LITTLE SAIGON, California (NV) – Tính tới ngày 22 Tháng Chín, vì đại dịch COVID-19 nên Việt Nam vẫn chưa mở phi trường đón khách từ nước ngoài, mà mới có “thông báo kế hoạch khai thác” đối với sáu quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Lào, Cambodia.
Cũng vì đại dịch hoành hành mà từ cuối Tháng Ba đến nay, những đại lý bán vé máy bay đi Việt Nam quanh vùng Little Saigon ở miền Nam California vẫn chưa bán vé đi Việt Nam được. https://tpc.googlesyndication.com/safeframe/1-0-37/html/container.html
Mua vé trực tuyến quá dễ, nhưng coi chừng
Cô Nguyễn Mỹ Tiên, nhân viên ATNT Travel & Tours, Fountain Valley, cho biết theo nguồn tin mới nhất từ Đại Sứ Quán Việt Nam, hiện giờ chưa có thông tư chính thức.
Cô kể: “Đại sứ quán nói họ có nghe thông tin này nhưng, cho đến giờ, vẫn cho có văn bản chính thức.”
“Nguồn tin rất chung chung, không có gì cụ thể cả. Họ nói nếu Việt Nam có mở cửa bây giờ thì cũng chưa cho du khách đâu. Hiện giờ, nếu Việt Nam mở cửa, thì cũng chỉ ưu tiên cho những người đi công tác hay sinh viên du học mà thôi,” cô tiếp.
Cũng chính vì thế mà ATNT Travel & Tours chưa bán vé đi Việt Nam. Ông Trần Nguyên Thắng, giám đốc công ty, nói: “Nguyên tắc của chúng tôi là trước khi bán vé cho khách, chúng tôi phải kiểm tra là khách đi được và visa không có gì trở ngại. Hiện giờ, vì chưa có gì chắc chắn, chúng tôi chưa bán vé đi Việt Nam.”
Cũng vậy, cô Kathy Phương Ngô ở Titan Travel, Westminster, cho biết cô chưa dám bán vé đi Việt Nam vì thông tin vẫn chưa rõ ràng. “Rất đông khách của tôi thắc mắc là tại sao có chỗ bán vé Việt Nam rồi. Tôi chỉ biết giải thích là tôi chưa dám bán vé vì tình hình bây giờ còn mù mờ lắm.”
Cô tiếp: “Có người, vì nóng lòng quá nên mua ở văn phòng bán vé khác. Có người thì mua trên Internet. Nhưng cho đến giờ, chưa ai đi được hết. Tùy theo hãng, có hãng còn cách ngày đi hai tuần, có hãng cách ngày đi một tuần, gọi lại báo cho người mua vé là chuyến bay bị hủy bỏ hay đình chỉ vô thời hạn.”
Theo cô, nhiều người thấy mua vé trực tuyến quá dễ nên tưởng Việt Nam đã nhận người vô. “Thực ra, đó là cách toàn bộ hệ thống bán vé online được sắp xếp từ xưa tới nay rồi,” cô nói.
Sở dĩ có tin đồn sắp đi Việt Nam được là vì báo mạng VNExpress đăng tin “Việt Nam mở rộng cánh cửa, nối lại sáu chuyến bay quốc tế.”
Sáu chuyến bay quốc tế này là từ Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn và Đài Loan từ 15 Tháng Chín, rồi sau đó Lào và Cambodia từ 22 Tháng Chín. Ngoài ra, dự trù có thêm Thái Lan trong thời gian tới.
Bài báo viết: “Du học sinh và thành viên gia đình người nước ngoài của công dân Việt Nam nằm trong số những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại được nối lại từ 15 Tháng Chín.
Đọc kỹ, bài báo không hề nói gì đến chuyện Việt Nam đón nhận Việt kiều về nước thăm thân nhân cả.
Bài báo chỉ viết: “Bộ Giao Thông Vận Tải đã đề nghị rằng hành khách được phép nhập cảnh bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài mang sổ thông hành ngoại giao hay công vụ, chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư và thành viên gia đình của họ.”
Và khẳng định: “Các chuyến bay vẫn chưa được mở cho khách du lịch.”
Việt Nam đã tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ cuối Tháng Ba năm nay, vẫn theo bài báo.
Nhiêu khê nhập cảnh vào Việt Nam
Cô Kathy Phương Ngô khuyên: “Tất cả các trung tâm bán vé máy bay đều có thông tin mới nhất về tình hình du lịch thế giới. Khách mua vé nên tham khảo với những nơi có uy tín để tránh trường hợp không hay xảy ra.”
Theo báo Tuổi Trẻ, Cục Hàng Không Việt Nam kiến nghị khi mở lại các đường bay quốc tế có chở khách vào Việt Nam, hãng hàng không chỉ bán vé cho hành khách cung cấp đầy đủ thông tin liên lạc cá nhân, nơi cách ly, tổ chức đón khách tại sân bay.
Cơ quan này cho hay, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài cũng không thể xác định được hành khách là chuyên gia, nhà đầu tư… hay đối tượng khác để bán vé, làm thủ tục hàng không. Do vậy, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài chỉ xem xét làm thủ tục hàng không cho hành khách có visa nhập cảnh Việt Nam do các cơ quan chức năng cấp.
Trước đây, Việt Nam nêu kế hoạch các hãng hàng không chỉ bán vé cho người đã có visa nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam và chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận Realtime PCR (loại xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất hiện nay và có thể xét nghiệm được khi bệnh còn ở giai đoạn ủ bệnh) âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan y tế có thẩm quyền của nước sở tại cấp trong vòng ba ngày trước khi lên máy bay.
Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ cho hay, Cục Hàng Không Việt Nam cho rằng theo kế hoạch này hãng hàng không chỉ có thể bán vé trong vòng ba ngày và phải bán vé trực tiếp để kiểm tra giấy tờ của khách, không thể bán vé trực tuyến, ảnh hưởng lớn đến số lượng khách trên mỗi chuyến bay và gây khó khăn cho chính hành khách.
Nếu khách không mua được vé máy bay (chuyến bay đầy hoặc không khai thác) thì sẽ phải làm lại giấy xác nhận, cùng với khả năng mất tiền đã đặt chỗ tại nơi đến.
Do đó, Cục Hàng Không Việt Nam đề nghị quy trình tiếp nhận khách trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam như sau: Hãng hàng không chỉ đặt chỗ, bán vé cho hành khách khi cung cấp đầy đủ các thông tin: tên, số điện thoại liên lạc của cá nhân khi ở Việt Nam; địa chỉ, số điện thoại liên hệ cơ sở cách ly tại Việt Nam; số điện thoại của tổ chức đón khách tại sân bay.
Khi làm thủ tục check-in, hãng hàng không yêu cầu khách xuất trình và kiểm tra: sổ thông hành (passport), visa nhập cảnh và các giấy tờ tương đương; giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp Realtime PCR trong vòng ba ngày trước khi lên máy bay có xác nhận của quan đại điện ngoại giao của Việt Nam tại địa phương; các tài liệu xác nhận việc được chấp nhận ở các cơ sở cách ly theo quy định (nhà công vụ của cơ quan đại diện ngoại giao, nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý); thông tin của tổ chức đón khách tại sân bay
Hành khách phải đeo khẩu trang trên máy bay, cài đặt ứng dụng di động “Vietnam Health Declaration,” “Bluezone” và thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc; đo thân nhiệt trước khi lên máy bay và bị từ chối vận chuyển nếu thân nhiệt vượt quá 37.5 độ C.
Coi chừng ứng dụng Bluezone
Trước đó hôm 18 Tháng Chín, báo VNExpress cho biết Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN ra văn bản “Hỏa tốc” yêu cầu Cục Hàng Không Việt Nam và các cơ quan hữu trách thực hiện “các biện pháp cần thiết.”
Theo đó, các hãng hàng không chỉ bán vé cho người đã có visa nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam. Tất cả người ngoại quốc nhập cảnh vào Việt Nam “phải mua bảo hiểm y tế quốc tế có thể thanh toán tiền khám chữa bệnh tại Việt Nam trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.”
Về ứng dụng Bluezone, trả lời BBC Việt Ngữ, Kỹ Sư Dương Ngọc Thái, chuyên gia bảo mật ở Silicon Valley, cho biết: “Bluezone, tức nhà nước Việt Nam, sẽ biết được ai đã gặp ai, trong bao lâu, vào lúc nào. Từ thông tin này có thể suy ra được ai quen ai, tức social graph [sơ đồ xã hội] của phần lớn quan chức và dân chúng. Đây là thông tin rất nhạy cảm, vì nó tiết lộ, chẳng hạn như, ai đang cặp bồ với ai. Giữa trưa mà thấy hai số điện thoại liên tục trao đổi ‘mã số’ cả tiếng đồng hồ là có thể đoán được họ chỉ đang nằm ôm nhau cho đỡ rét thôi.”
Trong lúc nhiều người dân “ngoan ngoãn” nghe theo lời khuyên của chính phủ CSVN, giới xã hội dân sự lên tiếng cảnh báo về nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân khi cài Bluezone.
Một bài trên trang vnhacker.blogspot.com nhấn mạnh: “Máy chủ Bluezone có thể âm thầm lấy lịch sử tiếp xúc của tất cả người dùng Bluezone. Xin nhấn mạnh là tất cả, bất kể người đó có từng tiếp xúc với F nào hay không. Tóm lại máy chủ có toàn quyền quyết định lấy dữ liệu bất kỳ lúc nào mà không cần có sự đồng ý của người dùng.” (Đằng-Giao)