(NV) – Trong một khu mobile home ngay Little Saigon có một “phòng tranh miễn phí ngoài trời” để ai cũng có thể đến thưởng ngoạn. Chủ nhân “phòng tranh” ấy là ông Lê Trị, một cựu sĩ tình báo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).
Nhưng sở thích của người ở tuổi bát thập đắc hi hỉ ấy, không chỉ là nhiếp ảnh.
Chụp hình nghệ thuật cho đời thêm tươi!
Ông Lê Trị, 82 tuổi, là tác giả của hàng chục ngàn ảnh nghệ thuật, được chép vào ba USB, mà theo ông, tổng cộng chiếm 3 Terabyte, “rất nhiều!”
“Phòng tranh” của ông có khoảng gần 100 bức, do ông tuyển chọn, tự đóng khung và treo lên hai bức tường bên hông ngôi nhà mobile home thuộc thành phố Santa Ana.
Chiều chiều, cư dân trong khu mobile home đi tập thể dục, lại ghé qua ngắm “phòng tranh” của ông Trị.
Cách đây hơn chục năm, ông Trị bước vào môn nghệ thuật khá muộn màng ở tuổi “thất thập cổ lai hy.” Ông nói: “Chân yếu, động tác di chuyển chậm là trở ngại lớn đối với bản thân tôi. Tuy nhiên do sẵn có máu đam mê ảnh nghệ thuật, sau một năm học, tôi đã cố gắng ghi nhận được một số tác phẩm nghệ thuật cho đời thêm tươi vui.”
Trong khoảng chục năm, ông hăng say đi săn ảnh cùng với nhóm nhiếp ảnh gia trẻ, tới những vùng như White Mountain cao 14,000 foot, Bishop lạnh 18 độ F, Mono Lake, Body Town… sang tới Death Valley với độ nóng trên 100 độ F. Ông cũng có hai lần đặt chân tới “thiên đường sắc thu” New England, nơi giáp với New Hamsphire, Vermon, Maine, để săn ảnh mùa Thu.
Các chuyến đi của ông thường rơi vào mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm, quyến rũ, thanh tao, không gắt gao như mùa Hạ; không buốt giá như mùa Đông, cũng không quá rực rỡ như mùa Xuân.
Ông Trị có niềm đam mê nghệ thuật ảnh từ lúc đi học khóa tình báo Okinawa (Nhật Bản) hồi năm 1965. Sáu khi mãn khóa học, ông trở về nước, giữ chức vụ Sĩ Quan Tình Báo QLVNCH liên tục 10 năm với ngụy tích là giáo sư Toán Lý Hóa đệ nhất và đệ nhị cấp tại hai trường Đồng Tiến và Khai Trí.
Nghệ nhân “bất dắc dĩ”
Cuộc đời ông, dạy học 14 năm, trong đó tính cả 10 năm “đi lính mà không mặc áo lính” (vì là tình báo), và 13 năm trong tù Cộng Sản.
Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, ông Trị nghe “dụ” là chỉ phải đi “học tập cải tạo” 10 ngày, nên mang theo quần áo và 10,000 đồng Việt Nam, “yên tâm” để lại người vợ còn khá trẻ và sáu con dại. Ông không ngờ, cái ngày chia tay vợ con ấy, mãi đến 13 năm sau gia đình ông mới được sum họp.
“Hồi ấy, tù nhân chúng tôi chỉ được ăn mỗi bữa nửa trái bắp. Cứ ba tháng mới được ăn một bữa cơm, mà cũng chỉ là nửa chén, còn độn thêm khoai lang, khoai mì,” ông Trị kể. “Sự đói khổ đối với sĩ quan chúng tôi chẳng hề hấn gì, chúng tôi chịu đựng được, như ‘đau’ nhất là có những đứa con nít 18, 19 tuổi nói hỗn với mình, nói ‘thay mặt chính phủ’ để giáo dục mình.”
Nuốt hận, đè nén niềm đau, “máu nghệ sĩ” trong người ông Lê Trị không ngừng chảy trong suốt thời gian bị tù đày. Ông kể: “Trong tù, tôi thấy có mấy anh hay hát và cầm cây củi giả vờ làm đàn, có anh dùng thùng xăng, thùng phuy gõ làm trống. Thương quá! Bữa đó gần Tết, anh em cùng nhau hát mấy bản nhạc Xuân, nhạc lính, vui lắm! Tôi mới nghĩ, âm nhạc làm con người ta trẻ lại, nên tôi quyết định làm đàn.”
Vì đã biết công thức làm đàn, ông Trị đi vát nứa, cưa gỗ làm thùng đàn, dây đàn là thắng xe đạp. Không có keo dán, ông lấy da bò, da trâu nấu lên lấy nhựa dán.
Trở thành nghệ nhân “bất đắc dĩ” trong tù, hơn 13 năm, ông dành mọi thời gian nghỉ ngơi, thực hiện được gần 100 cây đàn guitar và 15 cây đàn violin.
Cây đàn violin cuối cùng ông làm năm 1984, cũng là cây đàn kỷ vật ông đem đi khi định cư ở Mỹ năm 1988 theo chương trình HO 16. Ông chụp hình cây đàn cuối cùng này và đặt tên cho tác phẩm là “Kỷ Vật Trong Tù” kèm bài thơ ông tự sáng tác: “Mười ba năm lẻ tù ‘cải tạo’/ Kỷ vật còn đây gọi nhớ đời/ Đã từng nắn nót trên cung phím/ Kết bạn cùng ta lúc đơn côi.”
Mới đây, ông Lê Trị đã trao tặng cây đàn “Kỷ Vật Trong Tù” này cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, cùng với một bộ tem thời Việt Nam Cộng Hòa.
Chơi tem cũng là thú vui của người cựu sĩ quan QLVNCH, từ khi còn rất trẻ.
Trở về bến đậu thong dong hưởng nhàn
“Sở thích của con người trải qua nhiều giai đoạn khác nhau,” ông Trị tâm sự. “Hồi còn đi học tôi ham mê sưu tầm tem để tìm hiểu biến chuyển lịch sử của một quốc gia, nhất là đất nước Việt Nam ở thời đại mà tôi đang sống từ thập niên 1930. Chẳng hạn tác phẩm ‘Trúc Xinh’ mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chọn làm biểu tượng cho mình, hay tác phẩm ‘Di Cư’ bằng chiếc thuyền nan mong manh đi tìm tự do.”
Ông Trị đã hoàn thành bộ tem này, tính từ năm 1930 đến 1975, trong đó có nhiều con tem có ấn tín “Ngày Phát Hành Đầu Tiên” của VNCH.
Quý nhất là những con tem có “tuổi thọ” gần 70 năm, như tem “Cựu Hoàng-Hậu Nam Phương” (Empress Nam Phương), phát hành ngày 15 Tháng Tám, 1952, in tại nhà in Hélio – Vaugirad Paris; tem Liên Hiệp Bưu Chính Quốc Tế (Coastal Scene and UPU Emblem), phát hành ngày 12 Tháng Chín, 1952; tem Hoàng Tử Bảo Long (Crown Prince Bao-Long in Annamite Costume), phát hành ngày 15 Tháng Sáu, 1954, có hai kiểu: kiểu hoàng tử mặc quốc phục Đông Cung Thái Tử, và kiểu hoàng tử mặc quân phục Đại Tá danh dự Ngự Lâm Quân đeo kiếm.
Hay tem Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát hành đầu tiên ngày 9 Tháng Mười Một, 1958, tem Dinh Độc Lập phát hành đầu tiên ngày 7 Tháng Chín, 1959… cho đến những con tem cuối cùng của chính phủ VNCH như tem kỷ niệm ngày Nông Dân Việt Nam, phát hành ngày 26 Tháng Ba, 1975.
Khi đã “trở về bến đậu thong dong hưởng nhàn” như lời ông nói, cùng với “niềm vui còn sót lại” là đi tìm cái đẹp qua ống kính nghệ thuật nhiếp ảnh, ông còn có gần 10 năm làm thiện nguyện cho Hội Help The Poor chuyên đi giúp người nghèo khổ trên đất nước Việt Nam, cho đến năm 2006.
Mấy tháng dịch bệnh, không đi xa để chụp hình được, ông Trị ở nhà trồng cây với mục đích “khi nó ra hoa, kết trái, thì mình lại chụp hình.” Ông khoe, cây gấc ông trồng năm ngoái không ra trái nào, nhưng năm nay, đếm đã có hơn chục trái. Còn các gốc mãng cầu ghép, dàn mướp, táo, đều “hứa hẹn” sẽ tạo cảm hứng cho ông sáng tác những bức ảnh nghệ thuật.
Mấy tuần nay, cứ dự xong các Thánh Lễ, vốn có nghề mộc sau khi mãn hạn tù, người cựu sĩ quan lại “kiếm việc,” đi làm hàng rào cho bà con chòm xóm. Và ai đặt làm hình Chúa kiểu 3D, ông vẫn nhận làm và “ship” đi các nơi trên toàn nước Mỹ.
“Cuộc đời thấy hãy còn bận rộn lắm nhỉ!” nhiếp ảnh gia Lê Trị nói. “Với niềm tin và phó thác, thôi thì ta cứ vô tư an nhàn, vui vẻ như ngọn sóng bạc đầu kia đêm ngày reo vui, mặc cho thế sự xoay vần:
“Bạc đầu sóng vỗ văng tung tóe/ Mặc cho thế sự vẫn reo vui,” ông Lê Trị đọc câu thơ của mình. (Đoan Trang)