Một cô gái trẻ người Ê Đê mà môi giới đưa sang Ả Rập Xê Út làm ô sin nhưng tử vong vì bị chủ nhà đánh, đã được chôn ở nước sở tại chứ không được đưa về nhà dù gia đình đã có giấy ủy quyền. Vụ việc bị cho do sự tắc trách của môi giới xuất khẩu lao động trong cũng như ngoài nước.
Thanh Trúc
Những cô gái vị thành niên người dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk do VINACO, công ty môi giới xuất khẩu lao động, từ Thanh Hóa lên tận nơi rủ rê, thay đổi năm sinh trong hộ chiếu cho đủ tuổi lao động, rồi đưa sang Ả Rập Xê Út làm nghề giúp việc nhà.
Trong số các em này thì H’Xuân Siu, sinh ngày 30/10/2003, được VINACO đưa sang Ả Rập Xê Út ngày 18/10/2018, qua đời ngày 18/7 /2021.
Khi được hung tin thì gia đình em H’Xuân Siu ở Việt Nam đã yêu cầu công ty VINACO giúp đưa xác em về. VINACO đòi gia đình làm giấy ủy quyền, sau đó thông báo là có thể cuối tháng mười đầu tháng mười một năm 2021 thi hài sẽ được chuyển về cho gia đình.
Tuy nhiên, hôm 4/11 vừa qua, chị ruột của cô là H’Soan, nhận được cuộc gọi từ VINACO báo tin là bên Ả Rập Xê Út đã chôn cất H’Xuân Siu rồi:
“Em ơi chị là chị Phượng ở công ty VINACO đây. Thế thì hôm nay chị gọi để báo tin về trường hợp của H’Xuân thì hôm 4/10 nhận được hồ sơ ủy quyền của gia đình mình thì đã gởi ra Hà Nội để công chứng thị thực. Ấy thì công văn có báo ngày 11/10 rằng Đại Sứ quán của ta đồng ý, không phản đối việc đưa thi hài em về nước”
“Thế nhưng ngày hôm qua thì công ty mới nhận được công văn, công hàm của Đại Sứ quán Việt Nam báo về là cái thời gian chờ quá lâu, mà bên kia thì tình hình dịch khá căng thẳng nên họ thông báo với Đại Sứ quán Việt Nam là việc bảo quản thi hài lâu quá là trái với qui định pháp luật bên đó. Nên là ngày 10/10 là em ấy được chuyển ra chôn ở nước sở tại. Đấy cho nên là hồ sơ của mình chậm mất một ngày so với ngày mà Đại Sứ quán ra công hàm, cho nên thi hài em H’Xuân đã được chôn cất bên đó rồi”.
Khi được cô H’Soan hỏi tại sao chưa có sự đồng ý của gia đình cô mà đã mai táng người chết bên Ả Rập Xê Út, bà Phương của VINACO giải thích bằng cách hỏi lại cô H’Soan rằng:
“Chị hỏi một chút, cái đợt mà công ty có làm công văn tức là nếu gia đình không có câu trả lời trước ngày 16/9 thì bên đó tiến hành chôn cất em H’Xuân. Đến ngày 22/9 gia đình mình mới chấp thuận ký hồ sơ ủy quyền đúng không? Thế thì công hàm của Đại Sứ quán số 221 có nói rõ nêu như Việt Nam mình không có câu trả lời trước ngày 16/9 thì họ sẽ tiến hành chôn cất ngay nước sở tại”.
Được biết gia đình người quá cố gồm mẹ và người chị tên H’Soan rất đau khổ và bất bình khi nghe tin em gái phải nằm lại xứ người Ả Rập Xê Út thay vì được đưa về nước như tin mà VINACO thông báo trước đó.
Lý do chậm trễ, nếu có theo cô chị H’Soan, là vì sự đi lại và thủ tục rắc rối. Ủy ban xã C’Amung, huyện E’leo, tỉnh Đắk Lắk, nơi sinh quán của H’Xuân Siu, không giải quyết vì người mất có tới hai năm sinh khác nhau, 2003 là năm sinh thật và 1996 là năm bị VINACO đổi trên hộ chiếu đi Ả Rập Xê Út:
“Phải tốn tiền tốn bạc photo giấy tờ, đi tới đi lui. Xã muốn chứng thực năm sinh 2003 nhưng bên VINACO không chấp nhận, nói phải theo yêu cầu của họ là 1996 mới có thể đưa xác em H’Xuân về”
“Em đã đi đi lại lại trong hai tuần, xã không chứng thực trước ngày 16/9. Có một ông luật sư ở Buôn Ma Thuột gọi cho em bảo muốn giúp gia đình ký giấy ủy quyền đó. Em phải mượn tiền thuê tắc xi chạy lên Buôn Ma Thuột, tới ngày 22/9 mới ký giấy nên chậm trễ thời gian ủy quyền trước ngày 16 đấy”.
Vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đắk Lắk này cho hay chưa thể nói gì với RFA về chuyện ông biết.
Nguyện vọng duy nhất của gia đình, cô H’Soan nói tiếp, là phải đưa được H’Xuân Siu về chứ không thể mất tăm dấu vết như vậy được:
“Chôn rồi cũng phải đem xương cốt về bởi vì gia đình không đồng ý chôn cất em ở bên đấy. Phải đem xương cốt về dù là phân hủy cũng được. Em nghĩ chắc họ sợ tốn tiền hay sợ vì lý do họ làm hộ chiếu giả cho em của em”.
Cho tới giờ phút này, vẫn lời cô H’Soan, bằng vào đoạn âm thanh từ một người bạn của H’Xuân Siu ghi lại, thì H’Xuân Siu chết vì bị đánh trong khi làm việc cho nhà chủ:
“Em H’Xuân nói em xin nghỉ ngơi mà bà chủ không cho nghỉ. H’Xuân bị đau đầu rồi mà bà chủ vẫn đánh. Cả đêm H’Xuân không ngủ được vì bị đau mắt. Họ độc ác với Xuân lắm. Xuân có gọi cho Nhung (môi giới) nhưng đổi lại Nhung không chịu giúp đỡ, còn chửi lại H’Xuân. Cuối cùng H’Xuân bảo không chịu ở nhà bà chủ đó nữa”.
“H’Xuân có nói với bà chủ rồi mà bà chủ vẫn đánh và không cho H’Xuân nghỉ ngơi. Cứ làm miết giờ này tới giờ khác. Rồi H’Xuân có gọi cho Nhung với Khánh, bảo cố gắng rồi mà không làm nỗi nữa, mệt quá. H’Xuân xin với Nhung với Khánh cho về văn phòng nhưng họ không cho”.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, từ tháng 7/2021 đã lên tiếng báo động về những vụ xuất khẩu các em vị thành niên người Ê Đê hay J’Rai qua Ả Rập Xê Út như trường hợp H’Xuân Siu hay H’Ngọc Niê, nói rằng qua theo dõi của BPSOS thì trong ba tháng qua tùy viên lao động nước ngoài của Đại Sứ quán Việt Nam, kể cả đại diện VINACO bên Ả Rập Xê Út là ông Nguyễn Duy Khánh, đã tắc trách và cố tình bê trễ việc xử lý cũng như giải quyết hồ sơ tử vong của em H’Xuân Siu:
“Lẽ ra Bộ Ngoại Giap Việt Nam với Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út phải hướng dẫn gia đình em H’Xuân từng bước một ngay khi biết em H’Xuân qua đời. Công ty VINACO muốn ép gia đình ký giấy ủy quyền chiếu theo năm sinh (giả) trên hộ chiếu là 1996. Gia đình không chịu mà chính quyền xã ở Đắk Lắk không thể xác nhận hay chứng thực được. Cứ vì như vậy mà chậm trễ nhiều tuần”.
“VINACO đã dựng cả một đường dây làm hộ chiếu thật nhưng tuổi thì sai cho không riêng em H’Xuân mà cho nhiều em khác nữa cũng là người Tây Nguyên, đi trong chương trình xuất khẩu lao động của Nhà nước. Hiện một số em còn đang ở bên Ả Rập Xê Út”.
Câu chuyện H’Xuân Siu đi lao động lúc chỉ mới 14 tuổi rồi chết ở Ả Rập Xê Út tháng Bảy năm nay, một lần nữa khiến dư luận bên ngoài chú ý. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng:
“Ngày 27/10, Hạ viện Hoa Kỳ có cuộc điều trần về tình trạng buôn người, Dân biểu Christopher Smith cũng nhấn mạnh về nạn buôn phụ nữ và trẻ em Việt Nam, trong đó có những giới chức Việt Nam là thủ phạm hoặc đồng lõa. Ông Chris Smith yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa Việt Nam xuống hạng 3 (Tier3 – Báo cáo về nạn buôn người) trong năm tới đây”.
Từ tháng 6/2021, phúc trình của Liên Hiệp Quốc về nạn buôn người, nhất là phụ nữ và trẻ em, từng cáo giác Việt Nam lợi dụng chính sách xuất khẩu lao động khiến tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài tiếp tục xảy ra.
Đến ngày 4/11 vừa quá, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về buôn người, bà Sio Bhan Mullally, nhắc lại cáo buộc như trên đối với Việt Nam, lần này khẳng định điểm đến là Ả Rập Xê Út.
Nguồn: Đài Á Châu Tự Do