Đậu hũ là một trong những thực phẩm lâu đời trong ẩm thực Châu Á, đặc biệt là ở vùng Đông Nam Á hơn nhiều thế kỷ qua.
Khoảng 50 năm trở lại đây, đậu hũ đã vượt qua ranh giới quốc gia gốc Á và ngày càng phổ biến ở các nước phương Tây, đặc biệt là trong các món ăn chay.
Không chỉ ngon và dễ làm, đậu hũ được khuyến khích ăn nhiều vì giàu dinh dưỡng, giúp cơ thể duy trì sự khỏe mạnh và vóc dáng cân đối, theo trang mạng Healthline.
NGUỒN GỐC CỦA ĐẬU HŨ
Đậu hũ được làm bằng cách làm đông sữa đậu nành tươi, sau đó ép sữa đông thành dạng khối rắn, tương tự như cách làm pho mát sữa truyền thống bằng cách làm đông và làm đông đặc sữa bò.
Nó có thể mềm, chắc, cứng hơn hoặc rất chắc và có thể có kết cấu mềm hoặc giòn tùy thuộc vào cách bạn nấu.
CÁC THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG CỦA ĐẬU HŨ
Theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 1/4 miếng đậu hũ (tức khoảng 81 gram) chứa đến 14 gram protein, 7 gram chất béo, 2.3 gram carbohydrate, 1.9 gram chất xơ và 11 milligram sodium.
Chuyên gia dinh dưỡng Tanya Freirich, giám đốc trung tâm Tanya B Nutrition, cho biết đậu hũ là một nguồn cung cấp protein tuyệt vời với tất cả 9 amino acid.
“Đậu hũ cung cấp calcium, magnesium, phosphorus, vitamin B và sắt, thậm chí còn có cả đồng và kẽm,” chuyên gia Tanya Freirich nói.
LỢI ÍCH KHI ĂN ĐẬU HŨ
1-Bảo vệ hệ tim mạch
Các estrogen thực vật trong đậu hũ giúp giữ cho trái tim khỏe mạnh. Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Circulation do Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ thực hiện dựa trên đánh giá dữ liệu từ hơn 200,000 người, cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn ít nhất một khẩu phần đậu hũ mỗi tuần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn 18% so với những người ăn ít hoặc không ăn đậu hũ.
Đậu nành trong đậu hũ có thể hữu ích trong việc giảm huyết áp và do đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
2-Duy trì mức cholesterol ổn định
Đậu hũ hữu ích trong việc giảm cholesterol LDL xấu cũng như giảm nhẹ chất béo trung tính và tăng nhẹ cholesterol HDL tốt. Một phân tích tổng hợp của 46 nghiên cứu cho thấy rằng protein đậu nành làm giảm đáng kể lượng cholesterol LDL khoảng từ 3% đến 4% ở người lớn.
3-Cải thiện trí nhớ
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng equol, là chất chuyển hóa được tạo ra trong ruột từ việc tiêu thụ các sản phẩm đậu nành, có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Theo các nhà nghiên cứu, những người tạo ra nhiều equol hơn từ việc ăn các sản phẩm đậu nành có ít nguy cơ tiềm tàng bị bệnh Alzheimer hơn những người ít tiêu thụ thực phẩm này hơn.
4-Có lợi cho phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh
Một nghiên cứu vừa công bố năm 2021 cho thấy phái nữ có thực đơn ăn uống thêm nhiều đậu hũ, đậu nành, ít chất béo có thể giảm 84% các cơn “bốc hỏa” từ trung bình đến nghiêm trọng vì có chứa nhiều chất isoflavone, hay còn gọi là phytoestrogen.
5-Ngăn ngừa loãng xương
Nhiều nghiên cứu cho rằng chất isoflavone trong đậu nành còn giúp tăng mật độ khoáng của xương, giúp xương chắc khỏe hơn.
Sức khỏe xương thường là một vấn đề sau khi mãn kinh, khi phụ nữ bị mất khối lượng xương do giảm nồng độ estrogen. Với việc ăn đậu hũ có chứa nhiều canxi và vitamin D giúp tăng cường sự cứng cáp cho xương và ngăn ngừa quá trình bị loãng xương.
6-Làm giảm quá trình tái phát ung thư
Một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn đậu hũ thường xuyên có thể giúp làm chậm sự tiến triển hoặc giảm sự tái phát của một số bệnh ung thư.
Đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt nên ăn nhiều đậu hũ và các thực phẩm làm từ đậu nành khác sẽ giữ cho mức độ kháng nguyên cụ thể của tuyến tiền liệt ở mức thấp, có nghĩa là ung thư tiến triển chậm hơn.
Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng cho thấy ăn đậu hũ thường xuyên có thể làm giảm tái phát ung thư vú.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng đậu nành là một chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Theo American College of Allergy, Asthma & Immunology, phản ứng dị ứng xuất hiện lần đầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, và nhiều trường hợp dị ứng phát triển mạnh hơn trong thời niên thiếu.
Nói tóm lại, khi thưởng thức vừa phải, đậu hũ sẽ có lợi cho hầu hết mọi người, nhưng bạn nên tránh lạm dụng ăn quá nhiều đậu hũ để tránh những tác dụng phụ không cần thiết. (KD)
Nguồn: nguoi-viet.com