“Cánh tả ở Hoa Kỳ là cực quyền chuyên chế”
Hôm thứ Ba (12/01), trong một cuộc phỏng vấn với chương trình American Thought Leaders [Các nhà lãnh đạo Tư Duy Hoa Kỳ] của The Epoch Times, ông Dennis Prager–nhà bình luận đồng thời là người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh–nói rằng trong khi cuộc bao vây bạo lực Điện Capitol vào tuần trước là “rất tệ,” “ghê tởm” và đáng bị lên án, thì việc đàn áp đang diễn ra đối với tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ của phe cánh tả thậm chí đặt ra một mối đe dọa còn lớn hơn.
Ông Prager đã trả lời câu hỏi về việc một số nhân vật của giới truyền thông chĩa mũi dùi chỉ trích vào một số người thuộc phe bảo thủ và “diều hâu Trung Quốc” [nhóm những người theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc], những người mà họ cáo buộc là quan tâm nhiều hơn đến việc lên án sự kiểm duyệt và cắt giảm quyền tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ hơn là việc chỉ trích cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.
Theo ông Prager, cả hai sự kiện là “không thể so sánh một cách cân bằng” trong việc gây ra mối đe dọa thực sự cho Hoa Kỳ. Trong khi lên án tình trạng bất ổn hôm thứ Tư tuần trước (06/01), ông Prager lập luận rằng nó không đe dọa sát sao đến Hoa Kỳ nhiều như việc đàn áp tự do ngôn luận.
“Toàn bộ bản chất của Hoa Kỳ là sự tự do. Cánh tả đang cấm đoán, đàn áp đặc điểm lớn nhất của Hoa Kỳ,” ông nói.
“Điều gì đe dọa đất nước này? Một cuộc tấn công ngu xuẩn, ngớ ngẩn, sai trái, hèn hạ vào Điện Capitol, nơi trong vòng vài giờ đã được mở cửa trở lại để làm việc, hay là việc đàn áp tự do ngôn luận đang diễn ra? Nó không hề cân xứng.”
“Không thể có sự so sánh nổi! ,” ông nói. “Chuỗi sự kiện đáng ghê tởm hôm 06/01 không đe dọa đất nước này nhiều như việc đàn áp quyền tự do ngôn luận,” ông lập luận.
Trong khi việc tính toán đầy đủ về tác động của cuộc tấn công vào Điện Capitol vẫn chưa được hoàn tất vì các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và FBI chỉ mới được tiến hành, nhưng có một hồ sơ lịch sử lâu dài về những hậu quả của sự trấn áp từ cánh tả, ông Prager nói.
“Cánh tả trấn áp tự do ở mọi nơi mà họ nắm quyền–không có ngoại lệ,” ông nói và chỉ ra rằng đã có nhiều ví dụ trong 100 năm qua về các chế độ cộng sản thực hiện những hành vi đàn áp nghiêm trọng đối với chính người dân của họ.
“Và thật khó tin là điều này đang xảy ra trên chính đất nước của Tượng Nữ thần Tự do và Chuông Tự do, điều mà họ đã khinh nhờn,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin bằng chứng cho thấy phe cánh tả đang lợi dụng cuộc bao vây Điện Capitol để tăng cường hạn chế tự do ngôn luận.
“Không có sự ngoại lệ nào trong 100 năm qua đối với việc cánh tả lên nắm quyền mà không đàn áp quyền tự do ngôn luận,” ông nói, và nói thêm rằng hiện nay “họ đang sử dụng ngày 06/01 làm cái cớ để làm như vậy.”
Ông cho biết việc Amazon gỡ bỏ Parler là một “ví dụ hoàn hảo” về điều này. Vào sáng thứ Hai (11/01), Amazon Web Services đã gỡ bỏ Parler, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu sự đình chỉ này có phải là đang kiềm chế tự do ngôn luận hay không.
Trả lời đơn kiện do Parler đưa ra, hôm thứ Tư (13/01), Amazon Web Services cho biết, “Vụ kiện này không phải là về việc đàn áp ngôn luận hay kiềm chế các quan điểm. Nó không phải là về một âm mưu hạn chế kinh doanh.”
“Thay vào đó, vụ kiện này là về việc Parler đã thể hiện sự miễn cưỡng và không có năng lực xóa những nội dung đe dọa an toàn công cộng khỏi các máy chủ của Amazon Web Services (AWS), chẳng hạn như xúi giục và lên kế hoạch hãm hiếp, tra tấn, ám sát các quan chức chính phủ và các công dân được nêu tên,” công ty này cho biết.
Giám đốc điều hành của Parler, ông John Matze, đã lên án những lời kêu gọi bạo lực trên nền tảng của mình.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho nó, chúng tôi có rất nhiều thứ sẵn sàng để ngăn chặn nó,” ông Matze nói về những người dùng kích động bạo lực, nói thêm rằng Parler ủng hộ quyền tự do ngôn luận.
Trong khi đó, sau cuộc bạo loạn hôm 06/01, các gã khổng lồ truyền thông xã hội Twitter và Facebook đã công bố các biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn trên các nền tảng của họ. Facebook đang nhắm mục tiêu vào nội dung có cụm từ “stop the steal” (ngừng đánh cắp cuộc bầu cử)–ám chỉ đến các tuyên bố về gian lận bầu cử, trong khi Twitter đang nhắm vào các tài khoản tập trung vào phong trào QAnon.
Tom Ozimek & Jan Jekielek
Cẩm An biên dịch – etviet