Ai Đã Sinh Ra Ngành Nails Cho Cộng Đồng Người Việt Trên Đất Mỹ?
Nước Mỹ là một đất nước tự do, đất nước mà trong nó đã chứa đựng những giống dân của các quốc gia với đủ mọi ngành, nghề khác nhau. Và mỗi ngành, nghề đều mang một đặc trưng cho một quốc gia đó. Ví dụ như: Người Hàn Quốc đa phần thì mở tiệm tạp hoá, Người Tàu thì mở nhà hàng, người Ý thì chuyên về xây dựng, Ấn Độ, Trung Đông thì cây xăng. Khơme bán bánh donut. Còn Việt Nam thì… Nails.
Theo một số người đã nhận định rằng: Thượng Đế hết sức thương và công bằng khi đã giúp cho người Việt Nam trên đất Mỹ có một ngành, nghề phù hợp với sức vóc của người Việt. Thật vậy, thử tưởng tượng nếu không có nghề làm móng tay , tất cả chị, em phụ nữ Việt Nam trên toàn nước Mỹ đều phải đến làm việc tại các hãng, xưởng. Cuộc sống của họ chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều so với nghề làm nails hiện tại.
May mắn thay, khi người Việt của chúng ta ngay từ buổi đầu di cư đến nước Mỹ đã tìm được một nghề thật thích hợp. Ngày nay, cũng chính nhờ vào nó, nhiều gia đình đã trở nên khá giả. Tiền bạc rủng rỉnh. Nhu cầu vật chất đầy đủ. Người thân của họ ở Việt Nam cũng được hưởng lây, thông qua số tiền mà họ đã kiếm được bằng vào cái nghề nails. Thế nhưng để có được một cái nghề “hái” ra tiền tương đối dễ dàng như thế này, ngay từ buổi đầu ai đã vất vả, ngược xuôi để khai sinh ra nó thì mấy ai đã biết…!
HÌNH THÀNH
Sau biến cố tháng 4 năm 1975, từng đoàn người di tản rời khỏi Việt Nam đã đến Mỹ theo sự chấp nhận của Chính Phủ thời bấy giờ. Những đoàn người đầu tiên đặt chân đến một đất nước đầy xa lạ này. Ngôn ngữ khác biệt, môi trường sống khắc nghiệt, chưa được thích nghi. Biết phải làm gì để sống giữa một xã hội công nghệ đầy tân tiến? Đó luôn luôn là một nổi lo lớn nhất của mấy chục ngàn người Việt đến Mỹ lúc bấy giờ. Và, hoà trong nổi lo đó có một người đàn bà bản xứ cũng đang ngày đêm trăn trở, băn khoăn không kém. Cái trăn trở, băn khoăn của Bà hoàn toàn xuất phát từ trái tim nhân hậu và đầy lòng thương yêu người. Đứng trong một góc khuất của cuộc đời. Bà nhìn những người phụ nữ Việt Nam với vóc dáng mảnh mai nhỏ nhắn kia, liệu có sức khỏe để làm các công việc nặng nề trong các hãng, xưởng suốt 8 tiếng đồng hồ? Chưa kể phải cạnh tranh về thể lực với nhiều giống dân da màu khác? Trong thâm tâm Bà, Bà muốn giúp những người phụ nữ này có một công việc thật nhẹ nhàng hơn, thật thích hợp hơn so với tầm vóc của họ. Một công việc có cuộc sống sung túc và ổn định cho họ. Thế rồi. Sau những tháng ngày tìm tòi và suy nghĩ cuối cùng bà đi đến quyết định. Sẽ cho những người Việt tự chọn nghề của mình, bằng cách – bà sẽ tạo điều kiện cho họ.
Một ngày của tháng 8 năm 1975. Bà cùng nữ tài tử Kiều Chinh làm phiên dịch đến thăm làng Hy Vọng (Hope Village) ở Thành Phố Sacramento, Thủ Phủ của tiểu bang California. Nơi đây, đang là nơi tập trung người Việt đông nhất trên nước Mỹ lúc bấy giờ. Khi đến bà mang theo những người dạy nghề cho hai nghề chính mà bà nghĩ ra và tin chắc rằng, họ sẽ lựa chọn. Đó là : Nghề đánh máy và nghề thợ may. Thế nhưng, khi đến nơi mọi diễn biến thật là ngoài dự kiến của bà. Tất cả những người phụ nữ trong trại đều lắc đầu từ chối những nghề mà bà đã mang theo. Họ chỉ chú ý và trầm trồ ngưỡng mộ bởi bà đang mang theo bộ móng trên những ngón tay – quá đẹp! Bộ móng tay dài, dài, cong, cong với màu sơn nhuần nhuyễn khiến cho những người phụ nữ này cứ mê mẩn dán mắt không rời khỏi đôi tay của Bà. Và… thế đó, ngành Nails đã được hình thành ngay trong đơn giản và tự nhiên đến như vậy.
Thời ấy, nghề làm móng tay không được tràn lan như bây giờ. Những tiệm làm nails có rất ít. Các tiệm này luôn luôn là của người Mỹ da trắng. Đa số khách hàng của họ thuộc giới giàu sang hoặc là người mẫu, diễn viên điện ảnh. Nhận thấy những người Việt có vẻ thích thú với công việc này. Và để chìu theo sở thích của họ. Cuối cùng Bà đã nhận bảo trợ cho 20 người phụ nữ Việt đầu tiên, đem họ về nhà và mướn người truyền dạy kỹ nghệ làm móng tay. Hằng tuần Bà cho máy bay riêng về Los Angeles đón bà Dusty là chủ một tiệm Nails danh tiếng mà khách hàng của tiệm này đều là những đại gia, người mẫu, tài tử điện ảnh nổi tiếng thời bấy giờ về nhà Bà để dạy nghề cho họ.
Sau khi khoá học kết thúc. Bà gởi 20 người phụ nữ đầu tiên này về trường Citrus Heights beauty College tại Sacramento để thi lấy bằng. Thế nhưng có bằng Nails là một chuyện và để làm việc thì là một chuyện khác. Bởi vì, vào thời bây giờ như đã nói trên. Tất cả những tiệm Nails trên nước Mỹ được mở ra, hoàn toàn phục vụ cho tầng lớp giàu sang, quý tộc hoặc có tiếng tăm trong xã hội. Còn bình thường thì đa số dân chúng không đủ tiền để thuê mướn người làm nails như đại trà hiện nay. Do đó chẳng tiệm nào muốn nhận một người Việt Nam mà vốn liếng tiếng Mỹ còn kém cỏi và tay nghề còn non nớt cả. Lại một lần nữa bà đã vận dụng sự uy tín và nổi tiếng của mình để giúp cho 20 học viên này có được việc làm trong những tiệm Nails sang trọng thời bấy giờ.
Tóm lại, để nuôi ăn, ở cho 20 con người rồi dùng máy bay riêng thuê mướn người dạy nghề kể cả lo việc làm cho họ khi ra trường. Đây là điều không phải ai làm cũng được! Phải là những người thật sự giàu có về Tâm lẫn Tiền như bà thì mới có thể thực hiện được.
Thế nhưng, người đàn bà này là ai ? Xin thưa, Bà chính là Tippi Hedren – nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng, xinh đẹp của thập niên 1960. Bà cũng là người đã sáng lập ra hội thiện nguyện “Food for the Hungry” nổi tiếng nhân đạo trên nước Mỹ. Và cũng chính Bà là người đã có công khai sinh ra ngành Nails cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng và các cộng đồng người Việt ở các nước khác nói chung.
Từ 20 người đầu tiên của kỹ nghệ làm móng tay này, đến nay, con số đã được nhân rộng trên toàn nước Mỹ. Theo thống kê người ta ước tính hiện nay có trên 100,000 tiệm Nails được rải đều trên khắp các tiểu bang. Chỉ tính riêng năm 2018. Hệ thống ngành Nails trên toàn nước Mỹ của người Việt đã đạt doanh thu trên 10 tỷ dollars. Đó chỉ là con số trên giấy tờ còn về mặt “ chìm” thì con số còn…. “bao la” hơn nhiều! Ngày nay đã có những Tướng Lĩnh, Khoa Học Gia, Bác Sỹ, Kỹ Sư, các nhà Tham Mưu, Nghiên Cứu của thế hệ thứ hai hoặc thứ ba được trưởng thành và thành danh đều nhờ vào những đồng tiền kiếm được từ nghề nails của bậc sinh thành ra họ. Cạnh bên, trong xã hội hiện nay đã có không ít những gia đình có cuộc sống rất ổn định nếu không muốn nói đến giàu có nhờ vào chính nghề này.
Truyền thống Việt Nam: uống nước nhớ nguồn !Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ! Thông qua bài viết này như một lời tri ân đến Thầy dạy Nails – Ms Dusty và 20 học viên đã có công khai sáng đầu tiên cho ngành Nails của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Và trên hết, cũng thông qua bài viết này, xin gởi đến lời cảm ơn đầy kính trọng nhất đến với Ms Tippi Hedren – Người đã có công khai sinh ra ngành Nails cho toàn thể cộng đồng người Việt tại nước Mỹ nói riêng và tất cả các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới nói chung.
Nửa đời mẹ cúi mặt
Mong con ngẩng đầu cao
Lau dùm Mẹ nước mắt
Bằng những thành công mau.
Kiều Mộng Hà
Vũ Linh Châu góp ý:
NGÀNH NAILS VÀ THANH DANH CỘNG ĐỒNG TỴ NẠN VIỆT NAM
… Riêng đối với các bà, các cô, Phụ nữ Việt Nam đã phải chịu quá nhiều đau khổ trong chiến tranh, và cả sau khi cuộc chiến chấm dứt, nên Trời đã thưởng cho họ nghề Nails.
Chỉ cần rất ít ngoại ngữ, một ít chuyên môn, thế mà đủ sống ung dung, nhà cửa tươm tất, xe cộ đàng hoàng. Hầu hết, khi hưởng lộc Trời, đã biết san sẻ cho chồng cho con, dùng nó làm đà vươn lên, gia đình êm ấm hạnh phúc, tương lai con cháu sáng lạn huy hoàng. Kiếm tiền dễ dàng thì tiêu xài cũng thoải mái, rất nhiều ngành nghề khác trong cộng đồng, và cả thân nhân và người nghèo khổ bên quê nhà cũng được hưởng lây. Little Saigon mỗi ngày mỗi phát triển sầm uất, sự phồn thịch của hầu hết mọi ngành nghề như bác sĩ, luật sư, địa ốc, du lịch, tiệm vàng, tiệm ăn, các cơ sở thẩm mỹ… phần lớn đã do nguồn lợi từ các tiệm móng tay mang lại. Và cả báo chí truyền thông nữa, cứ nhìn vào mục Rao Vặt của một vài nhật báo hay tuần báo tại đây là rõ ngay.
Nhiều người tự hỏi, tại sao hiện nay tại Mỹ, rất nhiều các nữ Bác Sỹ và nữ Dược Sỹ đều là người gốc Việt Nam. Mặc dầu Student Loan cho các ngành học này rất lớn. Cho nên ngay cả các sắc dân Á Châu giàu có khác như Hồng Kông, Đài Loan, Đại Hàn… cũng không đài thọ được.
Phải chăng đây cũng là một bí mật trong lịch sử di dân lập quốc Hoa Kỳ: Rất nhiều nữ BS, DS gốc Việt đều có… bằng Manicurist. Tại vì không có một cái part time job nào ít tốn thì giờ và lại có thu nhập cao bằng việc cuối tuần ghé tiệm Nails … của má. Người ta sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi mà các món nợ Student Loan của hầu hết các vị nữ BS, DS trẻ này đều đã được paid off ngay sau khi vừa tốt nghiệp. Các Student Loan này thường lên tới cả trăm ngàn dollars với lãi suất rất cao.
Nhưng một điều quan trọng hơn nữa là từ khi ngành Nails phát triển, các hành vi phạm pháp như xâm nhập tư gia, băng đảng tội phạm, kinh doanh tình dục… đã gần như hoàn toàn biến mất khỏi cộng đồng Việt Nam. Phải chăng cũng là nhờ vào cái nghề Móng tay khiêm tốn nhưng lương thiện này. Những ai tới Mỹ khoảng trước năm 2000 chắc đã đều biết rõ điều này.
Kỹ nghệ Nails, không những là một trong các trụ cột kinh tế, mà nó còn liên quan tới cả sự ổn định và ngay cả danh thơm tiếng tốt của Cộng Đồng Tỵ Nạn VN nữa.
Nghe nói, nghề này cũng đã bắt đầu lan sang tới bên Anh và sẽ từ từ lan tới mọi cộng đồng Người Việt khắp nơi trên thế giới. Hy vọng nhờ đó các hành vi tội phạm, như trồng cần sa ma túy chẳng hạn, cũng sẽ từ từ biến mất.
Tuy vậy, cũng như hầu hết mọi ngành nghề và lãnh vực khác, chúng ta đã không có được một tổ chức, một nghiệp đoàn để bảo vệ lẫn nhau. Chúng ta đã tranh mất công ăn việc làm, đã chiếm lĩnh một thị trường, một kỹ nghệ lâu đời của người bản xứ… Trong thời gian sắp tới, nguồn tài chánh trụ cột này của cộng đồng sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn to lớn.
Tuy nhiên, phải chăng cũng là nhờ Trời, tất cả đều đã tai qua nạn khỏi. Chiến lược “Tằm ăn dâu” trong công cuộc Nam Tiến của tiền nhân, lại đang được chị em phụ nữ VN ứng dụng thành công trên toàn thế giới.
Vũ Linh Châu. (Khoảng 2010)
Phát biểu và chịu trách nhiệm, hoàn toàn với tư cách cá nhân, không liên hệ tới bất cứ một nhóm, một tôn giáo hay một người nào khác.
Phụ chú:
1- Lịch sử Nghề Nails:
– Nghề Nails bắt đầu từ vùng Hollywood rồi phát triển ở các vùng người Mỹ da trắng chung quanh vào khoảng đầu thập niên 1980.
(I did read an article some months ago about it. According to that article, Tippi heard about the hard time of the Vietnamese refugees, so she came to visit them. The refugees were amazed at her manicured fingernails. So she decided to help them learn manicure. She sent her own beautician and hired some other teaching manicurists to start the project…
Since I read that story, I have hoped that someone would do something to honor Tippi…Now they did it.
Another popular Hope Village helper was on hand Sunday: the godmother of nail salons, Hedren.
Hedren, who is credited with kicking off the boom of Vietnamese-owned and -operated nail salons, started her first manicurist class at Hope Village. From there, an entire industry was born).
– Vào khoảng đầu thập niên 1990, nghề Nails phát triển tại vùng người Mỹ da đen (South Central L.A.)
– Vào khoảng cuối thập niên 1990, nghề Nails phát triển tại vùng người gốc Mễ (East LA, El Monte, Pico Rivera, Pomona…)
– Khoảng đầu thập niên 2000, nghề Nails lan xuống các vùng người Mỹ da trắng giàu có tại các thành phố ven biển như Long Beach, New Port Beach… Và dần dần lan ra khắp nước Mỹ.
– Vào khoảng đầu thập niên 2010, Nghề Nails bắt đầu lan sang Anh quốc (Khi đó tôi đã viết “Hy vọng nhờ đó mà các hành vi phạm pháp như trồng cần sa ma túy sẽ từ từ biến mất…)
– Hiện nay (2017), ngành Nails đang lan sang Âu Châu, Úc Châu và sẽ lan ra trên toàn thế giới tại những nơi có đông người Việt sinh sống.
– Hiện nay, ngành Nails đã quay về … Việt Nam và đang phát triển tại các thành phố lớn.
2-Lợi tức của nghành Nails (nói chung chung):
– Chủ tiệm: Trung bình, mỗi người thợ sẽ đem về cho chủ một ngàn dollars mỗi tháng.
– Thợ chia với chủ 4/6.
3- Khoảng đầu thập niên 2010, nhiều thanh niên trai tráng đã trực tiếp tham gia vào Kỹ nghệ Nails: làm thợ, làm chủ… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khoảng giữa năm 2020, một số các bạn trẻ VN, với trình độ học vấn và khả năng Anh ngữ lưu loát đã nhập cuộc và đã bắt đầu giúp cho ngành Nails có tiếng nói trên các cơ quan truyền thông và vọng sẽ cả trên chính trường nữa.
Một lưu ý rất quan trọng:
– Chữ Nails, phải có chữ S ở cuối mới có nghĩa là móng tay/chân. Không có chữ S, nghĩa là cái đinh (Piece of metal for driving into wood…).
– Nails, được phát âm là “NÊU-Sờ”, chứ không phải là “NEO”.
Vũ Linh Châu
(Tái bản và nhuận sắc May 23, 2020)