(NV) – Magnolia Memorial Park & Gardens là một nghĩa trang lâu đời của thành phố Garden Grove. Được thành lập từ năm 1882, sau nhiều lần đổi chủ, thay tên mới như hiện nay.
Vài năm trở lại đây, khu nghĩa trang này trở nên hoang tàn nhanh chóng. Người đi đường dễ dàng nhận thấy sự tiêu điều, qua cánh cổng xập xệ không được đóng lại lúc trời tối, bãi cỏ xơ xác,…
Nghĩa trang càng hoang vắng hơn vì vắng bóng người chăm sóc cây cối, mộ bia. Nhiều lần, người ta thấy một số người vô gia cư vào bày “tiệc” giữa bãi cỏ, trên những phần mộ, ăn uống, nhậu nhẹt, xong rồi tắm luôn cho mát.
Khu nghĩa trang như trở thành vô chủ. Chắc chẳng ai muốn đưa mình hay người thân vào đây khi qua đời, vì thấy nó… buồn quá!
Bỗng nhiên từ Tháng Ba năm nay, khu Magnolia Memorial Park & Gardens trở nên nhộn nhịp với tiếng máy cắt cỏ, tiếng xe xúc đất, tiếng máy quét lá… Cánh cổng chính được sửa chữa, hàng rào hai bên được dựng lại tươm tất, văn phòng nhà quàn có người ra vào,… Có thể nói nghĩa trang đang được khoác lên một “tấm áo mới,” để không còn mang ý nghĩa đơn thuần là nơi an táng người chết, mà mang đúng ý nghĩa tên của nó, là một khu vườn, một công viên tưởng niệm.
Tháng Bảy vừa qua, bãi cỏ nghĩa trang phất phới hàng trăm lá cờ Mỹ chào đón Lễ Độc Lập, khiến nhiều người đến viếng thăm mộ ngạc nhiên trong sự vui mừng. Hình như lâu lắm rồi, họ mới thấy một không khí vui tươi ở một nơi toàn là người chết như ở đây.
Người tạo nên câu chuyện này là một người Mỹ gốc Việt, ông Khang Lê, chủ nhân Nhà Quàn An Lạc, và cũng là chủ nhân mới của nghĩa trang Magnolia Memorial Park & Gardens.
Câu chuyện trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên sở hữu một nghĩa trang tại Hoa Kỳ của ông Khang Lê cũng là một câu chuyện đáng suy ngẫm.
Chỉ muốn tìm một nghề có thể lo cho gia đình
Ông Khang định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 cùng vợ và hai người con trai, “lúc đó đứa lớn mới 13 tuổi.” Ngay từ đầu, cả hai vợ chồng ông đã “đầu tắt mặt tối” vì công việc, chỉ với mục đích kiếm đủ tiền cho hai con ăn học.
Ông nhớ lại: “Vợ tôi thì làm một job thôi, vì còn lo cho con. Tôi vừa làm cho một hãng sản xuất thức ăn Nhật, vừa chạy xe chở người già đi khám bệnh, chở học sinh đi học. Thứ Bảy hay Chủ Nhật cũng tìm việc làm thêm. Mỗi ngày tôi ngủ chừng 3 tiếng đồng hồ là nhiều.”
“Cày” vài năm, ông thấy đấy không phải là “kế đường dài,”, phải tìm hướng khác. “Làm như thế này hoài chắc chết sớm! Phải tìm nghề nào đó ổn định, thu nhập tốt để nuôi vợ con.”
Ông Khang nói tiếp: “Tôi thấy nghề lo cho người chết coi vậy mà tốt, khỏi lo thất nghiệp, vì ai cũng chết một lần mà, phải qua tay những người như chúng tôi thôi.”
Thế là ông đi học. Năm 2004, ông ra trường với tấm bằng AA Degree về nhà quàn và nghĩa trang. Ông nộp đơn xin việc vài nhà quàn Mỹ vùng Nam California, nơi nào cũng nhận. Ông nghĩ “học vậy là trúng rồi, không lo thất nghiệp nữa.”
Mừng hơn là hồi đó ở Nam California, mới chỉ có ông là người Việt làm nghề nhà quàn. Nhờ đó ông có thể giúp được nhiều người Việt khi gặp chuyện buồn trong gia đình. Khi tang gia bối rối, gặp được người đồng hương biết chuyện, giúp họ lo thủ tục, chỉ cách họ làm lễ tang theo tín ngưỡng, là họ mừng lắm.
Ông tạo uy tín qua công việc, và mặc dù làm cho chủ Mỹ, nhưng khách đến tìm ông rất đông. Đông nhất là người Việt.
Khoảng năm 2009, một người quen làm nhà quàn rủ ông về hợp tác. Muốn thử thời vận, ông “liều” về làm chung, mặc dù lúc đó công việc của ông bên nhà quàn Mỹ rất tốt.
Làm chung được một năm thì Thiên Lê, con trai út của ông, khuyên nên mở công ty riêng để dễ phát triển. “Cháu nói nếu tôi mở, cháu sẽ về giúp tôi. Tôi mừng quá nên mở nhà quàn An Lạc. Lúc đó là năm 2010.”
Mười năm mở nhà quàn An Lạc là mười năm gây dựng lòng tin với đồng hương về cách phục vụ tận tâm, chu đáo. Đến lúc ông Khang chuẩn bị về hưu, giao cơ sở cho vợ chồng người con lớn là anh Thạch Lê và chị Cẩm My Lê thì có một chuyện khiến ông phải suy nghĩ về hợp đồng thuê mướn cơ sở sắp đến thời gian đáo hạn hợp đồng.
Ông nói: “Qua một số việc xảy ra gần đây tại khu thương mại này, tôi nghĩ mình khó ký lại được hợp đồng với chủ đất nên đang lo tìm chỗ khác để chuẩn bị dọn.”
Có thể là ông lo xa, nhưng cũng có thể với đầu óc kinh doanh, ông nhìn ra được suy nghĩ của chủ đất, nên muốn đi trước một bước cho nhẹ lòng.
Ông tâm sự: “Tôi làm nghề này hơn 16 năm rồi, nên đúc kết được kinh nghiệm như thế này: Khi làm chỉ nghĩ đến tiền, tiền sẽ chạy đi. Khi làm bằng cái tâm, tiền sẽ đến. Nghề này là vậy. Cho dù tôi cũng đã bị khách hàng lừa, mất tiền mấy lần rồi, nhưng giúp được ai tôi cứ giúp trước đã. Mình giúp người, rồi sẽ có người giúp mình.”
Tìm chỗ mở nhà quàn, lại được làm chủ cả nghĩa trang
Ông Khang đi tìm chỗ mới cho nhà quàn An Lạc trong suy nghĩ lạc quan đó. Tình cờ ông gặp lại người chủ cũ, ông Scott, chủ nhà quàn Scott McAulay Family New Options, mà ông đã từng làm việc.
Biết ông Scott hiện đang cai quản nghĩa trang Magnolia Memorial Park & Gardens, ông Khang đề nghị ông Scott chia cho mình một phần văn phòng tại đó để ông dời văn phòng nhà quàn An Lạc về.
Ông kể: “Tôi chỉ nhờ cho tôi mướn một góc văn phòng thôi, ngờ đâu ổng nói tôi muốn lấy luôn cái nghĩa trang này không ổng… ‘cho’ luôn! Tôi trợn mắt nhìn ổng hỏi: ‘Ông nói giỡn hả?’ Ổng nói không, ổng nói thật.”
Qua lời ông Scott, ông Khang biết rằng nhà quàn của ông Scott được nhà thờ Garden Grove Friends Church, chủ nghĩa trang Magnolia Memorial Park & Gardens, giao cho ông Scott toàn quyền sử dụng và kinh doanh nghĩa trang này. Làm một thời gian ông Scott thấy không có hiệu quả tài chánh nên cũng đang muốn trả lại, hay giao lại cho một người khác.
Ông Khang kể tiếp: “Một tuần sau, ông Scott cho biết Ban Quản Trị nhà thờ đã đồng ý giao cho tôi sở hữu toàn bộ khu nghĩa trang 5.5 acre này. Ba ngày sau, ông ta giao cho tôi quyết định của Ban Quản Trị nhà thờ, với điều kiện tôi phải trả món nợ trên $500 ngàn cho nhà thờ. Đương nhiên là trả góp với khả năng tài chánh trong nhiều năm.”
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, diễn tiến quá nhanh khiến ông Khang không kịp suy nghĩ để đưa ra quyết định đúng đắn. “Vợ và con trai út thì cản, thằng nhỏ nói ‘bố lấy cái đó chỉ ôm nợ vào người.’ Chẳng trách nó được, nó thương mình mới nói thế.”
Ông Khang nói tiếp: “Sau khi đi xem nghĩa trang, xem còn bao nhiêu lô đất, đồng thời hỏi ông Scott chi tiết nợ nần như thế nào, tôi đến gặp vị sư tôi quen đã lâu, hỏi ý kiến. Ông ấy ủng hộ tôi và sẵn sàng giúp khi cần, thế là tôi ký giấy.”
“Một liều, ba bảy cũng liều!,” đó là suy nghĩ của ông Khang khi quyết định nhận khu nghĩa trang này. “Đây là cơ hội đời người chỉ có một mà thôi,” ông nghĩ thế và tin chắc rằng với sự tính toán của mình để xây dựng lại nghĩa trang này, đồng thời có sự giúp đỡ của hai vợ chồng con trai lớn, nơi đây sẽ trở thành một nghĩa trang đẹp, một nơi để người ta có thể thường xuyên ghé thăm người đã khuất, đồng thời suy ngẫm về cuộc sống.
“Người Mỹ có một nét văn hóa rất hay mà tôi học được ở trường: Họ tạo một nghĩa trang như một khu vườn, tro cốt người chết được người thân mang đến bỏ xuống đất bón cho một cái cây. Rồi họ cùng nhau chăm sóc cây. Ngày qua ngày, nghĩa trang trở thành một khu vườn xinh tươi cho con cháu tới chơi, cũng là nơi tưởng niệm người đã khuất. Tôi cũng sẽ theo ý tưởng đó để biến nghĩa trang này thành một khu vườn tưởng niệm như thế, với nhiều kế hoạch khai thác chiều sâu. Có thể hiểu hai nghĩa, chiều sâu của lòng đất, và chiều sâu của tâm hồn.”
Rõ ràng, từ khi nhận nghĩa trang vào Tháng Ba, từng bước, ba cha con ông Khang đã biến đổi khu nghĩa trang hoang phế thành một nơi tưởng nhớ khang trang hơn, thoáng đãng hơn. Mỗi ngày, đều có nhân viên tới dọn dẹp sạch sẽ từng mộ phần, xịt nước tưới cỏ, làm cho khu đất tươi xanh hơn.
Công việc mới làm ông phấn chấn hơn ở lứa tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi rồi.
Đi ngang qua khu để tro cốt ngoài trời, ông dừng lại nói: “Tôi có người chị ruột, tên Lê Thị Thanh Thủy. Chị mất năm 2014, và tôi đã đưa tro cốt chị về nghĩa trang này năm đó, vì gần nhà, để tôi tiện tới thăm viếng. Nay tôi được sở hữu nghĩa trang này, tôi tin rằng trong cái may mắn đó, có phần giúp sức của chị tôi.”