!”
Và trước khi bỏ đi, anh ném cho tôi phán quyết sau cùng, “Đồng lõa với bọn giết người thì cũng chẳng khác gì chính mình đi giết người. Murderer!” Đám đồng nghiệp tròn mắt ngó anh, rồi nhìn sang tôi. Anh mỉm cười – phủi tay – sau câu nói và ôm cái hộp đựng đồ ăn trưa ra chỗ vòi nước rửa tay.
Tôi lắp bắp, “Murderer, Me?”
Bạn cũng biết ở Việt Nam nói tới chữ giết người chẳng ai thèm để ý bởi mạng người bên ấy rẻ, nhưng ở Bắc Mỹ khi nghe nói đến chữ murderer thì ai cũng tròn con mắt nhìn (và không chừng còn báo cảnh sát nữa.)
Tôi lúng túng nhìn đám đồng nghiệp, và cố mỉm cười. Cô đồng nghiệp người Bồ Đào Nha mà công việc là liên tục dán nhãn hiệu lên cây cọ – nghe không rõ nhưng cũng đẩy nhẹ cái ghế ra xa, trợn mắt hỏi: “Ai giết ai?” Anh chàng người Hungary chuyên đóng cọ vào thùng để gửi cho khách hàng vươn cao cái cổ dài: “Mày giết ai vậy?” Người đàn ông Salvador kín đáo liếc mắt về phía cái điện thoại công cộng ở góc phòng.
Khỏi nói bạn cũng biết tôi mất cả nửa tiếng giải thích cho đám đồng nghiệp hiếu kỳ về chuyện chuyến bay dân sự KAL-007 của Nam Hàn bị không quân Liên Xô bắn nổ tung thành hàng ngàn mảnh vụn rơi xuống biển Nhật Bản. Và thêm chuyện đám đàn em cộng sản vỗ tay reo mừng, trong đó có nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Và tôi nhấn mạnh là tôi và hàng triệu người Việt Nam khác không hề vỗ tay tán thưởng hành động sát nhân của Liên Bang Xô Viết. Tôi hăng hái giải thích rằng bọn Cộng Sản Việt Nam đã từng không chùn tay trước bất kỳ hành vi ác độc nào miễn sao ý đồ của bọn cộng sản đàn anh được thực thi trên đất nước mình. Tôi bảo bọn chúng là Việt Cộng chứ không phải Việt Nam nói chung.
Một ông trung niên người Québec chuyên chạy máy cắt gật gù, “Cậu nói đúng, nhưng thằng Richard-Pryor-Hãng-Cọ nói đúng hơn. Chuyện Việt Cộng hay không Việt Cộng chỉ liên hệ đến người dân Việt Nam mấy cậu thôi, ra khỏi cái tầm quốc gia thì ý niệm ấy không còn quan trọng nữa. Cũng như vượt ra ngoài cái tầm nhân loại, từ hành tinh khác nhìn về trái đất thì bọn người ngoài hành tinh chỉ biết có loài người – humankind species và các loài thú cùng thảo mộc. Vậy thì bọn Việt Nam nhà cậu đúng là đồng lõa với bọn sát nhân Xô-Viết, chống lại nhân loại.”
Bạn thân mến. Câu chuyện ấy in đậm trong trí tôi từ dạo đó. Rời hãng cọ, tôi mất liên lạc với tất cả những người cùng làm. Tôi cũng mất liên lạc với anh chàng Richard-Pryor-Hãng-Cọ. Chắc hẳn anh đã đi học lại, thành công và lập thân ở một khung cảnh khác không còn vướng víu cái cổ xanh thuở ban đầu. Ông trung niên chạy máy giờ này chắc đã về hưu, và hẳn vẫn khư khư cái ý niệm “Bọn Việt Nam đồng lõa với bọn sát nhân Xô-Viết chống lại nhân loại.”
Từ đó mỗi khi có ai hỏi, “Bạn từ đâu tới?” hay “Phải bạn là người Việt Nam không?” Tôi lại ngập ngừng không biết người hỏi có phải đang có trong đầu hình ảnh những mảnh vụn trôi bập bềnh trên biển ít ngày sau khi chiếc máy bay của Hàng Không Đại Hàn bị Không Quân Liên Bang Xô Viết bắn hạ.
Và tôi thủ sẵn câu trả lời năm xưa, để thốt ra cái giọng cay cú, “Murderer, me?”
* Hoàng Chính.