Khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung diễn ra dường như không có hồi kết, các công ty Mỹ tiếp tục chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Hà Nội đã thể hiện sự ‘thân thiết’ với Washington, nhưng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa mới tận dụng được cơ hội từ thương chiến.
Các quốc gia khác cũng đang chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, bao gồm cả đồng minh lâu năm của Mỹ là Nhật Bản. Vào tháng 7/2020, Tokyo đã dành 220 tỷ yên (2,2 tỷ USD) như một phần của gói kích thích kinh tế kỷ lục để chuyển các công ty của mình từ Trung Quốc trở lại Nhật Bản; và 23,5 tỷ yên để chuyển sản xuất sang các nước khác, chủ yếu là Đông Nam Á.
Cho đến nay, khoảng 90 công ty Nhật Bản đã tham gia “cuộc di cư” khỏi Trung Quốc, và nhiều công ty khác có khả năng sẽ theo sau, theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản.
Thế giới ‘xoay trục’ khỏi Trung Quốc, Việt Nam được hưởng lợi
Một báo cáo vào tháng 6/2020 của Gartner, một nhóm cố vấn kinh doanh và hậu cần, cho thấy 33% các nhà lãnh đạo cung ứng toàn cầu đã chuyển hoặc có ý định chuyển hoạt động chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc vào năm 2023.
Theo Kamala Raman – nhà phân tích chuỗi cung ứng cấp cao của Gartner, sự di chuyển khỏi Trung Quốc bắt đầu cách đây hơn hai năm khi chiến tranh thương mại nổ ra, khiến các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng nhận thức được điểm yếu của việc thiếu “toàn cầu hóa chuỗi cung ứng”, và cũng khiến họ đặt câu tính về tính logic của các mạng lưới thuê ngoài, tập trung và phụ thuộc lẫn nhau.
Các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được hưởng lợi từ trục xoay này khỏi Trung Quốc bao gồm Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam dường như được hưởng lợi nhiều nhất do một số yếu tố.
Quan hệ giữa Washington và Hà Nội đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi phần lớn mối quan hệ được cải thiện có thể là do toàn cầu hóa, và có cùng đối thủ là Trung Quốc vốn đang ngày càng “ngang ngược”, lấn át. Những điểm này đã củng cố thêm mối quan hệ đó.
Washington và Hà Nội cũng đang tăng cường hợp tác quân sự chặt chẽ hơn trong nỗ lực đẩy lùi các âm mưu bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, vốn đã leo thang kể từ khi Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc gần 8 năm trước.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Sự phát triển của Việt Nam trong ba thập kỷ qua là rất quan trọng. Các cải cách kinh tế và chính trị được thực hiện vào năm 1986 đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn.
Ghi điểm cho mình, Việt Nam đưa ra các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thân thiện đối với các công ty muốn chuyển hẳn đến Việt Nam, hoặc xây dựng bổ sung tại đây (mở rộng chuỗi cung ứng), cũng như cung cấp vị trí chiến lược, môi trường chính trị và kinh doanh ổn định.
Ông Lê Công Khanh – kỹ sư và chuyên gia tư vấn dự án điện gió tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với ATF rằng Việt Nam có lợi thế địa lý so với nhiều đối thủ trong khu vực.
Ông Khanh nói: “Rõ ràng, việc Việt Nam giáp Trung Quốc ở phía bắc là điều kiện giúp việc kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ ở xa Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn”.
“Việt Nam có đường bờ biển dài [khoảng 3.260km] và là cửa ngõ thuận tiện ra Biển Đông để kết nối với thị trường các nước Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là trục kết nối Đông Bắc Á với các nước Đông Nam Á”, ông nói.
Việt Nam cung cấp một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, bao gồm hàng nghìn người mong muốn có cơ hội việc làm mới. Hơn 2/3 dân số Việt Nam dưới 35 tuổi, tạo ra nhân khẩu học thuận lợi để thúc đẩy sự gia tăng sản xuất.
Tiêu chí lựa chọn không chỉ là chi phí đơn vị sản xuất (như trong trường hợp sản xuất các sản phẩm giá rẻ). Các công ty lựa chọn những quốc gia nào có chi phí sản xuất thấp hơn ở Trung Quốc, và có một thị trường trong nước có thể trở thành một tiêu trường đối với một phần sản phẩm được sản xuất.
Trong số 33 công ty Mỹ, trong đó có Microsoft, Google và Apple, đã rút khỏi Trung Quốc vào tháng 10 năm 2019, thì có 23 công ty đã đến Việt Nam và 10 công ty đến Malaysia, Thái Lan và Campuchia.
Việt Nam sẽ thu hút đầu tư, khi mức lương tối thiểu ở Việt Nam là 140 USD/tháng, chưa bằng một nửa chi phí lương ở Trung Quốc. Việt Nam cũng có nhiều thỏa thuận thương mại nhất trong tất cả các nước Đông Nam Á, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.
Nếu có thể ‘khắc phục yếu kém’, Việt Nam sẽ nâng cao khả năng thu hút đầu tư
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút thêm các nhà sản xuất Hoa Kỳ, đó là công nhân có trình độ học vấn thấp và thiếu công nhân lành nghề.
Theo công ty tuyển dụng toàn cầu Manpower, chỉ 12% trong số khoảng 57,5 triệu lao động của Việt Nam được xác định là có tay nghề cao. Phần lớn lao động của cả nước vẫn sống ở nông thôn và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Dù vậy, khi so sánh với lực lượng 770 triệu lao động Trung Quốc, số lượng lực lượng lao động của Việt Nam cũng hạn chế khả năng thu hút nhiều nhà sản xuất muốn chuyển ra khỏi Trung Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Do đó, cơ hội từ trào lưu “thoái Trung” sẽ liên tục được chia sẻ bởi không chỉ 10 quốc gia tạo thành Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với tổng dân số 650 triệu người, mà còn cả Ấn Độ, với tổng lực lượng lao động khoảng 500 triệu người.
Việt Nam cũng thiếu cơ sở hạ tầng, trong khi các tuyến đường xây dựng kém và cũ kỹ cùng với các cảng tắc nghẽn, làm tăng thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng chi phí và giảm hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể.
“Cơ sở hạ tầng yếu kém và chi phí vận tải cao đã cản trở các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hết tiềm năng của ngành logistics”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Việt Nam, cho biết gần đây.
Ông cho biết thêm, lĩnh vực logistics ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 13% đến 15%. Tuy nhiên, “cơ sở hạ tầng hàng không và đường bộ kém là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành mặc dù đã cải thiện trong những năm gần đây”, ông nói.
‘Cái gai’ mất cân bằng thương mại
Sự mất cân bằng thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng vẫn là một điểm mấu chốt, đặc biệt là dưới thời chính quyền Trump. Thương mại của Việt Nam với Mỹ tiếp tục đi lên trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2020, đạt đến 46,4 tỷ USD; tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ.
Ngược lại, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam giảm 1,8% từ tháng 1 đến tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam hiện là gần 40 tỷ USD.
Như vậy, mặc dù số dư tài khoản vãng lai rất tích cực và ngân hàng trung ương Việt Nam tích cực mua ngoại hối ròng, Việt Nam vẫn có nguy cơ bị Mỹ gán cho là nước thao túng tiền tệ.
Để giúp bù đắp thâm hụt thương mại ngày càng tăng, các nhà hoạch định chính sách đã và đang kêu gọi các công ty năng lượng Mỹ không chỉ quan tâm đến việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nguồn cung khí đốt trong nước, mà còn thu hút nhiều vốn FDI cần thiết vào ngành sản xuất khí đốt ngày càng tăng, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam.
Trong vài tuần qua, ngày càng nhiều công ty Hoa Kỳ quan tâm đến lĩnh vực điện và khí đốt của Việt Nam (sau vài tháng hoạt động yếu ớt, chủ yếu là do dịch viêm phổi Vũ Hán). Họ đang nỗ lực tham gia vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gần đây nhất của Việt Nam, dự kiến sẽ được trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 10/2020 để phê duyệt.
Đức Duy – ntdvn