Bố tôi, ông Phạm Kim, đã đứng dậy lần cuối vào ngày thứ Năm tuần trước. Thứ Năm là lúc tờ báo chuẩn bị được đưa đến nhà in để thứ Sáu phát hành. Bố đã ở bên máy vi tính của Bố, chỉnh sửa lần cuối cho trang nhất được hoàn hảo. Bố yêu thích công việc này, công việc mà Bố đã làm từ khi mới thành lập tờ báo Người Việt Tây Bắc vào năm 1986. Sáng hôm sau, khi em trai tôi mang bản in đến trao tận tay Bố, Bố nói: “Bìa đẹp quá. Hãy tiếp tục làm như vậy vào tuần tới”. Đó là trang bìa cuối cùng mà Bố tôi thiết kế. Bố tôi mới qua đời vào ngày 30 tháng 3 năm 2021.
Tờ báo giống như đứa con của Bố tôi, là đứa em thứ tư của tôi và hai em trai, Andy và Don. Bố rất vui khi đề cao những câu chuyện của người khác, đặc biệt là chuyện của những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi theo đuổi công việc nghệ thuật, viết văn, báo chí và xây dựng cộng đồng. Tôi nghĩ Bố đã nhìn thấy một phiên bản trẻ hơn của chính mình trong đó.
Bố tôi thích chia sẻ những câu chuyện về cộng đồng người tị nạn của chúng ta, vì Bố tin rằng người Việt Nam có nhiều điều đáng tự hào, rằng chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tích trong thời gian ngắn ở Mỹ. Trước khi đại dịch xảy ra, Bố thường theo đuổi các sự kiện cộng đồng khác nhau, đôi khi Bố đến cả ba nơi trong một buổi chiều để tham dự và chụp ảnh. Bố đặc biệt yêu thích việc triển khai các hoạt động khai trương của những doanh nghiệp mới do người gốc Việt làm chủ, những buổi hội ngộ của cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và bạn học cũ. Bố muốn làm nổi bật những tin tức tích cực và cẩn thận giữ sự trung dung trong việc đưa tin.
Bố tự tránh xa ánh đèn sân khấu. Bố thích đề cao người khác. Cách đây vài năm, Bố muốn tổ chức tiệc chiêu đãi để kỷ niệm việc xuất bản cuốn sách của tôi về quan điểm chiến tranh VNCH. Tôi không muốn làm. Tôi chỉ đồng ý khi Bố nói: “Bữa tiệc không phải dành cho con. Đó là bữa tiệc dành cho Bố và tờ báo, nhưng Bố không muốn nói điều đó.” Hôm đó có những bạn thân nhất của bố đến từ nơi xa, chẳng hạn như nhà văn Phạm Quốc Bảo, giáo sư Quyên Di, ca sĩ Melanie NgaMy Trần và Cecila Bach.
Vào tháng 12 năm ngoái, Bố bị một cơn đau tim nhẹ và các bác sĩ đã phát hiện ra một khối u trong dạ dày mà họ không thể phẫu thuật. Các bác sĩ nói với chúng tôi rằng Bố chỉ còn sống được vài ngày, sau khi chúng tôi đưa Bố về nhà. Bố sống thêm bốn tháng. Tôi chuyển về nhà nơi tôi sống suốt thời thơ ấu của mình. Tất cả chúng tôi đã sống cùng nhau dưới một mái nhà, lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Từ lúc tôi còn bé đến trưởng thành, bố mẹ tôi làm việc suốt thời gian ở tòa báo. Bây giờ chúng tôi đều làm việc tại nhà, chúng tôi dùng bữa cùng nhau mỗi ngày. Bố thường nói với chúng tôi: “Trong cuộc đời Bố chưa bao giờ thấy vui hơn lúc này.”
Vai trò duy nhất mà Bố tôi yêu thích nhiều hơn việc xuất bản báo chí, đó là làm cha. Bố không bao giờ gây áp lực cho chúng tôi để có được những công việc lương cao. Chúng tôi có cảm tưởng Bố nhìn thấy được sự thăng tiến trong tương lai của mỗi đứa con và muốn làm bất cứ điều gì có thể để khiến các con tỏa sáng hơn. Bố khuyến khích, nhẹ nhàng và bao dung. Và Bố đã làm điều đó cho bạn bè của chúng tôi và rất nhiều người khác nữa. Bố luôn hỏi về những người bạn Việt Mỹ của tôi, lắng nghe mọi khía cạnh để quảng bá cho họ.
Trước lúc yên nghỉ không bao lâu, Bố đã cố gắng để có thể vinh danh những người bạn của mình, như bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng và ông Trần Phước Bền, cùng sự ra đi đột ngột của Phạm Khoa. Bố còn kịp chứng kiến gia đình Tommy Le lấy lại công bằng – việc mà Bố quan tâm rất nhiều từ 4 năm qua. Xem như Bố đã hoàn thành sứ mệnh của Bố.
Bố tôi đã bắt tay vào thực hiện cuốn hồi ký của ông ấy, do Nhà xuất bản Khai Trí ấn hành. Bố viết bằng tay, sau đó chụp ảnh bản thảo của mình và Lê Đông Phương đã đánh máy. Ký ức của Bố chảy vào các bài luận hàng tuần. Nhiều người đã hỏi, họ có thể giúp gì? Hãy chia sẻ những chuyện vui, đáng nhớ của quý vị về Bố tôi với chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa những câu chuyện ấy vào cuốn hồi ký của Bố tôi.
Phạm Hoài Hương Julie, ngày 1 tháng 4 năm 2021
Đọc Bản Anh-ngữ: https://nvnorthwest.com/2021/04/remembering-kim-pham-nvtb-publisher-and-my-father/