- Andrew Moran
Các chuyên gia tài chính cảnh báo, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể cần phải vượt qua một vài rào cản vào năm 2022 vì nhiều yếu tố có thể làm trật bánh sự phục hồi sau đại dịch.
Một trong những mối đe dọa này có thể là tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng của đất nước.
Khi các công ty treo biển “cần tuyển dụng” trên toàn quốc, các nhà tuyển dụng nói rằng họ không thể lấp đầy những vị trí này và có thể không phải do thiếu cố gắng. Các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, đang đưa ra một loạt các chiêu dụ, chẳng hạn như trả tiền cho các ứng viên đến phỏng vấn, thưởng cho nhân viên mới khi đăng ký, đồng thời cung cấp các lợi ích và đặc quyền hậu hĩnh.
Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang thiếu từ 4 triệu đến 6 triệu lao động so với mức trước đại dịch, mặc dù có gần 11 triệu cơ hội việc làm, mức gần kỷ lục. Tuy nhiên, sự tham gia của người lao động vẫn còn thấp do nhiều người lao động vẫn chưa tận dụng được các cơ hội việc làm. Vào tháng 11, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR) ở mức thấp nhất trong 43 năm là 61.6%.
Ông George Saravelos, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, cho rằng sự phục hồi của thị trường lao động Hoa Kỳ đang kém hiệu quả so với các nền kinh tế tiên tiến khác.
Ông cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Điều này có thể thấy rõ nhất so với Canada, nơi mà lực lượng lao động tham gia đã phục hồi hoàn toàn theo xu hướng trước COVID và việc làm đang bùng nổ. Phía cung sẽ cải thiện, kéo theo áp lực lạm phát giảm xuống; hoặc nếu phía cung không, giới hạn tốc độ tự nhiên của nền kinh tế sẽ thấp hơn giả định.”
Giám đốc chiến lược toàn cầu của JPMorgan, ông David Kelly, mô tả tình hình hiện tại là “tình trạng thiếu lao động lớn”, đồng thời nói thêm rằng có thể mất nhiều năm để giải quyết tình hình.
“Bất chấp mức tăng đáng thất vọng trong bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 11, nhiều điểm dữ liệu gần đây cho thấy nhu cầu dư thừa bất thường đối với người lao động. Ông Kelly viết, “Tất cả những lực lượng này nên từng bước giải quyết tình trạng cầu lao động quá cao hiện nay. Tuy nhiên, để ngăn chặn suy thoái, quá trình này có thể mất nhiều năm.”
Nhưng điều gì đang thúc đẩy xu hướng này?
Trích dẫn dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), ông Kelly ám chỉ 1.2 triệu người Mỹ không tìm kiếm việc làm vì đại dịch. Cho dù vì lo lắng về chăm sóc trẻ em hay lo lắng về COVID kéo dài, đại dịch đã làm gián đoạn thị trường lao động.
Goldman Sachs lưu ý rằng 2.5 triệu người đã nghỉ hưu trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu và khoảng một phần ba trong số đó là những người nghỉ hưu sớm. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu tại tập đoàn khổng lồ của Wall Street cảnh báo rằng điều này sẽ không đảo ngược với tốc độ đáng kể.
Một số nhà kinh tế cũng chỉ ra một bước phát triển mới đáng lo ngại trong thị trường lao động thời hậu đại dịch: Phong trào chống việc làm trong nhóm thế hệ Z.
Nhiều người trẻ đang áp dụng một thái độ xã hội mà—như bà Keelin Ferris, Phóng viên Liberty Nation, ghi nhận—bao gồm “lối sống không cần làm việc”. Các nghiên cứu như Khảo sát thế hệ mới của Deloitte Toàn cầu 2021 và Gen Z, đã phát hiện ra rằng một phần đáng kể nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi này muốn có nhiều quyền tự chủ hơn đối với lịch trình của họ, bao gồm cả việc không “bị buộc phải làm việc khi họ không muốn.”
Người Mỹ đã thêm khoảng 4 ngàn tỷ USD vào tài khoản tiết kiệm của họ trong suốt đại dịch, giúp một số người có đủ thời gian để sống bằng khối tài sản tích lũy cho đến khi tiền cạn kiệt hoặc một công việc mơ ước xuất hiện trên đường chân trời.
Các nhà kinh tế ING Carsten Brzeski, James Knightley, Bert Colijn, và James Smith đã tuyên bố trong một ghi chú nghiên cứu rằng nhiều người không có cảm giác cấp bách phải quay lại đi làm.
Các nhà kinh tế cho biết: “Ý nghĩ quay trở lại văn phòng và đi làm hàng ngày có vẻ không dễ chịu đối với nhiều người, và với thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy các kế hoạch lương hưu 401k, nghỉ hưu sớm có vẻ là một lựa chọn rất hấp dẫn.”
Trong khi những xu hướng này rõ ràng hơn ở Hoa Kỳ, thì điều kiện tương tự có đang diễn ra ở các nền kinh tế tiên tiến khác, như Canada không?
‘Câu chuyện về hai trận đại dịch’ ở Canada
Các nhà kinh tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lao động trên toàn thế giới. Các biện pháp kiểm soát biên giới, giới hạn nhập cư, lực lượng lao động già hóa, và yêu cầu được bồi thường tốt hơn và điều kiện làm việc linh hoạt đang làm tăng thêm áp lực lao động.
Các nhà kinh tế của ING viết: “Việc thiếu lao động lành nghề không chỉ là một triệu chứng khác của nền kinh tế hậu phong tỏa mà còn là kết quả của những phát triển cơ bản hơn ở Hoa Kỳ, khu vực đồng euro, và Anh.”
Nhưng đó có phải là những ngày nắng ở Canada không?
Vào tháng 11, Canada đã có thêm 153,700 việc làm, cao hơn ước tính của thị trường là chỉ có 37,500. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6%, trong khi lương trung bình theo giờ tăng với tỷ lệ hàng năm là 3% vào tháng trước, leo lên 31.18 CAD.
Các chuyên gia lưu ý rằng sự kết thúc của các công cụ hỗ trợ trong thời đại đại dịch đã thúc đẩy làn sóng tuyển dụng mới. Họ cho rằng điều này đã cho phép Canada đạt gần đến mức toàn dụng.
Tuy nhiên, ông Franco Terrazzano, giám đốc liên bang tại Liên đoàn Người nộp thuế Canada, cho biết, tình hình việc làm ở phía bắc biên giới không khả quan như Thủ tướng Justin Trudeau và các phương tiện truyền thông đưa ra.
Ông Terrazzano nói với The Epoch Times: “Chúng ta đã thấy một câu chuyện về hai đại dịch, một đại dịch đầy rẫy những nỗi đau của khu vực tư nhân và một đại dịch khác là sự thu lợi tài chính của chính phủ. Ngay cả việc phục hồi việc làm vẫn tiếp tục không cân bằng giữa chính phủ và khu vực tư nhân.”
Số liệu thống kê của Canada nhấn mạnh rằng hiện có thêm 275,200 việc làm trong khu vực chính phủ kể từ đầu cuộc khủng hoảng y tế công cộng COVID-19, nhưng lại có ít hơn 89,300 việc làm ở bên ngoài khu vực chính phủ. Ngoài ra, trong số tăng lên từ việc làm của chính phủ, khoảng 40% là các cơ quan hành chính công bổ sung.
Ông nói: “Chúng tôi cũng đã thấy chính phủ gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong việc thu hút mọi người trở lại làm việc vì các khoản trợ cấp khổng lồ do người đóng thuế tài trợ. Không cần có bằng Tiến sĩ kinh tế học để biết rằng nếu quý vị trả tiền cho mọi người không làm việc, thì sẽ có ít người làm việc hơn.”
Một cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Canada (CFIB) (pdf) đã phát hiện ra rằng 43% các doanh nghiệp nhỏ cho biết có những thách thức trong việc tuyển dụng vì một số công nhân “thà thu EI hoặc các lợi ích khác liên quan đến COVID”.
Liệu COVID kéo dài sẽ làm suy yếu thị trường lao động?
Các chuyên gia khẳng định rằng nhiều yếu tố đang bộc lộ có thể làm thay đổi vĩnh viễn thị trường lao động toàn cầu, từ việc thay đổi thái độ của người lao động đến việc các doanh nghiệp miễn cưỡng thực hiện tự động hóa một số hoạt động nhất định.
Một yếu tố đang được theo dõi chặt chẽ là ngày càng có nhiều người mắc các triệu chứng sau coronavirus, những thứ có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe lâu dài của nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù dữ liệu còn hỗn hợp, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Penn State ước tính rằng một nửa số người được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 sẽ chịu đựng các triệu chứng trong thời gian 6 tháng sau khi nhiễm virus. Các con số được đăng trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy 57% bệnh nhân nhập viện bị các triệu chứng hậu COVID, ngay cả sau nhiều tháng kể từ khi nhiễm bệnh.
Cuối cùng, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng người Mỹ sẽ quay trở lại làm việc và giải quyết tình trạng thiếu lao động của đất nước, đặc biệt là khi trợ cấp thất nghiệp tăng cường hết hạn và sinh viên quay trở lại trường học.
Nhưng nếu không có sự tăng tốc về việc làm, sự phục hồi kinh tế có thể gặp nguy hiểm.
Ông Gad Levanon, người đứng đầu Viện Thị trường Lao động của Conference Board: “Nếu không có các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và các nhà lãnh đạo tư tưởng nhận thức rõ ràng hơn những nguy cơ hiện tại mà tình trạng thiếu lao động gây ra, thì trong vài năm tới Hoa Kỳ có nguy cơ không thể phục hồi kinh tế hoàn toàn sau đại dịch .”
Với việc Cục Dự trữ Liên bang loại bỏ các công cụ hỗ trợ và cứu trợ chính sách, đồng thời chính phủ liên bang và tiểu bang áp dụng các biện pháp tài khóa thời đại đại dịch, người Mỹ có thể không còn cách nào khác là quay trở lại lực lượng lao động.
Ông Andrew Moran viết về kinh doanh, kinh tế và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập kỷ ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách: “Cuộc chiến về tiền mặt.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times