Hôm 14 Tháng Mười Một, sau 32 năm ròng rã đi khiếu kiện, ông Nguyễn Ngọc Lợi, 68 tuổi, được Đại Học Y-Dược thuộc Đại Học Thái Nguyên chấp thuận đền bù 3.2 tỷ đồng ($141,286).
Số tiền ông Lợi được nhận thực tế là 2.4 tỷ đồng ($105,964), phần còn lại là nhà trường sẽ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lãi bảo hiểm xã hội để ông Lợi được hưởng lương hưu.
Theo các báo ở Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Lợi, bác sĩ và là cựu quân nhân tham gia chiến trường miền Nam, được điều động đi học tại phân hiệu Đại Học Y Khoa Miền Núi, sau này là Đại Học Y-Dược thuộc Đại Học Thái Nguyên.
Ông Lợi tốt nghiệp trường này năm 1988, nhưng không được phân công công tác, không thể xin được việc làm.
Theo báo Thanh Niên, cả ba đời Thủ Tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc đều chỉ đạo “xử lý dứt điểm” vụ khiếu nại của ông Lợi nhưng bất thành.
Đề cập món tiền bồi thường mà mình nhận được, ông Lợi nói với báo VNExpress: “Đây là tiền bồi thường mất việc làm, tiền đào tạo sau đại học, tiền bồi thường danh dự, hao mòn sức khỏe, phí đi khiếu kiện, tiền bảo hiểm người ăn theo quân nhân, tiền hợp tác đi lao động nước ngoài bị hoãn do trường không cho làm sổ thông hành…”
Cũng theo báo này, tổng số tiền mà ông yêu cầu bồi thường lên tới 9 tỷ đồng ($397,368).
Liên quan vụ này, báo Thanh Niên dẫn kết luận của Thanh Tra Chính Phủ cho rằng trường Đại Học Y-Dược thuộc Đại Học Thái Nguyên “đã gây ra hậu quả khiến ông Lợi không được phân công công tác theo quy định của chính phủ, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà đất, chế độ người có công với cách mạng, chế độ sinh hoạt phí và các quyền, lợi ích chính đáng khác…”
Trong một bài đăng hồi Tháng Hai, báo Tuổi Trẻ cho biết năm 1997, ông Lợi cưới vợ nhưng không có ai xác nhận nhân thân nên ông phải kết hôn “chui.” Sau đó con ông phải đi học trái tuyến.
“Con tôi thi đại học cũng không có hộ khẩu, nhưng may mắn có nhiều nơi bảo lãnh, xác nhận nên chuyện học hành của cháu chỉ gặp khó khăn lúc đầu,” ông Lợi kể lại.
Trước ông Lợi, các vụ khiếu kiện kéo dài hơn chục năm đã có tiền lệ tại Việt Nam. Theo báo Tuổi Trẻ hồi cuối năm 2019, ông Thái Xuân Đàn ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, phải sống trong thân phận bị can suốt 18 năm.
Đến khi ông làm đơn khiếu nại thì mới biết vụ án “Cố ý gây thương tích” mà ông là nghi can đã bị đình chỉ từ năm 2012, thế nhưng quyết định này đã không được tống đạt đến ông. (N.H.K)
Nguồn: nguoi-viet.com