6 tháng 2 năm Quý Mão Quốc Lịch 4902 – 25 tháng 2 năm 2023
Lạc Việt
Đã từ lâu lắm, toàn dân Việt Nam luôn quý mến và ngưỡng mộ Hai Bà vì các Ngài đã đứng lên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Đông Hán đã cai trị nước ta từ năm -111 (trước Công Nguyên) đến năm 40 (sau Công Nguyên). Cuộc kháng chiến kéo dài từ năm 30 đến năm 40. Thắng trận sau khi chiếm lại 65 thành trì Hai Bà lên làm vua đặt tên nước là Lĩnh Nam đóng đô ở Mê Linh cho đến năm 43 (Đô kỳ trong cõi Mê Linh – Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta).
Sau đó nhà Hán sai Mã Viện sang báo thù, Hai Bà và quân dân Bách Việt Lĩnh Nam đã bị thua trận và Nhà Hán tiếp tục đặt ách nô lệ lên Dân Tộc ta suốt một nghìn năm cho đến thời Ngô Vương Quyền với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ I năm 939 (Sau Công Nguyên) Nhà Ngô đã lấy lại chủ quyền cho phần đất thuộc Lạc Việt Sông Hồng. Phần còn lại của Bách Việt Lĩnh Nam từ bờ nam sông Dương Tử, Ngũ Lĩnh Quảng Đông Quảng Tây vẫn tiếp tục bị giặc Hán đô hộ và tiếp tục bị Hán hoá cho đến tận ngày nay.
Tuy vậy, có lẽ đa số chúng ta mới nghe lần đầu danh hiệu của Hai Bà là Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Nhân đây chúng ta cùng rà soát lại một số yếu tố lịch sử liên quan đến cuộc Kháng Chiến chống Quân Xâm Lược nhà Đông Hán vào năm 30-40 sau Công Nguyên.
Như chúng ta đã biết, Mã Viện và quân Đông Hán sau khi thắng trận (năm 43 sau Công Nguyên) đã đặt ách nô lệ lên Dân Tộc ta suốt 1000 năm, và ngay lập tức chúng trả thù man rợ là tàn sát 1/3 Quân Dân Lạc Việt, đặc biệt là giết sạch các gia tộc mang dòng họ Trưng, Thi, Đô, Úy…
Một ngàn năm, thời gian dài dằng dặc tăm tối trong kiếp nô lệ giặc Phương Bắc. Chính trong thời kỳ này, Giặc Tàu cố gắng đồng hóa Dân Tộc ta bằng tất cả mọi thủ đoạn:
“Giặc Tàu xuyên tạc Lịch Sử Việt,
Giặc Tàu xuyên tạc Nguồn Gốc Tộc Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt 4000 năm Tiền Sử Tộc Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt Truyền Thuyết Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt Lãnh Thổ Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt Văn Minh Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt Kiến Trúc và Kỹ Thuật Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt Chữ Viết của Tộc Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt Biểu Tượng Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt học thuyết Đạo và Đức của Tộc Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt thuyết Âm Dương Ngũ Hành củaTộc Việt,
Giặc Tàu chiếm đoạt Danh Dự và Vinh Quanh của Tộc Việt”
(website: danhgiactau)
Trong suốt 1000 năm đó, Giặc Tàu đã hoàn chỉnh thêm chữ Việt, hệ thống hóa và gọi là chữ “Hán” và bắt dân ta học loại chữ này. Giới thượng lưu Việt dùng chữ “Hán” trong giao tiếp với bọn cai trị, nhưng vẫn tiếp tục giữ chữ Nam, chữ riêng của người Nước Nam, nhưng nói trại ra là chữ Nôm. Trong chữ Nôm có ghi được cả cách phát âm rất đặc thù của người Việt khác xa với chữ Hán (Chữ Nôm có phần tượng hình để chỉ ý nghĩa và phần tượng thanh để chỉ phát âm – Hình tượng thì giống chữ “Hán” nhưng đọc thì theo âm Việt. Tổ tiên ta đã thông minh sáng tạo sự khác biệt để chống Hán Hóa.
Cha Ông chúng ta tiếp tục dùng chữ Nôm sau khi Ngô Quyền giành độc lập và Chữ Nôm đã phát triển cao độ trong các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê với những áng văn tuyệt tác của Truyện Kiều – Nguyễn Du, những tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương…Đặc biệt Hoàng Đế Quang Trung đề cao văn học chữ Nôm.
Đến Triều Nguyễn Gia Long (1804) sau khi đánh bại nhà Nguyễn Tây Sơn, Gia Long trả thù tàn ác gia tộc nhà Tây Sơn và các tướng lãnh của Đại Đế Quang Trung đã oai hùng cùng ông và quân dân chống giặc ngoại xâm là 30 vạn Quân Thanh như Nữ Tướng Bùi thị Xuân (1789) …v.v… Gia Long cũng đã chôn vùi nhiều điều tốt đẹp của thời Quang Trung Hoàng Đế đồng thời có việc xử dụng nhiều quan triều gốc Hán, điều này đưa đến việc xử dụng chữ Hán một cách phổ quát thay chữ Nôm. Lịch sử Việt được viết bởi người Hán được dùng rộng rãi. Đó là lý do tại sao chúng ta có những bài học lịch sử phiến diện, đề cao “Thiên Triều” và hạ thấp công lao hay tầm mức của các Anh Hùng Liệt Nữ Việt.
Trong chiều hướng Hán Hóa của Giặc Tàu, thời nào cũng vậy, nếu không xóa được các chiến tích Việt, thì “Thiên Triều” cũng cố gắng hạ thấp các chiến tích hay chuyển hóa các mục tiêu của chiến tích.
Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu tại sao Sử Việt (do Tàu viết) được xử dụng dưới thời 150 năm Triều Nguyễn (Gia Long) lại có những bài sử ngắn gọn như “Hai Bà Trưng”, thực tế là Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam hoặc “Bà Triệu Ẩu” có tính nhục mạ, thực tế là Nữ Anh Thư Triệu thị Trinh…v.v…
Trở lại danh xưng Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam mà sử “Việt Tàu” gọi ngắn gọn là Hai Bà Trưng. Chúng ta cùng nhìn lại bối cảnh cuộc Khởi Nghĩa Giải Phóng Dân Tộc do Hai Bà và Quân Dân Bách Việt – Văn Lang đã thực hiện đánh đuổi nhà Đông Hán ra sao ?
Từ năm -111 (trước công nguyên) đến năm 30 Bách Việt Văn Lang nói chung và Lạc Việt Sông Hồng nói riêng bị nhà Hán xâm lăng, tuy vậy sự đô hộ chưa toàn diện, Lac Hầu, Lạc Tướng vẫn là những quan tướng Việt lo việc an dân như thời Hùng Vương. Nhà Hán chỉ thâu thuế lúa gạo là chính.
Đến năm 30-40 Hán Vũ Đế bắt đầu cho quân xâm lược trú đóng và đặt ách nô lệ hà khắc ảnh hưởng trực tiếp từ Vùng Đồng Đình Dương Tử đến rặng Ngũ Lĩnh (Quảng Đông-Quảng Tây) và vùng Sông Hồng trong đó có việc Tô Định giết Thi Sách chồng Bà Trưng (chị) là Lạc Tướng huyện Châu Diên vùng Lạc Việt – Sông Hồng.
Bà Trưng đã được các thủ lãnh tôn vinh là Đế để lãnh đạo cuộc kháng chiến giành Độc Lập của các tộc Bách Việt – Văn Lang ở bờ Nam sông Dương Tử, và ở Lạc Việt – Sông Hồng. Bà Trưng (chị) không chỉ vì thù chồng và hận giặc Tô Định tham tàn như sử “Việt-Tàu” viết, mà chí lớn hơn người đã đứng lên liên kết, một cuộc liên kết rộng lớn bao gồm cả vùng Đồng Đình Hồ, vùng Ngũ Lĩnh sông Tương và vùng Sông Hồng cùng đứng lên Giải Phóng Đất Nước khỏi sự thống trị tham tàn của Giặc Đông Hán.
Dưới đây là lãnh thổ của Tộc Lạc Việt thời Trưng Đại Đế năm 40 sau Tây Lịch (bản đồ của website: danhgiactau)
Công cuộc gìn giữ độc lập cho Dân Tộc được khởi đầu bởi Thánh Gióng, một thanh niên rất trẻ cùng toàn dân chống giặc Ân đời Hùng Vương Thứ VI. Và bây giờ năm 40 đã qua các thời Vua Hùng – Văn Lang, vận nước suy vi vì bị giặc Đông Hán thống trị, Bà Trưng đã cùng rất nhiều các nữ tướng trên khắp lãnh thổ Bách Việt – Văn Lang đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập cho nước nhà.
Danh tướng Trưng Công Chúa (Bà Trưng Em) Đại Tướng trấn thủ Quận Giao Chỉ – Vùng đất Lạc Việt sông Hồng.
Danh tướng Thánh Thiên Công Chúa giữ chức Bình Ngô Đại Tướng Quân thống lĩnh binh mã trấn thủ quận Nam Hải hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm Yên Dũng Bắc Ninh Việt Nam và ở cả hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây của Trung Hoa.
Danh tướng Lê Chân, Nữ Tướng miền biển khởi nghĩa ở An Biên Hải Phòng được Trưng Vương phong làm Đông Triều Công Chúa giữ chức Trấn Đông Đại Tướng Quân thống lĩnh đạo quân Nam Hải hiện có Đền Nghè ở An Biên Hải Phòng.
Danh tướng Vũ Thị Thục khởi nghĩa ở Tiên La Thái Bình được Trưng Vương phong làm Bát Nàn đại tướng, Uy Viễn Đại Tướng Quân Trinh Thục Công Chúa hiện có đền thờ ở Phượng Lâu Phù Ninh Phú Thọ và Tiên La Hưng Hà Thái Bình.
Danh tướng Vương Thị Tiên được Trưng Nữ Vương phong làm Ngọc Quang công chúa được thờ ở Đền Sầy và miếu thờ ở xã Gia Sinh huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Tương truyền Bà có công giúp Trưng Nữ Vương đánh giặc và gieo mình tự vẫn tại xã Hữu Bị huyện Mỹ Lộc phủ Thiên Trường Nam Định.
Ba vị danh tướng Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống và Đào Tam Lang của Trưng Nữ Vương hi sinh trong trận Bồ Lăng đánh với quân Hán tại khu vực nay là ngã ba sông Dương Tử và sông Ô Giang thuộc địa phận thành phố Trùng Khánh Trung Hoa. Để tưởng nhớ công ơn của 3 anh em họ Đào nhân dân Đa Tốn đã lập miếu thờ. Đào Đô Thống thờ ở miếu Sén Tóc thôn Ngọc Động, Đào Chiêu Hiển thờ ở Nghè Ông Hai thôn Lê Xá và Đào Tam Lang ở Nghè cũ sau chuyển về Nghè Lê Xá.
Danh tướng Nàng Nội, nữ tướng vùng Bạch Hạc khởi nghĩa ở xã Bạch Hạc thành phố Việt Trì Phú Thọ ngày nay được Trưng Vương phong làm Nhập Nội Bạch Hạc Thủy Công Chúa. Hiện thành phố Việt Trì có đền thờ Bà.
Danh tướng Lê Thị Hoa, Nữ tướng anh hùng khởi nghĩa ở Nga Sơn Thanh Hóa được Trưng Vương phong làm Nga Sơn Công Chúa giữ chức Bình Nam Đại Tướng Quân phó thống lĩnh đạo binh Cửu Chân. Hiện có đền thờ ở Nga Sơn Thanh Hóa.
Danh tướng Hồ Đề phó nguyên soái khởi nghĩa ở động Lão Mai Thái Nguyên được Trưng Vương phong làm Đề Nương Công Chúa Giữ chức phó nguyên soái Trấn Viễn Đại Tướng Quân Đình Đông Cao Yên Lập Phú Thọ ở Hồ Đề.
Danh tướng Xuân Nương (có chồng là Thi Bằng em trai của Lạc Tướng Thi Sách) Bà là chưởng quản quân cơ khởi nghĩa ở Tam Nông Phú Thọ được Trưng Vương phong làm Đông Cung Công Chúa giữ chức Nhập Nội Chưởng Quản Quân Cơ Nội Các. Hiện có đền thờ ở Hưng Nha Tam Nông Phú Thọ.
Hai danh tướng Nàng Quỳnh và Nàng Quế, tiên phong phó tướng khởi nghĩa ở Châu Đại Man Tuyên Quang được Trưng Vương phong làm Nghi Hòa Công Chúa giữ chức Hổ Oai Đại Tướng Quân lãnh đạo quân Nhật Nam trấn thủ vùng Bắc Nam Hải. Hiện ở Tuyên Quang còn miếu thờ hai vị nữ anh hùng.
Danh tướng Đàm Ngọc Nga, Tiền Đạo Tả Tướng khởi nghĩa ở Thanh Thủy Thanh Sơn Phú Thọ được Trưng Vương phong làm Nguyệt Điện Tế Thế Công Chúa giữ chức Tiền Đạo Tả Tướng Quân phó thống lĩnh đạo binh Nam Hải hiện có đền thờ ở Khúc Giang nay thuộc tỉnh Quảng Đông Trung Hoa.
Danh tướng Trần Thị Phương Châu tuẫn tiết ở Khúc Giang nay thuộc tỉnh Quảng Đông Trung Hoa. Năm 39 sau công nguyên được Trưng Vương phong làm Nam Hải Công Chúa hiện có đền thờ ở Khúc Giang Quảng Đông.
Danh tướng Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Hương quê ở động Hoa Lư Ninh Bình theo Trưng Nữ Vương phất cờ khởi nghĩa được thờ ở đình Đông Ba thuộc thôn Đông Ba xã Thượng Cát quận Bắc Từ Liêm Hà Nội.
Danh tướng Thiều Hoa, Tiên Phong Nữ Tướng khởi nghĩa ở Tam Thanh Phú Thọ được Trưng Vương phong làm Đông Cung Công Chúa giữ chức Tiên Phong Hữu Tướng. Hiện ở xã Hiền Quan Tam Nông Phú Thọ có miếu thờ bà.
Danh tướng Quách A, Tiên Phong Tả Tướng khởi nghĩa ở Bạch Hạc Phú Thọ được Trưng Vương phong làm Khâu Ni Công Chúa giữ chức Tiên Phong tả tướng tổng trấn Luy Lâu. Hiện có đền thờ ở trang Nhật Chiêu Phú Thọ.
Danh tướng được Trưng Vương phong làm Vĩnh Hoa Công Chúa Nội Thị Tướng Quân khởi nghĩa ở Tiên Nha Phú Thọ. Bà có nhiều trận đánh thần kỳ giẹp tan quân của đại tướng nhà Hán là Ngô Hán ở các vùng Độ Khẩu nay thuộc tỉnh Vân Nam và Khúc Giang nay thuộc tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Hoa ngày nay.
Danh tướng Lê Ngọc Trinh đại tướng khởi nghĩa ở Lũng Ngòi Vĩnh Tường Vĩnh Phúc được Trưng Vương phong là Ngọc Phượng Công Chúa giữ chức Chinh Thảo Đại Tướng Quân phó thống lĩnh đạo quân ở Quế Lâm. Hiện có miếu thờ ở Vĩnh Tường Vĩnh Phúc.
Danh tướng Lê Thị Lan, tướng quân khởi nghĩa ở Đường Lâm Sơn Tây được Trưng Vương phong làm Nhu Mẫn Công Chúa giữ chức Trấn Tây Tướng Quân, phó thống lãnh đạo Minh Hán Trung. Hiện ở Hạ Hòa Vĩnh Phúc có miếu thờ Bà.
Danh tướng Phật Nguyệt, Tả Tướng Thủy Quân khởi nghĩa ở Thạnh Ba Phú Thọ được Trưng Vương phong làm Phật Nguyệt Công Chúa giữ chức Thao Giang Thượng Tả Tướng Thủy Quân Chinh Bắc Đại Tướng Quân tổng trấn khu hồ Đồng Đình – Trường Sa. Bà có trận đánh kinh hồn chiến thắng Mã Viện, Lưu Long và Đoàn Chí ở Hồ Đồng Đình nay thuộc tỉnh Hồ Nam. Hiện di tích về Bà còn rất nhiều tại chùa Kiến Quốc thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam, tại ngôi chùa trên núi Thiên Đài trong hệ thống dãy núi Ngũ Lĩnh. Bà là nữ tướng gây kinh hoàng nhất cho nhà Hán.
Danh tướng Trần Thiếu Lan hiện có miếu thờ tại cửa Thẩm Giang chảy vào hồ Đồng Đình nay thuộc tỉnh Hồ Nam Trung Hoa. Cả ngàn năm qua, mỗi lần sứ thần của Việt Nam đi ngang qua đều vào tế lễ Bà.
Danh tướng Phương Dung khởi nghĩa ở Lang Tài Bắc Ninh được Trưng Vương phong làm Đăng Châu Công Chúa giữ chức Trấn Nam Đại Tướng Quân thống lĩnh đạo binh Giao Chỉ.
Danh tướng Trần Năng, Chưởng Lĩnh Trung Quân khởi nghĩa ở Thượng Hồng Hải Dương được Trưng Vương phong làm Hoàng Công Chúa, Vũ Ky Đại Tướng Quân giữ chức Chưởng Lĩnh Trung Quân. Hiện ở Yên Lãng Vĩnh Phúc có đền thờ Bà.
Danh tướng Trần Quốc hay Nàng Quốc, Trung Dũng Đại Tướng Quân, khởi nghĩa ở Gia Lâm Hà Nội được Trưng Vương phong làm Gia Hưng Công Chúa Trung Dũng Đại Tướng Quân giữ chức Đô Đốc Chưởng Quản Thủy Quân trấn Bắc Nam Hải. Bà có trận thủy chiến lẫy lừng ở quận Uất Lâm nay thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Hoa. Hiện ở Hoàng Xá Kiêu Kỵ Gia Lâm Việt Nam và cả dọc bờ biển các tỉnh Quảng Đông Phúc Kiến Hải Nam Trung Hoa ngày nay còn nhiều đền thờ Nàng Quốc. Dân ở các vùng này đã tôn bà là Giao Long Tiên Nữ giáng trần vì bà rất hiển linh.
Tam Nương Tả Đạo Tướng Quân gồm 3 danh tướng chị em Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương. Trưng Vương phong Hồng Nương làm An Bình Công Chúa. Thanh Nương làm Bình Xuyên Công Chúa. Đạm Nương làm Quất Lưu Công Chúa trao cho chức Kỵ Binh Lĩnh Nam. Đình Quất Lưu Vĩnh Phúc thờ Tam Nương.
Danh tướng Quý Lan, Nội Thị Tướng quân khởi nghĩa ở Lũng Động Chí Linh Hải Dương được Trưng Vương phong là An Bình Công Chúa, giữ chức Nội Thị Tướng Quân (Lễ Bộ Thượng Thư). Hiện ở Liêu Sơn Lập Thạch Vĩnh Phúc có đền thờ Quý Lan.
Bà Chúa Bầu khởi nghĩa ở vùng Lập Thạch Vĩnh Phúc. Hiện ở Lập Thạch Sơn Dương có đền thờ tưởng nhớ công lao của Bà.
Danh tướng Sa Giang quê ở Trường Sa – Hồ Nam là người Hán sang giúp triều đình Lĩnh Nam được Trưng Vương phong làm Lĩnh Nam Công Chúa. Bà là một nhân vật lịch sử. Hiện ở ngoại ô huyện Phong Đô tỉnh Tứ Xuyên Trung Hoa có đền thờ Bà.
Danh tướng Đô Thiên cũng là người Hán ứng nghĩa theo Lĩnh Nam được Trưng Vương phong làm Động Đình Công giữ chức Trung Nghĩa Đại Tướng Quân thống lĩnh đại quân Hán Trung tổng trấn Trường Sa (Hồ Nam). Hiện vùng Lưỡng Quảng của Trung Hoa có rất nhiều miếu thờ Ông.
Danh tướng Phùng thị Chính quê ở Tuấn Xuyên Vạn Thắng Ba Vì được Trưng Vương phong làm Chưởng Nội Thị Tướng Quân. Bà nổi tiếng với trận đánh ở Lãng Bạc. Sinh con giữa trận chiến một tay ôm con một tay giết giặc. Có đền thờ Bà tại thôn Tuấn Xuyên xã Vạn Thắng huyện Ba Vì thành phố Hà Nội.
Ngoài ra còn có các thủ lĩnh người Tày người Nùng và người Choang tại tỉnh Quảng Tây lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa của Trưng Nữ Vương.
Sau khi thắng giặc xâm lược Hán Vũ Đế, năm 40 AD Bà Trưng lên ngôi Nữ Hoàng Đế đặt tên nước là Lĩnh Nam. Lãnh thổ gần tương đương với nước Văn Lang của các vua Hùng ngày xưa. Nước Lĩnh Nam được chia làm 6 Quận: Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Tượng Quận, Nam Hải và Quế Lâm. Các nữ danh tướng hiện còn nhiều đền thờ lập thành “Thần Hoàng Làng” ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam sông Dương Tử Trung Hoa.
Cuộc chiến hầu như khởi động đồng loạt trên toàn lãnh thổ bao la của Bách Việt từ Hồ Đồng Đình đến rặng Ngũ Lĩnh thượng nguồn sông Tương đến vùng Sông Hồng (cực Nam là Đèo Hải Vân).
Trận chiến được mở đầu trên Đồng Đình Hồ (thủ phủ của tộc Việt) khi 20 vạn Quân Hán thiện chiến tràn xuống từ vùng Hoàng Hà phải đối đầu với binh lực của Công Chúa Phật Nguyệt – Nữ Tướng của vùng Hồ Đồng Đình. 7 vạn quân Hán đã bị giết trong số 20 vạn quân xâm lược và khoảng 1000 trong 2000 chiến thuyền của giặc bị phá huỷ.
Với cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên một địa bàn rộng lớn như thế, cùng với những chiến công hiển hách như vậy, sao dân ta chỉ gọi là Hai Bà Trưng như Sử Giặc Tàu viết.
Để ít nhất tương đương với nhà Đông Hán lúc đó là Hán Quang Vũ Đế, các Tướng vùng khắp nơi trên lãnh thổ Bách Việt – Văn Lang từ Hồ Đồng Đình đến Rặng Ngũ Lĩnh vào tận đến vùng Sông Hồng hẳn sẽ phải tôn vinh Ngài là Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam.
Ngày nay, chúng ta cũng không nên dựa theo sử Tàu mà gọi vi Nữ Anh Hùng có một không hai trên thế giới cổ kim đơn giản là Hai Bà Trưng mà nên gọi Ngài là Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam hay ít nhất là Trưng Nữ Vương.
Với dòng lịch sử oai hùng như vậy của Trưng Đại Đế, TT Trump đã nhắc đến công lao “Hai Bà” trong chuyến viếng thăm VN tại Đà Nẵng năm 2017 như một lời nhắc nhở thâm thuý : “Không ai cho chúng ta Độc Lập, mà phải tự dành lấy Độc Lập như ‘Hai Bà’ đã làm từ năm 40”. Lời nhắc nhở này, người Việt chúng ta cảm thấy “nhục” hơn là hãnh diện khi Đại Họa Mất Nước đã gần hoàn tất dưới triều đại của các Hán Gian Cộng Sản.
Lạc Việt
Nhân ngày lễ giỗ Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam & 162 Nữ Tướng Anh Hùng Dân Tộc 6 tháng 2 năm Quý Mão QL4902 (Feb 25, 2023)
Tài liệu tham khảo:
1–website www.danhgiactau.com
2–Bài trả lời phỏng vấn GS Trần Đại Sĩ
3—Website www.daotienthanh.org
4- Cội Nguồn Việt Tộc – Phạm Trần Anh
5- Lược Sử 7000 năm Tộc Việt – Nguyễn thanh Đức
6- Youtube Channel: Thai Tu Sin TV
Ghi chú:
1–Động Đình Hồ hay Đồng Đình Hồ
Động Đình Hồ là địa danh chúng ta thường nghe. Đây chính là nơi Tổ Tiên chúng ta xuất hiện cách đây gần 5000 năm . Vùng này xưa kia rộng lớn như Biển Hồ ở phía Nam bờ sông Dương Tử. Hệ thống Hồ chằng chịt nối kết với sông Dương Tử. Do đó người Bách Việt rất giỏi về bơi lội lặn sâu, nghĩa là có khả năng vùng vẫy dưới nước như Rồng.
Khoảng giữa hồ có nhiều núi và nhiều hang động như trong cảnh giới cõi tiên. Đây chính là nơi Mẹ Âu Cơ ngự trị. Bởi vậy truyền thuyết Dân Tộc ta là con cháu Tiên Rồng, tức là một sự kết hợp kỳ diệu của con người trong cảnh giới tuyệt vời của Nước và Non. Do đó Dân Tộc Việt chúng ta cũng gọi Quê Hương là Đất Nước.
Theo sự nghiên cứu về chữ Việt cổ thì Vùng này lại gọi là Đồng Đình Hồ. Đồng là cùng, chung nhau. Đình là triều đình là bàn việc nước. Vậy Hồ Đồng Đình có núi non có nhiều hang động như là nơi Tiên Cảnh, Tổ Tiên ta xuất phát từ đây nên cũng dùng nơi này để cùng nhau bàn việc nước.
2–Tại sao chúng ta lại gọi mình là người Kinh.
Tổ tiên chúng ta xuất phát từ vùng Đồng Đình Hồ. Gần hồ, những nơi nước không sâu có loại cỏ Kinh mọc san sát cao hơn đầu người. Trong những cuộc chiến chống quân xâm lược, tổ tiên chúng ta thường dùng nơi này làm chiến khu hay trận địa chiến. Người Việt đã chế ra một loại vũ khí có cán dài, trên đầu có bọc sắt nhọn và cũng ngay gần đầu có làm cái móc câu liêm. Trong đám cỏ Kinh rậm rạp này, chiến binh Việt dễ ẩn núp và khi gặp giặc tiến công thường cưỡi ngựa thì chiến binh Việt dùng vũ khí này móc cho ngựa quỵ xuống rồi cũng dùng mũi nhọn để đâm địch thủ. Vùng Đồng Đình “Thủ Đô” có nhiều cỏ Kinh nên người Việt gọi nhau là người gốc Kinh. Chữ để chỉ người Việt của thời kỳ này và tại vùng Đồng Đình có hình cái Vũ Khí như vừa diễn tả.
3–Cũng có sách chỉ ra rằng:
Sở dĩ Sử Tàu gọi Hai Bà là Trưng Trắc & Trưng Nhị là có ý miệt thị: Trưng Trắc là Trưng phản trắc và Trưng Nhị là Trưng hai lòng. Có lẽ cũng tương tự như chúng gọi Bà Triệu Thị Trinh là Triệu Ẩu là có ý khinh miệt
4–Sở dĩ ngày nay sau 1000 năm nô lệ
chúng ta còn biết đến công trạng của Trưng Đại Đế và đặc biệt công đức của 162 Nữ Đại Tướng (danh hiệu Công Chúa) là nhờ đền thờ của các vị mà tộc Việt khắp nơi trên lãnh thổ Tàu vẫn còn gìn giữ tôn thờ. Ngay cả các triều đại vua chúa của ta thời Đinh Lê Lý Trần hoặc đích thân hoặc các phái đoàn ngoại giao đều ghé đền Trưng Đại Đế tại Đồng Đình Hồ để thắp nhang kính viếng.
5–Theo GS Trần Đại Sỹ,
Tộc Việt chúng ta khi giao chiến trên bộ có trận thắng trận thua. Nhưng hải chiến giữa Tàu & Việt, Tộc Việt luôn toàn thắng. Ngoại trừ trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974, VNCH bị khóa tay chân. Tuy vậy sự thiệt hại đôi bên là rất chênh lệch. VNCH mất một vị Hạm Trưởng, Trung Cộng mất 1 Đề Đốc, 3 Hạm Trưởng và nhiều sĩ quan. Trận Gạc Ma giữa VC và Tàu Cộng không được gọi là trận Hải Chiến vì Hải Quân Quân Đội Nhân Dân VN bị tướng Lê Đức Anh, bộ trưởng Quốc Phòng VC lúc đó, ra lệnh binh sĩ cấm nổ súng, đứng làm bia thịt cho những tràng súng liên thanh đốn ngã.
6–Lạc Việt, kẻ hậu sinh có điều chi sơ sót, sai lầm xin chỉ giáo.
Trân trọng.