Sáng 4 tháng 10 năm 2021, ông Phạm Văn Dân – Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm (Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) xác nhận với báo chí Nhà nước rằng, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Trúc Lâm Yên Tử qua Trung tâm đón tiếp Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Khu rừng ông Dân nói đến là rừng thông ba lá được trồng vào năm 1985, trữ lượng 658 cây. Ông Phạm Văn Dân giải thích với dư luận, khu vực này là rừng trồng, không phải rừng tự nhiên. Ban quản lý đã đóng một khoản tiền vào ngân sách nhà nước để trồng rừng khác thay thế.
Theo Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, dự án được thực hiện nhằm phục vụ phát triển khu du lịch. Con đường khi hoàn thành sẽ kết nối nhánh trái và nhánh phải thay vì phải đi qua bờ đập hồ Tuyền Lâm như trước đây.
Anh Nhơn, một cư dân Đà Lạt nêu ý kiến về việc này trên Facebook cá nhân của anh:
“Tôi rất thường ra hồ Tuyền Lâm tập thể dục buổi sáng, dù đi từ hướng nào như đường Triệu Việt Vương hay đèo Prenn thì đường xá rất rộng rãi để vào khu du lịch này. Vậy tại sao phải làm thêm một con đường nữa khi mà phải phá bỏ khu rừng thông ba lá 36 năm tuổi được trồng từ năm 1985?
Không khó để phán đoán đằng sau việc “mở đường” đó là những lợi ích bất động sản tính từ trung tâm ra bờ hồ! Vì một con đường mới là không cần thiết.”
Theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, từ năm 2012 đến năm 2017 – chỉ hơn năm năm – diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. Hiện nay, tỉ lệ cây xanh ở các đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.
Trồng rừng và gia tăng độ che phủ của rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững. Việt Nam không là ngoại lệ.
Với biện hộ của ông Phạm Văn Dân là khu rừng bị phá để làm đường ở Đà Lạt là rừng trồng chứ không phải rừng tự nhiên, chuyên gia Môi trường Đặng Hùng Võ phân tích với RFA:
“Nói về góc độ pháp luật thì rừng trồng có thể phá được. Nhưng tôi cho rằng nhược điểm của pháp luật hiện nay là khái niệm rừng trồng và rừng tự nhiên trong pháp luật hiện nay là chưa rõ, chưa mạch lạc. Đó là khiếm khuyết về pháp luật. Ngữ nghĩa rừng trồng chỉ là rừng từ con người trồng mà ra, nhưng sự thực mà nói thì rừng tự nhiên hay rừng do con người trồng nó còn mang nhiều nghĩa nữa mà đáng lẽ phải được định nghĩa chặt chẽ hơn.
Ví dụ có những khu rừng rõ ràng do con người trồng ra vài ba trăm năm, hiện nay vẫn còn chủ, thì chắc chắn ý nghĩa của nó không khác gì rừng tự nhiên. Do đó, tôi cho rằng trước hết phải bàn về khiếm khuyết của quy định pháp luật bởi nó chưa phù hợp với yêu cầu của cuộc sống về mặt bảo vệ rừng.
Đầu tiên là phải làm cho pháp luật chặt chẽ hơn. Khi pháp luật chặt chẽ rồi thì việc thực thi mới dễ dàng, còn khi pháp luật mù mờ thì việc thực thi dễ bị lợi dụng. Tôi cho rằng mặc dù Việt Nam đã có Luật lâm nghiệp 2017 nhưng pháp luật về bảo vệ rừng vẫn chưa phù hợp với thực tế.”
Đầu năm 2017, Ban chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ký.
Nghị quyết định hướng phát triển du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Mục tiêu đặt ra là thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD, tạo 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch được thể chế hoá bằng một số nghị quyết, nhiều khu du lịch, khu nghỉ dưỡng mọc lên ở khắp nơi phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Một số dự án thậm chí xâm hại nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường, đe doạ sự phát triển bền vững của đất nước.
Những dự án mang danh “du lịch nghỉ dưỡng” khiến những cánh rừng thông ở Đà Lạt bị phá nát, núi đồi bị xẻ để nhường chỗ cho những biệt thự, khách sạn cao cấp; những bãi biển hoang sơ bị băm nát bởi hàng loạt khách sạn nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Thậm chí đất rừng phòng hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cũng bị phá để xây công viên nghĩa trang; rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên bị san bằng để xây khu du lịch…
Đầu tiên là phải làm cho pháp luật chặt chẽ hơn. Khi pháp luật chặt chẽ rồi thì việc thực thi mới dễ dàng, còn khi pháp luật mù mờ thì việc thực thi dễ bị lợi dụng. Tôi cho rằng mặc dù Việt Nam đã có Luật lâm nghiệp 2017 nhưng pháp luật về bảo vệ rừng vẫn chưa phù hợp với thực tế. – Chuyên gia Môi trường Đặng Hùng Võ
Phá rừng, ngoài tàn phá vẻ đẹp thiên nhiên còn gây ra biến đổi môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Tuy thế, hành động này nhiều chục năm trước đây lại được coi là “thành tích khai hoang”.
Ông Trần Bang, kỹ sư xây dựng, thành viên nhóm bảo vệ môi trường kể với RFA:
“Nói chung, tất cả các công trình thủy điện mà tôi từng làm thì đều có liên quan chuyện phá rừng. Ngay xưa phá rừng được cho là bạt núi ngăn sông, là khai hoang bởi bản chất rừng nguyên sinh là rừng hoang. Vì cuộc sống con người, khai hoang được cho là thành tích. Đó là thời ấu trĩ. Thời mà cứ thấy nhà máy mọc lên, ống khói nghi ngút được coi là kinh tế phát triển sầm uất.
Đến khoảng năm 2010 thì mọi người mới thấy rõ ảnh hưởng của việc phá rừng lên môi trường, cây xanh giảm đi ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, nói về quan điểm bảo vệ môi trường thì phá rừng nào cũng không hợp lý, kể cả rừng trồng hay rừng tự nhiên.”
Tháng 4 năm 2021, Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch đề ra đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Trong khi đó, rừng thông ba lá 36 năm tuổi lại bị chính quyền Thành phố Đà Lạt cho phá đi để làm đường cho khu du lịch.
Nguồn: RFA