Thái Hóa Lộc
Không còn bao lâu nữa chúng ta bước vào năm mới. Năm 2021. Khắp nơi trên thế giới không riêng gì Hoa Kỳ chờ đợi một biến cố như thế nào sau khi kết quả bầu cử tổng thống được công bố ngày 6 tháng 1 năm 2021. Báo chí, truyền thông dòng chính đã tạo nên một thế giới ảo với những nguồn thông tin thiếu trung thực càng làm cho mọi người bất an và hoang mang hơn. Những khuôn mặt nổi tiếng trong chính trường vì quyền lợi riêng tư đã bỏ cuộc hay phản bội. Ngày 6 tháng 1 qua lời kêu gọi TT Trump mọi người tập trung về thủ đô Hoa Thịnh Đốn để bảo vệ cuộc bầu cử công bằng, minh bạch và đây cũng có thể là thông điệp cuối cùng cho một chiến dịch với chủ đề “một cử tri – một lá phiếu”
Qua nhiều cuộc vận động ủng hộ TT Trump của cộng đồng tỵ nạn tại các thành phố Nam – Bắc Cali, Houston – Dallas, Texas, Florida, Washington D.C không ngoài mục đích mong muốn TT Trump ở lại nhiệm kỳ 4 năm nữa.Yếu tố thúc đẩy đưa đến sự nhiệt tình ủng hộ vị TT thứ 45 của Hoa Kỳ chính là biện pháp đối phó trước hiểm họa Trung Cộng. Tổng thống Donald Trump cũng đã làm cho cả Washington phải tỉnh giấc trước hiểm họa Trung Cộng. Dưới chính quyền Trump, tầm nhìn của cả Mỹ và thế giới về Trung Cộng đã thay đổi. TT Donald Trump đang dùng tất cả nỗ lực những ngày ở Tòa Bạch Ốc thay đổi tham vọng Trung Cộng. Nếu chẳng may ông thất cử vì bất cứ lý do gì sẽ làm cho chính quyền kế nhiệm Biden phải khốn đốn nếu muốn đảo ngược chính sách của ông về Trung Cộng. Đó là nhận định của một loạt các tòa báo, từ CNN, La Times, tới New York Times.
Gần một nửa nước Mỹ tới giờ vẫn không tin Biden sẽ chiến thắng, và khoảng chừng ấy sẽ coi ông là kẻ nhờ cuộc bầu cử không công bằng mà lên chức tổng thống vào ngày 20 tháng Giêng sắp tới. Biden sẽ phải kế thừa một cuộc chiến thương mại còn dang dở và bế tắc; một mối quan hệ đầy cay đắng và thù địch tới mức cả hai không thèm nói chuyện với nhau. Di sản đối ngoại của Trump là tầm nhìn sáng quắc và bước đi quả quyết dựa trên khẳng định rằng Trung Cộng là kẻ địch số một của Mỹ.
Suốt bốn năm, Tổng thống Trump hướng sự chú ý của người Mỹ và thế giới vào Trung Cộng. Ông đã coi Trung Cộng là mối họa khi mà Washington và các đối thủ của ông còn lờ mờ chưa dám khẳng định.
Năm 2017, chiến lược an ninh quốc gia của TT Trump gọi Trung Cộng là “đối thủ chiến lược”. Cùng năm đó, Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Cộng. Trong bốn năm qua, Tòa Bạch Ốc thành công khi vừa kêu gọi, vừa gây sức ép buộc đồng minh tẩy chay công nghệ viễn thông Trung Cộng trong xây lắp mạng 5G – vốn cực kỳ quan trọng cho an ninh quốc phòng. Một loạt các tập đoàn công nghệ, an ninh mờ ám của Trung Cộng bị liệt vào danh sách cấm vận.
Trong khi đó, tới tận năm ngoái, Joe Biden vẫn coi những hành động của Trump với Trung Cộng là đi quá xa. Ông Biden nói: “Họ còn không biết làm sao để giải quyết chuyện tham nhũng bên trong hệ thống của mình mà. Ý tôi là, họ không phải là kẻ xấu đâu. Nhưng họ không thể nào cạnh tranh với chúng ta”, lời tuyên bố của Biden nói hồi đầu năm 2019, một tuần sau khi tuyên bố tranh cử. Nhận xét này của Biden bị coi là mất điểm thậm tệ. Chỉ vài tháng sau, Biden đổi giọng. Ông gọi thẳng Tập cận Bình là “một kẻ chẳng có một ý niệm nào về dân chủ. Hắn là một tên côn đồ”.
Hầu như mọi nhà quan sát đều đồng ý rằng tân chính quyền Biden sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn của Trump. Bầu không khí của Washington đã thay đổi. Các khảo sát chỉ ra người người Mỹ coi Trung Cộng là một vấn đề nghiêm trọng. Các chính khách Washington nhất loạt kêu gọi bảo vệ việc làm và chống chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh.
Tháng 12/2020, Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe tuyên bố Trung Cộng là đại họa an ninh số một của Mỹ. Dù vô tình hay hữu ý, Trump đã khiến cả hệ thống lưỡng đảng của Washington và người dân nước Mỹ phải mở mắt trước Trung Cộng. Một tay ông đã thay đổi sách lược mềm mỏng bốn chục năm của Hoa Kỳ, phá vỡ những mộng mị cuối cùng rằng nước Mỹ cứ tử tế đầu tư, Trung Cộng giàu có sẽ thay đổi theo khuôn phép của Mỹ.
Vào tháng 7/2020, tại Viện Nixon, Pompeo tuyên bố đường lối này đã chết. Ông cảnh bảo Mỹ và thế giới tự do sẽ phải thay đổi Trung Cộng nếu không muốn bị Trung Cộng thay đổi. Đây là lời cảnh báo bị nhiều người nghi kỵ là như một ám chỉ đòi thay đổi chế độ Trung Cộng, một điều có thể dẫn đến xung đột, thậm chí chiến tranh lạnh.
Di sản mà Trump để lại cho Biden là một cái nhìn huỵch toẹt vào thực tế. Thực tế rằng Nixon đã sai khi bình thường hóa quan hệ với Mao Trạch Đông. Bill Clinton và George Bush đã ngây thơ khi mở cửa thế giới với Bắc Kinh, để cho họ vào WTO, và mơ về một ngày nước Trung Cộng giàu có sẽ dân chủ hóa. Cả Obama và Biden cũng quá dè dặt khi xoay trục sang châu Á mà vẫn để Trung Cộng vươn lên, hùng cứ khu vực, mua chuộc đồng minh, đè đầu cưỡi cổ láng giềng.
Tổng thống Trump không thích các thỏa thuận đa phương mà chỉ thích ký thỏa thuận song phương. Trong khi đó, ông lại kêu gọi các đồng minh và đối tác liên kết với nhau để chống Trung Cộng. Trong bốn năm, ông Trump đã một tay quay ngược đường lối ngoại giao mềm mỏng của Hoa Kỳ, hình thành từ khi Richard Nixon tới gặp Mao Trạch Đông vào năm 1972. Hồi tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố đường lối ngoại giao này đã thất bại, và Mỹ phải chuẩn bị cho một hướng đi khác. Có người cho rằng đây là tuyên bố chiến tranh, và ông Trump đích thực đã mở màn cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Cộng.
Hôm 17/11/2020, Joe Biden nói rằng sau khi chiến thắng, ông đã nói với các lãnh đạo thế giới qua điện đàm rằng “nước Mỹ đã trở lại!”
“… Mỹ đã sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không phải rút lui khỏi thế giới. Một lần nữa, chúng ta ngồi ghế chủ tọa của bàn họp, sẵn sàng đối đầu với kẻ địch, không chối bỏ các đồng minh, dám đứng lên bảo vệ các giá trị của mình”, Biden đã nói với các nguyên thủ nước khác như vậy.
Theo Reuters, đây rõ là ám chỉ việc Biden sẽ đảo ngược lại đường lối “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump.
Nhưng di sản ngoại giao Trung Cộng là thứ mà Biden sẽ không thể đảo ngược được. Trump đã làm nước Mỹ thay đổi, và Biden sẽ phải tiếp tục cuộc đối đầu với Trung Cộng mà TT Trump đã khơi mào…
Niềm hy vọng cuối cùng của năm cũ trước khi bước qua năm mới là mỗi người dân Hoa Kỳ sẽ nhận được chi phiếu $2,000.00 qua khuyến nghị của TT Donald Trump trước khi ký thành luật chi tiêu và gói cứu trợ đại dịch trị giá 2.3 nghìn tỷ đô la vào tối Chủ nhật (27/12). Ngày hôm sau được Hạ viện thông qua nhưng bị chặn lại ở Thượng viện liền một ngày sau đó. Và mọi việc như được kết thúc trong năm cũ, sang năm mới người dân Hoa Kỳ sẽ bắt đầu nhận $600.00 vào những ngày đầu năm 2021.