NEW YORK, New York (NV) – Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Khoa Học & Công Nghệ Môi Trường (Environmental Science & Technology), người Mỹ gốc Á có mức độ tiếp xúc với “hóa chất vĩnh viễn” (PFAS) liên quan đến ung thư cao hơn đáng kể so với chủng tộc khác, theo NBC News loan tin hôm Thứ Hai, 28 Tháng Tám.
Giáo Sư Shelley Liu, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc khoa Y trường đại học Icahn School of Medicine at Mount Sinai, nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm về tác động của việc tiếp xúc với PFAS đối với người gốc Á, đồng thời lưu ý rằng chủ đề người Mỹ gốc Á thường ít được trình bày trong nghiên cứu y học.
Nghiên cứu cho thấy người Mỹ gốc Á có mức PFAS trung bình cao hơn 88% so với người da trắng. Sự chênh lệch này vẫn tồn tại ngay cả khi kiểm soát tình trạng kinh tế xã hội.
PFAS (viết tắt của các chất per và polyfluoroalkyl thường được sử dụng trong sản xuất bao bì thực phẩm, quần áo và chống vết bẩn) nổi tiếng về mức độ độc hại của chúng với liều lượng nhỏ, liên quan đến các vấn đề về sức khỏe và môi trường trên diện rộng.
Các hợp chất PFAS có thể tích tụ trong cơ thể theo thời gian và có liên quan đến những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ ung thư và giảm khả năng sinh sản.
Mặc dù lý do chính xác khiến người Mỹ gốc Á tiếp xúc nhiều hơn vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng các yếu tố như nguồn gốc nhập cư khác nhau, chế độ ăn uống đa dạng và tập quán văn hóa có thể góp phần vào sự chênh lệch này. Ví dụ, mức tiêu thụ cá nước ngọt, thường liên quan đến ô nhiễm PFAS, cao hơn ở người Mỹ gốc Á.
Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những khác biệt về phơi nhiễm này, nhưng việc giảm thiểu phơi nhiễm rất phức tạp do thiếu quy định về hóa chất tổng hợp ở Hoa Kỳ.
Một số chính sách cho thấy nhiều hứa hẹn, chẳng hạn như luật của Maine yêu cầu báo cáo về các sản phẩm có chứa PFAS có chủ đích và Liên Âu đề nghị cấm “hóa chất vĩnh viễn.” (MPL) [kn]
Nguồn: www.nguoi-viet.com