Một bài đăng trên Facebook Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam hôm 13 Tháng Tư gây tranh cãi vì mời gọi cộng đồng mạng tham khảo Phúc Trình Nhân Quyền 2021 ở Việt Nam, với ấn bản bằng tiếng Anh.
“Cam kết đối với những quyền không thể bị tước bỏ là nền tảng cho chính sách đối ngoại của chúng tôi. Thúc đẩy việc tôn trọng quyền con người không phải là điều mà chúng tôi có thể làm một mình mà cần phải chung tay với các đồng minh và đối tác toàn cầu mới có thể đạt được kết quả tốt nhất. Hoa Kỳ tiếp tục tiên phong trong nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người…,” trang này viết.
Bên dưới bài đăng, hàng trăm Facebooker để lại bình luận sôi nổi.
Facebooker “Việt Xô” viết: “Thôi nhân quyền chúng tôi đủ rồi. Đề nghị các ngài mang bớt nhân quyền sang Trung Quốc đi. Các ngài thả vài quả nhân quyền vào Trung Quốc có khi ở xứ nào đó còn ủng hộ cả hai tay đấy!”
Facebooker “Que Duong” bình luận: “Ê ông Mỹ ơi nhân quyền là cái chi rứa nạn nhân chất độc màu da cam do các ông ban, các ông đền bù cho họ chưa? Các ông không đủ tư cách để nói về nhân quyền với dân Việt Nam tôi đâu.”
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến tán đồng Phúc Trình Nhân Quyền 2021 ở Việt Nam. Trong số đó, Facebooker “Ngocsau Pham” viết: “Thể chế dân chủ, tôn trọng và thúc đẩy quyền con người là sự tất yếu trong tiến trình phát triển của nhân loại văn minh. Chính phủ nào càng đi theo xu hướng ấy, thì đất nước dân tộc ấy càng nhanh phát triển, thế giới sẽ văn minh hơn và hòa bình sẽ bền vững hơn khi mọi giá trị tốt đẹp được tôn trọng. Nhân dân thế giới biết ơn và cảm kích chính phủ nhân dân Hoa Kỳ vì các bạn luôn là ngọn đuốc tiên phong cho thế giới noi theo.”
Bản Phúc Trình Nhân Quyền 2021 ở Việt Nam được ghi nhận tiếp tục nhắc lại các hành vi vi phạm quyền con người, quyền tự do biểu đạt, quyền lập hội… của nhà cầm quyền CSVN.
Phần mở đầu của phúc trình viết: “Chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng có hành động sửa chữa, bao gồm cả truy tố các quan chức vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng, nhưng các công an viên và quan chức nhà nước thì thường được miễn hình phạt.”
Phúc trình nêu trên được ghi nhận ba lần nhắc tên bà Phạm Đoan Trang, nhà báo tự do, bị tuyên phạt chín năm tù vì lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền.
“Các nhà hoạt động như Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Tường Thụy không được gặp luật sư trong lúc bị tạm giam. Đôi khi nhà chức trách chỉ cho phép luật sư tiếp cận thân chủ của họ hoặc đưa chứng cứ chống lại họ ngay trước khi vụ án được đưa ra xét xử, nên các luật sư không có đủ thời gian chuẩn bị bào chữa,” bản phúc trình nêu. (N.H.K)
Nguồn: nguoi-viet.com