• Nguyên Dũng
• “Gà Tây Bay” (The Flying Wild Turkey).
Tranh Ken Davies (Hình minh hoạ / Nguồn mạng)
Trong lịch sử lập quốc của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hình ảnh con gà tây đã bắt đầu xuất hiện kể từ lúc đoàn người di cư Thanh Giáo (The Puritans) trên con tàu Mayflower từ Anh Quốc vượt Đại Tây Dương đổ bộ xuống vùng New England, miền Đông Bắc Mỹ vào mùa đông đầu tiên năm 1620…Thịt gà tây rừng đã là một trong các món ăn chính trong mùa Lễ Tạ Ơn được tổ chức lần đầu vào năm 1621 để tạ ơn Thượng Đế đã giúp họ trúng vụ mùa đầu tiên và được an cư lạc nghiệp trên Miền Đất Hứa…
🦅 🦃
Khi viết về một loài chim được chọn làm biểu tượng cho Hiệp Chủng Quốc, nhà văn tiền phong Mỹ Benjamin Franklin (1706-1790) thuộc thế kỷ 18 đã viết đại để như sau: “Lẽ ra không nên chọn con chim Đại Bàng Đầu Sói – The Bald Eagle * – làm vật biểu tượng cho Quốc Gia chúng ta vì nó là giống chim có nhiều hành vi đạo đức xấu giống như những người hay lọc lừa, biển lận, cướp giật của người khác. Đó là loài chim nghèo nàn và đê tiện. Con Gà Tây lẽ ra phải được chọn làm Quốc Điểu – The National Bird – vì nó xứng đáng hơn và còn gắn liền với gốc gác của Bắc Mỹ thời lập quốc…”
• The Bald Eagle (Hình minh hoạ / Nguồn mạng)
(* Như ta thấy, chim ưng-đầu-sói thực sự chẳng sói tí nào. Có lẽ do bộ lông trên đầu trắng toát nên người Mỹ trong phút giây “cao trào” nào đó đã đặt tên như thế chăng?!)
Phần lớn quần chúng Hoa Kỳ cũng đồng ý với lập luận này của Benjamin Franklin không phải chỉ vì cái “gốc gác thời lập quốc” của chú gà tây mà giống chim này còn là một biểu tượng đặc thù cho một trong những ngày lễ lớn của Hiệp Chủng Quốc Bắc Mỹ. Đó là ngày Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving.
🦃 Một loài chim tên gọi “Turkey”
Giống gà tây đã xuất hiện trên hành tinh này vào khoảng mười triệu năm trước và chúng đã từng là giống chim hoang dã sống khắp lục địa Bắc và Nam Mỹ trước khi được những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đem về châu Âu sau khi đã tìm ra Tân Thế Giới. Điều đó có thể hiểu là Cựu Thế Giới có lẽ chưa có giống gà này trước đó (?)…
Người Aztecs, một giống dân da đỏ có nền văn minh cao trước thời Cortes chinh phục Mễ Tây Cơ năm 1519, đã nuôi gà tây như gia súc và gọi chúng dưới tên “uexolotl”
Người Anh, Mỹ gọi gà tây là Turkey và cho đến nay, tên gọi này vẫn còn là một nghi vấn dù người ta đã đưa ra nhiều lời giải thích mà hầu hết đều có vẻ vô căn cứ và có phần khôi hài nữa!
• Gà tây rừng. Tranh Ken Davies.
(Hình minh hoạ / Nguồn mạng)
Nhiều người cho rằng khi Kha-Luân-Bố (Christopher Columbus) khám phá ra châu Mỹ đã gọi giống gà rừng này là Tuka, một thổ ngữ của dân Tamil ở miền nam Ấn Độ và bắc Tích Lan (tức Ceylon, tên cũ của Sri Lanka) có nghĩa là “Con Công”. Lời giải thích này nghe khá ổn và có thể chấp nhận được vì nó phù hợp với một lầm lẫn của Columbus vào thời điểm đó: nhà thám hiểm người Bồ-Đào-Nha (Portuguese) này khi khởi hành từ Tây-Ban-Nha (Spain/Espagne) đã giong thuyền về hướng Tây trên Đại Tây Dương và lần đầu tiên đã tìm thấy một nhóm đảo nằm giữa Bắc và Nam châu Mỹ nên đặt tên là West Indies – Ấn Độ ở phía Tây – vì ông cứ tưởng là đã đổ bộ lên bán đảo Ấn Độ chứ không ngờ là đã khám phá ra Tân Thế Giới!
Luis de Torres, một nhà vật lý phục vụ dưới quyển Columbus, gọi con gà tây là Tukki, tiếng Do Thái Hebrew có nghĩa là “Con Chim Lớn”. Lại có những ý kiến khác cho rằng loài gà này có xuất xứ từ Tiểu Á (Asia Minor) tức nước Thổ Nhỉ Kỳ (Turkey) ngày nay…Thôi thì đủ thứ lý luận theo kiểu “mạnh ai nấy nói”, ai cũng cho mình là đúng, là “thông kim bác cổ”…không biết đường đâu mà mò (!)
Một ý kiến cuối cùng – hi vọng thế – cho rằng thổ dân Da Đỏ ở Bắc Mỹ gọi giống gà rừng này là “Firkee”. Nếu đúng như vậy thì đây là chữ mà người ta đã đọc trại đi, theo thời gian, thành từ “Turkey”.
Còn tiếng Việt ta gọi là Gà Tây hay Gà Lôi với lý do dễ hiểu là giống gà này đã được người phương Tây mang sang (hay “lôi” sang) xứ An-Nam ta trong thế kỷ 19.
• Trong tiếng Anh, Tom Turkey là Gà Tây trống. Hen Turkey, Gà Tây mái. Tiếng Pháp: le dindon (gà trống) / la dinde (gà mái). Ý: il tacchino. Tây Ban Nha: el pavo…v.v…
🦃 Gà Tây và chỉ số thông minh IQ
Tuy thuộc họ chim nhưng gà tây hoang không thể bay xa dù chúng có thể bay nhanh như các giống chim khác. Lý do là đôi cánh của chúng khá ngắn so với trọng lượng toàn thân, do đó gà tây hoang trở thành mục tiêu ngon lành cho các thợ săn. Năm 1620, những thuyền nhân Anh Cát Lợi (England) lần đầu tiên đổ bộ xuống Plymouth, Massachusetts đã thấy rất nhiều gà tây hoang sống đầy trong các khu rừng xung quanh và khám phá ra rằng giống chim rừng này không được trời cho một thị giác tốt và một chỉ số thông minh cao! Họ có thể đánh bẫy chúng rất dễ dàng và thịt gà rừng là một nguồn thực phẩm dồi dào, nhiều dinh dưỡng cho những người khai phá miền hoang địa thuở đó. Người ta làm bẫy gà rất đơn giản bằng cách dùng các vật liệu thô sơ che kín một khoảng đất, trên vách cắt một lỗ vừa với thân con chim, trên mặt đất bên ngoài bẫy, rải bắp hột thành một đường dài từ bụi cây nơi đám gà hay lui tới đến cái lỗ dẫn vào trong bẫy. Chú gà lớ ngớ từ bụi rậm chui ra, bắt đầu mổ bắp và tiến dần về phía bẫy rồi chui qua lỗ, lọt hẳn vào bên trong. Trong bẫy tối mò, mắt thì kém lại thêm “thông minh nhưng chậm tiêu”, chú cứ lẩn quẩn trong đó không biết đường nào mà mò cho tới lúc người đặt bẫy tới tóm cổ xách về…Nhẹ nhàng, gọn gàng, khỏe re…!
• Gà Tây hoang ở Bắc Mỹ
(Hình minh họa / Nguồn mạng)
🦃 Gà Tây và Thời Trang
Gà tây hoang sống đầy dẫy khắp lục địa châu Mỹ từ nhiều thế kỷ. Chúng nhiều đến nỗi người ta xem thịt gà tây là loại thịt của người có thu nhập thấp. Ngược lại các nhà thương mại lại khuyến khích việc nuôi gà tây như một nguồn cung cấp lông rất dồi dào. Lông gà tây nhuộm màu được dùng để trang hoàng mũ nón, áo choàng, áo khoác cho phụ nữ.
🦃 Thịt Gà Tây và Sức Khoẻ
Ngày nay, mỗi năm dân Mỹ tiêu thụ khoảng 600 triệu pounds gà tây chỉ riêng trong ngày Thanksgiving thôi. Dù vậy, theo các bác sĩ chuyên về tim cùng các chuyên gia về dinh dưỡng, thịt gà tây có ít nhiệt lượng, ít cholesterol, ít mỡ mà lại nhiều protein, nhiều sinh tố và chất khoáng nên loại thịt này trở nên “an toàn cho sức khỏe” trong phần ăn hàng ngày của người Mỹ chứ không cần đợi đến dịp Thanksgiving.
• Gà tây đút lò nhậu với rượu whiskey “Wild Turkey”. Hai món không thể thiếu trong bữa ăn truyền thống ngày Thanksgiving.
• Hình minh họa / Nguồn mạng
🦃 Kết
Trước khi nhập tiệc chén chú chén anh trong ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, có lẽ chúng ta cũng nên dành vài phút để tưởng niệm Benjamin Franklin. Hơn hai thế kỷ trước, nếu chính phủ Mỹ lúc đó chịu nghe lời đề nghị của nhà văn / khoa học gia kiêm nhà phát minh này…lấy con Gà Tây làm biểu tượng cho Hiệp Chủng Quốc thì không chừng giờ đây bạn và tôi đang ngồi lai rai chiếc đùi barbecue của một con đại bàng đầu trọc Bald Eagle thay vì một chú Gà Tây rôti vàng óng trên bàn tiệc Thanksgiving.
• Xin chúc bạn đọc một Lễ Tạ Ơn an vui, đầm ấm.
• Benjamin Franklin (1706-1790) và Quốc Huy
hình Gà Tây. (Hình minh họa / Nguồn mạng)