* * *
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Dũng: Người tận tụy hết lòng với cộng đồng, đồng hương cho đến khi sức khỏe giới hạn.
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Dũng, một cựu thuyền nhân đặt chân đến Hoa Kỳ và nhanh chóng trở lại học ngành Y Khoa mà ông từng tận tụy trong chức vụ Bác Sĩ Tiền Tuyến, Quân Y Trưởng Sư Đoàn 9 Bộ Binh VNCH.
Ngay từ khi về Tacoma cũng như sinh hoạt với đồng hương Seattle, Bác Sĩ Dũng, khuôn mặt còn đen sạm thời quân ngũ, và nắng cháy thời lao động trong trại tị nạn và năm tháng phục vụ đồng đợi ngoài tiền tuyến.
Chỉ một vài năm sau ông đã dấn thân giúp đỡ, phục vụ cộng đồng liên tục qua tổ chức Người Việt Quốc Gia thành phố Tacoma và Pierce County.
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Dũng thường xuyên vẫn ủng hộ cả tinh thần lẫn tài chánh, là mạnh thường quân, dùng account ngân hàng của gia đình, ký check ủng hộ cơ cấu tổ chức cộng đồng do những vị trung niên, cao niên ủng hộ. Ông vẫn mời gọi sự tham gia của cộng đồng Oregon, với Mục sư Huỳnh Quốc Bình và phái đoàn, cộng đồng Vancouver BC trong đó có nhà văn Hải Triều v.v.. Khi vận động xuống đường ông trang trải các phí tổn thuê xe bus, hoặc các tốn kém giấy phép và các việc linh tinh. Khi có các buổi tiệc mừng Xuân hay đánh dấu một ngày ghi nhớ của VNCH- vinh danh chiến sĩ hoặc giúp TPB-VNCH, ông cũng dành ra một khoản tài chánh, bảo trợ cho các chương trình ca nhạc, để tạo thêm sự thu hút, và đồng hương tham gia đông đảo hội ngộ- rất đáng nể…
Quanh quẩn sân nhà Tacoma thường là những cựu quân nhân, anh em H.O, cố gắng noi gương ông – vừa gánh vác chuyện nhà, chăm dạy con cái từ bỡ ngỡ mới đến định cư, cho đến khi thành đạt, cũng chính là niềm hãnh diện chung, mà những dịp vui buồn của đồng hương luôn có sự góp mặt chung vui, cũng như trong việc chung sự có sự mất mát của một đồng hương. Một thành viên luôn nhớ: “Có một kỷ niệm đáng nhớ như, gia đình cháu của một chiến hữu Seattle, tổ chức tiệc cưới tại Sacramento-CA, cả hai ông bà không quản ngại đáp máy bay vào tối thứ Bảy tham dự tiệc cưới này… khiến cả gia đình rất vui vì công khó và tấm lòng chân thành của hai ông bà”.
Ông lại còn chịu bỏ công sức, tiếng nói có uy tín của ông, và tài chánh, để bênh vực những chiến hữu, thành viên cộng động khi nghĩ chín chắn đó là việc phải làm, như từng bỏ công vận động, đóng góp tài chánh cho vụ án “hai ông Đức”- Olympia “… đến việc hai nạn nhân được giải oan và thắng kiện!” . Vụ này được báo chí và cả các trường đại học cũng mang ra làm điển hình và rút tỉa những kinh nghiệm về quan niệm Quốc – Cộng, về xử phạt tội “mạ lỵ“… thành một án lệ được nêu ra dẫn giải tiêu biểu!. Tiếng nói và cách soạn văn thư của ông mạnh và ý nghĩa khi lên tiếng, ra thông cáo “... Mà nếu không chịu hy sinh, vững tinh thần như ông… làm như thế thì hội hè sẽ không được hữu hiệu trong tranh đấu. Chức vụ gắn liền với chấp nhận… dám nói, dám làm”!
Nhìn lại vài năm gần đây, ông cũng đứng mũi chịu sào, lãnh đạo các trường hợp công đạo cần bênh vực. Ông dành những lẽ phải pháp lý và “giải quyết đẹp” đúng luật, trong vụ kiện làm mất thanh danh Olympia. Ông đã ứng tiền mướn luật sư giỏi để kết thúc bằng chiến thắng.. Trong một vụ khác ông muốn chính danh cộng đồng lên tiếng nói chính thức, dù lúc đó ông không còn là chủ tịch cộng đồng, nhưng vẫn rất “gan dạ”, hướng dẫn đôn đốc ban chấp hành ủng hộ phó chủ tịch cộng đồng Tacoma, cũng như một vụ cựu sĩ quan, thường là mạnh thường quân của cộng đồng là chủ công ty bị một nhà tu gieo điều tiếng, và hành xử những điều không tốt.. như là trù ẻo mê tín gieo tiếng oan.
Dù kẻ làm sai cần có lời xin lỗi để lẽ phải và danh dự được minh bạch, mọi người đã cám ơn sự lãnh đạo và và chỉ dẫn cách đối phó từ ông là người nhiều năm trước đây ủng hộ tài chánh rất đáng kể cho vài ngôi chùa rồi gần đây mới có kinh nghiệm!. những người khác tránh né không như Bác sĩ Dũng…
Những đóng góp giúp tiền pháp lý cho những ai cùng chính nghĩa bị dọa mang ra tòa. Sự cống hiến của ông mang lại thành quả hữu hiệu. Từ chuyện lớn mọi việc nhỏ ông cũng không bỏ sót… nhớ đến các hội viên của cộng đồng, như ông thường dành thời gian đến với gia đình hội viên, hay các chiến hữu VNCH.. Ông đến viếng và tưởng nhớ, an ủi với vòng hoa và phúng điếu.không chỉ trong cộng đồng Việt. Thử hỏi nếu không có người cùng hy sinh thì sẽ không có những hội hè, sinh hoạt tranh đấu, vì thiếu phương tiện! Thiếu các ngày hội đông vui!
Nói về Hội Tết các năm hay ngày tưởng niệm Quốc Hận, BS Dũng như một thông lệ vẫn lấy tiền từ gia đình bảo trợ các ca sĩ danh tiếng, với ý nguyện thu hút đông đồng hương, trong hai cuộc biểu tình chống Phan Văn Khải tại Seattle (tháng 6-2005), và cuộc biểu tình chống Tập Cẩn Bình tại Tacoma ngày 23-8-2015, đã gây tiếng vang rất xa rộng, chứng tỏ ông được sự uy tín và được ủng hộ.
Một người “bạn trẻ”, một đồng hương tin tưởng và sát cánh với Bác Sĩ Dũng phát biểu – “Tôi không giàu có gì – chỉ đủ nuôi gia đình nuôi con, như bản thân tôi và các anh Bình, Bà BS Thìn, anh Trần Minh, anh Phan Thanh Trọng (quá cố) , Cao Hữu Thiên, Võ Văn Vân v.v… đều cũng “thường trực” đóng góp tài chánh, vì ông Bác Sĩ đóng góp nhiều thì mình cũng phải đóng góp một tay- chúng tôi nhớ lại cả những trường hợp vài thành viên trẻ cộng đồng bị bắt oan- ông cũng giúp cho tiền bail về!”.
“Chưa hết, anh chị em chúng tôi phần lớn hàng ngày (đi làm part time hoặc đã bị nghỉ hưu), làm chỉ đủ ăn lại nhiều người cứ nghĩ là những người còn có giờ rảnh rang, “rỗi công rỗi việc”, nên mọi việc BS Dũng đề xướng, chúng tôi vẫn tiếp tay ngay: Có chút giờ rảnh là anh chị em chúng tôi đến lo giúp cho cộng đồng, giúp cho đồng hương khi có việc cấp bách, tương trợ nhau trong quan hôn tang tế người Việt trong vùng, cho hàng năm mừng Xuân dịp Tết, Tất Niên, ngày Quốc Hận, cho những ngày biểu tình chống Tàu, và những ngày biểu tình cho quê hương dân tộc “.
Vợ con đôi khi cũng nhắc nhở, vì ông cho đi nhiều– nhưng đến khi thấy bà Hằng (phu nhân của Bác Sĩ Dũng) dấn thân không kém ông, nên cũng lại vui lòng tham gia và cùng đóng góp tài chánh, thời gian, giảm bớt các việc riêng tư, sinh nhật con cháu, tiệc gia đình để đến quây quần bên ông, trò chuyện sắp đặt việc công tác cho cộng đồng, dọn sân khấu sắp bàn ghế, trưng vẽ biểu ngữ… – Trong số này có ông Bác Sĩ Dũng cũng đâu phải là người rảnh rỗi. Ông cũng với tíu tít khách khứa từ phương xa, người gần, đông bệnh nhân đến phòng mạch – cũng là văn phòng cộng đồng.
Ông Trần Minh thường nói: “Sức thuyết phục của ông Bác Sĩ, đã mời đến các vị có thanh thế VNCH, hoặc có học vị; như Bác Sĩ Huy Tường, Dược Sĩ Nhung v.v… Nhưng nói chung thì vẫn thấy rằng các vị trẻ thành công đó cũng không sánh được qua phục vụ, bền bỉ bằng “ông già gân”. Vài năm gần đây cộng đồng Tacoma được thêm nhân sự là Nha sĩ Đạt … không phụ lòng ông Đạt cũng thường bỏ công lái xe từ Bellevue đến với Tacoma, góp bàn tay!
Nhờ đâu cộng đồng Tacoma tồn tại lâu dài so với các nhóm hội khác?
Câu trả lời dễ hiểu: không phải những thành công, những điều hay có được do tự nhiên dâng đến tận tay?!, Dù sao thì cũng nhờ cộng đồng sống gần gũi nhau mang tính “hồn quê như làng, xóm, phố quận ở quê nhà”… , nhiều người đến sau do người định cư trước bảo lãnh.
Yếu tố kế tiếp là lại nhờ có cả ông Bác Sĩ và phu nhân đã dành nhiều thời gian thuyết phục mời gọi đến những thành viên cộng đồng tạo cơ hội mọi người đồng lòng chung bàn tay tham gia hoặc ủng hộ những sinh hoạt do ông đề xướng- đặc biệt anh em H.O, hay những người trẻ hơn thường bảo nhau: “Ông bận phòng mạch như thế, ân cần như thế, khiến cá nhân mình cũng cố chạy đua đóng góp theo ông, quên đi một phần sinh hoạt gia đình, công ăn việc làm của anh chàng nghèo đủ ăn, đủ tiêu và lo sóc cho vợ con”.
Bây giờ, thời dịch bệnh, “người tránh xa người”, lại nhớ quá những ngày sinh hoạt, ông vẫn đâu đó là trọng tâm, mà thiếu ông thì lại vẫn nhớ về ông – Tôi chỉ cần nêu một số điểm đáng yêu chân tình về sự thân thiện, cởi mở, quan tâm đến thân hữu và đồng hương – là những lời ông hay chào hỏi giản dị, gần gũi, hỏi thăm những sinh hoạt đã qua, hỏi thăm về từng đứa con đứa cháu của người khách đang đến niềm nở chào đón. Không những thế, bằng tấm chân tình,ông nhớ chi tiết về những người ông biết, và ông luôn hỏi han.
Chúng tôi quý mến và mãi cảm ơn ông bà BS Nguyễn Xuân Dũng và mãi ghi nhớ trong đáy lòng: là mình cùng đóng góp cho cộng đồng và đồng hương- có giữ được từ những gì mình đã cống hiến, trao tặng và cho đi”. Nhớ ông!
Ghi nhớ ngày ông ra đi: 8 giờ 50 phút sáng thứ Sáu 5 tháng 3-2021. (PK)
(Nguồn BCH Hội Cao Niên Tacoma– cung cấp thông tin)