HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sáng 9 Tháng Chín, ngày thứ ba của phiên tòa xử vụ án Đồng Tâm, Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội Đồng Xét Xử tuyên tử hình ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, hai con trai ông Lê Đình Kình, với cáo buộc “Giết người.”
Ông Lê Đình Doanh, con trai ông Công và là cháu nội ông Kình, bị đề nghị án chung thân cũng với cáo buộc “Giết người.”
Ông Lê Đình Uy, một cháu nội khác của ông Kình, bị đề nghị 6-7 năm tù, với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ.”
Các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến 18 năm tù.
Scroll-over ads
Việc Viện Kiểm Sát Hà Nội đưa mức án đề nghị là chỉ dấu cho thấy phiên tòa có thể kết thúc sớm hơn so với dự trù diễn ra trong vòng mười ngày.
Các mức đề nghị án nêu trên không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, vì trước giờ phiên tòa mở, nhà cầm quyền CSVN đã huy động hệ thống báo nhà nước đăng nhiều bài cáo buộc, đe dọa sẽ có “mức án thích đáng” cho các bị cáo.
Đáng lưu ý, trong lúc báo nhà nước chủ yếu đưa tin một chiều về diễn biến phiên tòa để “định hướng dư luận,” các luật sư trong nhóm bào chữa cho bị cáo đã phơi bày mặt trái của việc xét xử.
Luật Sư Nguyễn Hà Luân, người tham gia bào chữa cho các bị cáo, nêu nghi vấn trên trang cá nhân về việc hồ sơ do chính cơ quan điều tra xác lập ghi rằng nhóm Đồng Thuận mua 10 trái lựu đạn, nhưng “trong số 10 trái lựu đạn đó, không có trái nào được đưa cho ông Lê Đình Kình, vậy trái lựu đạn ‘trong tay ông Kình…’ là trái thứ 11, nó từ đâu ra?”
Trước đó, trong nhiều tháng liền, chi tiết ông Kình “đến lúc chết vẫn cầm trên tay lựu đạn” được nhiều báo đảng nhấn mạnh mỗi khi tường thuật vụ việc xảy ra hồi Tháng Giêng, để tuyên truyền theo “định hướng” của Bộ Công An CSVN rằng người thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm “chống đối đến cùng.”
Luật Sư Lê Văn Luân, một trong những người tham gia tranh tụng vụ này, tiết lộ trên trang cá nhân: “Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, có triệu tập đại diện Công An thành phố Hà Nội với tư cách người tham gia tố tụng khác. Nhưng khi một luật sư đề nghị được hỏi chủ thể này, vị chủ tọa lại nói: Công an Hà Nội không tham gia tố tụng vì không liên quan, nên đề nghị luật sư không hỏi. Trong khi đó, đây chính là chủ thể quan trọng liên can trực tiếp tới và là xuất phát của ‘Kế Hoạch 419a’ về việc bảo đảm an ninh, trật tự cho việc xây dựng tường rào Miếu Môn. Bản kế hoạch này là điểm khởi đầu cho vụ việc đầy bi kịch tại Đồng Tâm rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng, nhưng nó không xuất hiện trong hồ sơ vụ án.”
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về việc báo đảng tường thuật rằng các bị cáo trong vụ này “nhận tội, hối lỗi” vì không có video clip nào cho thấy việc này.
Đề cập việc này, Facebook của nhà báo tự do Phạm Đoan Trang nêu cáo buộc rằng tất cả các bị cáo “đều cho thấy dấu hiệu của việc bị tra tấn, hoặc bị đe dọa, khủng bố đến mức không thể không cúi đầu nhận tội.”
“Một trong những người bị đánh dã man nhất là ông Lê Đình Công, con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Công cũng là người nhận tội đầy đủ theo đúng một kịch bản đã được soạn sẵn, rất chi tiết. Một số bị cáo ‘may mắn’ được tiếp xúc với luật sư có hé lộ cho luật sư biết rằng họ bị tra tấn đến mức không chịu nổi, và được điều tra viên ép ‘cứ nhận đi rồi có gì ra tòa phản cung sau.’ Tuy nhiên, tại tòa, những cá nhân phản cung đều bị tòa đánh giá là ngoan cố, không thành khẩn, và đây sẽ là tình tiết tăng nặng đối với họ,” tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” viết trên trang cá nhân. (N.H.K)