(NV) – Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 của các lực lượng Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam được giới báo chí truyền thông và các nhà viết quân sử coi là một khúc quanh trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Lý do là trận chiến này đã làm cho công luận Hoa Kỳ không còn ủng hộ chính phủ Mỹ trong việc tham gia cuộc chiến sau ba năm trời, kể từ năm 1965.
Các lực lượng Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam mà vẫn không có chỉ dấu nào cho thấy là cuộc chiến tranh sẽ sớm kết thúc mà lại có nguy cơ sẽ còn kéo dài không biết cho đến bao giờ, dẫn tới việc phía Hoa Kỳ phải khởi sự mở cuộc đàm phán với phe Cộng Sản tại thủ đô Paris của Pháp nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
Bối cảnh trận Tết Mậu Thân 1968
Hồi Tháng Bảy, 1967, sau cái chết của Tướng Cộng Sản Bắc Việt Nguyễn Chí Thanh trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp để bàn thảo những kế hoạch đưa cuộc chiến tranh Việt Nam đi đến hồi kết nhanh chóng và thành công.
Về mặt quân sự, chiến tranh đã diễn ra không mấy tốt đẹp cho Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt và các lực lượng Việt Cộng tại miền Nam Việt Nam vì quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh có hỏa lực vượt trội và khả năng chuyển vận nhanh các đơn vị ra chiến trường.
Các tướng như Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh đều ủng hộ kế hoạch “trường kỳ kháng chiến,” tức là kéo dài cuộc chiến tranh ra cho tới khi nào người Mỹ cảm thấy mỏi mệt vì phong trào phản chiến trong nước mà phải rút quân về nước. Tuy nhiên, đa số các nhà lãnh đạo tại Hà Nội, kể cả ông Hồ Chí Minh, là người muốn thấy một kết thúc vẻ vang trong cuộc chiến chống Mỹ trước khi qua đời, vẫn muốn lặp lại một chiến thắng cỡ Điện Biên Phủ hồi năm 1954 để mong có thể khiến Hoa Kỳ phải chấp nhận thương thuyết hòa bình với Cộng Sản Bắc Việt mà rút quân về nước.
Thành công của kế hoạch tổng tấn công để giành chiến thắng nói trên phụ thuộc vào ba giả thiết: Thứ nhất, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ không đủ khả năng chiến đấu và sẽ sụp đổ vì cuộc tổng tấn công; thứ nhì, dân chúng miền Nam Việt Nam sẽ nhân cuộc tổng tấn công này mà nổi dậy chống đội quân viễn chính của Mỹ đang “xâm lược” miền Nam Việt Nam; và thứ ba là các lực lượng Mỹ có thể sẽ bị đánh bại trước cú đánh bất ngờ này, khi cuộc tổng tấn công sẽ diễn ra vào đúng dịp Tết Nguyên Đán năm Mậu Thân khi hai phía trong cuộc xung đột có thông lệ tuyên bố hưu chiến để ăn Tết.
Việc điều quân và chuẩn bị của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt cho cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân được coi là một kiệt tác của kỹ thuật nghi binh và đánh lừa địch quân. Bắt đầu từ mùa Thu năm 1967, quân đội Cộng Sản Bắc Việt và quân Việt Cộng đã tiến hành một loạt các trận đánh đẫm máu nhưng dường như không có mục đích nào rõ rệt tại khu vực biên giới Lào-Việt và Miên-Việt cũng như ở gần khu phi quân sự tại phía Nam vĩ tuyến 17.
Đến Tháng Giêng, 1968, nhiều sư đoàn quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt khởi sự tập trung gần căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang bị cô lập ở Khe Sanh tại phía Bắc Vùng I Chiến Thuật. Từ ngày 21 Tháng Giêng, 1968, cho đến thời điểm các cuộc tấn công diễn ra trên toàn quốc vào dịp Tết Nguyên Đán, phần lớn sự chú ý của quân đội Hoa Kỳ đều nhắm vào Khe Sanh.
Nhưng Trung Tướng Frederick Weynard, chỉ huy Lực Lượng Dã Chiến II, có căn cứ tại Long Bình cách Sài Gòn 15 dặm về phía Đông, đã thuyết phục Tướng William Westmoreland điều động các tiểu đoàn tác chiến Hoa Kỳ quay lại Sài Gòn. Kết quả là, có 27 tiểu đoàn (thay vì chỉ có 14 theo kế hoạch trước đó) tại khu vực quanh thủ đô Sài Gòn khi cuộc tấn công xảy ra.
Lúc 12 giờ 15 phút rạng sáng 30 Tháng Giêng, 1968, ngay sau phút Giao Thừa Tết Mậu Thân, Đà Nẵng, Pleiku, Nha Trang, và chín thành phố khác ở miền Trung Việt Nam đã bị Cộng Quân tấn công.
Vào lúc 1 giờ rưỡi sáng 31 Tháng Giêng, Dinh Tổng Thống và Tòa Đại Sứ Mỹ ở ở Sài Gòn bị tấn công. Đến 3 giờ 40 phút sáng, thành phố Huế bị tấn công, đưa cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân lên cao điểm. Vào cùng ngày, 5 trong số 6 thành phố, 36 trong tổng số 44 thị xã, và 64 trong tổng số 245 quận và huyện trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam đã bị tấn công.
Ngoại trừ Khe Sanh, cố đô Huế, và khu vực chung quanh Sài Gòn, cuộc Tấn Công Tết Mậu Thân của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng đã kết thúc chỉ sau một vài ngày giao tranh ác liệt. Huế được giành lại vào ngày 25 Tháng Hai, và các lực lượng Cộng Quân tại khu vực Chợ Lớn của Sài Gòn đã bị quét sạch vào ngày 7 Tháng Ba. Đến ngày 20 Tháng Ba, các đơn vị của quân đội Cộng Sản Bắc Việt quanh Khe Sanh khởi sự rút lui vì bị tấn công dữ dội bằng trọng pháo và phi pháo hùng hậu của Hoa Kỳ.
Hậu quả cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của Cộng Quân
Về mặt quân sự, đối với phía Cộng Sản, cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân là một thảm họa về chiến thuật đối với họ, mặc dù nhờ yếu tố bất ngờ họ đã giành được các chiến thắng tạm thời tại Huế và ngay cả tại thủ đô Sài Gòn trong những giờ phút đầu tiên của cuộc tấn công. Hơn 58,000 quân Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng đã bị giết trong cuộc tấn công.
Về phía các lực lượng Đồng Minh thì đây là một chiến thắng lớn, với con số thương vong của quân đội Mỹ là 3,895 người và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là 4,954 người, cùng với hơn 14,300 người dân tại miền Nam Việt Nam bị sát hại dưới tay các lực lượng Cộng Sản hoặc chết trong lửa đạn.
Về mặt chính trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lên tinh thần vì đã chuyển bại thành thắng sau khi địch quân đã trắng tợn mở cuộc tấn công vào những giây phút không ai ngờ tới, đó là ngày Tết thiêng liêng của dân tộc từ bao thế hệ cho tới nay. Trong khi đó, chính giới và dân chúng Hoa Kỳ lại mất tinh thần trước sự thể Cộng Quân, sau khi từng bị đánh tơi tả trong những cuộc hành quân tảo thanh của các lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, đã mau lẹ phục hồi quân số bị hao hụt, để rồi có thể mở ra các cuộc tấn công trên quy mô lớn trong suốt nửa năm đầu của năm 1968, bất chấp hỏa lực ghê gớm của Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt có thể đã đúng về khía cạnh tâm lý trong giả thiết thứ ba, nghĩa là tuy không bị đánh bại về mặt quân sự trong trận Tết Mậu Thân, quân đội Mỹ đã bị sa sút về mặt tinh thần trước mối hoài nghi của giới lãnh đạo dân sự trong chính quyền Mỹ rằng cuộc Chiến Tranh Việt Nam, sau Tết Mậu Thân, không dễ gì kết thúc sớm mà sẽ còn kéo dài để làm mồi cho những lời chỉ trích của báo chí thiên tả và cho những cuộc biểu tính phản chiến ngày càng dữ dội của dân chúng Mỹ.
Một mặt, Hoa Kỳ đã giáng cho cho quân Cộng Sản một đòn chí tử trên chiến trường, và mặt khác lại trao cho họ một chiến thắng về mặt chính trị khi binh lính Mỹ bắt đầu mất tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng, chỉ vì họ cứ nghĩ rằng cuộc chiến tranh sẽ kéo dài vô tận, trừ khi có một giải pháp khác cho cuộc chiến, và đó chính là cuộc Hòa Đàm Paris để lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Đã thế, khi Tướng Westmoreland tuyên bố rằng, để hoàn toàn đánh bại các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng, Hoa Kỳ sẽ phải cần thêm 200,000 binh sĩ Mỹ nữa ngoài con số nửa triệu quân đang chiến đấu tại miền Nam Việt Nam, thì ngay cả những người Mỹ từng kiên trì ủng hộ chiến tranh cũng đã bắt đầu cảm thấy rằng cần phải có thay đổi, ít nhất về mặt chiến lược của Mỹ tại Việt Nam, mới mong giành được chiến thắng sau cùng trong khi thời gian thì không còn bao niêu nữa.
Đối với một bộ phận dân Mỹ ngày càng đông hơn cũng như đối với nhiều nhà hoạch định chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 cho thấy quyết tâm không lay chuyển của Cộng Sản Bắc Việt trong nỗ lực đánh chiếm miền Nam Việt Nam và cái mong manh trong cố gắng kiểm soát các vùng lãnh thổ tại miền Nam Việt Nam của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. (Vann Phan)