Hạnh ngộ tuyệt vời giữa thơ B.H. và nhạc Anh Bằng.
bài Du Tử Lê
Tôi may mắn có được sự quen biết khá nhiều nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ.
Hầu hết, họ là những nhạc sĩ gắn bó một đời với âm nhạc. Tựa đó là người tình thủy chung, đầu tiên và cuối cùng của định mệnh, một kiếp người.
Tôi cũng được biết một vài nhạc sĩ đã bước vào tuổi sáu mươi, nhưng sức sáng tác của họ giống như những năm ba mươi.
Tuy nhiên, trong số này, (như rất nhiều người làm thơ), họ lập lại chính mình mà không biết.
Nhưng khi bước qua tuổi bảy mươi, ngọn lửa sáng tạo, dù tài năng ở tầm cỡ nào, cách gì cũng hiu hắt.
Nếu tính tuổi trung bình của một nhạc sĩ khi chính thức bước ra tiền trường sân khấu âm nhạc, với ánh đèn chói lọi và, tiếng vỗ tay mang nghĩa hàm ơn thì, ở tuổi bảy mươi, những nhạc sĩ đó, đã có nửa thế kỷ cống hiến tim óc mình cho đám đông. Tôi không nghĩ giới thưởng ngoạn còn đòi hỏi hay chờ đợi gì hơn nữa, nơi những tài hoa âm nhạc này.
Chính vì thế, những năm tháng gần đây, tôi không dấu được sự kinh ngạc tới bàng hoàng và, khâm phục tới run, nghẹn, lặng lời nói, khi biết nhạc sĩ Anh Bằng, ở tuổi ngoài tám mươi, vẫn sung mãn đem vào cõi-giới âm nhạc của ông, những cơn bão quyến rũ của giai điệu và, những ca từ mượt mà của thương yêu, đắm đuối.
Hơn thế nữa, vẫn theo ghi nhận của tôi, người nhạc sĩ đã để lại cho đời hàng trăm ca khúc đủ loại, (nổi bật nhất, vĩnh cửu nhất, vẫn là những tình khúc), chẳng những không lập lại chính mình mà, còn cho thấy những vượt thoát; như những đường bay nghệ thuật, tới những chân trời rung cảm chưa từng.
Tôi muốn nói, dù rất ít thì giờ, dù tuổi tác đã không còn hào phóng dành cho tôi những rung động nhậy, bén như thời trẻ, vậy mà tôi đã không thể cưỡng lại những ma lực thoát thai, bay bổng, vút lên từ những sáng tác mới nhất của ông. Như “ Trong quán Khuya- Mưa Cali Nhớ Mưa SaiGòn.” Như “Chia Tay Hư Ảo.” Như “Lời Khẩn Cầu Vụng Dại, “Trong Cõi Tình Ta”, “Thiên Thần Lạc Loài” như “Vườn Thánh – Đợi Về” nhạc sĩ còn viết dang dở ..v.v..
Khi ngỏ ý với một số bằng hữu về tài năng, sức sáng tác ngoại khổ của nhạc sĩ Anh Bằng – – Người từ những đỉnh núi tình ca này, bay qua những đỉnh núi tình ca khác, một bằng hữu của chúng tôi nói:
“Cả loạt tình khúc ấy, đều là thơ phổ nhạc.”
Tôi hỏi tới. Người bạn đáp:
“Thơ B.H.”
Tôi nói, “Ồ!” Tôi biết. Tôi nói, dường tôi đã được nghe khá nhiều tình khúc của một vài nhạc sĩ khác, cũng đi ra từ thơ B.H.
Tôi nói, điển hình, tôi nhớ “Như Đất Trời Tình Nhân,” “Thiên Thần Mong Manh”… của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng. Đó là hai, trong số những tình khúc ra đời từ một gặp gỡ tốt đẹp giữa thi ca và âm nhạc. Giữa B.H và, Phạm Anh Dũng.
Từ đó, tôi nói với bạn tôi rằng, giờ thì tôi hiểu và tôi mừng, rất mừng cho nhạc sĩ Anh Bằng.
Ông là người mà tôi muốn gọi là “Đại sứ Của Tình Yêu Trên Mặt Đất.”
Ông cũng là người mà tôi muốn gọi là “Ông Hoàng Phổ Nhạc Thơ Tình.”
Tôi mừng bởi vì, theo tôi, cuối đời, ở tuổi 87, tựa như ông mới có một hạnh ngộ tuyệt vời: Hạnh ngộ giữa thơ B.H. và giai điệu Anh Bằng.
Thơ B.H., với tôi, không chỉ “như đất trời tình nhân.”
Thơ B.H. còn cho chúng ta cảm nhận mơ hồ, tuồng có hình bóng mình trong những dòng thơ đó. Thí dụ, “Hoàng hôn xuống chậm nỗi đau thương người.” tỏa ngát trong một số bài thơ khác nữa của BH cũng được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng ân cần…
Và, tôi nghĩ, tôi không hề quá lời, khi nói rằng, giữa thi sĩ và nhạc sĩ, đã có một hạnh ngộ tuyệt vời. Hạnh ngộ của những vần thơ B.H. cô đơn, lẻ loi mà vẫn trân trọng tình yêu tuyệt vọng – – Với những giai điệu nở hoa giữa tâm bão rung động của Anh Bằng.
Tôi không nghĩ, có thể có những (tôi nhấn mạnh những) hôn phối nào, tuyệt vời hơn những hôn phối giữa thi ca B.H. và âm nhạc Anh Bằng! Những ca khúc mang nhạc sĩ tới một miền hạnh phúc trăng mật như thời đôi mươi…
Trong quá khứ, từ trên sáu chục năm qua, đọc theo lộ trình âm nhạc của mình, nhạc sĩ Anh Bằng cũng đã từng có những cuộc kết hôn rực rỡ với thơ tình của nhiều nhà thơ khác nhau. Nhưng, theo ghi nhận riêng của tôi, rực rỡ kia, chỉ một lần ở dăm ba phối ngẫu ấy.
Riêng với thơ tình B.H., tôi hạnh phúc thấy được, hạnh ngộ kia đã mang lại cho “Đại sứ Của Tình Yêu Trên Mặt Đất,” hay “Ông Hoàng Phổ Nhạc Thơ Tình” của tôi, những hôn phối tuyệt vời, hơn bất cứ một phối ngẫu nào khác.
Dù không hề biết B.H. là ai, ở đây, tôi vẫn xin gửi tới nhà thơ B.H. lời cảm ơn chân thành của cá nhân tôi.
Nhờ thơ ông (?) tôi có được một Anh Bằng “lão trượng” cải lão hoàn đồng trong âm nhạc.
Nhờ thơ ông, ngôi vị “Ông Hoàng Phổ Nhạc Thơ Tình” của nhạc sĩ Anh Bằng, ở tuổi 87, sẽ trở thành duy nhất, trước sau chỉ có một.
Du Tử Lê
Ghi chú ảnh:
Ảnh 1: NS Anh Bằng “Ông Hoàng Phổ Nhạc Thơ Tình”, ở tuổi 87: Với những giai điệu nở hoa giữa tâm bão rung động của Anh Bằng trong buổi họp mặt gia đình tại Tacoma-WA. (photo PK )
Ảnh 2: Nhạc sĩ Anh Bằng đang trả lời phỏng vấn của nhà văn Phạm quốc Bảo- Người Việt về những ca khúc mới ông muốn ca sĩ trẻ Asia thể hiện trong CD và trong buổi diễn… (photo Phạm Quốc Bảo)
Ảnh 3: Nhạc sĩ Anh Bằng và cháu ngoại, hậu duệ kế thừa coi sóc Trung tâm Ca nhạc do ông thành lập khoảng trên 3 thập niên.
(photo ASIA Forum)