Trần Quốc Quân
Con rể tôi người Nga, tên là Stepan Lavrov, cùng họ với Ngài Sergey Lavrov Bộ trưởng Ngoại giao Liên Bang Nga. Con rể tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Saint Petersburg, quê hương của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Mẹ con rể tôi là Biên tập viên Đài Truyền hình nhà nước thành phố Saint Petersburg. Con rể tôi mang trong người 3/4 dòng máu Nga và 1/4 dòng máu Do Thái.
Khoe thế để mọi người biết, xuất thân của con rể tôi không phải dạng vừa đâu mà rất ngầu trong quan hệ với nước Nga.
Con rể tôi học đến 16 tuổi thì sang London thủ đô Vương quốc Anh để học A level (tương đương với phổ thông trung học của Việt Nam). Năm 20 tuổi chàng quen con gái tôi đang học Khoa Thiết kế Thời trang tại Đại học Nghệ thuật London (University of the Arts London). Sau đó chàng sang học violon tại Đại học Nghệ thuật Berlin, Đức rồi làm thạc sĩ violon tại Đại học Nghệ thuật Salzburg, Áo, thành phố quê hương của nhà soạn nhạc Mozart lừng danh thế giới.
Con rể tôi khá là có số có má trong làng nhạc công violon thế giới với thành tích vào vòng 2 giải vionlon mang tên Paganini (tương đương với giải Piano mang tên Chopin), 1 giải nhất ở Singapore, 1 giải nhất ở Chile, và 1 giải nhì ở Nhật Bản. Ai muốn nghe con rể tôi kéo đàn violon cứ vào Youtube, gõ từ khóa Stepan Lavrov là ra các clip tuyệt hay của chàng.
Con rể tôi từ sau ngày cưới con gái tôi thường gọi tôi bằng cụm từ tiếng Việt rất dễ thương là “Bố Quân”.
Ngay sau ngày con rể tôi và con gái tôi cưới nhau năm 2014, tôi tổ chức cho chàng nàng một chuyến về Việt Nam vừa để ra mắt họ hàng bên vợ, vừa hưởng tháng trăng mật tại Hà Nội, Sa Pa và Vịnh Hạ Long. Tất nhiên có bố mẹ vợ theo chàng từng bước chân. Suốt chuyến về thăm Việt Nam, câu xuýt xoa cửa miệng của chàng luôn là: Ôi! Việt Nam đẹp thế. Ôi! Việt Nam ngon thế (ý là món ăn, chứ không phải gái, lơ mơ vợ cho ăn tát ngay). Ôi! Việt Nam thích thế (kể cả những lúc xe nườm nượp không đi bộ sang được đường ở thủ đô). Đại loại là chàng rất yêu Việt Nam, và nhất là… vợ Việt Nam.
Những ngày cuối năm 2014, thông gia mời cả nhà tôi đến thành phố Salzburg, Áo để dự lễ bảo vệ thạc sĩ của con rể tôi. Những phút cuối cùng của đêm giao thừa năm 2014/2015, con rể tôi đã mở laptop xem chương trình Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang, chúc mừng năm mới tới nhân dân Nga và cả thế giới.
Lúc đó, nhìn con rể tôi rơm rớm nước mắt, tôi biết chàng đang tự hào và xúc động ghê gớm lắm, không chỉ về nước Nga mà cả với thần tượng Putin.
Đến bây giờ, sau 8 năm chung sống, chàng và nàng đã có 2 con gái (5 tuổi và 3 tuổi), tức là cháu ngoại tôi. Con rể tôi là chàng trai của gia đình, rất đảm đang, rất yêu chiều vợ và chăm chút con. Nhìn gương mặt chàng lúc nào cũng thường trực một nụ cười, không trên bờ môi thì cũng trên khóe mắt.
Từ ngày 24/2/2022, sau khi Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, tôi rất ngại, không biết thái độ của con rể đối với việc này thế nào. Suốt những ngày chưa gặp nhau (vì vợ chồng con gái sống riêng, mặc dù nhà rất gần, chỉ cách nhau 2 bên mặt phố), tôi vẫn dè chừng con rể. Bởi rất có thể 2 cha con sẽ mang không khí chiến tranh trên chiến trường Ukraina vào tận gia đình.
Tính tôi thẳng, nghĩ gì làm nấy tuy có chút nhã nhặn ôn hòa. Nên trong những ngày đó, tôi vẫn thả đều các bài viết về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga trên đất nước Ukraina theo quan điểm của tôi. Mặc dù con rể là bạn trong FB của tôi.
Vào một ngày chủ nhật, khoảng mười ngày sau sự kiện đau lòng đó, tôi “rón rén” mời cả gia đình con gái sang nhà ăn shushi bữa trưa. Khi con rể bước chân qua cửa, tôi len lén theo dõi gương mặt chàng. Vẫn nụ cười tươi rói thánh thiện trên bờ môi, khóe mắt ấy. Chàng không hề biểu lộ thái độ khác thường nào. Tuy nhiên, trước khi ngồi vào bàn ăn, tôi vẫn cố gắng né tránh, không dám hỏi chàng và con gái về chuyện chiến tranh đầy nhạy cảm đó.
Khi tôi đang cuộn miếng cá hồi sống trong cánh lá tía tô và rong biển, bất ngờ con gái tôi khoe: “Bố ơi! Vợ chồng con vừa ra siêu thị mua đầy một cốp xe toàn Pamper để mai chở đến Trại tị nạn giúp trẻ em Ukraina. À, Hôm qua vợ chồng con mới gửi 2000 USD vào Quĩ giúp người Ukraina tị nạn chiến tranh nữa.” Tôi nghe, mừng quá, lén lấy khăn giấy lau mồ hôi trán. Nhưng tôi vẫn hỏi nhỏ con gái, tất nhiên bằng tiếng Việt: “Thái độ của chồng con về cuộc chiến tranh này thế nào?” Con gái tôi nói bằng tiếng Việt, không nhỏ chút nào: “Bố đi mà hỏi nó.”
Lấy hết can đảm, tôi quay sang hỏi con rể: “Con đánh giá thế nào về cuộc chiến tranh Nga – Ukraina?” Chàng nhún vai trả lời bằng tiếng Ba Lan rất dõng dạc: “Tất nhiên! Nga sai rồi. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về Putin. Bây giờ là thời đại nào, mà một nước lớn ngang ngược xua quân xâm lược một nước nhỏ, gây ra bao đau khổ cho người dân cả 2 nước. Không một lí do nào có thể biện bạch được việc vi phạm luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc, trừ khi nước kia gây hấn xâm lấn giết hại người dân nước này trước thì nước này mới có quyền phản kích tự vệ.”
Chẳng biết những người Việt Nam biện hộ cho việc Nga xua quân xâm lược Ukraina rằng, cũng giống về bản chất như việc Việt Nam trừng phạt Campuchia năm 1979, nghĩ gì về câu trả lời của chàng người Nga đáng tuổi con cháu mình nhỉ. Mà những người “Hoài niệm Liên Xô” ấy đang bênh vực cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga trên đất nước Ukraina làm sao có thể so về mức độ gắn bó ruột thịt với nước Nga với con rể tôi cơ chứ.
Thế mới thấy, nhận thức về lương tâm và đạo lý của con người phải được đặt ở trong não, chứ không phải ở trong tim!
Trần Quốc Quân
Warszawa, ngày 20/3/2022.
Từ FB. Trần Quốc Quân