“Thăng Long tứ trấn” chỉ là tập hợp ngẫu nhiên của bốn ngôi đền riêng lẻ hay nó là quy hoạch có dụng ý ngay từ đầu của một đấng quân chủ, hoặc một ý chí xuyên suốt có tính truyền thừa qua các đời quân chủ một triều đại?
Hà Nội nay, Thăng Long xưa có 4 công trình tâm linh quan trọng nhất được gọi là “Thăng Long tứ trấn”, đó là bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn hướng của kinh thành. Chúng lần lượt là: Đông trấn – “Bạch Mã tối linh từ” (đền Bạch Mã); Tây Trấn – “Tây Trấn từ” (đền Voi Phục); Nam trấn – “Kim Liên từ” (đền Kim Liên); Bắc trấn – “Trấn Vũ quán” (đền Quán Thánh).
Cái tên “Thăng Long tứ trấn” xuất hiện khá muộn vào khoảng năm 1956 trong tác phẩm “Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ” của tác giả Đặng Xuân Khanh. Cơ sở của nó là thuật ngữ “Tứ trấn từ” đã xuất hiện trong văn bản “Hà thành linh tích cổ lục” có niên đại thời Nguyễn. Bốn công trình trong Thăng Long tứ trấn không phải được đồng thời khởi công. Công trình đầu tiên được xây dựng từ trước khi có tên thành Thăng Long. Công trình được cho là cuối cùng, lại chưa có cơ sở hay chứng tích đủ mạnh để khẳng định về thời gian bắt đầu khởi công.
Vấn đề đặt ra ở bài viết này, đó là “Thăng Long tứ trấn” chỉ là tập hợp ngẫu nhiên của bốn ngôi đền riêng lẻ hay nó là quy hoạch có dụng ý ngay từ đầu của một đấng quân chủ, hoặc một ý chí xuyên suốt có tính truyền thừa qua các đời quân chủ một triều đại?
Có một chi tiết ít được để ý, đó là đất Ninh Bình cũng có “Hoa Lư tứ trấn”. Khác với “Thăng Long tứ trấn” chỉ có 4 ngôi đền, Hoa Lư tứ trấn là 4 cụm quần thể đền thờ phát triển từ 4 ngôi đền ở 4 hướng cửa ngõ vào kinh thành Hoa Lư, được vua Đinh Tiên Hoàng cho dựng để thờ 4 vị Thần thánh: Thiên Tôn, Cao Sơn, Quý Minh và Không Lộ.
Vì thiếu tài liệu khảo chứng, chúng ta khó có thể kết luận rằng “Thăng Long tứ trấn” đã được hình thành như một tổ hợp có chủ ý hay ngẫu hợp mà thành. Tuy vậy, từ lịch sử cho thấy, nó có liên quan đến danh nhân thắng địa đất Hoa Lư, Ninh Bình. Hãy bắt đầu với công trình đầu tiên: Đền Bạch Mã.
Đền Bạch Mã trấn Đông – Thành hoàng Long Đỗ phò trợ hai vị vua
Đền Bạch Mã hiện nay nằm ở địa chỉ 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hội đền diễn ra vào 12 – 13 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ vốn là thần cai quản địa phương Hà Nội cổ – lúc đó là đất Đại La, đền được xây dựng phía đông La Thành. Đến thế kỷ 10, khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã đến đền này làm lễ cầu đảo xin Thần phù hộ, từ đó mà đánh đâu được đấy. Sau khi thống nhất đất nước, ngài lên ngôi, trở thành vua Đinh Tiên Hoàng. Một hôm, vua nằm mộng thấy một vị thần tự xưng là Thần Bạch Mã báo mộng rằng: ‘’Thần đã vâng mệnh Hoàng Thiên, theo vua đánh giặc. Nay thiên hạ đã yên bình, nhà vua chưa lễ tạ, thế là không đúng lễ’’. Vua tỉnh dậy, biết là Thần rất linh ứng, liền phong tặng mỹ tự “Hộ Quốc Bảo Cảnh Linh Thông Tế Thế, Đô Đại Thành Hoàng Linh Lang Bạch Mã Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần”. Đinh Tiên Hoàng sai sứ giả mang sắc phong thần Bạch Mã về xã Đặng Xá, huyện Cổ Bảng, Phủ Lý Nhân, Đạo Sơn Nam, chính là nơi ngài mộ quân sau khi cầu đảo Thần Long Đỗ khi xưa. Vua truyền cho nhân dân xây thêm một đền thờ thần Bạch Mã trên quê hương Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt để thờ phụng, gọi là đền thờ Thần Linh Lang Bạch Mã.
Đến đời Lý Thái Tổ, khi vua dời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (1010), định đắp thành cho rộng nhưng đắp xong đều bị lở, bèn cử người tới cầu Thần. Đêm đó, vua nằm mộng thấy Thần đến chúc mừng rồi dặn nhà vua cứ theo dấu vó ngựa đắp. Có con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng Tây, vòng về hướng Đông, trở về điểm xuất phát rồi biến vào đền. Nhà vua y lời Thần, bèn cho đắp thành xây lũy theo vết chân ngựa để lại, xây đến đâu chắc đến đấy. Vua Lý Thái Tổ vì thế sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho Thần làm “Quốc đô Định bang Thành hoàng đại vương”, tức Thành hoàng của cả thành Thăng Long. Ngôi đền cũng được trùng tu và từ đó có tên là đền Bạch Mã.
Phải chăng mô hình “Hoa Lư tứ trấn” đã theo chân Lý Thái Tổ ra tận đất Thăng Long? Ta hãy đến với công trình tiếp theo: Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh trấn Bắc – Chân Vũ Đại Đế chống kiếm quét sạch quần ma
Đền Quán Thánh ở 190 phố Quán Thánh, quận Ba Đình ngày nay, còn được gọi là Trấn Vũ quán. Đền thờ đức Huyền Thiên Trấn Vũ, tức Chân Vũ Đại Đế, một vị thần phương Bắc. Đền trấn giữ ở phía Bắc của kinh thành Thăng Long. Hội đền diễn ra vào 3/3 âm lịch hàng năm.
Nếu như Thần Long Độ – thành hoàng Thăng Long là vị Thần có công phù trợ vua dẹp nội loạn dựng nền thái bình, lại giúp xây dựng và bảo hộ đô thành, thì thần Chân Vũ lại giúp dân trừ tà.
Sách “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ – Nguyễn Án có chép: “Miếu Ma ở huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc, nay đổi là miếu Xuân, đời thượng cổ có con hồ chín đuôi, vẫn làm hại dân gian. Một khoảng xa hơn bốn mươi dặm, vắng tanh không ai dám ở. Nhờ có đức Huyền Thiên thượng đế, giáng xuống bắt con hồ ấy. Từ đấy, trải các triều vua, đều có thờ vọng và ghi vào lễ điển, dựng đền Trấn Võ ở phía tây bắc thành Thăng Long để trấn áp linh khí của Hồ Tây. Đời chúa Định Vương tiên triều mới đúc đồng làm tượng, cao mấy chục thước, xõa tóc đi chân không, chống gươm đứng giẫm lên con rùa, con rắn. Lại có bốn viên nguyên súy đứng ở phía trước, tượng Hồ tinh đứng một bên, uy dũng nghiêm chỉnh.”
Như vậy có thể thấy, tín ngưỡng thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, có từ trước khi người Việt dựng ngôi đền này.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long (Canh Tuất 1010) phong cho thần Trấn Vũ là Huyền Thiên Trấn Vũ Chân Quân, coi giữ mặt bắc Hoàng thành. Năm Nhâm Ngọ 1012, vua Lý Thái Tổ xây miếu thờ Trấn Vũ ở gần thành, không rõ ở địa điểm nào, chỉ thấy sách cũ ghi là gần đầm Thân Cáo (có lẽ là một chỗ nào đó của hồ Tây thời xưa). Thời Lê Sơ, năm Giáp Ngọ 1474, Lê Thánh Tông sai tu tạo lại Hoàng thành, mở rộng diện tích và xây đền thờ Trấn Vũ ở bên ngoài tường thành, tức là địa điểm của đền hiện nay”.
Chân Vũ Đại Đế là một vị thần phương Bắc. Người Trung Hoa cho rằng, tất cả các vì sao trên bầu trời đều di chuyển, chỉ có sao Bắc Cực là giữ nguyên vị trí, bất động. Do đó, ngôi sao này rất được xem trọng, liệt vào hàng tôn quý. Chân Vũ Đại Đế chính là vị thần trấn giữ ở ngôi sao Bắc Cực này. Ngài còn được gọi là “Huyền Thiên Thượng Đế”, “Đãng Ma Thiên Tôn” hay “Chân Vũ Đại Đế”.
“Huyền Vũ” là một trong Tứ tượng của văn hóa truyền thống Trung Hoa, ngũ hành thuộc Thủy, thường thể hiện bằng hình tượng kết hợp của con rùa đen và rắn, là Thần thú đại diện cho phương bắc. Mà Huyền Vũ Thần, tức Chân Vũ Đại Đế, lại thường chân đạp rùa rắn, mặc áo giáp, cầm cờ đen, xõa tóc, chân trần, xuống hạ giới trừ ma tà, là biểu tượng của chính nghĩa và sức mạnh giữa trời đất.
Pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đời Lê Hy Tông.
Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Tượng đầu trần xõa tóc, mặc áo đạo sĩ, chân trần, bàn tay trái bắt quyết trừ tà, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên.
Sở dĩ gọi là “Quán” vì Trấn Vũ Quán là nơi thờ tự của Đạo giáo. Thời khoa cử còn thịnh, học trò thường vào đây xin thơ giáng Thánh và cầu mộng, chi tiết này được chép trong “Trấn Vũ thần mộng ký”. Theo truyền thuyết, chính thần Chân Vũ đã báo mộng cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn theo Lê Lợi.
Sau Trấn Vũ Quán, nhà Lý tiếp tục xây dựng công trình thứ ba: Đền Voi Phục.
Đền Voi Phục trấn tây – Linh Lang đại vương giúp vua giữ nước
Đền tọa lạc tại số 362 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, cạnh công viên Thủ Lệ. Đền này thờ Linh Lang đại vương. Hội đền diễn ra trong hai ngày 9/2 và 10/2 âm lịch hàng năm.
Linh Lang không được đề cập trong sử sách, nhưng có trong Thần phả. Tương truyền, ông là con vua Lý Thánh Tông, sinh nhằm ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thìn (1064), mẹ là cung phi thứ 9, quê ở Đồng Đoàn xã Bồng Lai, Đan Phượng, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Lý giải theo thần tích, vị thần này mất năm lên 8 tuổi vì bệnh đậu mùa, hóa thành rồng, đem theo trận gió ra hồ Linh Lang (ở Thủ Lệ, Hà Nội ngày nay).
Có nguồn tài liệu chép rằng khi quân Tống sang đánh, Linh Lang (Hoằng Chân) xin vua cấp 5000 quân và voi trận ra dẹp giặc và thành công. Sau tiệc mừng thắng trận, nhà vua tỏ ý muốn nhường ngôi cho Hoàng tử Hoằng Chân, nhưng ông không nhận. Sau đó ít lâu, Hoằng Chân lâm bệnh nặng và qua đời.
Lại có thuyết nói rằng Linh Lang là con của Long quân dưới Long cung, được lệnh lên giúp vua chống giặc. Có thuyết khác trong Thần phả lại cho rằng, Thần có hành trạng tương tự Thánh Gióng, khi giặc sang thì từ đứa trẻ vươn mình thành mãnh tướng, có voi phục sẵn để làm vật cưỡi tung hoành nơi sa trường. Ở cổng đền ngày nay có đôi voi chầu phục, chính là ý ấy.
Tựu trung lại, Thần Linh Lang là vị có công giúp vua đánh giặc ngoại xâm giữ nước, nên được lập đền thờ ở nhiều nơi tại Hà Nội, điểm chính là ở Đền Voi Phục, Thủ Lệ. Tương truyền, đền được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (năm 1065) đời vua Lý Thánh Tông, trên một khu gò cao thuộc vùng đất của trại Thủ Lệ – một trong 13 làng trại ở phía tây kinh thành Thăng Long.
Như vậy, trong bốn công trình thuộc “Thăng Long tứ trấn”, thì một đã được xây dựng từ trước, đến thời Lý Thái Tổ được trùng tu, hai công trình tiếp theo được xây dựng cách nhau khoảng nửa thế kỷ vào thời đầu triều Lý. Căn cứ trên sử liệu, Thăng Long tứ trấn lúc này mới có các trấn Đông, trấn Bắc, trấn Tây, và cũng chưa hình thành quần thể hoàn chỉnh hay tên gọi như ngày nay, vì công trình cuối cùng – Đền Kim Liên – vẫn chưa xác định được chính xác niên đại.
Đền Kim Liên trấn Nam – Cao Sơn đại vương phù trợ diệt nội loạn
Đền (cũng là đình) này thuộc làng Kim Liên cũ, nay là số 176 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Cao Sơn đại vương là Lạc tướng vùng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay). Ngài là con thứ 17 của đức Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống, đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại, vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ. Ở Hoa Lư, Thần Cao Sơn trấn tây, thì ở Thăng Long, đền thờ thần chính là Đền Kim Liên trấn phía nam kinh thành.
Lễ hội đền diễn ra vào 15-16 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Đền Kim Liên được xây vào năm nào chưa biết đích xác, nhưng di vật quan trọng nhất của đền Kim Liên là tấm bia đá cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m, trên khắc dòng chữ: “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510.
Nội dung bản thần tích trên bia đá cho biết: Khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt.
Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là di tích đền Láo, xã Văn Phương, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ “Cao Sơn đại vương”.
Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu Thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ Thần Cao Sơn được lập ở Phụng Hóa. Sau nhớ ơn Thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, nên năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ. Tấm bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” vốn ở huyện Phụng Hóa, đến đời Hoằng Định (1600-1619) lại nổi lên bến Bồ Đề và được dân phường Kim Liên kéo đưa rước về đặt ở di tích như ngày nay.
Tuy nhiên, theo thông tin giới thiệu ở ngay tại đền, thì đền Kim Liên lại được xây dựng ngay vào đầu thời Lý. Bản thân đền này đã có sự thay đổi nhiều về kiến trúc và thờ tự qua thời gian. Nơi đây hiện vừa thờ thần Cao Sơn, lại vừa thờ cúng những nhân vật khác; vừa là đền, lại vừa có những phần xây dựng để sinh hoạt làng xã, nên còn gọi là đình. Thậm chí đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà sử học vẫn chưa tìm được tài liệu xác định chính xác vị trí của trấn Nam thành Thăng Long. Nghe nói, vào năm 1985 chính cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã xác định được trấn nam Thăng Long chính là Đền (đình) Kim Liên khi khảo cứu nội dung trên tấm bia đá cổ.
“Thăng Long tứ trấn” – biểu tượng tâm linh đáng trân trọng của đất Kinh kỳ
Trở lại với câu hỏi chính của bài viết: “Thăng Long tứ trấn” chỉ là tập hợp ngẫu nhiên của bốn ngôi đền riêng lẻ hay nó là quy hoạch có dụng ý ngay từ đầu của một đấng quân chủ, hoặc một ý chí xuyên suốt có tính truyền thừa qua các đời quân chủ một triều đại?
Nếu Đền Kim Liên mãi cho tới thế kỷ 16 mới được xây dựng, như nội dung trên bản thần tích, thì có lẽ “Thăng Long tứ trấn” chỉ là một khái niệm do người cận đại hay hiện đại đặt ra. Nhưng giả sử như Đền Kim Liên được xây dựng từ đầu thời Lý, đến thế kỷ 16 được trùng tu bởi vua Lê Tương Dực, thì có lẽ có cơ sở hơn khi khẳng định “Thăng Long tứ trấn” được xây dựng có dụng ý, có quy hoạch bởi vương triều Lý và có ý nghĩa như là cụm 4 công trình tâm linh để trấn thủ kinh thành Thăng Long – như cách hiểu hiện nay.
Đinh Tiên Hoàng người Hoa Lư, Ninh Bình, chính là người đã cho xây dựng “Hoa Lư tứ trấn”. Đinh Tiên Hoàng mất, Lê Hoàn lên ngôi lập ra nhà Tiền Lê. Lý Công Uẩn làm quan cho nhà Tiền Lê rồi sau sáng lập triều đại nhà Lý, lên ngôi ở đất Hoa Lư. Như vậy, hai vị vua đất Hoa Lư Ninh Bình, nơi có “Hoa Lư tứ trấn” đã kết duyên trước tiên với ngôi đền Bạch Mã đất Thăng Long. Mà thần Long Đỗ sở dĩ phù trợ các vị cũng là vì hai vị có chân mệnh thiên tử, tức là Thần ứng với lòng Trời mà giúp, thể hiện ý tứ của câu “Quân quyền Thần thụ – ngôi vua là do Trời ban”, cũng là ý tứ của Thần khi báo mộng cho Đinh Tiên Hoàng: ‘’Thần đã vâng mệnh Hoàng Thiên, theo vua đánh giặc…”
Phải chăng ý tưởng xây dựng “Thăng Long tứ trấn” đã nhen nhóm từ Lý Thái Tổ, với kinh nghiệm thời còn ở “Hoa Lư tứ trấn” và ý nghĩa câu chuyện “Quân quyền Thần thụ” đối với Đinh Tiên Hoàng, và sau là với chính Lý Thái Tổ? Cố đô Hoa Lư là một vùng núi non trùng điệp, dễ thủ khó công, mà vua Đinh Tiên Hoàng còn cho xây dựng “Hoa Lư tứ trấn” để bảo hộ, thì vua Lý Thái Tổ có thể càng có dụng tâm ấy lắm chứ, khi mà Thăng Long lúc đó là một nơi “đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa…” (*), cũng tức là khó phòng thủ dễ tấn công.
Có lẽ vì thế mà nhà Lý cho xây dựng tiếp tục 3 công trình còn lại như chúng ta vừa tìm hiểu. Đặc biệt, công trình thứ 4, Đình Kim Liên, thờ thần Cao Sơn là một vị Thần thuộc “Hoa Lư tứ trấn”, biết đâu có từ thời Lý Thái Tổ, chứ không đợi đến thế kỷ 16, đời Lê Tương Dực.
Với nguồn sử liệu hiện tại, chúng ta không thể kết luận điều này, hay điều kia, mà chỉ nên dè dặt phỏng đoán. Nhưng dẫu sao, Thăng Long tứ trấn chính là công trình tâm linh quan trọng bậc nhất của Thăng Long xưa, Hà Nội nay, xứng đáng để các thế hệ con cháu gìn giữ và trân trọng… dẫu cho nhiều chứng tích lịch sử đã mất mát, lòng người có khi đầy khi vơi, và đất kinh kỳ đã trải qua bao cuộc tang thương dâu bể, như trong “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
(bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Phong
Tài liệu tham khảo: bài viết tham khảo “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục Quốc Sử Quán triều Nguyễn”, “Tang thương ngẫu lục”, “Việt Điện U Linh tập”, “Lĩnh Nam chích quái”, và “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn.
(*): Trích “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ
Source: NTDVN