Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng thuận thông qua một dự luật hôm 14/07 nhằm ngăn chặn việc nhập cảng tất cả các sản phẩm từ khu vực tây bắc của Trung Quốc, nơi có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số đang bị giam giữ trong các trại “cải tạo chính trị” ẩn giấu.
Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, một dự luật lưỡng đảng, sẽ tạo ra một giả định (“giả định có thể bác bỏ”) rằng tất cả hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương đều do lao động cưỡng bức sản xuất và do đó bị cấm theo Đạo luật Thuế quan năm 1930, trừ khi có chứng nhận khác của các nhà chức trách Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), đã đệ trình dự luật này cùng với Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon), nói rằng sự thúc đẩy của luật này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh “và bất kỳ công ty quốc tế nào thu lợi từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương … không còn như vậy được nữa.”
Hoa Kỳ sẽ “không nhắm mắt làm ngơ” trước “tội ác phản nhân loại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), cũng như “không cho phép các tập đoàn tự do kiếm lợi từ những sự lạm dụng khủng khiếp đó,” ông Rubio nói.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa này nói rằng một khi dự luật được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, Hoa Kỳ sẽ có nhiều công cụ hơn để ngăn chặn các sản phẩm làm từ lao động cưỡng bức xâm nhập vào chuỗi cung ứng của đất nước.
“Chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa, và tôi kêu gọi các đồng sự tại Hạ viện nhanh chóng gửi dự luật này cho Tổng thống,” ông Rubio nói.
Các phụ tá của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa cho biết họ kỳ vọng dự luật này sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Hạ viện, lưu ý rằng Hạ viện đã từng thông qua một dự luật tương tự bằng một cuộc bỏ phiếu gần như đồng thuận hoàn toàn vào năm ngoái (2020).
“Không một tập đoàn Mỹ nào được hưởng lợi từ những sự lạm dụng này. Không còn người tiêu dùng Mỹ nào vô tình mua phải các sản phẩm làm từ nô lệ khổ sai,” ông Merkley cho biết trong một tuyên bố.
Dự luật này sẽ vượt xa các bước đã từng được thực hiện nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ trước những cáo buộc lạm dụng các quyền ở Trung Quốc, chẳng hạn như các lệnh cấm hiện đang áp dụng đối với cà chua, bông và một số sản phẩm năng lượng mặt trời của Tân Cương.
Nhà cầm quyền Trung Cộng đã và đang bị cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tân Cương.
Những người Duy Ngô Nhĩ từng là tù nhân đã nói với The Epoch Times rằng họ phải chịu sự tra tấn, buộc phải từ bỏ đức tin của mình và buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi bị giam giữ không rõ lý do trong những cơ sở thường xuyên chật ních người.
Người Duy Ngô Nhĩ—đa số là người Hồi giáo dòng Sunni – cùng các dân tộc thiểu số khác như người Tây Tạng, cũng như các tín đồ tôn giáo vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước, bao gồm cả các tín đồ Cơ Đốc giáo và học viên Pháp Luân Công, từ lâu đã bị Trung Cộng nhắm tới để chuyển hóa thông qua “cải tạo.”
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc về hành vi diệt chủng và cưỡng bức lao động tại khu vực này.
“Người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác ở Tân Cương đang bị cưỡng bức lao động, tra tấn, tống giam, cưỡng bức triệt sản và bị nhà cầm quyền Trung Cộng gây áp lực buộc từ bỏ các hoạt động tôn giáo và văn hóa của họ. Không một tập đoàn Mỹ nào được hưởng lợi từ những sự lạm dụng này. Không còn người tiêu dùng Mỹ nào vô tình mua phải các sản phẩm làm từ nô lệ khổ sai,” ông Merkley cho biết.
Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ cho biết trong một tuyên bố rằng họ rất biết ơn Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật này, điều này sẽ “gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc tiếp tục xuất cảng hàng hóa làm từ lao động cưỡng bức.”
Nguồn: ETViet