Moscow sẽ phải tuân theo đường lối của Bắc Kinh, khi sự cạnh tranh và áp lực từ Washington đối với họ gia tăng. Và Rosneft chính là “con tin” của Trung Quốc.
Công ty Rosneft của Nga đã đình chỉ việc khoan tìm một khối khí đốt ngoài khơi Việt Nam, và hiện đã chính thức cắt hợp đồng hợp tác hoạt động tại Việt Nam với Tập đoàn Noble.
Áp lực chính trị từ Trung Quốc đã buộc công ty phải từ chối dự án, cũng như buộc chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho các công ty khác (do các công ty này cũng phải hủy hoạt động vì áp lực của Trung Quốc).
Sự xáo trộn vừa rồi nhấn mạnh một thách thức ngày càng tăng đối với các công ty đa quốc gia của Nga, vốn đang cố gắng mở rộng dấu chân của mình trên khắp châu Á: Họ không thể chọc giận Bắc Kinh quá nhiều vì quy mô sức mạnh của Trung Quốc trong việc định hình cấu trúc các mối quan hệ kinh tế, khi căng thẳng với Hoa Kỳ và phương Tây leo thang.
Rõ ràng, trường hợp của Rosneft tại Việt Nam xét trên nhiều khía cạnh là đặc biệt. Rất ít công ty Nga hoạt động với các tài sản cố định như các mỏ dầu hoặc khí đốt ở những nơi bị Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ, cũng như hầu hết các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như dầu khí.
Nhưng Rosneft là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Nga. Họ có các hợp đồng dài hạn với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và CEFC China Energy trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, để xuất khẩu hơn 1,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, với khối lượng được bán thêm thông qua nhánh thương mại của công ty.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin tham dự cuộc gặp của Tổng thống Nga với Thủ tướng Việt Nam tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 22 tháng 5 năm 2019. (Ảnh: EVGENIA NOVOZHENINA / AFP qua Getty Images)
Bất chấp Bắc Kinh từ chối nắm giữ một lượng lớn cổ phần do lợi nhuận thấp cho các cổ đông và rủi ro chính trị, Rosneft vẫn là một người chơi không thể thiếu trong quan hệ kinh tế Trung-Nga và là một trường hợp thú vị để xem xét mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc trong tương lai.
Tìm kiếm đối tác ngoài tầm với của Trung Quốc
Sau các lệnh trừng phạt và cú sốc dầu mỏ 2014-2015, Rosneft đã chuyển chiến lược kinh doanh sang đòn bẩy nợ và cố gắng tìm kiếm các cơ hội và đối tác ngoài tầm với của chế độ Trung Quốc.
Điều đó bao gồm việc thu hút tất cả những “người chơi” có thể có ở châu Á, đặc biệt là khi công ty tìm cách thay thế các nhà cung cấp dịch vụ phương Tây bằng các đối tác châu Á để bảo toàn khả năng đầu tư trong tương lai.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch này. Ngoài ra, Rosneft có thể ký hợp đồng với các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc – trong trường hợp cụ thể này là Japan Drilling Co.– cho các hoạt động ở nước ngoài và thiết lập các mối quan hệ để đầu tư thêm.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc mang lại cho các công ty Nga sự linh hoạt trong việc thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí châu Á khác nhau, cho các dự án trong nước và các lựa chọn hợp tác với các công ty quốc tế.
Rosneft đã biến Trung Quốc trở thành thị trường ưu tiên chiến lược của mình trong phần lớn thập kỷ qua. Đến năm 2018, châu Á đã vượt qua châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu chính của công ty, phần lớn trong số đó là bán hàng cho Trung Quốc. Động lực đó giờ đây rõ ràng hơn do kết quả của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Nhu cầu dầu ở Trung Quốc đã vượt xa các nền kinh tế hàng đầu khác và nhập khẩu của nước này đạt mức cao kỷ lục với hơn 11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, được hỗ trợ bởi giá thấp. Nhu cầu dầu mỏ ở Ấn Độ – thị trường mới nổi dành cho Rosneft – đang lơ lửng gần đạt mức vào năm 2015.
Sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ của châu Âu đã bị san bằng khi các đợt lây nhiễm mới của virus Corona Vũ Hán xuất hiện và triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn còn mờ nhạt.
Mặc dù tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục ở mức yếu, và còn bị làm trầm trọng hơn bởi chính sách kích thích nền kinh tế thông qua cải cách phía cung thay vì cầu, nhu cầu dầu được thiết lập để tăng trưởng trở lại ở Trung Quốc, cao hơn ở Châu Âu.
Trước thực tế này, Rosneft chính là “con tin”, trừ khi họ muốn đa dạng hóa sang năng lượng tái tạo và các lĩnh vực khác như BP, Total, và các công ty dầu khí tương tự.
Tìm kiếm đồng tiền thay thế
Tháng 11 năm ngoái, Rosneft đã quyết định định giá tất cả các hợp đồng cung cấp của mình bằng đồng euro thay vì USD để giảm khả năng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phạm vi kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Chủ tịch Rosneft và Chủ tịch Hội đồng quản trị Igor Sechin trong lễ ký kết với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro tại Điện Kremlin ở Moscow, vào ngày 2 tháng 7 năm 2013. (Ảnh: MAXIM SHEMETOV / AFP qua Getty Images)
Ít hơn một nửa thương mại Trung – Nga hiện được tính bằng USD, với hơn 30% hiện được tính bằng euro – một tỷ trọng lớn hơn so với đồng rúp và đồng Nhân dân tệ (RMB) cộng lại.
Điều này nói lên sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc của Nga vào Trung Quốc để quản lý dự trữ tiền tệ của mình. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã giảm tỷ lệ tiếp xúc với đồng USD của Nga, đặt mục tiêu 15% dự trữ của họ được giữ bằng đồng Nhân dân tệ.
Quyết định này đã khiến Nga mất hàng tỷ USD từ biến động tỷ giá hối đoái, và tăng cường tác động của Nhân dân tệ – không còn liên kết với USD – lên tỷ giá hối đoái đồng rúp. Xu hướng song song này có nghĩa là các ngân hàng và công ty của Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các công ty Nga và Ngân hàng Trung ương Nga trong việc quản lý tích lũy dự trữ phi usd.
Các hành động chính sách của Trung Quốc ảnh hưởng đến rủi ro tiền tệ của các công ty Nga, vốn ảnh hưởng đến mọi phần của bảng cân đối kế toán của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Các áp lực trừng phạt của Hoa Kỳ là rất lớn trong động thái này. Các công ty Nga đã phải đối mặt với vấn đề mà rất ít công ty trên khắp châu Á muốn mạo hiểm với các lệnh trừng phạt của Mỹ, hạn chế cơ hội mở rộng ra khỏi các lĩnh vực thương mại truyền thống như dầu, khí đốt, hàng hóa nông nghiệp và hải sản, sang các thành phần và hệ thống công nghiệp.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đích thân gặp Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin và mời công ty tìm kiếm các mỏ ngoài khơi đang tranh chấp với Bắc Kinh. Hai tuần sau, người đứng đầu công ty dầu khí quốc gia Philippines PNOC-EC bị sa thải vì được cho là đã “sớm” thông qua thỏa thuận với Rosneft. Có lẽ là do áp lực và lo ngại về phản ứng của Bắc Kinh và động thái tiềm tàng từ Hoa Kỳ, hoặc cả hai nguyên do đã thúc đẩy cục diện.
Lệnh trừng phạt của Mỹ là ‘đòn nặng’
Các đối tác tiềm năng của Nga trên khắp châu Á phải theo dõi chặt chẽ phản ứng của Bắc Kinh và Washington. Vào tháng 2/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt chi nhánh thương mại của Rosneft ở Geneva vì che giấu các hoạt động giao dịch dầu với Venezuela.
Gã khổng lồ lọc dầu Trung Quốc Sinochem ngay lập tức quyết định loại dầu thô của Rosneft khỏi các cuộc đấu thầu của mình, do lo ngại khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với công ty này khi căng thẳng chính trị với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Rosneft loay hoay tìm giải pháp, rút bớt tài sản ở Venezuela và thiết lập một nhánh giao dịch mới không bị áp dụng biện pháp trừng phạt hiện có.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bắt tay Giám đốc điều hành của công ty dầu khí Nga Rosneft, Igor Sechin trong lễ ký kết thỏa thuận tại Phủ tổng thống Miraflores ở Caracas vào ngày 28 tháng 7 năm 2016 (Ảnh: FEDERICO PARRA / AFP qua Getty Images)
Ngay cả các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc ở Hong Kong cũng đang tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức Hong Kong để bảo vệ quyền tiếp cận của họ với nguồn tài trợ bằng USD.
Sự phụ thuộc vào Bắc Kinh
Hiệu ứng theo thời gian là các công ty Nga phải đối mặt với bối cảnh là các hoạt động của họ sẽ phải thông qua các mạng lưới tài chính của Trung Quốc ở châu Á, nếu các quốc gia khác không sẵn sàng mạo hiểm chọc giận Washington.
Sức nặng kinh tế của Trung Quốc tạo ra một lực hấp dẫn đáng kể trên toàn khu vực mà ngay cả một công ty như Rosneft, với đòn bẩy đáng kể về an ninh năng lượng, cũng không thể phá vỡ.
Khi Trung Quốc tự do hóa hơn nữa việc kiểm soát vốn và khuyến khích đầu tư vào các thị trường tài chính trong nước, các nhà đầu tư Nga đã tìm kiếm lợi tức ở đây. Các quan hệ thương mại được mở rộng cuối cùng sẽ dẫn đến việc tăng cường các quan hệ tài chính, ngay cả khi điều đó không dưới hình thức đầu tư trực tiếp vào các dự án.
Khi các công ty và nhà đầu tư Nga càng có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm giá trị trong hệ thống tài chính của Trung Quốc, thì họ càng có khả năng bị lôi kéo, khi chính phủ Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh ngoại giao và kinh tế của mình để buộc các quốc gia và các công ty tránh xa các dự án mà Bắc Kinh “không cho phép”.
Dầu và khí đốt có những thách thức và vấn đề riêng, nhưng thông điệp từ cách mà Trung Quốc đối xử với Rosneft rất rõ ràng: Các công ty Nga sẽ rơi vào thế kẹt khi Bắc Kinh muốn cạnh tranh và gây sức ép với Hoa Kỳ và phương Tây.
Tác giả: Nick Trickett là một nhà phân tích về rủi ro chính trị tập trung vào sự giao thoa của chính trị thương mại, năng lượng và tiền tệ với kinh tế chính trị và chính sách đối ngoại ở Nga và Âu-Á.
Đức Duy