Antifa vừa là một hệ tư tưởng vừa là một phong trào sử dụng đe dọa và bạo lực để chống lại chủ nghĩa tư bản và bất kỳ ai không đồng tình với chương trình nghị sự chính trị cực tả vô chính phủ của nó, theo nhà báo Andy Ngô – một chuyên gia về nhóm cộng sản vô chính phủ này.
Hồi tháng 09/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray đã mô tả Antifa như một phong trào về ý thức hệ hơn là một tổ chức.
“Antifa là một thứ gì đó hiện hữu. Nó không phải là một nhóm hay một tổ chức, mà là một phong trào hay một hệ tư tưởng – đây có thể là một cách để suy nghĩ về nó,” ông Wray nói và thừa nhận rằng Antifa trên thực tế có “các nhóm nhỏ” hay “các nút.”
Nhưng anh Ngô đã nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Crossroads rằng Antifa “không chỉ là một hệ tư tưởng. Nó cũng là một phong trào.” Nó có mạng lưới các tổ chức và một số trong đó được tổ chức thành các nhóm chính thức, anh nói.
Một trong các nhóm của tổ chức này là Rose City Antifa – “tổ chức Antifa lâu đời nhất ở Hoa Kỳ” – có trụ sở tại Portland, Oregon, trung tâm cho hoạt động bạo lực của phong trào này, anh Ngô nói.
Nhà báo Ngô cũng đã phát hiện ra rất nhiều bằng chứng cho thấy Antifa là một tổ chức chính thức, điều mà anh đã trình bày trong cuốn sách sắp ra mắt mang tên “Phơi bày: Bên trong Kế hoạch Cực đoan của Antifa nhằm Phá hủy Nền Dân Chủ” của mình.
Antifa được tổ chức rất tốt dưới hình thức các phòng kín và tụ điểm bí mật, anh cho biết. Chương trình đào tạo của nó phản ánh phần lớn những gì được đưa vào quá trình cực đoan hóa mà các chiến binh thánh chiến sử dụng để huấn luyện các tín đồ Hồi giáo. Nó tổ chức một số sự kiện giống như các cuộc hội họp xã hội, chẳng hạn như các giải bóng đá, để chiêu mộ người tham dự và phổ biến các tài liệu cực đoan và sau đó tiến hành các cuộc bạo động, anh Ngô nói.
Antifa có nhiều chi hội ở các thành phố khác nhau như Torch Network hay Atlanta Antifa. Chúng “đều là các nhóm chính thức,” anh nói.
Nhóm Rose City Antifa tuyên bố trên trang web của mình rằng nó hoạt động để chống lại định kiến chủng tộc, sự cố chấp mù quáng, chủ nghĩa phát xít và tổ chức phát xít.
Anh Ngô cho biết Antifa không sử dụng định nghĩa học thuật của chủ nghĩa phát xít để chỉ chủ nghĩa xã hội quốc gia của Đức Quốc xã hay Đảng Phát xít Ý. Antifa đã xây dựng lại định nghĩa về chủ nghĩa phát xít để sử dụng cho riêng mình bằng cách “mô tả chủ nghĩa phát xít về cơ bản là bất cứ điều gì đi ngược lại chương trình nghị sự chính trị cực tả [của nó],” anh Ngô cho biết và nói thêm rằng Antifa luôn coi chủ nghĩa tư bản và dân chủ tự do là chủ nghĩa phát xít.
Chẳng hạn, Antifa gọi cả chính phủ TT Trump và chính đất nước Hoa Kỳ là phát xít, anh Ngô nói.
Antifa ban đầu được thành lập trong những năm giữa hai cuộc thế chiến ở Đức như một “nhánh tối quan trọng của Đảng Cộng Sản Đức,” anh Ngô nói. Ở Đông Đức, hệ tư tưởng của Antifa được thể chế hóa thành ý thức hệ chính thức của nhà nước cộng sản Đức; anh lưu ý rằng Bức tường Berlin từng được gọi với tên chính thức là “hàng rào phòng thủ chống phát xít.”
Cách thức vận hành của Antifa
Antifa làm việc chung với các nhóm xã hội chủ nghĩa và các nhóm cộng sản như Đảng Xã hội Dân chủ Hoa Kỳ (DSA) vì họ có chung kẻ thù là Hoa Kỳ, các thể chế, xã hội dân sự cùng thị trường tự do của nước này.
DSA, tổ chức xã hội chủ nghĩa lớn nhất của Hoa Kỳ, trên thực tế là một tổ chức cộng sản, theo ông Trevor Loudon, một tác giả đồng thời là nhà làm phim, người đã nghiên cứu về các nhóm khủng bố và chủ nghĩa Mác cực đoan cũng như tác động ngầm của chúng đối với nền chính trị chủ lưu trong hơn 30 năm.
Sau cùng thì Antifa và các tổ chức cộng sản vẫn có các chương trình nghị sự khác nhau, nhưng hiện tại đủ tương đồng để làm việc cùng nhau, anh Ngô nói. Đó là cùng một kiểu liên minh được xây dựng trong suốt năm 2020 giữa Antifa và Black Lives Matter – một phong trào do những người cộng sản chủ chiến thành lập, anh nói.
Mục tiêu của cộng sản là thành lập một nhà nước toàn trị – trái ngược với khía cạnh vô chính phủ trong chương trình nghị sự của Antifa, nhưng hiện tại, cả hai đã hợp tác để “kêu gọi chấm dứt hệ thống tư pháp hình sự của Hoa Kỳ, cấm vận thị trường tự do, cấm đoán quyền sở hữu tài sản,” anh Ngô nói.
Chương trình nghị sự cuối cùng của Antifa là xóa bỏ các quốc gia trên toàn thế giới và tạo ra các công xã cộng sản vô chính phủ, anh Ngô cho biết.
“Họ tin rằng họ thực sự có thể tổ chức xã hội mà không cần đến chính phủ,” anh nói.
Một nguyên tắc được Antifa và những người cộng sản cùng chia sẻ đó là không ai được phép sở hữu tài sản riêng.
Theo anh Ngô, mặc dù “nó nghe có vẻ như là một ảo tưởng hoang đường lớn mà Antifa sẽ không bao giờ đạt được,” Antifa đã thực sự có thể tuyên bố lãnh thổ ở Hoa Kỳ vào năm 2020 bằng cách thành lập Khu tự trị Capitol Hill (CHAZ) ở thành phố Seattle.
Nhà báo Ngô, người từng sống một khoảng thời gian tại đó, cho biết “nó là một nơi vô pháp luật.” Các vụ giết người, đốt phá, xả súng và tấn công tình dục đã xảy ra trong khu tự trị đó. Các lãnh chúa cạnh tranh lẫn nhau, một biên giới cứng đã được dựng lên, và ở đó có những người tình nguyện có vũ trang bảo vệ.
“Họ nghĩ rằng họ không cần đến chủ nghĩa tư bản để có thể hoạt động,” anh Ngô nói, nhưng khu tự trị này chỉ có thể tự duy trì nhờ các khoản đóng góp từ Hoa Kỳ cũng như thực phẩm và vật dụng do các nhà hàng và người dân cung cấp.
Antifa sử dụng chiến thuật khủng bố các mục tiêu của mình thông qua tấn công đe dọa liên tục, bao gồm cả việc tiết lộ công khai thông tin cá nhân như địa chỉ nhà riêng, nơi làm việc, thông tin liên hệ của nhà tuyển dụng và số điện thoại, đây là một phương thức được gọi là doxing, anh Ngô nói.
Mục tiêu là làm cho một người sợ hãi rằng họ có thể bị tấn công từ bất cứ đâu, anh Ngô nói.
Bản thân anh Ngô đã bị Antifa tấn công hồi tháng 06/2019. Các thành viên Antifa đã đánh đập và cướp bóc, đồng thời ném những cốc xi măng trộn sữa lắc vào người anh. Hậu quả của vụ hành hung này là anh Ngô bị chấn thương sọ não, phải nhập viện cấp cứu.
Anh Ngô nói rằng anh đã phải trải qua nhiều liệu pháp và phương pháp điều trị khác nhau để chữa lành vết thương của mình, nhưng cho đến nay anh vẫn chưa nhận được bất kỳ sự bảo vệ công lý nào.
Antifa gần đây đã yêu cầu nhà sách độc lập lớn nhất ở Portland loại bỏ cuốn sách mới của anh ra khỏi kệ và danh mục trực tuyến của mình, anh cho biết. Cửa hàng đã đồng ý bỏ cuốn sách ra khỏi kệ nhưng từ chối xóa nó khỏi danh mục.
Anh Ngô đã bày tỏ sự cảm thông với nhà sách, một doanh nghiệp gia đình, vì anh biết rằng Antifa rất giỏi trong việc lần theo các mối đe dọa đối với mình. Nó có cả một hồ sơ tiền án về việc đốt phá các cơ sở kinh doanh hay tổ chức các vụ cướp.
Bất chấp những vụ việc như thế này cùng các mối đe dọa khác, anh Ngô vẫn tiếp tục vạch trần Antifa vì anh muốn cung cấp thông tin này cho nhiều người hơn nữa.
Anh nói rằng anh hy vọng thông tin mà anh cung cấp sẽ giúp “những người thực thi pháp luật thực sự bắt đầu làm việc nghiêm túc để phá bỏ các mạng lưới Antifa một cách có hệ thống, và quan trọng hơn, cũng là để thách thức ý thức hệ vốn đang làm ô nhiễm tâm trí người dân này.”
Jack Phillips đã đóng góp vào bản tin này.
Ella Kietlinska & Joshua Philipp
Hạo Văn biên dịch – ETViet