“ Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung” của Nhà văn Phạm Quốc Bảo
(NXB Người Việt xuất bản 2015) có tại các nhà sách và mua qua Amazon
Sách dầy 330 trang, chia làm ba phần và một số trang phụ lục.. .
ảnh 1: Bìa Sách “Tâm Tình Một Nẻo Quê Hương”, ảnh 2: nhà văn Phạm Quốc Bảo chụp bởi nhà thơ Đặng Hiền – Quận Cam-2015
– Phần Một : Tác giả cho trích đăng từ những trang email trao đổi qua lại với mấy đứa con nuôi, ghi lại một quan niệm sống lương thiện xây dựng thiết thực của tác giả mà người viết bài này đã được biết rõ từ gần 20 năm qua sinh hoạt của ông:130 trang sách (chiếm 1/3 quyển sách) tóm lược những tâm tình của một cặp vợ chồng “son” chăm sóc bầy con nuôi, như một công việc nhỏ nhoi mà tích cực góp phần vào cuộc thay đổi văn hóa từ nếp sống mỗi cá nhân đến ra ngoài xã hội, một cách cụ thể, “khiêm tốn nhưng rõ rệt là rất cần thiết cho một xã hội đang trên đà băng họai hiện nay ở trong nước“…
– Phần Hai : “Ai đưa ta đến chốn đây…” Những tâm tình có nội dung dành cho các người em trai trong gia đình; nhưng khi được phổ biến thành sách thì lại chính là những tâm tình về những đề tài văn hóa, xã hội và cộng đồng của người Việt chúng ta mà tác giả trao gửi cùng bạn đọc.
– Phần Ba: Nếu ở Phần Một là những trang nhật ký, tâm tình trao đổi, tìm về một nẻo quê hương; và Phần Hai nói lên tâm cảnh quê hương ở “chốn đây”, thì Phần Ba này lại sôi nổi hẳn lên, dàn trải tấm lòng văn chương của một nhà văn.
Trên 30 năm gắn bó với Báo Người Việt, và rồi qua trên mười năm phụ trách phần văn học nghệ thuật, bán nguyệt san Quán Văn, nhà văn Phạm Quốc Bảo đã trải dài ra trong phần ba của cuốn sách này những ghi nhận của ông từ những nhà thơ đóng góp vào hành trình văn học Việt Nam, như Tản Đà, rồi đến Nguyên Sa, Trần Tuấn Kiệt… bước sang đến nhà báo Nguyễn Minh Diễm, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu v.v..
Chúng ta hãy cùng đọc chính những dòng tâm tình của tác giả – Xin được trích dẫn trong tiêu đề Tâm Tình Dẫn Vào Chuyện: “ Cá nhân tôi sống đến nay đã bảy mươi ngoài mấy năm nữa rồi. Tôi đã từng đọc được những truyện kể dàn dựng quy mô vĩ đại, đã từng nghe nói về những ý nghĩ – tư tưởng cao xa thâm viễn … nhưng tất cả những thứ ấy hầu hết bây giờ đều chỉ khiến tôi thường xuyên bị nhức đầu bối rối, nếu không thì cũng bắt tôi phải nghĩ ngợi mông lung mơ hồ mà bấn bíu hoài không rứt. Trong khi đó những gì đã và đang xảy ra từ cuộc sống thường nhật lại mới khiến cho tôi bồi hồi xúc động, mới lưu luyến ở với tâm tư tôi lâu dài, mới thoải mái gần gũi chia sẻ với tôi trong đời sống, mới dạy bảo tôi cần phải sống làm sao với đời với người một cách hòa hợp trong yên bình.
Do đó, cuốn sách này gồm phần I là hầu hết những email, thêm vài trang thư viết tay tiêu biểu trao đổi giữa tôi và mấy đứa con nuôi trong khoảng mấy năm nay, tất cả đã được chọn lọc ra và được “edit” lại để rõ nghĩa hơn (nhưng vẫn giữ câu cú và những từ ngữ đặc biệt của nội dung để chúng ta có thể nhận thấy rõ được nét khác biệt phong phú của xã hội trong nước và xã hội người gốc Việt ở hải ngoại). Phần II là một số những thổ lộ mới nhất của tôi, cũng đã được chọn lọc rồi, về nhịp độ và chiều sâu đời sống của dân tộc chúng ta.
Đọc vào cuốn sách mà chúng ta có thể nhận ra trong này được một vài trường hợp tương tự như quý vị đã từng trải qua, hoặc quý vị nghiệm ra ở đây những gì có thể đáp ứng với tâm tình của quý vị, chia sẻ vài cảm xúc dù rất riêng tư nhỏ nhặt của quý vị, … hay ít ra những trao đổi tâm tình của cuốn sách này nếu chỉ khiến cho quý vị thích thú trong giây lát một cách thanh thản thôi, thì đấy cũng là mong ước của tôi vậy.”
Nghĩa là chúng ta khi đi lần vào lòng những trang sách, là chúng ta cứ thế mà đào sâu vào từ tấm lòng của nhà văn Phạm Quốc Bảo đang trải rộng ra, trước mắt chúng ta, trong tâm trí chúng ta vậy.
Chẳng hạn khi đọc vào Phần Ba của cuốn sách, chúng ta chỉ cần lướt qua vài trang là đã đủ cảm kích qua một vài dòng văn ngắn gọn, tràn đầy tính chất văn chương, chan chứa biết bao trải nghiệm xúc cảm khi biết đến nhận định của tác giả về một nhà thơ, cũng là nhà báo kỳ cựu trong văn học sử Việt Nam ta có đến 80 năm qua: Thi sĩ Tản Đà: Nhớ mấy câu thơ mở đầu cho bài “Thăm Mả Cũ Bên Đường” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939). Đó là mấy câu có âm điệu ngang cành bứa, vừa tạo cho người đọc chia sẻ một niềm xúc động chua xót nửa vời đến mênh mang mà lại vừa khiến ta bị chi phối bởi một cảm giác bơ vơ buồn man mác. Mấy câu thơ này đã dẫn nhập tôi vào một khung cảnh bùi ngùi thương tiếc một cách đặc biệt của trọn bài thơ diễn ra sau đấy:
“ Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà
Đường xa người vắng bóng chiều tà
Một rẫy lau cao làn gió chạy
Mấy cây thưa lá sắc vàng pha …
Và để kết luận cho trang giới thiệu về tác phẩm thứ 22 của nhà văn Phạm Quốc Bảo (Người Việt xuất bản), cách tốt nhất là lấy từ vài trang cuối của phần ba, ở những trang sách ngắn gọn và cô đọng nhất, khi tác giả viết về Nguyễn Thanh Hùng và Ngô Mạnh Thu, ông thể hiện tấm lòng thiết tha với bạn, với đời sống và văn chương. Chỉ hai đoạn thơ gửi với theo, khi nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu rời khỏi cõi đời này, đã cho thấy tấm lòng trân trọng trìu mến của tác giả dành cho bạn:
“ Gửi Ngô Mạnh Thu:
Ru anh anh cứ mộng thường
để đời thấy rõ mà thương việc lành
ở đây người chỉ lanh tranh
những yêu cùng ghét riêng mình cá nhân”…
và đoạn kế tiếp để thổ lộ tự sự về chính tác giả:
“ Ru tôi sống chết mặc thây
dốc lòng phục vụ cho đầy nghiệp thân
thõng tay giữa chợ bẽ bàng
rồi ra số kiếp bàng hoàng ấy thôi.”
Và bây giờ xin mời bạn, tìm và nâng niu trên tay “Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung” qua Amazon hoặc Phạm Quốc Bảo:
14771 Moran St. Westminster, CA 92683 – USA. Điện thoại (714) 892-9414 ext: 142. Email:pqbao@nguoi-viet.com
(PK-Người Việt Tây Bắc)
nvtbnews@aol.com