Hôm 17/5, Chính phủ Việt Nam cho biết công ty Pfizer đã không chấp nhận đàm phán giá bán vaccine cho Việt Nam. Vậy giá bán vaccine Pfizer hiện bao nhiêu?
Chiều 17/5/2021, Thủ tướng Việt Nam đã chủ trì cuộc họp về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Công ty Pfizer, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định là Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và bên Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18/5/2021.
Tại cuộc họp Chính phủ hôm 15/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tổng số vaccine Việt Nam đã mua, đăng ký khoảng 170 triệu liều. Trong đó số lượng đã ký kết, có cam kết khoảng 110 triệu liều, cụ thể:
- 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility
- 30 triệu liều từ Astra Zeneca
- 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Tuy nhiên, ông Long nói chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp vì phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp.
Vaccine Pfizer giá bao nhiêu?
Theo so sánh từ Biospace, vaccine Pfizer và Moderna có giá bán cao nhất trong số các loại vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, giá vaccine Pfizer là 19,5 USD/liều cho đơn đặt hàng 100 triệu liều vaccine. Còn giá vaccine Moderna là 25-37 USD/liều (tuỳ theo lượng đơn đặt hàng).
Trong khi đó, giá vaccine AstraZeneca (loại đang dùng phổ biến ở Việt Nam) chỉ từ 2-5 USD/liều (tuỳ khu vực). Còn vaccine Johnson & Johnson là 10 USD/liều, vaccine Sputnik V cũng 10 USD/liều, vaccine Novavax 16 USD/liều.
Hồi tháng 4/2021, người đứng đầu công ty Pfizer phát biểu bảo vệ chính sách giá vaccine cao của hãng. Ông Albert Bourla nói vaccine rất đắt đỏ vì “nó giúp bảo vệ tính mạng con người”. Nhưng ông cũng nói hãng Pfizer bán vaccine với “giá không cao hơn một bữa ăn”.
Theo truyền thông trong nước, giá mua vaccine giao tại kho của Việt Nam là 6,75 USD/liều (khoảng 155.000 đồng). Theo đó, đây là mức giá ưu đãi cho nước có thu nhập thấp, chưa bao gồm thuế, phí và các chi phí liên quan.
Như vậy nếu Việt Nam mua 31 triệu liều thì chi phí sẽ mất gần 210 triệu USD.
Không được khiếu nại về việc sử dụng vaccine
Ngoài ra, Hãng dược phẩm Pfizer cũng yêu cầu miễn trừ trách nhiệm trong việc khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine hoặc việc sử dụng vaccine của Pfizer.
Theo Bộ Y tế, đây là vaccine mới được nghiên cứu, sản xuất trong tình trạng khẩn cấp để phòng chống đại dịch, nên chưa có đầy đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả, nên có thể có các sự cố sau tiêm.
Do vậy, muốn mua được vaccine của Pfizer, Việt Nam phải chấp nhận rủi ro khi sử dụng và các điều kiện của nhà cung cấp.
Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine, trong đó 2 vaccine thử nghiệm lâm sàng. Nếu nghiên cứu thành công, dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng.
Nguyễn Sơn – NTDVN