(NV) – Hôm 4 Tháng Mười Một, tờ Tuổi Trẻ đăng loạt ảnh cho thấy hàng ngàn mét khối gỗ đủ loại trôi trên một khu vực rộng hàng trăm mét vuông của lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 thuộc xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, sau khi lũ quét qua.
“Nhiều cây gỗ đường kính lớn, đường kính thân khoảng 60-80 cm. Bên cạnh những cây gỗ tươi vừa bị sạt lở cuốn trôi thì còn có những khúc gỗ có dấu hiệu cũ, lâu năm. Một số người dân địa phương tìm cách vớt các cây gỗ giá trị và cả vật dụng của nhà dân bị lũ cuốn trôi,” báo Tuổi Trẻ mô tả.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, ông Nguyễn Mạnh Hà, trưởng Ban Nội Chính tỉnh Quảng Nam, “yêu cầu tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ hiện trường, giao kiểm lâm tổ chức phương án trục vớt quản lý bán thanh lý hoặc giao về các xã có nhà dân bị mất nhà do lũ để sử dụng làm lại nhà cho dân.”
Trong vụ này, theo các báo nhà nước, nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đang bị nhà chức trách yêu cầu báo cáo sau “vụ xả lũ kinh hoàng” diễn ra ngày 28 Tháng Mười. Hành động này kéo theo hệ lụy là hàng ngàn người dân ở huyện Nam Giang ở khu vực hạ du của thủy điện Đắk Mi 4 đã phải “bỏ của chạy lấy người.”
Lâu nay, công luận nghi ngờ việc một loạt thủy điện nhỏ được xây dựng hàng loạt tại các tỉnh miền Trung là để che giấu việc phá rừng, khai thác gỗ lậu. Suy đoán này càng được củng cố khi báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 3 Tháng Mười Một dẫn phát biểu tại nghị trường của bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc Hội, nói: “Thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là ‘lợi bất cập hại,’ sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu, rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp.”
Phát ngôn của bà Xuân được ghi nhận hoàn toàn tương phản với lời của Bộ Trưởng Công Thương CSVN Trần Tuấn Anh, được báo Chính Phủ đăng tải: “Bộ Công Thương sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1 mét vuông đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện.”
Nhà văn Trần Thanh Cảnh bình luận về phát ngôn của Bộ Trưởng Tuấn Anh trên trang cá nhân: “Mỗi cái thủy điện cóc làm vài chục, vài trăm hécta rừng nguyên sinh, đốn gỗ, khai thác khoáng sản chén đã. Mà đã cấp phép thủy điện là phải phá rừng rồi! Không phá rừng đào núi, đắp đập ngăn sông suối thì… lên trời đặt máy cho nước trời xối xuống à? Đã nổ lại trơ trẽn dốt nát, không biết ngượng, không biết mình đang nói gì… Dàn bộ trưởng của chính phủ kiến tạo đang thi nhau nổ như cachiusa 40 nòng, bắn vào tai nhân dân… Kinh khủng khiếp về cái tâm, cái tầm của các ông!” (N.H.K)