Vụ sát hại TT Jovenel Moise tại tư dinh của ông vào rạng sáng ngày 7/7 gây chấn động thế giới. Có 28 thành viên gồm quốc tịch Colombia và Mỹ đã tham gia vụ sát hại này, điều đó đặt ra câu hỏi: Liệu có “yếu tố nước ngoài” can dự? Ai đó muốn tổng thống Haiti phải chết là có lý do, nhưng đằng sau đó là gì thì vẫn còn là câu hỏi bí ẩn.
Vụ sát hại đã gây thêm bất ổn cho quốc gia nghèo nhất châu Mỹ này và đẩy Haiti lún sâu hơn vào tình trạng mất an ninh, vốn đã và đang phải chịu những tác động lâu dài từ các trận động đất kinh hoàng, dịch tả, bạo lực băng đảng, Covid-19 và giờ đây là sự can thiệp chính trị từ nước ngoài…
Tình tiết đáng ngờ
Haiti có khoảng 11 triệu dân và luôn trong tình trạng “vật lộn” để hướng tới sự ổn định kể từ khi chế độ độc tài Francois Duvalier sụp đổ vào năm 1986, cùng việc phải đối mặt với hàng loạt các cuộc đảo chính và sự can thiệp của nước ngoài.
Năm 2017, Jovenel Moise đắc cử Tổng thống. Theo truyền thông dòng chính, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Moise bị cáo buộc hành xử ngày càng giống một “kẻ độc tài”, luôn tìm cách củng cố quyền lực, dù ông liên tục phủ nhận.
Vào lúc 1h sáng ngày 7/7 vừa qua, vợ chồng Tổng thống Jovenel Moise đã bị bắn nhiều phát đạn trong một cuộc đột kích táo bạo chưa từng có vào tư dinh của ông ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince.
Nhóm sát thủ được cho là “lính đánh thuê” đã nã nhiều loạt đạn, đoạt mạng Tổng thống Moise, và khiến Đệ nhất phu nhân Martine Moise bị thương nặng. Đệ nhất phu nhân Martine Moise bị thương nặng, được đưa tới bệnh viện Miami tại Mỹ. (Ảnh chụp qua màn hình)
Tổng thống Jovenel Moise đã chết sau khi bị trúng 12 phát đạn từ nhóm sát thủ. Ông bị bắn vào mọi vị trí trên cơ thể: Chân, tay, đầu, mặt, ngực và vùng bụng bị trúng nhiều phát đạn.
Theo NPR, Thẩm phán Carl Henry Destin (Haiti) tham gia cuộc điều tra cho biết, Tổng thống Moïse đã bị bắn hàng chục phát đạn và văn phòng cũng như phòng ngủ của ông đều bị lục soát. Các nhà điều tra đã tìm thấy các vỏ đạn 5,56 mm và 7,62 mm tại giữa cổng ra vào và bên trong tư dinh Tổng thống.
Cảnh sát Haiti cho biết, nhóm sát thủ gồm 28 thành viên bao gồm quốc tịch Colombia và Mỹ đã sát hại Tổng thống Jovenel Moise, nhưng vẫn chưa biết động cơ cũng như kẻ chủ mưu vụ ám sát.
Các quan chức Haiti đã cung cấp rất ít thông tin về vụ giết người, ngoài việc nói rằng cuộc tấn công được thực hiện bởi “một nhóm được đào tạo bài bản và có vũ trang khủng”.
Đại sứ Haiti tại Mỹ – Bocchit Edmond – cho biết những kẻ tấn công đóng giả là đặc vụ của Cơ quan Thực thi Pháp luật về Ma túy của Mỹ, có khả năng xâm nhập Tư dinh Tổng thống Moïse bằng cách sử dụng danh tính đó.
Tại Port-au-Prince, các nhân chứng cho biết một đám đông đã phát hiện ra hai nghi phạm trốn trong bụi cây, và phóng viên của hãng AP đã nhìn thấy cảnh sát Haiti áp tải 2 kẻ tình nghi này vào phía sau một chiếc xe bán tải.
Khi phóng viên Robinson Geffrard, làm việc cho cho một tờ báo địa phương của Haiti đăng một bài báo về những bình luận của cảnh sát trưởng Haiti, bài viết đã thu hút một loạt phản hồi của độc giả bày tỏ nhiều sự hoài nghi.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, làm thế nào mà những kẻ tấn công lại có thể xâm nhập vào tư dinh Tổng thống – nơi có hệ thống an ninh dày đặc và lại biết được chi tiết vị trí phòng ngủ của Tổng thống, hạ sát ông và bắn trọng thương đệ nhất phu nhân rồi trốn thoát mà không hề bị hề hấn gì. Rồi sau đó, những kẻ tình nghi bị bắt ngay tại gần hiện trường mà không có kế hoạch tẩu thoát ngay sau khi gây án?
Điều đáng chú ý là các nhân viên an ninh, cảnh vệ xung quanh Tổng thống Moise trong thời điểm xảy ra vụ tấn công không có ai bị thương.
Tại sao lại có “Lính đánh thuê” Mỹ trong vụ sát hại Tổng thống Haiti?
17 kẻ bị tình nghi trong vụ tấn công tại tư dinh Tổng thống đã bị bắt giữ, bao gồm 15 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti.
- Hai “lính đánh thuê” là người Mỹ:
Theo Dailymail.co.uk, Bộ trưởng phụ trách bầu cử của Haiti, ông Mathias Pierre, đã xác định 2 người Mỹ đó là James Solages (35 tuổi) và Joseph Vincent (55 tuổi).
Tờ này cho biết, James Solages là Chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức từ thiện Jacmel First được thành lập vào năm 2019 ở bang Florida (Mỹ), nhằm giúp chấm dứt nạn đói của trẻ em tại Haiti.
Trong phần tiểu sử trên trang web của tổ chức từ thiện này, Solages cho biết anh ta là một kỹ sư xây dựng chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng.
James Solages cũng là giám đốc điều hành công ty, với tư cách là nhà tư vấn ở Nam Florida, và cũng là một chính trị gia ‘quảng bá đất nước của mình bằng cách tập trung vào các chương trình nhân ái và tư vấn chương trình phát triển kinh tế’.
Trang web cho biết sứ mệnh từ thiện của Tổ chức Jacmel First do James Solages thành lập, là nhằm hỗ trợ những phận người kém may mắn ở Haiti, đặc biệt là hỗ trợ người dân ở thị trấn ven biển cảng Jacmel của Haiti, thông qua giáo dục, giáo dục sức khỏe và xây dựng hệ thống vệ sinh.
Cũng trong phần tiểu sử trên trang web, James Solages cho biết trước đây anh ta từng lãnh nhiệm chức Tổng chỉ huy đội vệ sĩ cho Đại sứ quán Canada ở Haiti.
Theo NPR, Cơ quan quan hệ đối ngoại của Canada đã đưa ra một tuyên bố không đề cập trực tiếp đến James Solages, nhưng xác nhận một trong những kẻ tình nghi bị cáo buộc trong vụ sát hại Tổng thống Moise đã được một nhà thầu tư nhân “thuê làm vệ sĩ dự bị trong một thời gian ngắn” tại đại sứ quán của họ.
Trong khi đó, theo Straitstimes, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jalina Porter cho biết Mỹ “chắc chắn biết” về việc bắt giữ các công dân Mỹ liên quan đến vụ ám sát, nhưng từ chối bình luận, và viện dẫn luật về quyền riêng tư.
Như vậy có thể thấy, truyền thông dòng chính Mỹ đã “vô tình” cung cấp góc khuất về những gì đã và đang xảy ra ở Haiti? Nhiều lần, các quan chức Haiti đã sử dụng thuật ngữ “Lính đánh thuê” để mô tả những người có liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse. Truyền thông dòng chính tại Mỹ đều dùng cụm từ “Lính đánh thuê” để mô tả những nghi phạm liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse. (Ảnh chụp qua màn hình)
Nếu những kẻ giết người thực sự là “Lính đánh thuê”, phải chăng có một thế lực nào đó đã lên kế hoạch và trả tiền cho nhóm “Lính đánh thuê này” để thực hiện mục đích của họ.
Một nhóm sát thủ được đào tạo bài bản, đã lên kế hoạch cẩn thận cho cuộc tấn công này, và “nằm vùng” tại Haiti trước đó 3 tháng. Các quan chức Haiti tiếp tục sử dụng thuật ngữ “lính đánh thuê” chắc chắn là có gì đó… đầy “uẩn khúc” và đáng báo động.
Và tại thời điểm này, có vẻ như ít nhất trong số “lính đánh thuê” đó có 2 nghi phạm là người Mỹ …
Nguồn: NTDVN