Thêm bằng chứng mới có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Một bản sao giấy khai sinh cấp tháng sáu năm 1940 cho ông Mai Xuân Tập và vợ- Nguyễn Thị Thắng chứng nhận con gái Mai Kim Quy của hai người được sinh ra vào lúc 3 giờ chiều ngày 9 tháng 12 năm 1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle).
Người làm chứng trong giấy khai sinh là ông Nguyễn Tăng Chuẩn, một bác sĩ y khoa, và ông Đỗ Đức Mùi, trưởng đài liên lạc địa phương.
Như vậy, điều này cho thấy lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp mà Việt Nam là một phần, đã quản lý hành chính đảo Hoàng Sa và người Việt ra làm việc ở đó. Đây có thể là một bằng chứng quan trọng khi mà các bên tranh chấp chủ quyền đối với những thực thể tại Biển Đông muốn tìm kiếm để chứng tỏ họ là người đầu tiên có sự hiện diện chính thức tại đó.
Đảo Hoàng Sa là một đảo san hộ thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông. Đảo này là căn cứ chính của Đông Dương thời thuộc địa Pháp và về sau do chính quyền Nam Việt Nam chiếm đóng.
Ba phía Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với Quẩn đảo Hoàng Sa; thế nhưng kể từ năm 1974 Trung Quốc đã chiếm cứ toàn bộ quần đảo.
Cuộc sống bình yên
Trong những năm thuộc thập niên 1930, chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng một số cơ sở hạ tầng trên đảo Hoàng Sa gồm trạm khí tượng, nhà thương và một bưu điện.
Ông Mai Xuân Tập, cha của con gái Mai Kim Quy, là một trong những công dân được cử ra đảo làm việc tại trạm khí tượng khi được lập lần đầu vào năm 1938. Ông đưa vợ và hai con gái ra theo; đó là Mai Thị Phi hai tuổi lúc đó và một người con khác mới sinh tên Mai Thị Phương.
Người con gái đầu Mai Thị Phi hiện 86 tuổi sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết :
“Gia đình tôi sống ở Hoàng Sa khoảng bốn năm (từ năm 1938 đến năm 1941). Em gái Mai Kim Quy của tôi được sinh ra ở đó. Nhưng không may em Quy chết vào năm 1942 sau khi chúng tôi trở về đất liền.
Cuộc sống ở đây rất bình yên. Người Việt ở trên đảo chủ yếu là công chức nhà nước làm ở các công sở như Khí Tượng, Bưu diện, nhà thương…
Hồi đó, chúng tôi không hề thấy người Trung Quốc lai vãng tiếp xúc với người trên đảo.
Hồi sống ở đảo Hoàng Sa, gia đình tôi có năm người, gồm bố mẹ và ba chị em gái : Mai thị Phi ( sinh năm 1936), Mai thị Phương ( sinh năm 1937) và Mai Kim Quy (sinh năm 1939).
Sau khi về đất liền, bố mẹ tôi sinh thêm bảy người con (ba trai và bốn gái). Tổng cộng bố mẹ tôi có 10 người con, trong đó có hai người đã sống ở Hoàng Sa là bà Mai Thị Phi và Mai thị Phương vẫn đang sống ở TP.HCM.”
Ông Mai Xuân Tập chết năm 1983, trong khi bà vợ của ông mất sớm hơn nhiều, vào năm 1954.
Giấy khai sinh của Mai Kim Quy được giao lại cho người con trai trưởng Mai Xuân Phú cất giữ.
Bà Mai Thị Phi cho biết gia đình đã trao bản khai sinh đó cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Giấy Khai sinh này, theo xác nhận của Bộ Ngoại giao, là tư liệu góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo VN
‘Bằng chứng hữu ích’
Quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát toàn bộ với thực thể lớn nhất là đảo Phú Lâm được phát triển một cách sâu rộng. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – CSIS ở Washington DC, Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo và nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự tại đó.
Tuy nhiên tranh chấp về quyền sở hữu đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn tiếp diễn.
Các tuyên bố chủ quyền tranh chấp khó mà xác minh, đặc biệt vì mãi cho đến thế kỷ thứ 20, không hề có sự hiện diện quân sự hay dân sự thường trực của nước nào tại đó.
Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều có nhiều tài liệu lịch sử nằm cũng cố tuyên bố của họ gồm cả bản đồ, những tuyên bố và những tài liệu khác nữa.
Việt Nam, một phần của Đông Dương thuộc Pháp, cho biết quân đội An Nam (tên thời thuộc địa của Việt Nam), và sau đó, những nhà quản trị hành chính dân sự đã ra thiết lập cơ sở tại Hoàng Sa trước bất cứ ai khác.
Chuyên gia Bill Hayton thuộc Chương trình Nghiên cứu Châu Á- Thái Bình Dương- Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng Gia Anh, cho rằng giấy Khai sinh Mai Kim Quy có thể làm bằng chứng lịch sử về hoạt động hành chính thực tế ở Hoàng Sa.
Ông nói, “Theo lập luận của tôi thi giấy khai sinh này không làm lay chuyển mang tính quyết định đối với những luận cứ; nhưng nó là một bằng chứng rất hữu ích chứng tỏ An Nam vào thời gian đó đã chiếm đóng thực sự một số đảo ở Hoàng Sa.
Nếu vụ kiện được đưa ra một loại tòa nào, phía Trung Quốc cũng sẽ trưng ra những bằng chứng của riêng họ cà các thẩm phán sẽ quyết định chứng cứ nào mạnh hơn.
Những trường hợp như thế không thể quyết được bằng những tuyên bố mơ hồ hoặc những tên in trên bản đồ nhưng phải dựa trên những minh chứng rằng một nước có kiểm soát hành chính đối với một thực thể- và việc làm giấy khai sinh trên đảo cho một công chức là một bằng chứng khá mạnh cho điều đó.”
Tuy nhiên lập luận của ông Bill Hayton bị một số sử gia bác bỏ khi nêu ra rằng quan điểm của Trung Quốc sẽ khăng khăng về những tuyên bố chủ quyền lịch sử của họ.
Nhà nghiên cứu độc lập kiêm chuyên gia về lịch sử và luật pháp hàng hải Trung Quốc, ông Mark Hoskin, lập luận: “Chính quyền Pháp thời đó chỉ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa ‘trước bất kỳ Cường quốc khác làm điều đó’, ám chỉ Nhật Bản. Điều này được báo chí loan tải rộng rãi.”
Hành động này của Pháp được thực hiện vì Nhật Bản chiếm đảo Hải Nam và thực hiện phong tỏa đường bờ biển phía nam của Hoa Lục. Nhật đe dọa Pháp vì hoạt động vận chuyển vũ khí qua ngã Đông Dương vào Hoa Lục.
Ông Hoskin nói thêm: “Do đó việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Pháp mang lý do chiến lược và quân sự; chứ không liên quan đến chủ quyền. Những tuyên bố của Pháp bác bỏ bất cứ khả năng nào về một tuyên bố chủ quyền.”
Nguồn: Đài Á Châu Tự Do