Kết quả một nghiên cứu được JAMA Network công bố hôm Thứ Hai, 14 Tháng Ba cho thấy những bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối, nếu không muốn chạy thận vẫn có thể duy trì cuộc sống tốt trong nhiều năm, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.
Tuy nhiên ngay cả như vậy thì nhiều người cũng phải nhập viện hoặc tiến hành phẫu thuật để giải quyết các biến chứng do suy giảm chức năng thận, theo các nhà nghiên cứu.
Bác Sĩ Susan P. Y. Wong, đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia về thận của đại học University of Washington và bệnh viện VA Puget Sound Health Care System, cho biết: “Nhiều bệnh nhân quyết định ngừng việc chạy thận và vẫn sống vài năm với phẩm chất cuộc sống tốt. Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng chạy thận không phải là lựa chọn duy nhất để điều trị bệnh suy thận, mặc dù đây là cách phổ biến ở nhiều bệnh nhân.”
Chạy thận là quá trình sử dụng thiết bị chuyên dụng để loại bỏ nước dư thừa và chất độc ra khỏi máu. Đây vốn dĩ là chức năng của thận khi còn hoạt động bình thường. Mỗi đợt lọc máu có thể kéo dài bốn tiếng đồng giờ và phải thực hiện vài lần mỗi tuần.
Theo Mayo Clinic, suy thận mạn tính giai đoạn cuối, hoặc khi thận yếu đến mức đe dọa tính mạng, rất có thể là biến chứng từ tiểu đường loại 2 hoặc bệnh tim nặng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy lọc máu chạy thận sớm không phải luôn là cách để cải thiện tiên lượng đối với bệnh nhân thận giai đoạn cuối. Trong khi đó chạy thận còn có một số tác dụng phụ, chẳng hạn gây nhiễm trùng.
Do đó, một số bệnh nhân không chạy thận, mà quyết định dùng các loại thuốc được bác sĩ kê toa giúp kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng, theo bà Wong.
Trong nghiên cứu này, bà và đồng nghiệp tiến hành phân tích dữ liệu từ 41 nghiên cứu trên hơn 5,100 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Kết quả cho thấy những bệnh nhân ngừng việc chạy thận vẫn có thể sống tiếp đến bốn năm. Không chỉ vậy, họ còn cho thấy chất lượng cuộc sống và tinh thần được cải thiện hơn so với những người vẫn tiếp tục chạy thận.
Mặc dù vậy, trong một năm điển hình, những người không tiếp tục chạy thận phải nhập viện hai lần, kéo dài 16 ngày, đến phòng khám tám lần và cần được chăm sóc tại phòng cấp cứu hai lần do các biến chứng và triệu chứng của suy thận.
Bà Wong chia sẻ: “Việc tiếp tục hoặc ngừng chạy thận đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Bệnh nhân nên bàn bạc với bác sĩ để tìm ra cách phù hợp nhất.” (V.Giang)
Nguồn: nguoi-viet.com