Một cố vấn hàng đầu của ông Putin cảnh báo rằng “nạn đói toàn cầu” có thể xảy ra vào cuối năm 2022 vì cuộc xung đột ở Ukraine gây nên tình trạng thiếu ngũ cốc ở nhiều quốc gia.
“Điều quan trọng là trong các trường hợp, chẳng hạn như nạn đói toàn cầu sẽ xảy ra vào khoảng mùa thu, vào khoảng cuối năm nay trên toàn thế giới, [người] Nga không nên phải đối mặt với tình trạng đó, mà nên được cung cấp đầy đủ lương thực”, ông Maxim Oreshkin – cố vấn của Tổng thống Putin, phát biểu tại một diễn đàn ở Moscow vào cuối tuần trước, theo hãng truyền thông nhà nước RT của Nga.
Ông Oreshkin cho biết nguyên nhân của nạn đói, một phần là do chính sách tiền tệ của Mỹ gây ra. Ông nói: “Cho đến khoảng năm 2020, giá lúa mì trên thị trường thế giới vẫn ổn định; nhưng sau khi đồng USD được in nhiều hơn, bắt đầu từ khoảng tháng 7/2020, giá cả đã tăng mạnh”.
“Trên thực tế, những gì Mỹ đang cố gắng làm với Ukraine hiện nay là lấy đi nguồn dự trữ ngũ cốc mà Ukraine đang sở hữu — một hành động khác nữa khiến Ukraine phải đối mặt với các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng, và cũng khiến cộng đồng toàn cầu gặp phải nhiều vấn đề lớn với nạn đói”, ông Oreshkin cảnh báo.
Trong khi đó, theo người cố vấn này, Nga đã tích cực chuẩn bị cho tình trạng khan hiếm ngũ cốc có thể xảy ra, hãng AFP đưa tin.
“Nga đang tích cực chuẩn bị cho nạn đói toàn cầu; công việc chuẩn bị đã bắt đầu từ cuối năm ngoái”, ông Oreshkin khẳng định.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước đã cáo buộc Moscow chặn các cảng của Ukraine bằng tàu chiến, nói rằng Nga đang sử dụng lương thực thực phẩm làm vũ khí chiến tranh.
“Chính phủ Nga dường như nghĩ rằng sử dụng thực phẩm như một loại vũ khí sẽ giúp họ đạt được những gì mà cuộc xâm lược của họ không thể… để phá vỡ tinh thần của người dân Ukraine”, ông Blinken nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 19/05. “Hậu quả từ hành động của chính phủ Nga là, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc trong các kho chứa của Ukraine đã không thể được sử dụng”.
Tuần trước, giá lúa mì đã đạt mức cao lịch sử sau khi Ấn Độ – nước sản xuất ngũ cốc lớn thứ 2 thế giới – cho biết họ sẽ ngừng xuất khẩu lúa mì. Sau thông báo của Ấn Độ, giá lúa mì kỳ hạn đã tăng 5,9% vào ngày 16/05, lên mức cao nhất mọi thời đại là 12,68 USD/giạ (đơn vị đo thể tích khoảng 36 lít).
Trong khi đó, Nga và Ukraine đóng góp khoảng 1/3 tổng nguồn cung lúa mì toàn cầu. Ukraine cũng là nước xuất khẩu lúa mạch, ngô, dầu hướng dương và dầu hạt cải.
Chi Anh
Theo The Epoch Times
Nguồn: NTDVN