QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Trận lũ quét lịch sử ở các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, đã làm sạt lở nhiều con đường và hàng loạt cây cầu, khiến nhiều nơi bị cô lập.
Chiều 23 Tháng Chín, xác nhận với báo Lao Động, ông Hồ Quang Minh, phó chủ tịch huyện Đông Giang, cho biết khoảng 3 giờ chiều 22 Tháng Chín, sau khi thăm rẫy, bà Arất Thị L. (65 tuổi, ở xã Jơ Ngây) lội qua sông R’lang, đoạn chảy qua thôn Ra Lang để về nhà đã không may bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi mất tích.
Sau khi nhận được tin báo, chính quyền xã Jơ Ngây đã tổ chức tìm kiếm nạn nhân. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, thi thể bà L. đã được tìm thấy.
Trong khi đó trận lũ quét diễn ra hôm 18 Tháng Chín đã làm hàng chục cây cầu ở huyện Tây Giang bị nước lũ cuốn trôi hay phá hỏng không đi lại được, khiến người dân và học sinh phải băng qua dòng nước chảy xiết nếu muốn ra khỏi làng.
Báo Lao Động cho hay, mặc dù được làm bằng bê tông kiên cố nhưng cây cầu nối ở xã Anông với bên ngoài cũng bị dòng nước lũ phá hủy.
Tương tự, nhiều cây cầu treo cũng bị cuốn trôi khiến việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, ở xã Azứt, huyện Tây Giang, cho biết cây cầu treo của xã bị nước lũ cuốn trôi đã khiến người dân bị cô lập nhiều ngày qua. Hiện, dòng nước lũ đã rút nên người dân tạm thời lội suối ra trung tâm để mua lương thực.
“Thế nhưng việc phục hồi sản xuất xem ra rất khó, bởi tôi có một gia trại, muốn vận chuyển thức ăn về cho gia súc nhưng không được,” ông Hồng lo lắng nói.
Ở xã Bhalee, cây cầu nối thôn Tà Làng với bên ngoài bị hư hỏng nặng, buộc học sinh và người dân phải liều mạng đi qua, bởi đây là con đường duy nhất để ra trung tâm xã. Một số học sinh sợ nguy hiểm đã phải băng qua dòng nước chảy xiết để đến trường trong những ngày đi học.
Nói với báo Lao Động, ông Arất Blúi, phó chủ tịch huyện Tây Giang, cho biết theo thống kê ban đầu có hơn 30 cây cầu bị hư hỏng và bị cuốn trôi. Do người dân đa phần sống gần sông nước, nên khi lũ về, cầu bị cuốn trôi, hư hại khiến khu dân cư bị cô lập. Trước mắt, huyện chỉ còn cách bố trí người túc trực hỗ trợ người dân qua lại những nơi có dòng nước nguy hiểm.
Kể với báo Tuổi Trẻ, anh Plong A Trạch (ở thôn Tà Vàng) nhớ lại lũ quét đổ về gây ngập nhà dân từ đêm 17 Tháng Chín, đến sáng hôm sau vẫn chưa rút. Nước lũ cao từ 1 đến 2 mét làm nhiều nhà sàn của dân bị ngập. Một số trâu, bò nuôi thả tại khu vực thôn này cũng chết do nước lũ. (Tr.N)