CANBERRA, Úc (NV) – Khi một phụ nữ 64 tuổi người Úc phải vào bệnh viện để giải phẫu não, bác sĩ giải phẫu thần kinh Hari Priya Bandi không nghĩ rằng sẽ lôi ra con giun đũa ký sinh dài 3 inch (8 centimeter), ngoe nguẩy giữa chiếc kẹp y khoa.
“Tôi chỉ từng chạm trán mấy con sâu bằng mớ kỹ năng làm vườn kém cỏi của mình… thật kinh khủng khi phải nhìn thấy chúng và đây không là thứ tôi muốn nhìn thấy,” bà Bandi nói với đài CNN khi lần đầu tiên phát giác có một con sâu sống trong não người trên thế giới.
Khám phá của Bác Sĩ Bandi đã làm giới khoa học nháo nhào lên và muốn tìm đích danh của loài ký sinh đó, ông Sanjaya Senanayake, chuyên gia bệnh truyền nhiễm bệnh viện Canberra nói với đài CNN.
Một đồng sự trong phòng thí nghiệm của bệnh viện đã liên lạc với chuyên gia về ký sinh trùng động vật tại cơ quan nghiên cứu khoa học chính phủ cách bệnh viện 20 phút – và họ đã nhận được lời giải đáp không thể ngờ.
“Chúng tôi đã gửi con sâu còn đang ngọ nguậy cho anh ấy, sau đó anh nhìn vào con sâu rồi ngay lập tức biết được nó là loài nào,” ông Senanayake nói.
Các xét nghiệm phân tử xác nhận con sâu là Ophidascaris robertsi, một loại giun đũa được tìm thấy trong loài trăn, thông cáo báo chí của đại học quốc gia Australian National University và bệnh viện Canberra loan báo.
Các nhà nghiên cứu nói rằng bệnh nhân sống gần một khu vực hồ nước nơi trăn cư ngụ tại miền Đông Nam New South Wales. Mặc dù bệnh nhân không động chạm trực tiếp vào loài bò sát, nhưng có thể cô ấy bị nhiễm giun đũa do ăn rau Warrigal, một loại rau lá bản địa mà cô đã nấu rồi dùng bữa.
Ban đầu, người phụ nữ được đưa vào một nhà thương địa phương hồi cuối Tháng Giêng, 2021, sau khi khốn đốn vì tiêu chảy, đau bụng liên tiếp trong ba tuần, tiếp theo đó là ho khan triền miên, sốt và đổ mồ hôi về đêm.
Vài tháng sau, các triệu chứng tiến triển thành chứng hay quên và trầm cảm, cô được chuyển tới một nhà thương ở thủ đô nước Úc. Tại đó, nhìn vào kết quả chụp MRI, đội ngũ bác sĩ phát giác có điều bất thường ở thùy não bên phải của cô.
Điều thường xảy ra đó là một loài trăn ở Úc mang ký sinh Ophidascaris robertsi và thải ra trứng của ký sinh trùng có trong phân của chúng, sau đó phát tán qua thảm thực vật, nguồn thức ăn của động vật có vú nhỏ và thú có túi. Tại một thời điểm nào đó, những con trăn cũng ăn những con mồi bị nhiễm bệnh, sau đó ký sinh trùng sống bên trong con trăn, hoàn tất chu kỳ lây nhiễm.
Với ca bệnh này, nhiều khả năng bệnh nhân vô tình biến thành vật chủ của con giun đũa, ông Senanayake cho biết. Loài ký sinh trùng này có khả năng xâm lấn cao và người ta ngờ rằng ấu trùng, hoặc con non của chúng, đã hiện diện trong một số cơ quan nội tạng khác của người phụ nữ, bao gồm phổi và gan.
Ca bệnh xảy ra ở Úc hoàn toàn khác với các trường hợp được loan báo gần đây về một số người bị nhức đầu do ấu trùng sán dây có trong não.
Người bị nhiễm ký sinh trùng khi nuốt phải trứng có trong phân của người bị nhiễm sán dây trong ruột, theo Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC). Mỗi năm có hơn 1,000 trường hợp nhiễm căn bệnh này, chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ. (TTHN)
Nguồn: www.nguoi-viet.com