Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hôm Thứ Năm, 14 Tháng Tư, cảnh báo cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang làm suy yếu nền kinh tế của hầu hết quốc gia trên thế giới, đồng thời nhận định tình trạng lạm phát cao là “mối nguy cấp bách” của nền kinh tế toàn cầu, theo AP.
Bà Kristalina Georgieva, tổng giám đốc IMF, cho biết cuộc xâm lược của Nga góp phần dẫn đến sự tụt dốc kinh tế của 143 quốc gia, dù hầu hết các nước này vẫn có thể tiếp tục phát triển. Chiến tranh đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu về năng lượng và ngũ cốc, đồng thời có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Châu Phi và Trung Đông.
Nhận xét của bà Georgieva được đưa ra trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp mùa Xuân vào tuần tới của IMF và Ngân Hàng Thế Giới (WB) tại Washington.
Giới doanh nghiệp đã bất ngờ trước sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau thời gian suy thoái do dịch COVID-19. Các nhà máy, cảng và bãi vận chuyển hàng hóa không thể đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng, khiến giá cả bị đẩy cao lên.
“Nạn lạm phát kéo dài đang buộc các ngân hàng trung ương thế giới phải tăng lãi suất, có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế” và dẫn đến “một bước thụt lùi lớn đối với sự phục hồi toàn cầu,” bà Georgieva phát biểu.
Ngoài ra, bà cảnh báo nền kinh tế thế giới đang bị phân chia thành các khối địa chính trị. Trong khi phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga nhằm phản đối chiến tranh, Trung Quốc lại bày tỏ sự ủng hộ với chế độ chuyên quyền của Điện Kremlin và ông Vladimir Putin, tổng thống Nga.
Trước khi cuộc giao tranh nổ ra, Nga và Ukraine cung cấp 28% sản lượng lúa mì xuất cảng toàn cầu. Ngoài ra, Nga và Belarus chiếm đến 40% kim ngạch xuất cảng phân kali.
“Giá ngũ cốc và bắp bây giờ đang tăng vọt. Giới lãnh đạo trên khắp Châu Phi và Trung Đông nói với tôi rằng nguồn cung ứng đang cạn kiệt. An ninh lương thực trở thành một mối lo lớn lao,” bà Georgieva cho hay. (V.Giang)
Nguồn: nguoi-viet.com