LONDON, Anh (NV) – Giáo Sư Katsuhiko Hayashi từ đại học Osaka University, Nhật, cho biết đã tạo ra được trứng từ tế bào của hai con chuột đực, theo BBC News trích dẫn bài phát biểu vị giáo sư tại hội nghị về chỉnh sửa gene người ở Crick Institute, London, Anh.
Nghiên cứu mới này vẫn còn trong giai đoạn đầu. Nếu thành công, đây có thể là cánh cửa giúp các cặp nam đồng tính có con riêng.
Mặc dù vậy, theo Giáo Sư George Daley của Harvard Medical School, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, thì vẫn còn rất xa để phương pháp này được áp dụng vào thực tế, vì hình thành giao tử ở người khác nhiều so với chuột.
Phát biểu trước đại biểu trong hội nghị, Giáo Sư Hayashi cho biết hiện tại trứng tạo ra bằng phương pháp này có phẩm chất thấp và chưa thể áp dụng trên loài người trong giai đoạn hiện tại. Mặc dù vậy ông kỳ vọng tình hình có thể được cải thiện trong vòng 10 năm. Ông mong muốn khi đó công trình của mình sẽ được chấp nhận và trở thành một phương án sinh sản cho cả những cặp nam nữ và nam nam.
Trong kỹ thuật này, đầu tiên các nhà khoa học lấy một tế bào da từ chuột đực, sau đó biến tế bào này thành tế bào gốc, thứ tế bào có thể tự tạo thành những loại tế bào khác. Những tế bào được lấy từ con đực, do đó sẽ mang nhiễm sắc thể XY. Nhóm của Giáo Sư Hayashi sẽ xóa nhiễm sắc thể Y, sao chép nhiễm sắc thể X, dán hai nhiễm sắc thể X với nhau. Vậy là tế bào gốc có thể trở thành trứng.
Kỹ thuật này có thể là phương pháp hỗ trợ những ca vô sinh vì người vợ không tự tạo trứng được. Mặc dù vậy ông nhấn mạnh rằng vẫn còn rất lâu nữa thì công trình của ông mới trở thành một phương pháp điều trị sinh sản.
Ngoài ra ông bày tỏ bản thân không ủng hộ việc dùng phương pháp này để một người nam tự tạo con bằng tinh trùng và trứng nhân tạo của chính mình.
Trong khi đó, Giáo Sư Amander Clark từ đại học University of California, Los Angeles, Mỹ, bày tỏ suy nghĩ rằng cộng đồng LGBTQ+ nên được góp ý kiến trong việc sử dụng phương pháp này để sinh sản.
Còn Giáo Sư Ala Charo của đại học University of Wisconsin Maddison, Mỹ, cho biết các nền văn hóa khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau về việc sử dụng kỹ thuật này. Vì có những cộng đồng vô cùng coi trọng việc đóng góp di truyền cho thế hệ sau, còn có những cộng đồng thì xem trọng mối quan hệ gia đình hơn là mối liên hệ về mặt sinh học. (MPL) [qd]
Nguồn: www.nguoi-viet.com