Tòa án tại tỉnh Cà Mau vừa tuyên phạt 5 năm tù đối với một người với tội danh ‘làm lây lan dịch bệnh’.
Ngày 6/9, Tòa án Nhân dân thành phố Cà Mau đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Lê Văn Trí, 28 tuổi, 5 năm tù giam và 20 triệu đồng về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Ông Trí sống tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, làm thuê tại chợ đầu mối Bình Điền ở quận 8, TP HCM.
Theo cáo trạng, vào tháng 7/2021, dịch bệnh Covid-19 ở TP HCM diễn biến phức tạp, đại lý nước đá ngưng hoạt động nên ông Trí trở về Cà Mau bằng xe gắn máy.
Khoảng 1 giờ ngày 2/7, ông Trí cùng một người nữa về đến chốt kiểm soát dịch bệnh Covid -19 trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp và khai báo y tế. Tại đây, ông được cán bộ trực chốt thông báo khi về địa phương phải khai báo y tế để được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà.
Cũng theo cáo trạng, sau khi qua khỏi chốt, ông Trí chở người kia đến Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau làm thủ tục nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tại đây, ông được cán bộ Trung tâm hỏi có tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 và trong vòng 21 ngày qua có đi đến hoặc từ ngoài tỉnh không, ông Trí trả lời không.
Cáo trạng ghi thêm ngày 3/7, UBND xã An Xuyên có quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với người từ tỉnh khác đến Cà Mau đối với ông Trí trong thời gian 21 ngày.
Tuy nhiên, cũng theo cáo trạng, ông Trí đã không chấp hành quy định, dẫn tới việc làm lây nhiễm cho 19 người, trong đó có một người tử vong. Bản thân ông Trí có kết quả xét nghiệm dương tính đối với Covid-19 vào ngày 7.7.
Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như khai nhận của bị cáo tại phiên tòa, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt Lê Văn Trí 5 năm tù giam và 20 triệu đồng.
“Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Nói với BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng việc khai báo gian dối và không chấp hành đúng quy định về cách ly là nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh. Điều này không phụ thuộc việc bị cáo có biết mình nhiễm bệnh và làm lây lan cho người khác hay không.
“Nếu theo cáo trạng thì xử lí là đúng quy định pháp luật, đúng theo công văn hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán về điểm c khoản 1 của Điều 240.”
“Nhưng vấn đề pháp lý đặt ra là giá trị pháp lý của công văn này. Công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể căn cứ vào đó mà điều chỉnh hành vi của người dân. Tuy nhiên, trong tình thế cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh mà nhiều người dễ dàng chấp nhận công văn này.”
Luật sư Sơn cũng nói thêm, nếu đứng về khoa học pháp lý thì không thể chấp nhận được vì theo luật sư: “Muốn nó trở thành văn bản có tính quy phạm pháp luật, có giá trị áp dụng đối với người dân, thì nó phải được ban hành dưới dạng nghị quyết của Hội đồng thẩm phán.”
Bên cạnh đó, trao đổi riêng với BBC News Tiếng Việt, một số luật sư và chuyên gia luật tại Việt Nam khác thì cho rằng các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch là có thể xác định được.
Tuy nhiên, đối với tội danh làm lây cho người khác, hoặc thậm chí gây ra hậu quả làm người khác tử vong thì khó xác định hơn nhiều.
“Hầu như không thể xác định được chắc chắn một người chết do bệnh Covid-19 là do lây từ người A hay người B cụ thể nào. Có thể nạn nhân từng tiếp xúc với anh A hay anh B đó, nhưng lại bị lây virus từ một nguồn khác. Đây là khía cạnh dễ dẫn đến kết án sai,” một luật sư tại Sài Gòn chia sẻ.
Nguồn: BBC Tiếng Việt