Nhiều người vừa thức dậy đã làm ngay cốc cà phê và cảm thấy tỉnh táo, có những người thì ăn sáng xong mới uống cà phê. Thói quen này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Khó ai có thể phủ nhận được lợi ích cùng hương vị tuyệt vời mà cà phê mang lại. Thế nhưng thời điểm thích hợp để uống cà phê lại được ít người chú ý đến. Nếu uống không đúng cách, cà phê sẽ mang lại lợi bất cập hại cho sức khỏe con người.
Theo Tiến sĩ Adam Simon, giám đốc chuyên môn của trang PushDoctor, thói quen uống cà phê trước khi ăn sáng có thể gây chứng ợ nóng hoặc khó tiêu. “Dùng cà phê với cái bụng đói còn có thể khiến bạn bị mất nước, từ đó gây nhịp tim bất thường bằng cách tạo áp lực lên tim, và điều này có thể gây ảnh hưởng xấu cho huyết áp của bạn”.
Gần đây, một nghiên cứu của Đại học Bath, một trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở Vương quốc Anh, đã phát hiện ra rằng uống cà phê trước khi ăn sáng sẽ làm mất kiểm soát lượng đường trong máu.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người uống một tách cà phê đen đậm đặc trước bữa ăn sáng có phản ứng đường huyết sau bữa ăn tăng 50%.
James Betts, đồng giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Tập thể dục và Trao đổi chất tại Đại học Bath, cho biết: “Nói một cách đơn giản, nếu việc đầu tiên bạn làm vào buổi sáng là uống cà phê, nó sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu. Khi chất lượng giấc ngủ ban đêm không tốt thì tình trạng này càng rõ ràng hơn”.
Ông Betts cũng cho biết thêm: “Khoảng một nửa số người dân trên thế giới có thói quen uống một tách cà phê sau khi thức dậy. Đặc biệt, họ càng mệt mỏi thì càng uống cà phê mạnh”.
Trên thực tế, không ít người báo cáo về tình trạng cơ thể rơi vào trạng thái mất kiểm soát, tim đập nhanh, tay run sau khi uống cà phê trước khi ăn sáng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên uống cà phê sau khi đã ăn sáng, nếu không thì có thể thêm sữa vào cà phê để tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ các vitamin và dưỡng chất khác, làm giảm tác động xấu của caffeine lên bao tử rỗng.
Phúc Lâm – NTDVN