BIỂN ĐÔNG, Việt Nam (NV) – Tàu Kiểm Ngư của Việt Nam và tàu Hải Cảnh của Trung Quốc vờn nhau ở khu vực bãi Tư Chính thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hãng tin Reuters hôm Thứ Hai, 27 Tháng Ba, dẫn dữ kiện theo dõi hoạt động hàng hải toàn cầu nói rằng một tàu của Việt Nam theo dõi một tàu Hải Cảnh Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, nơi các công ty của Nga cùng với đối tác Việt Nam khai thác các mỏ khí đốt.
Dữ kiện tổng hợp lại cho thấy tàu Hải Cảnh và tàu khảo sát đại dương Trung Quốc hiện diện thường trực ở khu vực vừa kể và các khu vực khác trên Biển Đông suốt hơn một năm qua dù đây là vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia ký kết công nhận.
Các tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã tiến thẳng vào các khu vực các lô dầu khí đang do công ty Nga hợp tác với Việt Nam khai thác ít ra 40 lần kể từ Tháng Giêng, 2022, Reuters dẫn theo tài liệu của tổ chức nghiên cứu Biển Đông ở Hà Nội (SCSCI).
Tuy Trung Quốc tham gia ký kết vào bản công ước UNCLOS nhưng lại ngang ngược tuyên bố chủ quyền lãnh thổ theo đường chín vạch nối lại giống hình “lưỡi bò” chiếm hơn 80% đến 90% diện tích Biển Đông. Nhiều khu vực cái vạch “lưỡi bò” này lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác, nhất là Việt Nam và Philippines.
Cũng vì vậy, tàu Hải Cảnh và các tàu khảo sát đại dương Trung Quốc, cậy tàu to, lực lượng ăn trùm trên biển so với các nước nhỏ khu vực, rất thường xuyên ngang nhiên hoạt động tại các vùng biển tranh chấp. Không những ngăn cản và đe dọa các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam, Bắc Kinh từng đe dọa đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa.
Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague, Hòa Lan, đã phán quyết tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là “vô giá trị” nhưng Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm khu vực nên ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết. Không những vậy, họ còn lì lợm tuyên bố vùng biển này do tổ tiên của họ để lại từ đời cổ đại, gọi là “chủ quyền lịch sử.”
Để tránh tiếng hà hiếp các nước nhỏ bằng lực lượng hải quân, Bắc Kinh đưa lực lượng bán quân sự Hải Cảnh phối hợp với lũ tàu “dân quân biển” hiện diện thường trực đông đảo tại các vùng biển trong phạm vi “lưỡi bò” nhằm hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền. Đồng thời sự hiện diện thường trực của các lực lượng này cũng có mục đích đe dọa các nước khu vực.
“Trung Quốc đang khẳng định quyền tài phán đối với các tài nguyên dầu khí dưới lòng biển nên họ dùng lực lượng Hải Cảnh để tạo áp lực với các nước khu vực,” phân tích gia Ian Stoney tại viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nhận định.
Lược đồ hành trình tàu Hải Cảnh Trung Quốc 5205 ở bãi Tư Chính do tổ chức SCSCI thiết lập bằng cách dùng dữ liệu theo dõi tàu biển của tổ chức quốc tế Automatic Identification System (AIS) cho thấy tàu này di chuyển theo lộ trình gần giống nhau ít nhất 34 lần tại bãi Tư Chính từ khoảng cách 50 hải lý (92km) rồi tiến sát chừng 1 hải lý hai mỏ khí đốt (Lan Tây, Lan Đỏ) đang do hai công ty Nga khai thác.
Công ty quốc doanh Nga Zarubezhneft đang khai thác mỏ khí đốt tại lô 06-01 trong khi đại công ty khí đốt của Nga Gazprom đang hoạt động tại lô 05-03, hợp tác với đối tác Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Tàu Hải Cảnh Trung Quốc 5205 ngày Thứ Bảy, 25 Tháng Ba, chạy qua cả hai lô vừa kể. Tàu Kiểm Ngư KN-278 của Việt Nam bám theo ở khoảng cách gần chỉ vài trăm mét.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng tàu Hải Cảnh của họ thi hành nhiệm vụ trên biển ở các vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc, theo Reuters.
Ông ta không biết tàu của họ hoạt động ở khu vực có các hoạt động dầu khí của công ty Nga. Một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao CSVN nói rằng hành động (tàu Kiểm Ngư) của Việt Nam nhằm “bảo vệ chủ quyền pháp lý.”
Theo ông Ray Powell, một phân tích gia tại Đại Học Stanford, California, viết trên Twitter, dữ liệu AIS theo dõi tàu biển cho thấy sự chạm trán nguy hiểm giữa tàu Hải Cảnh 5205 và tàu Kiểm Ngư KN-278 có vẻ cách nhau chỉ chừng 10 mét tại khu vực bãi Tư Chính lúc 7 giờ sáng ngày 26 Tháng Ba.
Lược đồ và lời dẫn giải của ông Powell cho mọi người thấy tàu KN-278 bám theo CCG 5205 rồi tàu Trung Quốc có lúc đợi cho tàu KN-278 bắt kịp thì quay ngoắt lại, khi thì cách nhau chừng 200 mét, nhưng ngày Thứ Bảy thì có lần chỉ cách nhau chưa tới 10 mét rồi sau đó CCG 5205 đi khỏi khu vực hai tàu vờn nhau.
Chuyện tàu Kiểm Ngư của Việt Nam và tàu Hải Cảnh Trung Quốc vờn nhau ở bãi Tư Chính xảy ra chỉ một hai ngày sau khi một khu trục hạm của Mỹ mang hỏa tiễn tấn công USS Milius hai ngày liên tiếp đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo tại Hoàng Sa. Quần đảo này của Việt Nam tuy bị Trung Quốc cướp năm 1974 nhưng Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Vào các ngày 8 đến 10 Tháng Ba vừa qua, các nước ASEAN và Trung Quốc họp về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) nhằm tránh xung đột võ trang liên quan chủ quyền lãnh thổ, đã không đạt được kết quả gì mong đợi dù các cuộc đàm phán đã kéo dài suốt nhiều năm qua. (TN) [kn]
Nguồn: www.nguoi-viet.com