Người phụ nữ 22 tuổi bị kết tội sát hại cả nhà trong vụ án mạng gây chấn động ở Ấn Độ. Người này bị tuyên án treo cổ và là người phụ nữ đầu tiên bị treo cổ ở Ấn Độ trong hơn 60 năm qua.
Khoảng hơn 2h sáng ngày 15/4/2008, hàng xóm bị đánh thức bởi tiếng kêu cứu của một phụ nữ ở Bawan Kheri, miền Bắc Ấn Độ. Họ ra khỏi nhà và bị sốc khi nhìn thấy hiện trường kinh hoàng của một vụ giết người hàng loạt.
Cô Shabnam được phát hiện nằm bất tỉnh trên sàn nhà cùng với người cha bị chém ở cổ. Thi thể hai anh trai của Shabnam, cùng mẹ ruột, chị dâu và người em họ 14 tuổi gần như bị cắt lìa cổ trong căn phòng đầy máu. Cháu trai của Shabnam, bị siết cổ đến chết.
Vụ án gây chấn động dư luận, Shabnam bị cáo buộc sát hại 7 thành viên trong gia đình mình, gồm một em bé mới 10 tháng tuổi, trong lúc cô đang mang thai 8 tuần.
Cô này cùng người tình, Saleem, đã bị kết tội giết người và lãnh án treo cổ.
Một khi án tử hình được thực thi, Shabnam sẽ là người phụ nữ đầu tiên bị hành quyết ở Ấn Độ kể từ năm 1955.
Cuộc tình bị phản đối
Shabnam và Saleem là cặp đôi trẻ tuổi sống trong cùng làng, nhưng gia đình của họ không chấp thuận mối quan hệ này.
Shabnam, 22 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ án mạng, là một giáo viên trong cộng đồng Saifi. Saleem, khi đó 24 tuổi, là một thanh niên Pathan thất nghiệp.
Một đồng nghiệp tại trường nơi Shabnam làm việc đã làm chứng rằng Shabnam kể cô muốn kết hôn với Saleem, nhưng bị gia đình phản đối.
Người anh họ của Shabnam, khai trước tòa rằng người tình thường đến nhà Shabnam để gặp cô. Cha của Shabnam không thích điều này và thường xuyên đánh đập cô ấy. Gia đình Shabnam có thể không biết, người phụ nữ này đã mang thai đứa con của Saleem.
Trong phán quyết của mình, thẩm phán tòa án quận SAA Husaini cho biết rằng người dân địa phương “sẽ không thể chấp nhận hành vi ‘haram’ (bất hợp pháp)”, ám chỉ đứa con ngoài giá thú của họ. Thẩm phán cho biết cặp đôi có những lựa chọn khác để thoát khỏi “xã hội bảo thủ” ở Bawan Kheri, thay vì phải ra tay sát hại 7 người.
Diễn biến vụ án mạng
Tối 14/4/2008, Shabnam được cho là đã pha thuốc an thần vào đồ uống cho cả nhà, do Saleem mua từ một người bán trái cây. Khi cả nhà ngủ say, Shabnam gọi điện cho Saleem đến và cầm theo một chiếc rìu và sát hại cả gia đình.
Một nhân chứng đã kể lại trước tòa những gì Saleem đã nói với anh: “Tôi đã phạm sai lầm, tôi yêu Shabnam, một cô gái cùng làng với tôi và cô ấy cũng yêu tôi. Chúng tôi đã thề nguyện sống chết cùng nhau. Chúng tôi không thể sống thiếu nhau. Vì điều này, gia đình Shabnam đã đánh đập cô ấy và nói rằng họ sẽ không để cô ấy lấy tôi”.
Về phía Shabnam, ban đầu cô khai rằng lưu manh đã vào nhà và giết cả gia đình. Tuy nhiên, cảnh sát đã bác bỏ lời khai này vì không phát hiện bằng chứng có người đột nhập vào nhà. Theo lời khai từ quan chức pháp y Manveer Singh, cửa sắt của ngôi nhà đã bị khóa từ bên trong và không có dấu vân tay hay bằng chứng khác cho thấy sự hiện diện của người lạ.
Khi Khan, người hàng xóm đầu tiên phát hiện vụ việc, anh ấy thấy Shabnam bất tỉnh. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao cho biết Shabnam đã “giả vờ bất tỉnh và nằm bên cạnh thi thể bị chém của người cha quá cố, nhằm tạo hiện trường giả”.
Tuy nhiên, cặp đôi “giết người để được ở bên nhau” đã cáo buộc nhau trước tòa. Shabnam cáo buộc một mình người tình đã thực hiện vụ án mạng. Phía Saleem cho biết Shabnam đã uống rượu và gọi cho mình sau khi cô giết cả gia đình, và nhờ anh ta xóa bằng chứng.
Tòa án địa phương kết luận cặp đôi này phạm tội giết 7 người và tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ. Họ đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của bang Uttar Pradesh, Tòa án Tối cao Ấn Độ, nhưng đều bị bác bỏ.
Đứa trẻ chào đời sau song sắt
Con trai của Shabnam và Saleem, được gọi là Bittu, được sinh ra trong tù vào tháng 12/2008, tám tháng sau vụ án mạng.
Shabnam nuôi con trong nhà tù dành cho nữ giới. Những đứa trẻ khác đến rồi đi khi mẹ chúng được ra tù, nhưng Bittu vẫn ở lại, chờ ngày mình tròn 6 tuổi, để được gửi đến sống với một người thân bên họ ngoại, theo quy định của nhà tù Ấn Độ.
Usman Saifi, một người bạn thời đại học của Shabnam, đã đề nghị nhận nuôi Bittu khi cậu bé tròn 6 tuổi. Vào năm 2015, vợ chồng Saifi đã giành được quyền nuôi đứa bé.
Nhưng cuộc sống không hề dễ dàng đối với Bittu, khi giới truyền thông luôn gây phiền toái cho cuộc sống và việc học hành của cậu bé. Cậu bé cũng phải vật lộn với việc là con trai của những tội phạm giết người.
“Một ngày nọ, khi đi đến nhà thờ Hồi giáo, ai đó nói rằng nó là con trai của Shabnam, người sắp bị treo cổ. Điều đó gây tác động rất lớn”, anh Saifi nói.
Luật sư Rastogi mong rằng án tử hình của Shabnam được giảm nhẹ. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao cho rằng hình phạt đó là xứng đáng, và hành vi tội ác này đã hội tụ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình.
Lệnh hành quyết được ban hành vào tháng 5/2015 theo luật của Ấn Độ, tuy nhiên, lệnh sau đó đã bị thu hồi bởi Đề án 39A – phản đối án tử hình ở Ấn Độ. Nhưng vẫn có lệnh tử hình có khả năng có hiệu lực.
Shabnam được đưa đến nhà tù Mathura, nơi duy nhất ở nước này có nhà treo cổ dành cho phụ nữ. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày hành quyết của người phụ nữ này đang đến gần.
Người cha nuôi lo sợ rằng khi Shabnam bị treo cổ, đứa con nhỏ của người này có thể bị ám ảnh và suy sụp.
Thanh Vân
Theo CNN
Nguồn: NTDVN